Nhịp điệu của cuộc sống

Nhịp điệu của cuộc sống
Dường như là nhịp điệu cuộc sống của chúng ta càng ngày càng nhanh. So với khoảng mươi mười lăm năm trước, chúng ta làm việc năng suất hơn, hiệu quả hơn, làm được nhiều thứ hơn.


Dường như là nhịp điệu cuộc sống của chúng ta càng ngày càng nhanh. So với khoảng mươi mười lăm năm trước, chúng ta làm việc năng suất hơn, hiệu quả hơn, làm được nhiều thứ hơn. Song thực tế là ngày của chúng ta trở nên ngắn hơn, chúng ta vội vã hơn, và dường như chúng ta xa rời bản ngã của mình hơn. Cổ nhân dạy chúng ta phải nâng niu trân quý từng giây từng phút của cuộc sống ngắn ngủi trên hành tinh này, phải đặt tâm mình vào từng việc nhỏ nhất để được hưởng phúc lạc của sự sống dưới ánh mặt trời. Nhưng bạn hãy thử nhìn xem người ta đang làm gì với cuộc sống của họ vậy?

Người ta chạy đua từ 2G lên 5G, điện thoại thông minh có tốc độ nhanh gấp hàng chục lần giữa các thế hệ. Xe ô tô chạy nhanh hơn, nấu ăn nhanh hơn, dọn nhà nhanh hơn, máy lạnh làm mát phòng nhanh hơn, giao hàng nhanh hơn, bộ xử lý vi tính có tốc độ cao hơn. Người ta chế biến ra thức ăn nhanh (fastfood), mỳ ăn liền, thực phẩm chế biến sẵn và hàng trăm nghìn loại thực phẩm chức năng có giá trị thay thế các bữa ăn hoàn hảo hàng ngày. Ấy vậy mà người ta vẫn không có đủ thời gian để hưởng thụ cuộc sống: người ta vẫn phải vừa lái xe vừa nhắn tin, vừa ăn vừa di chuyển, vừa họp vừa trả lời điện thoại, và luôn phải xin lỗi đến muộn vì tắc đường hay máy bay chậm. Rốt cục là việc gì đang xảy ra với chúng ta vậy?

Con người hiện đại đã hầu như quên mất những phút giây thư thả hưởng thụ cuộc sống. Bạn hãy hỏi chính bản thân mình xem lần cuối cùng bạn xem một bộ phim yêu thích là khi nào? Lần cuối cùng bạn đi nghe hòa nhạc là khi nào? Lần cuối cùng bạn tản bộ ở một làng quê yên tĩnh là khi nào?  Câu trả lời sẽ giúp bạn hình dung ra nhịp điệu cuộc sống đã bị xáo trộn đến mức nào.


Con người cứ vội vã, cứ mê mải mà không biết họ đang đẩy chính mình và xã hội vào một tình trạng hỗn độn không lối thoát. Vì vội vã quá mà họ quên mất rằng họ đã đi quá xa với những quy luật tự nhiên vốn luôn luôn chỉ đạo cuộc sống của họ.  Mỗi tế bào trong cơ thể họ vẫn trải qua một vòng đời được quy định trong DNA, trái đất vẫn cần 24 tiếng có lẻ để đi hết một vòng quanh mặt trời, và chiếc đồng hồ sinh học trong mỗi con người vẫn không hề thay đổi vận tốc trong suốt mấy nghìn năm qua. Mọi cố gắng của con người nhằm rút ngắn quy trình tự nhiên đều phải trả giá. Đó chính là tình trạng căng thẳng kéo dài (stress), là trầm cảm (depression), là mất ngủ, và các chứng bệnh bắt nguồn từ lối sống nặng nhất là ung thư.

Nếu ai có điều kiện lên vùng núi Tây Tạng thì sẽ hiểu được thế nào là thời gian thực sự. Ngày ở đây như dài hơn, nhịp điệu sinh tồn như giãn ra, mọi thứ như được diễn ra theo một trật tự quỹ đạo vốn có của riêng mình. Từ con bò đủng đỉnh gặm cỏ cho đến dòng suối chảy róc rách, từ bông hoa đội tuyết mọc lên cho đến những chú ong cần mẫn bay từ hoa này sang hoa khác. Đó chính là nhịp sống thực sự đã mất đi mà chúng ta cần tìm lại.

Đừng đổ lỗi cho ai. Hãy soi vào chính mình và những việc mình làm để từ đó tìm ra được lối thoát trước khi quá muộn. Những bài học mà cổ nhân chỉ ra cho chúng ta đã tồn tại mấy nghìn năm rồi. Nếu chúng ta vô tình chưa biết đến thì hãy bắt đầu tìm kiếm thôi. Bạn tìm cái gì thì sẽ thấy cái đó. Tôi tin là vậy.


Tuấn Khanh