Bất chợt về quê

Bất chợt về quê
86 tuổi, trong vinh - nhục, được - mất cõi Người chốn triều đình, Hạ Tri Chương có được những giây phút tĩnh lặng dành cho riêng mình. Hỉ, nộ, ái, ố cùng danh, lợi, tình khiến người ta quay cuồng mà chẳng biết. Đến khi bạc phơ mái tóc, lờ đờ hai tròng mắt, răng cứng đã rụng, lưỡi mềm vẫn còn, thì mới thấm thía trò chơi sấp ngửa thế gian đã tới lúc tàn.

 


86 tuổi, trong vinh - nhục, được - mất cõi Người chốn triều đình, Hạ Tri Chương có được những giây phút tĩnh lặng dành cho riêng mình. Hỉ, nộ, ái, ố cùng danh, lợi, tình khiến người ta quay cuồng mà chẳng biết. Đến khi bạc phơ mái tóc, lờ đờ hai tròng mắt, răng cứng đã rụng, lưỡi mềm vẫn còn, thì mới thấm thía trò chơi sấp ngửa thế gian đã tới lúc tàn. Vòng quay con Tạo, tấm màn che sân khấu cứ khép lại rồi kéo ra. Vở tuồng thế nhân chỉ có một kiểu mà khán giả lại mau quên tưởng thì mới lạ. Cứ coi hoài không chán...


Hạ Tri Chương (659 - 744) là một thi sĩ lớn, quê ở Cối Khê - Chiết Giang - Trung Quốc. Ông đậu tiến sĩ năm 36 tuổi, là đại quan của triều Đường được nhà Vua và quần thần rất trọng vọng. Thơ ông thấm đẫm tình yêu quê. Một trong những bài thơ đặc sắc về chủ đề này được người đời truyền tụng là “Hồi hương ngẫu thư”.


Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi

Hương âm vô cải, mấn mao tồi

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiểu vấn: khách tòng hà xứ lai?


Dịch thơ (Phạm Sĩ Vĩ)


Khi đi trẻ, lúc về già

Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.

Trẻ con nhìn lạ không chào,

Hỏi rằng: “Khách ở chốn nào lại chơi?”



Ông quan 86 tuổi cúc cung tận tụy một thời. Vua cũ thương, vua mới ghét. Và cuối cùng bị thải hồi như quy luật nghiệt ngã của Đạo Gia: TÂN TRẦN ĐẠI TẠ…Bao biến đổi nhí nhố của chốn hiểm độc quan trường có thể làm trái tim hóa đá, trơ lì cảm xúc. Nhưng khi về quê, về với nơi chôn nhau cắt rốn, về nghe tiếng rì rầm của dòng tộc trong từng mộ chí, về với hoa niên, Hạ Tri Chương bỗng nghe tim mình nhột nhạt. Nhột nhạt đến thổn thức. Thổn thức như đang sống ở một không gian hoàn toàn mới lạ.


Câu đầu: Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi (Khi đi trẻ, lúc về già)


Cho ta liên tưởng và nối 2 thế giới, hai quãng đời, hai thân phận: Thiếu và Lão; Tiểu và Đại; Ly và Hồi; Thiếu Tiểu và Đại Hồi; Thiếu Tiểu Ly và Lão Đại Hồi… Những đơn vị đối từ vi tế cứ lớn dần lên. Mỗi lúc một xa cách về không gian. Mỗi lúc một nghèn nghẹn như ngạt thở. Đang ở quê mà xa cách với quê. Đang tuổi già mà luyến thương thời Thiếu niên… Chông chênh giữa 2 vế đối là chữ “Gia”. Con thuyền buộc chặt mối tình “Nhà”. Cáo chết 3 năm còn quay đầu về núi... Dù chân trời góc bể nào thì mẹ cha ta, gia đình ta, quê hương ta, đất nước ta không phản bội ta bao giờ. Nơi cho ta về tắm táp và cho vết thương lên da là quê hương. Nó sâu thẳm trong chữ Gia ràng buộc quá khứ và hiện tại đời người


Câu 2: Hương âm vô cải, mấn mao tồi (Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)


Vẫn là tiếng nói tự bên trong. Về với Hương (quê) mới có thể khám phá được cái thường hằng vốn có, vốn từ bản gốc của mình. Đó là giọng nói của mình. Hằng ngày, hằng giờ, hằng năm, hằng tháng mình vẫn nói thế. Nhưng đây chính là tiếng Mẹ ru mình, tiếng của quê hương… Mà mình không bao giờ tự hỏi, tự thức nhận. Cái bất biến trong tự ngã của mình là giọng nói. Đó là phần máu thịt, phần quê hương mà mình mang theo từ thuở ấy. Phần bị cải biến lại mang tính quy luật. Thời gian cuồn cuộn như sông Hoàng Hà "bôn lưu đáo hải bất phục hồi" đã làm cho tóc mai xơ xác, trắng phau màu con sóng..


Hương âm vô cải (4 tiếng) đối ý với Mấn mao tồi (3 tiếng), Thanh trắc vế đầu định lại, bất biến: những gì của quê trong tôi là bất diệt. Thanh bằng vế 2 là một tiếng thở dài không cưỡng được. Nó cũng như người ta vẫn thường nói: “Vung gươm chém nước nước vẫn chảy”; “Ai có thể tắm 2 lần trên một dòng sông”?...


Hai câu sau, ghi nhận một sự kiện, một điều mắt thấy tai nghe rất thường tình. Tưởng không có gì đặc biệt nhưng chi tiết này là Thần cảm. Dường như Thần gợi ý cho tác giả dùng cái giản dị để nói cái thiêng liêng, dùng cái thô mộc, thuần phác để nói bao điều lan tỏa tùy theo từng cảm nhận của người đọc.


Đối tượng ở đây là Nhi đồng, không phải là Thiếu tiểu, càng không phải là Lão đại. Nhi đồng đang tồn tại ở thì hiện tại. Ngay nơi quê hương mình mới quay về:


Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiểu vấn: khách tòng hà xứ lai?

(Trẻ con nhìn lạ không chào,

Hỏi rằng: “Khách ở chốn nào lại chơi?”)


Bọn trẻ con cùng nhìn khách nhưng chúng không hề quen biết. Biểu hiện hồn nhiên của chúng là không thân thiện, rất hững hờ. Tương Kiến đối với Tương Thức. Và chữ Bất nghiệt ngã chắn ngang không cho lão già nối khúc ruột rà của mình với thế hệ mới, với chủ nhân mới của quê hương. Đây là nỗi buồn lạc loài, nỗi buồn về sự khác biệt của thế hệ. Nó như là nỗi buồn của Từ Thức về quê không gặp được người thân vì nơi ấy đã mấy trăm năm trôi qua rồi. 


Trái ngược với ông già tự nói ở bên trong. Bọn trẻ "hướng ngoại" hơn. Chúng nhìn, chúng trao đổi về đối tượng lạ lẫm này để xác định không quen biết. Nếu vậy đã buồn. Đằng này chúng cười, cười rất hồn nhiên, chẳng quan tâm tới lão già. Nhưng tiếng sét làm điếng Già này, làm Già này chết trân là lũ nhi đồng này nó nói với nhau bằng cái âm thanh đầy năng lượng thần thánh của chính mình, sau khi đi gần cả một cuộc đời "Âm hương vô cải". Thế đấy! Mình là người của quê hương nhưng lũ trẻ thế hệ sau lại nói mình là Khách đến nơi này chơi! Người tha hương khi về lại quê cũ mà lại tha nhân trên chính cố hương mình. Tha nhân trong chính cái Gia (nhà) của mình quả là sự cô đơn lạc lõng khó chịu đựng. Với người già, đây là sự nhạy cảm.


Bọn trẻ hồn nhiên dùng giọng quê của mình để phủ nhận. Không hiểu Hạ nhận thức mình Hương âm vô cải bằng cách nào? Bọn trẻ cười và nói thì dễ phát hiện giọng quê. Chắc Hạ phải nói lên thành tiếng những điều xôn xao trong lòng khi mới tới cổng làng nên mới phát hiện được Hương Âm của chính mình. Chủ nhân của quê hương hôm nay đã xác nhận mình (Hạ) là khách. Bạn cũ ai còn ai mất? Thật ngậm ngùi! Có lẽ Hạ đã phải quay mặt giấu giọt nước mắt hiếm hoi của người già. Niềm vui chợt tắt. Tưởng hồi gia, ai ngờ lại phải Ly gia…


Mình cũng đã có trải nghiệm ấn tượng về Hương Âm. Mình quê ở Nghệ Tĩnh, nên biết rõ cái chất phương ngữ trong giọng nói của mình. Mình thấy giọng Nam Bộ không lệch chuẩn nhiều với tiếng Sài Gòn nên có vẻ cái gọi là phương ngữ thường không được đặt ra. Hồi mình mới vào Bến Tre dạy học, ra quê, lúc ăn cơm với ông ngoại, mình có bập bẹ mấy câu theo âm “Miềng Nam Bến Te”, bị ông ngoại giận. Sau, ông dạy mình câu: “Chưởi Cha không bằng pha tiếng”. Từ đó, mình nói giọng Nghệ tới giờ luôn. Napoleon luôn nói giọng người dân đảo Corse. Mao nói thổ âm Hồ Nam. Còn mình, mình rất vui khi thấy bọn học trò năn nỉ: “Thầy ơi, nói tiếng người ta đi thầy. Bọn em không nghe được”… Bởi cái Hương Âm ấy chắc sẽ theo mình suốt đời, cả khi mình còn đang tha hương hay bất chợt về quê…


Anh Vũ