Trần Huyền Tâm với “Giọt nắng vô thường”
- Thứ tư - 23/10/2019 11:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Tập thơ của Trần Huyền Tâm NXB Hội Nhà văn – Tháng 7/2018)
(Nhà thơ KIM CHUÔNG)
Cầm trên tay tập thơ “Giọt nắng vô thường” với trên một trăm bài viết. Với cái tên “Trần Huyền Tâm.” Với đôi dòng kỷ niệm gợi về một cô gái hiền thục, dịu lành từng tham gia bốn khóa mùa hè lớp đào tạo, bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu sáng tác văn học của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình từ 1976 của thế kỷ hai mươi. Từ những năm Tâm mới vừa bước vào cái tuổi mười hai, mười ba gì đấy.
Thực tình, tôi thật vui. Thật xúc động, thầm biết ơn cái “khoảnh khắc đời người.” Cái “giây phút hệ trọng, ý nghĩa” thuở nào, để bây giờ, khi ngước mắt ngắm nhìn buổi hạt mầm gieo xuống. Buổi nhát cuốc lật lên. Buổi “ngày nắng” tràn về. Buổi sắc hương trước nhỡn tiền mùa gặt… Mà rưng rưng, trân quý trước “cái Có” đang cầm nắm trên tay.
Bất chợt, trong cảm hoài, tôi ngoảnh nhìn và nhớ về bốn mươi năm trước. Thuở ấy, nơi dãy nhà, Trụ sở đơn sơ của một Hội văn chương ở một miền đất lúa. Nơi chiến tranh vừa mới yên bình. Nơi gốc vối sần sù. Nơi rặng liễu buông mành thướt tha trong nắng. Nơi các nhà văn Tô Hoài, Phạm Hổ, Định Hải, Phong Thu, Bút Ngữ, Lê Bính, Kim Chuông ... đã bao ngày cùng “các nhà văn nhí” chuyên tâm “đốt lửa lò Văn, khơi nguồn thi hứng.” ... Rồi, bao ngày, thầy trò chân lấm bụi đường, dắt díu nhau đi khắp miền đất lạ, tìm phút va đập, phút thăng hoa, lóe sáng của hồn mình trước ba dòng: Thiên – Địa – Nhân cao rộng... Để bây giờ, gần nửa thế kỷ qua đi, đâu phải là biệt vô tăm tích. Đâu phải là thất bát, trắng tay! Những “Quả núi” trên bầu trời thi ca là niềm khát khao của nhân loại, có khi phải ngóng chờ hàng thế kỷ, hàng thiên niên kỷ đời người, có khi cũng chưa dễ có. “Cánh đồng thi ca” của Thái Bình trong cấy gieo, trong khiêm nhường hái gặt. Trong nhiều dáng vẻ, sắc hương. Trong nhiều nhánh, nhiều chiều góp vào dòng biển lớn, hôm nay, thật mừng có thêm “Giọt nắng vô thường” của Nữ Thi sĩ Trần Huyền Tâm, một hạt nhỏ tươi xanh từ mùa gieo xa ấy. Đây là niềm vui, niềm tự hào của Huyền Tâm, của Hội Nhà văn Thái Bình, của cả nền Văn học Thái Bình trong lịch sử văn chương đương đại...
Thì ra, cái “mắt bão thi ca” nó giông gió, nén dồn nơi Huyền Tâm, trong lặng lẽ quá dài. Từ những năm đang “ngự” trong “ngôi đền văn chương” của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Cô gái mới mười hai tuổi kia đã có bài in trên các báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, báo Tiền Phong, báo Thiếu niên Tiền phong, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Rồi, bốn lần Tâm giành được giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác. Đáng kể là, Giải Nhất Tâm giành được với chùm thơ ba bài. Và, một Giải Nhì, không có giải Nhất trong cuộc thi Thơ “Bảo vệ môi trường.”
Với Tâm. Với văn chương, bến mở ban đầu đã xốn xang, tươi vui là thế. Nhưng, bước vào Đại học, vào đời, Tâm lại chọn một lối rẽ khác. Tâm làm một cán bộ ngoại giao. Tâm học tập, tu nghiệp rồi dong ruổi, công cán, đặt bước chân mình qua các miền đất lạ của bốn biển, năm châu. Bốn mươi năm qua, Tâm phải bám vào “cái Nghề” ở đời để tồn tại, để sống. Còn văn chương là “Nghiệp.” Với văn chương, nó là khoảng sáng tâm linh. Là góc khuất. Có ai bắt mình? Có ai thúc ép mình? Văn chương là câu chuyện cuộc đời. Là tiếng lòng. Nó tự cháy lên, tự hát lên trong nhu cầu tri âm, sẻ chia, giải thoát. Bởi vậy, hơn bốn chục năm qua, Tâm vẫn lặng thầm, vẫn viết. Vẫn cất giấu bên lòng cái “Mỏ quặng” ấy. Giống như Bùi Thanh Huyền, Nguyễn Thị Toán, Bùi Lan Anh, Phạm Thị Lan Anh, Lã Bắc Lý, Minh Yến, Nguyễn Thị Minh Hương, Lam Châu, Đào Thị Bình… Những gương mặt đã đi qua lớp đào tạo, bồi dưỡng của Hội. Tôi biết, các em này vẫn giấu “lưng vốn” thi ca trong “ngăn kéo” riêng mình, vì lý do nào đó mà chưa công bố.
Đọc Tâm. Đọc “Giọt nắng vô thường.” Thật vui sao. Thơ Tâm Hay. Thơ mang vía hồn thi sĩ. Thơ hình thành khá đậm một cảm thức, một khuynh hướng tư tưởng rõ rệt. Mừng quá, tôi điện cho Nhà văn Bút Ngữ, vị Chủ tịch khởi xướng và có công đầu trong bao “nghi lễ” cho “Cửa Khổng sân Trình” ra đời để đón Tâm và các em ngày ấy về Hội. Nhà văn Bút Ngữ đã gần chín mươi tuổi. Ông vẫn khỏe, vẫn viết. Khi nghe tôi “khoe” về Thơ Tâm, ông run run, giọng cảm động. Ông nói như muốn khóc. “Ôi. Vậy à? Trần Huyền Tâm à? Trần Huyền Tâm làng Lác, Mê Linh, Đông Hưng ư? “Huyền Tâm - Ngõ nhỏ ngày mùa.” “Huyền Tâm – Trang thống kê của mẹ, phải không?... Quý quá. Ý nghĩa và hữu ích, chứ đâu phải là vô vọng, những ngày qua?” Trời! Nhà văn Bút Ngữ là thế. Ông vẫn nhớ tác giả, nhớ tên từng bài viết, mà các em đã in, đã được giải ngày nào.
Quả tình, thơ Tâm có gương mặt, có một dáng vẻ riêng. Điều này thật quý. Bởi, nhiều người viết nhiều, in nhiều, nhưng họ bị lẫn nhòa. Họ nhạt mờ chung chung, họ chìm tan trong khuất lấp.
Đọc “Giọt nắng vô thường,” ngỡ Tâm đang say mê gồng gánh, đang vùi mình tắm gội, đang uống thấm giữa hồn mình “Một Cao Xanh,” một thế giới của cõi khói sương hiển hiện, mà mát lành, mà thấm loang. Thiên nhiên trong thơ Tâm luôn bước ra như tiền đề, như cứu cánh, như cái nền để từ đó mà gọi về điểm nhấn. Hãy thử đọc, buổi người thơ gặp phút “Thu xa” :
Anh đi rồi, ngày vui cũng đi theo
Mây nhạt nhòa, nắng không ra nắng
Mưa dùng dằng quẩn quanh nơi ngõ vắng
Hoặc, trước một mùa đông, trong đêm Tây Hồ, cái xao động, cái rung của Tâm cũng được gọi dậy từ cõi ngoài, thực tại:
Khói sóng Tây Hồ nhớ những cánh thiên di
Hoa sữa chiều đông nhớ nồng nàn hè phố
Người đi xa nơi tận cùng nỗi nhớ
Có ấm lòng lắng chấm nhớ hương xưa…
Hoặc đây nữa, khi ngoái nhìn về năm tháng đời mình, trong bài: “Trăm năm tựa một giấc mơ” thì vẫn là Tâm với trực giác, với lối thơ từ ngắm nghía, từ đối cảnh sinh tình:
Tuổi hai mươi
Ta như sợi nắng mai
Góc phố yên bình thắp chùm phượng đỏ
Con dế vô tư ngủ ngon lành trong cỏ
Nụ tầm xuân xanh mát những đường thơ
Vâng. Những câu thơ “Tuổi hai mươi ta như sợi nắng mai”/ Đêm sương mòn một nửa vầng trăng”/ “Con dế vô tư ngủ ngon lành trong cỏ”... Là những câu thơ Đẹp. Ở đây, bởi bám vào thiên nhiên, bám vào cõi mộng để có cái “trong mộng - hồn mình,” nên mọi cảm rung của thơ Tâm không thể không có cái bên ngoài như “nắng mưa, hay chùm phượng đỏ, con dế vô tư, hay nụ tầm xuân” ... rồi gì gì nữa.
Một cánh bay lớn của thơ Tâm là Thiên nhiên, là Cảnh. Đọc thơ Tâm ta bỗng chạm vào câu Kinh Phật. Với: “Nhật nhật đối cảnh thì/ Cảnh cảnh tòng tâm xuất/ Tâm cảnh bản lai vô/ Xứ xứ ba la mật... Vâng. Tâm đi từ vòng rộng của “thế giới nổi”. Tâm như ở trong một Thế giới khác. Thế giới hiển hiện. Thế giới mênh mông, mịt mù thiên địa trong “tâm cảnh giao hòa” ngỡ không thể nhận ra ranh giới trong cái vô biên, cái “xứ xứ ba la mật” như vậy ...
Để rồi, Tâm “Ngộ”. Tâm lùi xa cái “vô minh.” Tâm khơi tìm cái “minh triết.” Tâm biết đường quay về, biết chọn tìm con đường thanh cao, “tịnh,” nơi thanh thản của “Bến Giác” mà thoát khỏi “Bến Mê” ... Để rồi, đây là cái gặp, “đắc được” từ “cơ duyên,” hay “thiên duyên” mà “ngộ,” mà “giác” trong câu thơ Tâm được đẻ ra từ hai chiều va đập ấy:
Sapa Thu, mơ màng khói chơi vơi
Nếp nhà xinh treo lên triền núi trẻ
Đôi cái ngủ đòng đưa trên lưng mẹ
Tiếng khèn ai gọi bạn giữa mây chiều.
Hoặc:
Em cứ đi, cùng mùa xuân đi qua
Những dãy phố lặng yên suốt mùa đông giá lạnh
Những cánh cửa mở tung trong màn mưa mỏng
Như chờ đợi em khe khẽ dắt xuân vào
Đấy phải chăng là thiên nhiên, là “thiên duyên” có từ miền Sapa nhìn ngắm, hay từ buổi Tâm đi cùng mùa xuân nào đó. Còn đây là “cơ duyên”, “cơ sự”. Cái cảnh đời trong nỗi niềm thấm trải:
Cõi mơ về khuya...Tình ơi bung biêng!
Chợ đã tan rồi lòng còn tơ rối
Bước chân ngoan xin đừng quên lối
Sương chung tình ôm ước hẹn lần sau.
Hoặc, đây cũng chính là “cơ sự” là cõi lòng cảm thương thẳm sâu trong lần thăm viếng Mẹ:
Con thắp nhang trong nỗi tái tê
Mẹ ở đâu giữa mênh mông hư ảo?
Bông lúa vàng, cánh cò thơm thảo.
Nắng xa rồi, mưa có bớt vô tư…
Hoặc, đây nữa. Nó là “cơ sự.” Là nỗi trái ngang của một thời hồn nhiên, lầm lỡ:
Thôi nhắc làm chi những kỉ niệm xưa
Ngõ vắng đầy trăng cái ngày chung lối
Một người đợi chờ cả thời con gái
Một người ngu ngơ mơ khúc ca buồn
Thật ít gặp những cảnh ngộ trong “Giọt nắng vô thường” trong thơ Tâm như thế. Thơ Tâm không bụi bặm, vỉa hè. Không phá phách, cuồng say. Không bi lụy, Không trái ngang, trụi trần, bi kịch. Thơ ít tình tiết, sự kiện. Ít xô bồ, gió sương, nổi chìm đời thực. Ít cảnh huống, cảnh ngộ với thân phận gian lao, vật vã, thậm chí xa xót, sầu thương.
Cái “tạng” của thơ Tâm, của tâm hồn Tâm là thế. Tâm không ngợp vùi vào sầu thương mà khuấy lên, mà khóc than, mà xé nát cõi lòng. Có it bài thơ Tâm viết thuở trẻ trung, thuở thuộc giai đoạn đầu đời, khi viết về mẹ cha, viết về tình yêu, hạnh phúc...Nhưng, cái nỗi niềm buồn đau, diết da, se thẳt, cũng chỉ vừa đủ gợi, đủ chạm tới. Còn Trần Huyền Tâm với “Giọt nắng vô thường” là dòng nổi, là cái “gốc” của áng “Thơ Thiền.” Thơ trong lành, dịu mát. Thơ vươn tới một vẻ đẹp cao sang, thánh thiện.
Có thể gặp xuyên suốt một lối mở trên mạch nổi thơ Tâm, thế này: “Là Ta, cái “bản ngã,” cái “chủ thể” đi giữa cõi vô thường, “Ta giống như nhỏ nhoi giọt nắng” trước bao nhiêu bi ai trần thế. Trước bao nhiêu cái “Dục.” Cái tham, sân, si, ái, ố… Hãy “Thức.” Hãy “Ngộ.” Hãy “Giác.” Mà “Tuệ.” Mà “Minh triết,” mà thanh tẩy, trút bỏ gánh nặng sầu đong mà rời “Bến Mê”để đi về “bến Giác” ...
Xoay quanh trục chính với ý thức ấy, dù viết về cảnh gì, sự gì, việc gì, tình gì... Vẫn là Tâm với cảm xúc ấy, tâm thế ấy, kết cục ấy ... Luôn diễn ra trên một dòng khơi trong, một dòng chảy thật êm xanh, phồn khí.
Ví như:
Tìm được mình trong khoảng trống dịu êm
Thương sóng gió mệt nhoài nỗi bể dâu ly biến
Cất bão dông vào thẳm sâu lòng biển
Ta vẽ lại đời bằng tĩnh tại trong veo.,.
Hoặc:
Tôi thấy tôi trong quán trọ trần gian
Giá áo, túi cơm, quay cuồng, chật vật
Khi chén rượu nồng, cà phê phiêu ngất
Danh, lợi, tiền, tài, hỉ, nộ, sân, si.
Hoặc:
Rồi một ngày giữa chốn thinh không
Bánh xe Pháp tỏa hào quang soi phủ
Thức tôi về với lời thề xưa cũ
Tôi quay đầu và tìm lại được tôi.
Hoặc:
Bỏ lại nơi đây dâu bể cuộc đời
Nỗi đớn đau nhân tình thế thái.
Con thuyền mình đầy niềm tin hòa ái
Thân tâm tĩnh tại, an nhiên.
Hoặc:
Cập bờ kia là bến giác bình yên
Là ánh sáng diệu kì lung linh Phật Pháp.
Chuông ngân nga tiếng thời gian tịnh khiết,
Trong trẻo nắng vàng, minh triết tòa sen
Vân vân & v.v...
Dễ nhận thấy, đọc “Giọt nắng vô thường,” gặp Trần Huyền Tâm với khá nhiều ngôn từ nói về cảnh giới tinh thần của những người tu Phật, của văn hóa thần truyền, như: “Giọt Giác, Viên minh, viên mãn, Phật Ân, hạo đãng, Sắc Không, Tịnh khiết, Từ bi, Bến Giác, Cõi Mê, Huyền không” ... Có thể, Trần Huyền Tâm chưa khơi sâu, văng xa và lắng dừng trong nét đậm ở cảm nhận, tái tạo. Ở khai sáng thật cụ thể, thật sâu và riêng rẽ hơn nữa ở “Vô ngã, Ảo ảnh. Ở vô thường, ở Vô minh, Tịnh khiết” ... từ gốc lớn của Nhà Phật, qua hình ảnh, hình tượng, qua biến ảo của thi ca làm giàu có hơn, phì nhiêu hơn ở nhiều tầng cảm rung, sáng tạo. Có thể, ở nhiều lát cắt, Trần Huyền Tâm mới chỉ chạm nhẹ vào cảm hứng phát lộ, nhưng nhìn chung, “Giọt nắng vô thường” vẫn cuốn say từ hồn thơ linh diệu. Vẫn tránh được cái nhẹ, cái mạch trôi đơn tuyến và khô.
Ở đời, Tâm là người luôn chịu khó luyện rèn. Tâm tu Phật. Tâm say mê tìm hiểu Phật Pháp. Tâm luôn tu tâm, sửa tính. Luôn hướng Thiện, bồi đắp lòng lành. Bồi đắp niềm tin, tình yêu thương, hòa ái.
Đọc “Giọt nắng vô thường,” ta luôn gặp Trần Huyền Tâm với gương mặt sáng. Với nét mát trong vời vợi. Tâm đang thanh thản, nhẹ tênh, bước giữa hai vũ trụ: “Cao Xanh.” Và, vũ trụ “Hồn mình”... thật ngọt đằm, mướt mát. Tâm như đang đi về nhẹ tênh giữa hai miền hư thực. Tâm đang “Gặp.” Đang “Ngộ.” Đang “Giác.” Đang trút bỏ mọi bụi trần mà “Tuệ.” Mà “Tịnh khiết”. Mà mơ về một nơi xa thẳm mênh mang trong bao la vũ trụ ngoài kia ... Và, những câu thơ từ Tâm hay từ “phía ngoài Tâm” đang hoài thai, đang thăng hoa, đang bay lên ngân vọng.
Ở hàng trăm bài thơ trong “Giọt nắng vô thường,” thơ Trần Huyền Tâm đẹp về thi liệu. Đẹp về ngôn thi, hình thi và tâm thi nữa. Thơ Tâm tinh tế trong cảm xúc. Bay bổng, thi vị trong dáng vẻ tâm hồn. Ở những bài thơ theo thể tự do, thơ Tâm không có những câu thật riêng, thật cá thể. Nhưng Tâm có nhiều câu thơ chắc, vững. Những câu thơ neo đậu nơi thành trì của cái Hay, cái Đẹp. Trong hàng trăm bài viết, ở “Giọt nắng vô thường” chỉ có 5 bài thơ theo thể Lục bát. Thật không ngờ, khi thử thách mình ở hình thức thơ khác, Lục bát của Trần Huyền Tâm lại nhuyễn, lại có những câu thơ riêng, dễ găm sâu vào trí nhớ người đọc.
Ví như, trong bài “Khi quá khứ gọi tên nhau,” Tâm viết :
Nước trong mà giếng thì sâu
Thương nhau ta nối dây gầu dài thêm
Hoặc:
Bao năm lạc bóng phai hình
Cao xanh giờ đã cho mình có ta
Hoặc, với: “Hữu duyên tương ngộ” thì :
Đường trần đôi ngả vô tình
Luân hồi mấy độ, bóng hình nhạt phai
Biết rằng là để ngày mai
Chốn xưa bĩ cực thái lai cùng về....
Hoặc, khi “Nói với người xưa” thì:
Một lần vướng lúm tiền xinh
Mấy đời ngồi gỡ cái tình đa đoan.
Hoặc:
Duyên tình trao gửi nơi nhau
Cũng là vay trước trả sau thôi mà...
Và:
Rời xa nhân thế vô thường
Thang mây đã rạng bước đường về quê… v.v...
Thế là, thi ca Thái Bình, thi ca đất nước lại có thêm “Gương mặt Thơ Trần Huyền Tâm” khai sáng. Thơ của một tâm hồn thi vị. Ý thức duy mỹ. Tư tưởng chủ đạo hướng tới cái “tịnh,” cái “minh triết,” đời người.
Nhớ buổi tìm về nhà Tâm, mới đó mà đã đi qua trên bốn mươi năm. Ngày ấy, qua Ty Giáo dục Thái Bình giới thiệu các em học sinh giỏi Văn qua các cuộc thi Văn Toàn quốc. Qua nguồn nữa, Tâm có sáng tác ngẫu hứng gửi về Báo Thái Bình. Tập san Văn nghệ của Ty Văn hóa thông tin tỉnh Thái Bình. Tôi đạp xe tìm đến xã Mê Linh, Đông Hưng gặp Tâm, chọn Tâm về lớp Văn của Hội. Tâm bé. Thông minh. Hiền dịu. Tâm có người cha anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tâm có người mẹ nơi quê nhà thật đôn hậu, yêu thương. (Bây giờ bà đã theo tổ tiên đi về miền siêu thoát.) Tâm có làng Lác với cánh đồng xóm mạc, với nắng mưa, năm tháng nhọc nhằn. Tâm có ông cậu ruột là cán bộ ngoại giao, có thơ đăng trên báo. Tâm đã và đang có thêm gần nửa thế kỷ đời người học hành, tu thân, lập nghiệp và cống hiến. Tâm đã đi qua bao chặng đường, bao bến bờ hẳn không thể phẳng lặng, dễ dàng để tôi luyện, hoàn chỉnh mình, để tìm lại được chính mình, một gương mặt khiêm nhường trong vẻ đẹp và đáng quý: “Trần Huyền Tâm!”
Bằng tất cả sự đắp bồi, kết tinh ấy, “Giọt nắng vô thường” của Trần Huyền Tâm đã cất cánh, đã ra đời, đã hát lên từ ngọn lửa đốt cháy nơi con tim mê say và nồng đượm : “Trần Huyền Tâm!”
Tôi thật vui. Chúc mừng Trần Huyền Tâm. Chúc mừng “Bến bờ Thi ca” ... Trần Huyền Tâm vừa neo đậu.
Vĩnh Bảo, Quê TrạngTrình – Những ngày Tháng Năm - 2018
Kim Chuông
(Nhà thơ KIM CHUÔNG)
Cầm trên tay tập thơ “Giọt nắng vô thường” với trên một trăm bài viết. Với cái tên “Trần Huyền Tâm.” Với đôi dòng kỷ niệm gợi về một cô gái hiền thục, dịu lành từng tham gia bốn khóa mùa hè lớp đào tạo, bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu sáng tác văn học của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình từ 1976 của thế kỷ hai mươi. Từ những năm Tâm mới vừa bước vào cái tuổi mười hai, mười ba gì đấy.
Thực tình, tôi thật vui. Thật xúc động, thầm biết ơn cái “khoảnh khắc đời người.” Cái “giây phút hệ trọng, ý nghĩa” thuở nào, để bây giờ, khi ngước mắt ngắm nhìn buổi hạt mầm gieo xuống. Buổi nhát cuốc lật lên. Buổi “ngày nắng” tràn về. Buổi sắc hương trước nhỡn tiền mùa gặt… Mà rưng rưng, trân quý trước “cái Có” đang cầm nắm trên tay.
Bất chợt, trong cảm hoài, tôi ngoảnh nhìn và nhớ về bốn mươi năm trước. Thuở ấy, nơi dãy nhà, Trụ sở đơn sơ của một Hội văn chương ở một miền đất lúa. Nơi chiến tranh vừa mới yên bình. Nơi gốc vối sần sù. Nơi rặng liễu buông mành thướt tha trong nắng. Nơi các nhà văn Tô Hoài, Phạm Hổ, Định Hải, Phong Thu, Bút Ngữ, Lê Bính, Kim Chuông ... đã bao ngày cùng “các nhà văn nhí” chuyên tâm “đốt lửa lò Văn, khơi nguồn thi hứng.” ... Rồi, bao ngày, thầy trò chân lấm bụi đường, dắt díu nhau đi khắp miền đất lạ, tìm phút va đập, phút thăng hoa, lóe sáng của hồn mình trước ba dòng: Thiên – Địa – Nhân cao rộng... Để bây giờ, gần nửa thế kỷ qua đi, đâu phải là biệt vô tăm tích. Đâu phải là thất bát, trắng tay! Những “Quả núi” trên bầu trời thi ca là niềm khát khao của nhân loại, có khi phải ngóng chờ hàng thế kỷ, hàng thiên niên kỷ đời người, có khi cũng chưa dễ có. “Cánh đồng thi ca” của Thái Bình trong cấy gieo, trong khiêm nhường hái gặt. Trong nhiều dáng vẻ, sắc hương. Trong nhiều nhánh, nhiều chiều góp vào dòng biển lớn, hôm nay, thật mừng có thêm “Giọt nắng vô thường” của Nữ Thi sĩ Trần Huyền Tâm, một hạt nhỏ tươi xanh từ mùa gieo xa ấy. Đây là niềm vui, niềm tự hào của Huyền Tâm, của Hội Nhà văn Thái Bình, của cả nền Văn học Thái Bình trong lịch sử văn chương đương đại...
Thì ra, cái “mắt bão thi ca” nó giông gió, nén dồn nơi Huyền Tâm, trong lặng lẽ quá dài. Từ những năm đang “ngự” trong “ngôi đền văn chương” của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Cô gái mới mười hai tuổi kia đã có bài in trên các báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, báo Tiền Phong, báo Thiếu niên Tiền phong, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Rồi, bốn lần Tâm giành được giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác. Đáng kể là, Giải Nhất Tâm giành được với chùm thơ ba bài. Và, một Giải Nhì, không có giải Nhất trong cuộc thi Thơ “Bảo vệ môi trường.”
Với Tâm. Với văn chương, bến mở ban đầu đã xốn xang, tươi vui là thế. Nhưng, bước vào Đại học, vào đời, Tâm lại chọn một lối rẽ khác. Tâm làm một cán bộ ngoại giao. Tâm học tập, tu nghiệp rồi dong ruổi, công cán, đặt bước chân mình qua các miền đất lạ của bốn biển, năm châu. Bốn mươi năm qua, Tâm phải bám vào “cái Nghề” ở đời để tồn tại, để sống. Còn văn chương là “Nghiệp.” Với văn chương, nó là khoảng sáng tâm linh. Là góc khuất. Có ai bắt mình? Có ai thúc ép mình? Văn chương là câu chuyện cuộc đời. Là tiếng lòng. Nó tự cháy lên, tự hát lên trong nhu cầu tri âm, sẻ chia, giải thoát. Bởi vậy, hơn bốn chục năm qua, Tâm vẫn lặng thầm, vẫn viết. Vẫn cất giấu bên lòng cái “Mỏ quặng” ấy. Giống như Bùi Thanh Huyền, Nguyễn Thị Toán, Bùi Lan Anh, Phạm Thị Lan Anh, Lã Bắc Lý, Minh Yến, Nguyễn Thị Minh Hương, Lam Châu, Đào Thị Bình… Những gương mặt đã đi qua lớp đào tạo, bồi dưỡng của Hội. Tôi biết, các em này vẫn giấu “lưng vốn” thi ca trong “ngăn kéo” riêng mình, vì lý do nào đó mà chưa công bố.
Đọc Tâm. Đọc “Giọt nắng vô thường.” Thật vui sao. Thơ Tâm Hay. Thơ mang vía hồn thi sĩ. Thơ hình thành khá đậm một cảm thức, một khuynh hướng tư tưởng rõ rệt. Mừng quá, tôi điện cho Nhà văn Bút Ngữ, vị Chủ tịch khởi xướng và có công đầu trong bao “nghi lễ” cho “Cửa Khổng sân Trình” ra đời để đón Tâm và các em ngày ấy về Hội. Nhà văn Bút Ngữ đã gần chín mươi tuổi. Ông vẫn khỏe, vẫn viết. Khi nghe tôi “khoe” về Thơ Tâm, ông run run, giọng cảm động. Ông nói như muốn khóc. “Ôi. Vậy à? Trần Huyền Tâm à? Trần Huyền Tâm làng Lác, Mê Linh, Đông Hưng ư? “Huyền Tâm - Ngõ nhỏ ngày mùa.” “Huyền Tâm – Trang thống kê của mẹ, phải không?... Quý quá. Ý nghĩa và hữu ích, chứ đâu phải là vô vọng, những ngày qua?” Trời! Nhà văn Bút Ngữ là thế. Ông vẫn nhớ tác giả, nhớ tên từng bài viết, mà các em đã in, đã được giải ngày nào.
Quả tình, thơ Tâm có gương mặt, có một dáng vẻ riêng. Điều này thật quý. Bởi, nhiều người viết nhiều, in nhiều, nhưng họ bị lẫn nhòa. Họ nhạt mờ chung chung, họ chìm tan trong khuất lấp.
Đọc “Giọt nắng vô thường,” ngỡ Tâm đang say mê gồng gánh, đang vùi mình tắm gội, đang uống thấm giữa hồn mình “Một Cao Xanh,” một thế giới của cõi khói sương hiển hiện, mà mát lành, mà thấm loang. Thiên nhiên trong thơ Tâm luôn bước ra như tiền đề, như cứu cánh, như cái nền để từ đó mà gọi về điểm nhấn. Hãy thử đọc, buổi người thơ gặp phút “Thu xa” :
Anh đi rồi, ngày vui cũng đi theo
Mây nhạt nhòa, nắng không ra nắng
Mưa dùng dằng quẩn quanh nơi ngõ vắng
Hoặc, trước một mùa đông, trong đêm Tây Hồ, cái xao động, cái rung của Tâm cũng được gọi dậy từ cõi ngoài, thực tại:
Khói sóng Tây Hồ nhớ những cánh thiên di
Hoa sữa chiều đông nhớ nồng nàn hè phố
Người đi xa nơi tận cùng nỗi nhớ
Có ấm lòng lắng chấm nhớ hương xưa…
Hoặc đây nữa, khi ngoái nhìn về năm tháng đời mình, trong bài: “Trăm năm tựa một giấc mơ” thì vẫn là Tâm với trực giác, với lối thơ từ ngắm nghía, từ đối cảnh sinh tình:
Tuổi hai mươi
Ta như sợi nắng mai
Góc phố yên bình thắp chùm phượng đỏ
Con dế vô tư ngủ ngon lành trong cỏ
Nụ tầm xuân xanh mát những đường thơ
Vâng. Những câu thơ “Tuổi hai mươi ta như sợi nắng mai”/ Đêm sương mòn một nửa vầng trăng”/ “Con dế vô tư ngủ ngon lành trong cỏ”... Là những câu thơ Đẹp. Ở đây, bởi bám vào thiên nhiên, bám vào cõi mộng để có cái “trong mộng - hồn mình,” nên mọi cảm rung của thơ Tâm không thể không có cái bên ngoài như “nắng mưa, hay chùm phượng đỏ, con dế vô tư, hay nụ tầm xuân” ... rồi gì gì nữa.
Một cánh bay lớn của thơ Tâm là Thiên nhiên, là Cảnh. Đọc thơ Tâm ta bỗng chạm vào câu Kinh Phật. Với: “Nhật nhật đối cảnh thì/ Cảnh cảnh tòng tâm xuất/ Tâm cảnh bản lai vô/ Xứ xứ ba la mật... Vâng. Tâm đi từ vòng rộng của “thế giới nổi”. Tâm như ở trong một Thế giới khác. Thế giới hiển hiện. Thế giới mênh mông, mịt mù thiên địa trong “tâm cảnh giao hòa” ngỡ không thể nhận ra ranh giới trong cái vô biên, cái “xứ xứ ba la mật” như vậy ...
Để rồi, Tâm “Ngộ”. Tâm lùi xa cái “vô minh.” Tâm khơi tìm cái “minh triết.” Tâm biết đường quay về, biết chọn tìm con đường thanh cao, “tịnh,” nơi thanh thản của “Bến Giác” mà thoát khỏi “Bến Mê” ... Để rồi, đây là cái gặp, “đắc được” từ “cơ duyên,” hay “thiên duyên” mà “ngộ,” mà “giác” trong câu thơ Tâm được đẻ ra từ hai chiều va đập ấy:
Sapa Thu, mơ màng khói chơi vơi
Nếp nhà xinh treo lên triền núi trẻ
Đôi cái ngủ đòng đưa trên lưng mẹ
Tiếng khèn ai gọi bạn giữa mây chiều.
Hoặc:
Em cứ đi, cùng mùa xuân đi qua
Những dãy phố lặng yên suốt mùa đông giá lạnh
Những cánh cửa mở tung trong màn mưa mỏng
Như chờ đợi em khe khẽ dắt xuân vào
Đấy phải chăng là thiên nhiên, là “thiên duyên” có từ miền Sapa nhìn ngắm, hay từ buổi Tâm đi cùng mùa xuân nào đó. Còn đây là “cơ duyên”, “cơ sự”. Cái cảnh đời trong nỗi niềm thấm trải:
Cõi mơ về khuya...Tình ơi bung biêng!
Chợ đã tan rồi lòng còn tơ rối
Bước chân ngoan xin đừng quên lối
Sương chung tình ôm ước hẹn lần sau.
Hoặc, đây cũng chính là “cơ sự” là cõi lòng cảm thương thẳm sâu trong lần thăm viếng Mẹ:
Con thắp nhang trong nỗi tái tê
Mẹ ở đâu giữa mênh mông hư ảo?
Bông lúa vàng, cánh cò thơm thảo.
Nắng xa rồi, mưa có bớt vô tư…
Hoặc, đây nữa. Nó là “cơ sự.” Là nỗi trái ngang của một thời hồn nhiên, lầm lỡ:
Thôi nhắc làm chi những kỉ niệm xưa
Ngõ vắng đầy trăng cái ngày chung lối
Một người đợi chờ cả thời con gái
Một người ngu ngơ mơ khúc ca buồn
Thật ít gặp những cảnh ngộ trong “Giọt nắng vô thường” trong thơ Tâm như thế. Thơ Tâm không bụi bặm, vỉa hè. Không phá phách, cuồng say. Không bi lụy, Không trái ngang, trụi trần, bi kịch. Thơ ít tình tiết, sự kiện. Ít xô bồ, gió sương, nổi chìm đời thực. Ít cảnh huống, cảnh ngộ với thân phận gian lao, vật vã, thậm chí xa xót, sầu thương.
Cái “tạng” của thơ Tâm, của tâm hồn Tâm là thế. Tâm không ngợp vùi vào sầu thương mà khuấy lên, mà khóc than, mà xé nát cõi lòng. Có it bài thơ Tâm viết thuở trẻ trung, thuở thuộc giai đoạn đầu đời, khi viết về mẹ cha, viết về tình yêu, hạnh phúc...Nhưng, cái nỗi niềm buồn đau, diết da, se thẳt, cũng chỉ vừa đủ gợi, đủ chạm tới. Còn Trần Huyền Tâm với “Giọt nắng vô thường” là dòng nổi, là cái “gốc” của áng “Thơ Thiền.” Thơ trong lành, dịu mát. Thơ vươn tới một vẻ đẹp cao sang, thánh thiện.
Có thể gặp xuyên suốt một lối mở trên mạch nổi thơ Tâm, thế này: “Là Ta, cái “bản ngã,” cái “chủ thể” đi giữa cõi vô thường, “Ta giống như nhỏ nhoi giọt nắng” trước bao nhiêu bi ai trần thế. Trước bao nhiêu cái “Dục.” Cái tham, sân, si, ái, ố… Hãy “Thức.” Hãy “Ngộ.” Hãy “Giác.” Mà “Tuệ.” Mà “Minh triết,” mà thanh tẩy, trút bỏ gánh nặng sầu đong mà rời “Bến Mê”để đi về “bến Giác” ...
Xoay quanh trục chính với ý thức ấy, dù viết về cảnh gì, sự gì, việc gì, tình gì... Vẫn là Tâm với cảm xúc ấy, tâm thế ấy, kết cục ấy ... Luôn diễn ra trên một dòng khơi trong, một dòng chảy thật êm xanh, phồn khí.
Ví như:
Tìm được mình trong khoảng trống dịu êm
Thương sóng gió mệt nhoài nỗi bể dâu ly biến
Cất bão dông vào thẳm sâu lòng biển
Ta vẽ lại đời bằng tĩnh tại trong veo.,.
Hoặc:
Tôi thấy tôi trong quán trọ trần gian
Giá áo, túi cơm, quay cuồng, chật vật
Khi chén rượu nồng, cà phê phiêu ngất
Danh, lợi, tiền, tài, hỉ, nộ, sân, si.
Hoặc:
Rồi một ngày giữa chốn thinh không
Bánh xe Pháp tỏa hào quang soi phủ
Thức tôi về với lời thề xưa cũ
Tôi quay đầu và tìm lại được tôi.
Hoặc:
Bỏ lại nơi đây dâu bể cuộc đời
Nỗi đớn đau nhân tình thế thái.
Con thuyền mình đầy niềm tin hòa ái
Thân tâm tĩnh tại, an nhiên.
Hoặc:
Cập bờ kia là bến giác bình yên
Là ánh sáng diệu kì lung linh Phật Pháp.
Chuông ngân nga tiếng thời gian tịnh khiết,
Trong trẻo nắng vàng, minh triết tòa sen
Vân vân & v.v...
Dễ nhận thấy, đọc “Giọt nắng vô thường,” gặp Trần Huyền Tâm với khá nhiều ngôn từ nói về cảnh giới tinh thần của những người tu Phật, của văn hóa thần truyền, như: “Giọt Giác, Viên minh, viên mãn, Phật Ân, hạo đãng, Sắc Không, Tịnh khiết, Từ bi, Bến Giác, Cõi Mê, Huyền không” ... Có thể, Trần Huyền Tâm chưa khơi sâu, văng xa và lắng dừng trong nét đậm ở cảm nhận, tái tạo. Ở khai sáng thật cụ thể, thật sâu và riêng rẽ hơn nữa ở “Vô ngã, Ảo ảnh. Ở vô thường, ở Vô minh, Tịnh khiết” ... từ gốc lớn của Nhà Phật, qua hình ảnh, hình tượng, qua biến ảo của thi ca làm giàu có hơn, phì nhiêu hơn ở nhiều tầng cảm rung, sáng tạo. Có thể, ở nhiều lát cắt, Trần Huyền Tâm mới chỉ chạm nhẹ vào cảm hứng phát lộ, nhưng nhìn chung, “Giọt nắng vô thường” vẫn cuốn say từ hồn thơ linh diệu. Vẫn tránh được cái nhẹ, cái mạch trôi đơn tuyến và khô.
Ở đời, Tâm là người luôn chịu khó luyện rèn. Tâm tu Phật. Tâm say mê tìm hiểu Phật Pháp. Tâm luôn tu tâm, sửa tính. Luôn hướng Thiện, bồi đắp lòng lành. Bồi đắp niềm tin, tình yêu thương, hòa ái.
Đọc “Giọt nắng vô thường,” ta luôn gặp Trần Huyền Tâm với gương mặt sáng. Với nét mát trong vời vợi. Tâm đang thanh thản, nhẹ tênh, bước giữa hai vũ trụ: “Cao Xanh.” Và, vũ trụ “Hồn mình”... thật ngọt đằm, mướt mát. Tâm như đang đi về nhẹ tênh giữa hai miền hư thực. Tâm đang “Gặp.” Đang “Ngộ.” Đang “Giác.” Đang trút bỏ mọi bụi trần mà “Tuệ.” Mà “Tịnh khiết”. Mà mơ về một nơi xa thẳm mênh mang trong bao la vũ trụ ngoài kia ... Và, những câu thơ từ Tâm hay từ “phía ngoài Tâm” đang hoài thai, đang thăng hoa, đang bay lên ngân vọng.
Ở hàng trăm bài thơ trong “Giọt nắng vô thường,” thơ Trần Huyền Tâm đẹp về thi liệu. Đẹp về ngôn thi, hình thi và tâm thi nữa. Thơ Tâm tinh tế trong cảm xúc. Bay bổng, thi vị trong dáng vẻ tâm hồn. Ở những bài thơ theo thể tự do, thơ Tâm không có những câu thật riêng, thật cá thể. Nhưng Tâm có nhiều câu thơ chắc, vững. Những câu thơ neo đậu nơi thành trì của cái Hay, cái Đẹp. Trong hàng trăm bài viết, ở “Giọt nắng vô thường” chỉ có 5 bài thơ theo thể Lục bát. Thật không ngờ, khi thử thách mình ở hình thức thơ khác, Lục bát của Trần Huyền Tâm lại nhuyễn, lại có những câu thơ riêng, dễ găm sâu vào trí nhớ người đọc.
Ví như, trong bài “Khi quá khứ gọi tên nhau,” Tâm viết :
Nước trong mà giếng thì sâu
Thương nhau ta nối dây gầu dài thêm
Hoặc:
Bao năm lạc bóng phai hình
Cao xanh giờ đã cho mình có ta
Hoặc, với: “Hữu duyên tương ngộ” thì :
Đường trần đôi ngả vô tình
Luân hồi mấy độ, bóng hình nhạt phai
Biết rằng là để ngày mai
Chốn xưa bĩ cực thái lai cùng về....
Hoặc, khi “Nói với người xưa” thì:
Một lần vướng lúm tiền xinh
Mấy đời ngồi gỡ cái tình đa đoan.
Hoặc:
Duyên tình trao gửi nơi nhau
Cũng là vay trước trả sau thôi mà...
Và:
Rời xa nhân thế vô thường
Thang mây đã rạng bước đường về quê… v.v...
Thế là, thi ca Thái Bình, thi ca đất nước lại có thêm “Gương mặt Thơ Trần Huyền Tâm” khai sáng. Thơ của một tâm hồn thi vị. Ý thức duy mỹ. Tư tưởng chủ đạo hướng tới cái “tịnh,” cái “minh triết,” đời người.
Nhớ buổi tìm về nhà Tâm, mới đó mà đã đi qua trên bốn mươi năm. Ngày ấy, qua Ty Giáo dục Thái Bình giới thiệu các em học sinh giỏi Văn qua các cuộc thi Văn Toàn quốc. Qua nguồn nữa, Tâm có sáng tác ngẫu hứng gửi về Báo Thái Bình. Tập san Văn nghệ của Ty Văn hóa thông tin tỉnh Thái Bình. Tôi đạp xe tìm đến xã Mê Linh, Đông Hưng gặp Tâm, chọn Tâm về lớp Văn của Hội. Tâm bé. Thông minh. Hiền dịu. Tâm có người cha anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tâm có người mẹ nơi quê nhà thật đôn hậu, yêu thương. (Bây giờ bà đã theo tổ tiên đi về miền siêu thoát.) Tâm có làng Lác với cánh đồng xóm mạc, với nắng mưa, năm tháng nhọc nhằn. Tâm có ông cậu ruột là cán bộ ngoại giao, có thơ đăng trên báo. Tâm đã và đang có thêm gần nửa thế kỷ đời người học hành, tu thân, lập nghiệp và cống hiến. Tâm đã đi qua bao chặng đường, bao bến bờ hẳn không thể phẳng lặng, dễ dàng để tôi luyện, hoàn chỉnh mình, để tìm lại được chính mình, một gương mặt khiêm nhường trong vẻ đẹp và đáng quý: “Trần Huyền Tâm!”
Bằng tất cả sự đắp bồi, kết tinh ấy, “Giọt nắng vô thường” của Trần Huyền Tâm đã cất cánh, đã ra đời, đã hát lên từ ngọn lửa đốt cháy nơi con tim mê say và nồng đượm : “Trần Huyền Tâm!”
Tôi thật vui. Chúc mừng Trần Huyền Tâm. Chúc mừng “Bến bờ Thi ca” ... Trần Huyền Tâm vừa neo đậu.
Vĩnh Bảo, Quê TrạngTrình – Những ngày Tháng Năm - 2018
Kim Chuông