Nhân cách

Nhân cách
Một cái cây lớn lên nơi hoang dã, dẫu gió thổi cát bay, dẫu mây vờn mưa vũ thì hoa vẫn thơm, trái vẫn ngọt, cây vẫn sống kiên cường giữa thiên địa mênh mang…


(Ảnh: Pexels)


Một cái cây lớn lên nơi hoang dã, dẫu gió thổi cát bay, dẫu mây vờn mưa vũ thì hoa vẫn thơm, trái vẫn ngọt, cây vẫn sống kiên cường giữa thiên địa mênh mang…


Có câu ngạn ngữ rằng: Bánh dù lớn đến đâu cũng không thể lớn hơn miệng nồi, ý tứ là, chúng ta có thể làm ra chiếc bánh bao lớn là hoàn toàn phụ thuộc vào chiếc nồi ta đang dùng.


Cũng vậy, chúng ta đã đặt nhiều niềm tin và hy vọng vào tương lai, nhưng tương lai rộng mở bao nhiêu là hoàn toàn dựa vào nhân cách của mỗi người. Nhân cách lớn thì tương lai rộng mở, nhân cách cao đẹp thì tương lai sẽ rạng ngời thênh thang.


Người mưu cầu đại sự trước tiên phải coi trọng nhân cách


Thời Tống triều có một người đàn ông tên là Lữ Văn Tĩnh. Một ngày, Lữ Văn Tĩnh bàn với vợ: “Tương lai sau này, cả bốn con trai của chúng ta đều sẽ thành tài, chỉ là không biết đứa nào sẽ thành tựu nghiệp lớn, chúng ta hãy khảo nghiệm chúng thử xem sao”.


Vậy là nhân lúc bốn cậu bé đang chơi đùa ngoài sân, Lữ Văn Tĩnh bèn sai a hoàn cầm miếng ngọc bội đi ngang qua rồi giả vờ đánh rơi xuống đất. Khi ấy ba đứa nhỏ kêu lên thất thanh: “A… a… a…” rồi vội vàng chạy vào bẩm báo với mẹ, chỉ duy có đứa con thứ hai tên là Công Trứ vẫn tỏ ra bình thản, coi như không có gì xảy ra.


Lữ Văn Tĩnh thấy vậy bèn hỏi: “Ngọc vỡ rồi, sao con không sốt sắng gì vậy?”. Công Trứ đáp: “Ngọc đã vỡ rồi, có sốt sắng cũng nào có ích gì? Chi bằng không nghĩ tới nó nữa là hơn”.


Lữ Văn Tĩnh hiểu rằng đứa con này có khí chất phi phàm, bèn nói với vợ: “Đứa con thứ hai của chúng ta sau này nhất định sẽ làm nên đại nghiệp”. Quả nhiên, sau này Công Trứ được phong một chức quan lớn trong triều.


Người mưu cầu đại sự trước tiên phải có nhân phẩm lớn, gặp biến cố mà không kinh hãi, đối mặt với nguy nan mà vẫn trầm tĩnh, bình thản, ung dung; không hoảng không loạn, đó là khí chất của một bậc cao nhân.


Tô Tuân, một trong bát đại văn hào thời Đường Tống viết tác phẩm “Tâm thuật”, từng nói: “Vì tướng chi đạo, thái sơn băng vu tiền nhi sắc bất biến, mi lộc hưng vu tả nhi mục bất thuấn”, nghĩa là: Đạo của người làm tướng, dù cho núi Thái Sơn có đổ trước mắt thì mặt cũng không biến sắc, hươu nhảy bên cạnh mắt cũng chẳng may động. Đây chính là biểu hiện khí chất của bậc anh tài.


Cảnh giới càng cao, trí huệ càng lớn


Nhà quân sự, nhà chính trị đại tài thời cận đại của Trung Quốc là Tăng Quốc Phiên từng đàm luận về chủ đề: Làm sao để dựng lên nghiệp lớn? Ông nói: “Người mưu cầu đại sự, trước tiên phải có nhân phẩm lớn”.


Chim sẻ vĩnh viễn chẳng thể bay lên được mây xanh, ấy là bởi đôi mắt nó chỉ hướng xuống tìm ngũ cốc dưới mặt đất. Còn hùng điêu có thể bay lên tận đỉnh núi, chao nghiêng vờn lượn với gió mây, là vì nó luôn mở rộng tầm mắt mà chứa đựng cả núi sông đại địa!


Con người sống trên đời, ai ai cũng mang theo hoài bão. Người có đại nguyện, muốn làm nên đại sự, thì ắt phải có tâm đại nhẫn, tầm nhìn xa trông rộng, lòng khoáng đạt bao dung.


Vậy cũng nói, cảnh giới lớn mới có chí hướng lớn, nhân cách lớn mới thành tựu nghiệp lớn.


Có câu chuyện kể rằng, cây thạch lưu trồng trong chậu cảnh thì lớn nhất chỉ cao nửa mét; trồng trong bồn cây thì lớn nhất chỉ cao hơn một mét; nhưng cũng cây thạch lựu ấy, nếu đem trồng trong vườn thì có thể vươn mình lên 4-5 mét.


Chỉ một cây thạch lựu mà rơi vào hoàn cảnh khác nhau sẽ có những kết cục khác nhau. Con người cũng vậy, tầm cao của một người, trí huệ của một người cũng tương đồng với độ cao trong lòng họ.


Khi đứng trên đỉnh tháp, cả thành phố rộng lớn chẳng qua cũng chỉ là những tòa nhà ghép lại, còn trên máy bay mà nhìn xuống thì thành phố kia lại chỉ như những mảnh ghép đồ chơi. Cũng vậy, người có nhân cách lớn thường sẽ nhìn được toàn diện hơn, chi tiết hơn, đầy đủ hơn. Cho nên, người đứng càng cao thì nhìn sự việc càng bao quát, càng đầy đủ.


Ngược lại, người có nhân cách hẹp hòi thì tầm nhìn cũng eo hẹp, “nhất thành nhất địa” mà bó buộc chính mình. Họ không dám thử sức với điều mới lạ, mắt chỉ nhìn những tiểu tiết trước mặt, người như vậy vĩnh viễn chẳng thể làm nên đại nghiệp.


Nhân cách là một loại khí chất, cũng là một nét tình cảm


Nhân cách là một kiểu khí chất, là một nét tình cảm, là non cao nước trào trong tâm hồn, là trời đất tinh khôi nơi sâu thẳm cõi tinh thần.


Nhân cách lớn là một loại trí huệ, bậc đại trí thường tỏ ra khờ dại.


Nhân cách lớn là một loại cảnh giới, bậc đại dũng thường tỏ ra rụt rè.


Nhân cách lớn là một loại phẩm tính, người đại khéo lại như kẻ vụng về.


Nhân cách lớn là một loại tư thái, bậc đại tượng lại ẩn dật vô hình.


Giống như một cái cây lớn lên ở nơi hoang dã, gió thổi cát bay, mây vờn mưa vũ thì hoa vẫn thơm, trái vẫn ngọt, dù điều gì xảy ra thì nó vẫn là một cái cây kiên cường giữa thiên địa mênh mang…


Theo DKN