Về một trận động đất
- Thứ bảy - 09/05/2020 08:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vào những năm Đạo Quang và Hàm Phong đời Thanh, tiên sinh Ngưu Thụ Mai đảm nhiệm chức tri phủ Ninh Viễn. Ông là quan thanh liêm, chuyên cần và cẩn thận, thành tích chính trị nổi bật, dân chúng đều ca tụng. Bỗng nhiên một ngày xảy ra động đất lớn, nhà ốc toàn thành đều bị đổ sập, số người tử thương nhiều không tính xuể, phủ nha cũng bị tổn hại nhiều chỗ. Con trai của tiên sinh cũng không may gặp nạn, bản thân ông cũng bị thương ở chân, đi đứng rất khó khăn.
Ngưu tiên sinh cảm thấy rất bất mãn, liền viết một bản sớ văn chất vấn Thần Thành Hoàng. Đại ý ông chỉ trích Thần Thành Hoàng hưởng hương hỏa của vạn dân mà lại không bảo hộ, toàn thành lớn thế này, chẳng lẽ đều là người ác sao? Bản thân ông làm quan cũng không có gì hổ thẹn với lòng mình, mà con trai thì chết, bản thân bị thương. Lẽ nào Đạo Trời không đáng tin? Thần linh giám sát cũng có sai lầm chăng?
Đến đêm, tiên sinh mộng thấy Thần Thành Hoàng mời ông đi, ngồi theo lễ chủ – khách, rồi nói với ông rằng: Tiên sinh đã dùng văn tự chỉ trích, lời lẽ thẳng thắn mạnh mẽ, đáng tiếc là không hiểu rõ đạo lý của quỷ Thần, do đó mời ông đến để nói chuyện, để giải thích những nghi ngờ và phỉ báng. Hễ có kiếp nạn lớn thì đều là do dân chúng tích tội nghiệt gây ra, tuyệt đối không phải ngẫu nhiên.
Tai họa động đất lần này, ở cõi vô hình đã tiến hành điều tra, ghi chép 50 năm. Những người không đáng chịu tai họa đều đã chuyển đến nơi khác. Những người đó nếu mà thời gian gần đây tạo ra tội nghiệt mới, thì sẽ lại chuyển trở lại. Cho dù là tức thời cũng có sự thay đổi khác biệt, tuyệt đối không thể không tra xét, không để ý đến sinh mệnh người dân.
Tiên sinh nói: Nếu đã như vậy, lẽ nào trong toàn thành lại không có một người thiện sao? Tôi và con trai tôi cũng chịu tội bị trừng phạt sao?
Thần Thành Hoàng nói: Vẫn còn có 3 nhà, thực sự khó mà trong thời gian ngắn chuyển đi được, hiện nay họ đều bình an vô sự. Một nhà là tiết phụ ở phố X, 3 đời ở góa, nuôi dưỡng một cháu trai nhỏ. Một nhà là thầy thuốc A, cả đời không bán thuốc giả. Có người mời ông đến khám bệnh, cho dù là nửa đêm trời mưa, đường lầy lội thì ông cũng lập tức đi, tận tâm chữa trị. Một nhà là cụ bà bán bánh rán và đứa cháu nội nhỏ của cụ, toàn bộ đều không bị nạn. Tiên sinh trở về tra xét là có thể tìm được, không lừa ông đâu.
Con trai của tiên sinh đời trước tạo nghiệp nặng, không thể nào thoát được. Ngay cả tiên sinh vốn cũng ở trong số kiếp này, nhưng vì làm quan thanh liêm, cẩn thận, do đó đã được giảm nhẹ, chỉ bị thương ở chân thôi. Tóm lại, Trời Thần thưởng phạt, cực kỳ thận trọng, quyết không vị tư, không có tai họa bừa, và cũng không có cái lý may mắn được miễn tội. Tiên sinh dốc sức là vị quan tốt, sau này sẽ thăng làm chức quan “Trần niết” (từ gọi thay Án sát sứ).
Ngưu tiên sinh nghe xong tạ từ Thần Thành Hoàng và bày tỏ xin lỗi. Sau khi tỉnh dậy, ông đi khắp nơi tra xét, quả nhiên tìm được tiết phụ và thầy thuốc. Cả nhà họ đều bình an vô sự, chỉ là do nhà thấp bé nên bị nhà cửa 2 bên che lấp, do đó không phát hiện ra. Chỉ có cụ bà bán bánh rán là phải trải qua nhiều lần tra xét tìm kiếm mới phát hiện ra ở một góc tạo thành do kèo mái nhà đỡ. Ngưu tiên sinh hỏi thăm, bà nói bình thường sống ở đây bán hàng, hễ gặp người già, yếu, tàn tật, thì cho dù họ không đủ tiền bà cũng bán cho, đôi khi còn bố thí, không lấy tiền.
Hai ngày trước khi động đất, người mua bánh rán bỗng tăng lên, cung không đủ cầu, thế là bà cùng đứa cháu đêm trước làm bánh rán để bán. Sau khi xảy ra động đất, hai bà cháu bị giam 3 ngày 3 đêm trong căn nhà đổ, đã dùng bánh rán để ăn. Bởi vì tường nhà đổ áp lực lớn, tự bản thân không thể nào thoát ra được, không ngờ giờ đây lại được thấy mặt trời. Ngưu tiên sinh nghe vậy vô cùng kinh ngạc, từ đó trở đi ông vô cùng tin vào đạo lý nhân quả, quỷ Thần, càng dốc sức làm quan tốt. Sau này quả nhiên ông được thăng làm Án sát sứ Tứ Xuyên.
Hồ sơ về Ngưu Thụ Mai, trong lịch sử thực sự có người này. Ngưu Thụ Mai (1791-1875), tên chữ là Tuyết Tiều, hiệu Tỉnh Trai, người Thông Vị, Cam Túc, là tiến sĩ năm Đạo Quang thứ 21. Ông từng đảm nhiệm các chức Tri huyện Chương Minh (thành phố Giang Du ngày nay), Tứ Xuyên, Tri châu Mạo Châu, Tri phủ Ninh Viễn và Án sát sứ Tứ Xuyên.
“Thanh sử cảo” có khen ngợi ông rằng: “Phán quyết án sáng suốt, thận trọng, những nội tình khuất tất của dân, không gì không xét rõ, khiến dân đều kính yêu.” Người dân địa phương gọi ông là “Ngưu Thanh Thiên”, còn xây một cổng “Đức chính phường” cho ông, cổng này đến nay vẫn còn, nằm ở thị trấn Thanh Liên, thành phố Giang Du, Tứ Xuyên, có lịch sử đã trên 150 năm. Ngưu Thụ Mai đảm nhiệm Tri phủ Ninh Viễn năm Đạo Quang thứ 28 (1848). Đương thời, phủ Ninh Viễn trực thuộc tỉnh Tứ Xuyên, thủ phủ của Ninh Viễn ở Tây Xương (thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay, là nơi tọa lạc của chính quyền châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn).
Về trận động đất này, đúng là đêm ngày mùng 7 tháng 8 năm Đạo Quang thứ 30 (tức ngày 12 tháng 9 năm 1850), Tây Xương xảy ra động đất cấp 7,5.
Theo “Thanh sử cảo” ghi chép: “Theo báo cáo của tri phủ Ninh Viễn, động đất mạnh, toàn thành sụp đổ, tử thương rất nhiều. Thụ Mai áp mình xuống nền nhà, được sống sót. Người đất Thục nói Trời để lại Ngưu Thanh Thiên để khuyến thiện. Thụ Mai tự trách mình đức mỏng, không thể bảo hộ được cho dân, càng tu tâm phản tỉnh. Do đó ông cứu giúp người dân bị tai họa rất khoan hậu, người dân càng yêu kính ông hơn.”
Tổng đô đốc Tứ Xuyên đương thời là Từ Trạch Thuần đã dâng tấu cho triều đình nhà Thanh rằng: “Tri huyện Tây Xương có tấu rằng: Giờ Hợi đêm ngày 7 tháng 8, huyện thành đột nhiên động đất, rung động lớn, nhà cửa sụp đổ. Tiếng kêu gào vang khắp thành. Vì ban đêm trời mưa, không thể đi cứu được. Đến khi trời sáng, gạch ngói đổ tắc khắp thành, không phân biệt được đường phố ngõ ngách, chùa miếu, thành lầu, nha thự văn võ và cả nhà tù, nhà kho đều đổ sập, người dân và binh lính bị đè chết nhiều không đếm xiết.”
Bản thân Ngưu Thụ Mai cũng viết một bài thơ “Tây Xương đại chấn kỷ biến”, miêu tả tình cảnh sau khi động đất rằng:
“Khôn duy dạ bán tẩu bôn lôi
Sơn nhạc chấn đãng hải ba đồi”
Tạm dịch:
“Bốn phương nửa đêm sấm động trời
Núi rừng rung chuyển biển sập rơi”
Và:
“Trì minh nhất vọng mãn thành bình
Dục biện nhai nha thùy năng hiểu”
Tạm dịch:
“Trời sáng nhìn quanh thành san phẳng
Phố xá quan nha chẳng người hay”
Bia lâm Tây Xương ở núi Lư Sơn cũng có ghi chép tường tận về trận động đất này.
Theo “Giác viên bút ký”