Ba gương mặt thi nhân - ba nguồn mở "Đường vào ánh sáng"

Ba gương mặt thi nhân - ba nguồn mở "Đường vào ánh sáng"
Tôi thực sự hào hứng đón nhận, nâng niu và trân trọng đọc liền mạch “Đường vào ánh sáng” tập thơ của ba tác giả Nguyễn Thị Uyển, Nguyễn Phương Thủy và Hoàng Tố Uyên Rose.



BA GƯƠNG MẶT THI NHÂN
- BA NGUỒN MỞ “ĐƯỜNG VÀO ÁNH SÁNG”
 
(Đọc “ĐƯỜNG VÀO ÁNH SÁNG” - Tập thơ của Ba tác giả
Nguyễn Thị Uyển - Nguyễn Phương Thủy - Hoàng Tố Uyên Rose
NXB Hội Nhà văn Việt Nam, 2023)
 
Nhà thơ KIM CHUÔNG
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình
Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình
 
—-----
 
Tôi thực sự hào hứng đón nhận, nâng niu và trân trọng đọc liền mạch  “Đường vào ánh sáng” tập thơ của ba tác giả Nguyễn Thị Uyển, Nguyễn Phương Thủy và Hoàng Tố Uyên Rose.

Một cảm rung trước tiên, với niềm xúc động trong tôi còn nhiều hơn thế nữa. Khi Nguyễn Phương Thủy, “Nhà văn nhí” thuở nào từng đi qua “Lò luyện văn chương” của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, mà, chúng tôi, những Nhà văn, từng một thời làm người thầy “ươm gieo”, từng đốt lên trong các em ngọn lửa. Từng khơi nguồn, mở bến cho  những trang văn từ những tâm hồn thật trong trẻo, tươi xanh kia được thăng hoa, cất cánh.

Sinh năm 1970 tại Vũ Hòa, Kiến Xương, Thái Bình, năm 1983, Nguyễn Phương Thủy được “triệu” về “Lớp Đào tạo, Bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu sáng tác văn học”. Bởi, sớm gây được tiếng vang trong “Kim bảng nhất danh đề”, ở đội ngũ các lứa học trò Giỏi Văn, từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Bởi, ngay từ năm “mười ba” tuổi, Phương Thủy đã vinh dự được mời về “Ngôi đền thiêng văn chương” của Hội Nhà văn Thái Bình với những sáng tác văn chương của Phương Thủy từ bấy, luôn được đăng tải trên các Báo Thiếu niên Tiền phong, Tuần báo Văn nghệ, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam và trên những tập tuyển văn học của Hội Văn học Nghệ thuật một tỉnh.

Thấm thoắt, Phương Thủy, “Nhà văn nhí” tuổi mười ba tự cái ngày nào xa ấy. Vậy mà, bây giờ đã “ngũ thập tri thiên mệnh”. Đã đi qua nửa thế kỷ đời người. Đã đằm mình giữa bao nhiêu biến thiên trong dòng trôi vô định của “Cõi lớn Ta bà”. Đã nối bước chân tơ non, nhỏ xíu từ ngõ làng Xuân Vũ quê mình, nơi sinh ra và lớn lên tới Xứ sở Ba Lan. Tới phương trời vời xa, “nghìn dặm nước non”: Munich - Đức. Đã ngầm nuôi giọt nắng thi ca không bao giờ nguội tắt trong cõi hồn luôn lung linh, xao động. Đã hiểu thêm “Thơ là Đời. Thơ là niềm tri kỷ, giãi bày. Thơ là Gương mặt. Tâm tình của chính mình, trong “Ái, Ố, Hỷ, Nộ …”. Thơ là “Khoảng trống của Hồn Mình, luôn đòi hỏi chính mình, phải có sự lấp đầy”… 

Và, hàng trăm bài thơ được chọn lựa từ “mớ bản thảo” còn nhiều hơn rất nhiều ở chặng đường bốn mươi năm lặng thầm “sống và viết,” được Nguyễn Phương Thủy giới thiệu trong “Đường vào ánh sáng” … Có từ nguồn mở. Từ căn nguyên, Gốc rễ… Là vậy.

 Với tôi. Cái quý ở cuộc hội ngộ này trên thi đàn với Phương Thủy - Thi sĩ, quả là “cái duyên” thầy trò. “Duyên” bút mực như Khổng Tử từng viết: “Nhất sinh y thực, an bài định”. Nhưng ở đây, điều còn “Quý - Hiếm” hơn, khi “Đường vào ánh sáng” là thi phẩm của ba thi nhân nữ. Nguyễn Thị Uyển (Người Mẹ); Nguyễn Phương Thủy (Con gái); Và, Hoàng Tố Uyên Rose (Cháu ngoại). 

Một Bà. Một con. Một cháu”. Đây là ba dòng chảy. Ba mạch nguồn. Ba giọng điệu. Ba vì sao xa xôi, thầm lặng. Ba chân dung, dáng vẻ của một gia đình nghệ sĩ, gia đình thi ca tỏa rạng. 
 
Tôi gọi “gia trung” Phương Thủy là gia đình Nghệ sĩ. Bởi, cả người cha của Thi sĩ là người thầy giảng dạy khoa học tự nhiên trong nhà trường,   nhưng ông cũng rất yêu thơ ca, nghệ thuật. Rồi, Phương Thủy, chẳng những luôn “sinh đẻ” những vần thơ bất chợt, vần thơ ứng tác, vần thơ giàu chất ngẫm suy. Mà, với dáng thư sinh, dáng thông minh, mẫn tiệp. Dáng “mỹ mạo yêu kiều”… Nữ Thi sĩ xinh đẹp này còn mê say khiêu vũ. Mê say ôm cây ghi-ta ngồi riêng mình, độc thoại ..    

Vâng. Dàn “tam ca” trong một gia đình tri thức. Gia đình có học. Có kiến văn khả kính. Khi người cha thân sinh của Nguyễn Phương Thủy là giáo viên một đời dạy Toán. Mẹ dạy Văn. Phương Thủy có gần chục năm trời đứng trên bục giảng, góp công không nhỏ trong sự nghiệp trồng người trên đất Việt.

Bây giờ, song thân của Phương Thủy đã tạm biệt mái trường. Đã xa lũ học trò thân thương, yêu quý. Đã vui cảnh điền viên ở Sài Gòn, đất nắng. Nguyễn Phương Thủy cùng chồng con, sống, gắn bó với xứ sở quê người, lấy nước Đức là quê hương thứ hai thân thiết. 

Đọc “Đường vào ánh sáng”, tập thơ của ba thi nhân Nguyễn Thị Uyển, Nguyễn Phương Thủy và Hoàng Tố Uyên Rose, người đọc dễ dàng nhận thấy: “Đây là những kỷ niệm tươi xanh, mát lành và da diết, nó được đẻ ra từ những khoảnh khắc của những cảm xúc bùng nổ. Cảm xúc vụt hiện. Cảm xúc mà cùng lúc, thi ảnh, thi liệu với hồn thơ thi nhân được thăng hoa cất cánh. 

Kỷ niệm nằm trong tim. Còn trí nhớ nằm trong óc. Mà kỷ niệm là những gì còn lưu lại trong tươi xanh, trong ngoái nhìn. Trong cái vệt loang còn in sâu trong tầng chìm nơi hồn ta day trở.

Thật vậy. Với 99 bài thơ. Với các tiêu đề: “Mùa thu/ Về nhà/ Học hát/ Đón con/ Ngày còn bé/ Hay: “Người già/ Tiễn anh/ Tuổi tám mươi ba/ Nhớ …”  Trong phần thơ “Vườn xuân” của Nguyễn Thị Uyển. 
Hay, “Mẹ tôi/ Một gói tình xưa/ Chim về tổ mẹ/ Cỏ xanh/ Xuân hồng/ Du thuyền”…  trong phần “Chim về tổ mẹ”,thơ đối đáp của Nguyễn Thị Uyển và cô con gái: Phương Thủy. 

Hay, “Một khoảng đời khép lại/ Đêm trăng trên biển/ Mùa thu không anh/  Nụ hôn đầu/ Yêu là thế/ Con thuyền/ Sông nhớ ai/ Anh có đón em?”… Trong phần thơ mang tên “Khoảnh khắc” của  Nguyễn Phương Thủy).  
Hoặc, Bài thơ “Con đường vào ánh sáng” của Hoàng Tố Uyên Rose  .v.v … và .v.v… cũng vậy.

Rõ ràng, ở “Đường vào ánh sáng” trên mỗi trang viết, cả ba Nữ Thi sĩ, không cậy nhờ nhiều vào thực tại. Không cậy nhờ nhiều vào “Diện kiến, đối thoại”. Mà, phần lớn, cậy nhờ vào “cái Động - Hồn mình”. “Hồn mình” mới chính là đối tượng để khai thác. Để va đập, phát lộ. Hồn mình mới chính là nơi thắp sáng, nơi thơ ca được hiện hình …. Và, hết thảy đều có từ “cái mỏ” mang tia lửa lặng thầm, chờ nguyên cớ nào đó mà “Hồn mình” bỗng dưng khai mở.



Ví như, chỉ từ một chuyện nhỏ, ngỡ như đã mờ xa, chìm khuất với câu hỏi “Nhớ không anh?” trong bài  “MÙA THU” của Nguyễn Thị Uyển:  

… Mùa thu năm xưa 
Một mùa thu lòng ta nhớ mãi 
Mùa thu êm ái 
Ánh nắng thu sáng giọi trái tim ta.
….
 
Lửa lòng em nhóm lên từ đó. 

 
Hoặc:
 
Ngõ rất quen mà sao nay thấy lạ 
Chạnh lòng ta man mác dưới hàng cây. 
Chim không hót như mấy ngày hôm nọ. 
Để mẹ về ngõ nhỏ lại càng xa. 
                                 (Con đi rồi)
Hoặc :
 
Người dưng mà nhớ mới hay 
Nhớ năm tháng ấy nhớ ngày thấy nhau 
Đêm về thoang thoảng hoa cau 
Gió đưa phảng phất vườn trầu nhà em 
                       (Người dưng) 
 
Với chất trữ tình luôn được quan tâm trong cái nhìn, trong kết cấu, biểu hiện, thơ Nguyễn Thị Uyển như ngọn gió thầm thì, xa vọng. Nữ thi sĩ - Nhà giáo thật tinh tế, ấm áp, vui, trong những nét mô tả sinh hoạt của cuộc sống đời thường. Bà viết nhiều. Thơ bà giống như mâm cỗ, đây là “một tập hợp” những gì là gia vị quen gần, thú vị. Từ thơ tặng chồng. Thơ trêu vui chồng. Thơ tiễn con. Thơ dặn con, dặn cháu, đến thơ tâm sự của tuổi già … Tất cả cái Hay trong thơ Nguyễn Thị Uyển đều có từ “cái thực”. Cái thực của tình cảm. Cái thực của thi ảnh. Cái thực của cảnh huống. Cái thực của “Sự việc” đang diễn ra, mà người viết đã “Nhân hứng tức Sự.” Để “Sự” ở đây lại tiếp tục mở ra cái Cảnh. Mở ra cái Tình, trong vệt thấm loang, và gợi.
 
Thơ Nguyễn Phương Thủy cũng vậy. Không đao to, búa lớn. Không vật vã, cuồng si. Không muộn sầu, bi lụy. Tất cả những gì là xương xẩu. Là vỉa hè gồ ghề, bụi bặm. Là hiện thực bề bộn, cứng khô. Là thế sự nóng bỏng. Là gai góc chuyện đời. Là éo le, khác lạ … Đều được nhà thơ gạt về một phía. 
 
Phương Thủy ở đây, là thơ của bóng hình  “Thi nhân mơ mộng” với chút gì ngác ngơ, da diết. Thơ của mối tơ vương với hai nhân vật luôn song hành. Một, “thi nhân - Là  Tôi”. Với “Một người tôi yêu” và “Người yêu tôi”. Và, “Một ai nữa, khác tôi”… trong rất nhiều mối liên quan, liên tưởng…



 
Trên cái nhìn, Thơ Phương Thủy là dòng chảy lặng xanh, êm ả. Thơ với dư vang từ xa, nhẹ thoảng, vọng về. Thơ mà người đọc ngỡ như trong mong manh, trong mơ hồ lại nắm cầm được trên tay những gì rõ rệt. 
 
Hãy đọc,  cái tinh tế trong cái nhìn ở “Nửa đời khép lại”, khi nhà thơ viết :           
Anh về 
Trời xanh và nắng trong ở lại 
Khung cửa nhà ai mở ngẩn ngơ 
Gió thẫn thờ mang theo nỗi nhớ 
Sóng ngập ngừng xô sóng, ướt tim em. 
 
Hoặc, vẫn là cái nhìn, trong mơ hồ, lảng bảng, trong “KHÔNG ĐỀ”, là vậy:  
Thăm thẳm trời thu 
Nắng vàng nỗi nhớ 
Gió ru hoa nở 
Thơ chờ trăng lên. 
 
Hoặc, đây là chút gợi, chút ấn tượng trong “Mùa thu tương tư”: 
 
Liễu vàng úa rủ       
Lá nâu xơ xác lòng 
Ghế buồn không người ghé 
Lau bạc đầu tương tư
 
Hoặc, đây là thơ nói với con, trong nét điềm tĩnh, và trong cả chiều sâu cái nghĩ:  
 
Con gái yêu, con gái nhỏ bé 
vẽ cho mẹ một con tim đỏ
đẹp và mềm,
mang trong mình thương và đau
 
Và:
 
Con gái yêu, con gái thơ ngây
mình lấy trái tim đỏ
chìm sâu tuyết trắng
ươm vào đất yên lành.
                     (Trái tim đóng băng)
 
Hoặc: 
 
Mênh mông gió và mênh mông nắng 
Ngàn sóng lăn tăn, ngàn mắt vui 
Một sớm mai xinh, cánh đào hé mở 
Giọt sương đêm...bỡ ngỡ nụ hôn đầu. 
(Nụ hôn đầu)
 
Có cảm giác, thơ Phương Thủy như mặt nước êm ả trôi xanh để làm nên xoáy xiết. Không ồn ào, vội vã. Không phá phách, thét gào. Một dáng đi vừa an nhiên, vừa điệu đà, duyên dáng, vừa sẽ sàng khép mở. 
 
Trong phần thơ chọn lựa, Nguyễn Phương Thủy còn bộc lộ tài thơ của mình bằng những bài thơ khi tác giả sáng tác từ nguyên văn tiếng Đức rồi tự mình dịch sang tiếng Việt. 
 
Nhìn chung, thơ của Phương Thủy hay thơ Nguyễn Thị Uyển - thơ của mẹ và con, đều đi trên thi pháp. Thơ lấy “độc thoại” làm phần trội vượt. Thơ bám chặt lối tự sự, mô tả. 
 
Tự sự để dẫn dắt sự việc. Tự sự để tái tạo sáng tạo. Tự sự để tìm được cảm xúc. Tự sự để tìm ra mối liên tưởng. Tự sự để có được sự phát hiện nào đó. Tự sự để mở đường cho thơ vận động tạo nên sự quyến rũ, có duyên.

Ở “Đường vào ánh sáng”, phần đáng lưu ý của những vần thơ đối đáp. Thơ thù tạc. Thơ xướng họa mà Nguyễn Thị Uyển cùng Nguyễn Phương Thủy, đã gây được ấn tượng ở cách lập ngôn. Ở ý. Ở cách khêu gợi vấn đề. Ở nét vui, hài. Nét tinh tế, ý nhị. Nét bất ngờ khi câu thơ khép lại.  
 
Ví như: 
 
Tương lai là lúc về trời 
Coi như mẹ đã đi chơi thôi mà
Bây giờ mẹ vẫn làm thơ 
Cười cười, nói nói để chờ tin con.
 
Đấy là thơ của Nguyễn Thị Uyển, trong bài “Tương lai”.  Và đây là thơ Phương Thủy đáp lại lời thơ mẹ:  
 
Mẹ cứ nói cười xuất khẩu thành thơ 
Mẹ cứ đi chơi khi ông trời nhung nhớ 
Ở trong chính mình con luôn tìm thấy mẹ 
Và trong chính mình mẹ sẽ tìm thấy con yêu. 
 
Hoặc : 
Nhiều tiền cũng chẳng làm chi 
Đến khi nằm xuống xanh rì cỏ non 
Bạn bè cho đến cháu con 
Nhớ nhung thoang thoảng thời gian xóa nhòa 
 
Thơ Nguyễn Thị Uyển trong bài “Cỏ non”. Và đây là Thơ Phương Thủy nối vần thơ mẹ: 
Cỏ xanh ủ ấm tình xanh. 
Thời gian rải nắng ươm nhành cây non. 
Xuân hồng trong cánh đào son 
Đời tươi trong tiếng cười giòn trẻ thơ. 

Với lời thơ trong nhắn nhủ, vỗ về, mang ý nghĩa lạc quan trước thế giới quan, thế giới nhân sinh dài rộng trên đây. Thơ xướng họa của hai mẹ con, hai nữ thi nhân, khá đượm chất trữ tình. Giọng điệu thơ khá mát lành, thương cảm.



Ở “Đường vào ánh sáng,” một đặc biệt, đáng lưu ý nữa. Đấy là phần thơ của Hoàng Tố Uyên Rose. Cô “gái rượu quý yêu” của Nhà thơ Phương Thủy. Cô bé sớm bộc lộ năng khiếu thi ca từ những năm mới mười hai tuổi. Hoàng Tố Uyên Rose viết bằng tiếng Đức. Viết không ít. Mẹ Phương Thủy tự dịch thơ con sang tiếng Việt, song tiếc là, Phương Thủy chưa dành thời gian chuyển ngữ cho con gái được nhiều. 

Ở tuổi thần đồng. Ở lĩnh vực lao động sáng tạo nghệ thuật. Đây cũng là hiện tượng quý hiếm.  

Đọc thơ Hoàng Tố Uyên Rose, không thể đọc nhanh. Bởi thơ nghiêng về suy tưởng. Thơ giàu cái nghĩ. Thơ ngẫm ngợi lấn át cái cảm. Thơ mà người đọc tự lý giải và tin rằng, Hoàng Tố Uyên Rose đã được sống trong gia đình “trí thức - giáo dục.” Gia đình nghệ sĩ.  Và, “thi sĩ thần đồng” ấy, đã được kế thừa truyền thống thi ca, của gia đình, của Bà ngoại và Mẹ. Của năm tháng này, khi em đã mười sáu tuổi. Đã là học sinh cấp Ba. Đã nhiều năm tắm mình trong bầu không khí giáo dục của mái trường nước Đức, nơi có nền triết học nổi tiếng với những triết gia tên tuổi còn sống mãi với “Vũ trụ - Con người”.

Đọc “Đường vào ánh sáng,” dẫu biên độ thơ chưa mở, chưa tung hoành ở đề tài khai thác. Dẫu còn ít hình ảnh, hình tượng thơ trong nhu cầu “điển hình hóa”, “khái quát hóa”, và “cá thể hóa.”   
Dẫu ba người viết không ai đặt cược cuộc đời vào thơ ca trong khát khao vinh danh, tỷ thí…

Nhưng, “Đường vào ánh sáng,” là những tâm tình chân thành, tươi tắn. Nó có từ tâm hồn trong xanh, ngọt mát. Nó giống như ngọn lửa nhen ấm chiều về. Hay đấy, là ngọn gió mát lành?  Với giọt nước lung linh ru hồn ta ngân vọng ? …  

Và, nó cũng không chỉ tự ký thác hồi ức, kỷ niệm, lưu lại vào “trang Văn Bia” những gì thật khiêm nhường trong mảnh nhỏ - Đời Ta. 

Mà, nó thực sự mang lại giá trị Nhân văn. Giá trị hữu ích. Giá trị của những hạt phù sa đang hiện về nơi Bến bờ - Hương sắc.

Là Nhà văn từng nhiều năm góp công ươm gieo, cấy trồng trên “cánh đồng văn chương, chữ nghĩa”, Tôi vui mừng và tự hào có thêm Phương Thủy trong đội ngũ các “Nhà văn Nhóm Búp”.

Tôi càng biết ơn cặp phạm trù “Nhân - Quả” trong cái gọi về trước nhỡn tiền, tôi đang cầm trên tay một niềm vui trân quý. 


Quê Trạng, Vĩnh Bảo - Hải Phòng
Tiết đương Xuân, 2023.
 K.C