Cảm nhận về tập thơ Khúc Tâm Du của Trần Huyền Tâm

Cảm nhận về tập thơ Khúc Tâm Du của Trần Huyền Tâm
Mở đầu “Khúc Tâm du” là một bài thơ thi sĩ Trần Huyền Tâm viết tặng cho người bạn thưở học trò khi chị mới tròn 15 tuổi nhưng thật thú vị thay “Tôi muốn” lại trở thành tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ ngay từ buổi đầu cầm bút



CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ KHÚC TÂM DU CỦA TRẦN HUYỀN TÂM
(Nguyễn Thị Toán)

 
Mở đầu “Khúc Tâm du” là một bài thơ thi sĩ Trần Huyền Tâm viết tặng cho người bạn thưở học trò khi chị mới tròn 15 tuổi nhưng thật thú vị thay “Tôi muốn” lại trở thành tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ ngay từ buổi đầu cầm bút:
 
Bạn ơi,
Tôi không là thi sĩ
Tôi chỉ viết những gì tôi nghĩ
Bằng tiếng lòng dìu dặt lời ca,
Bằng thanh âm tươi sáng hiền hòa, 
Bằng nhịp phách ngân nga điệu hồn văn học.
 
Vâng! Ngay từ thuở đầu chập chững trên con đường sáng tạo nghệ thuật nhà thơ đã xác định rõ con đường mình sẽ đi - Trần Huyền Tâm không lấy nghệ thuật làm nghiệp sống mà thơ với chị chỉ là “những gì tôi nghĩ”, “tiếng lòng” - sự thôi thúc của trái tim nhạy cảm, ăm ắp yêu thương với con người, thiên nhiên, vạn vật hữu duyên mà chị bất chợt gặp hay đã từng gắn bó trong mỗi chặng đường đời. Và thật bộn bề, “những gì tôi nghĩ” đó, là tích lũy của biết bao nhận thức, xúc cảm, suy tư mà chị góp nhặt, dồn nén trên suốt hành trình sống, hành trình yêu thương và trăn trở.
 
Đọc bài thơ chị viết khi mới là cô bé tuổi 15 ấy, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nó chính xác như một lời tiên tri, một lời dự báo cho thành tựu sáng tác ngày hôm nay của chị khi đã bước vào tuổi tri thiên mệnh. Với 19 bài thơ được phổ nhạc, trong đó có những nhạc phẩm đã trở thành bản “hit”, “hot” của ca sĩ đương đại nổi tiếng: Tùng Dương…; với ca từ đẹp đẽ, sâu sắc đầy ý nghĩa được người nhạc sĩ đồng cảm phối âm tài hoa để lại những  âm hưởng dạt dào, lắng đọng và vang ngân không dứt, như: Bài ca đất (Đất và mẹ), Đợi chờ, Hạnh phúc, Sen ngời tinh khôi (Diệu khúc Sen) vv., Khúc tâm du còn tập hợp gần 20 bài ca trù đặc sắc được biểu diễn bởi các nghệ sĩ trong CLB ca trù Hà Nội: Miền Trung gió hát, Muôn sắc thu trong, Xuân về, Chờ người trở lại, Khúc xuân an vv… Đúng là chị không chỉ làm thơ mà đó là tiếng lòng ủ men, chưng cất thành dìu dặt lời ca, tiếng lòng ấy được vút lên thành thanh âm tươi sáng hiền hòa, và nhịp phách ngân nga điệu hồn văn học. Như vậy ngay từ buổi đầu sáng tác chị đã khát khao, mong muốn và ý thức sâu sắc về một sự gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa cha ông, tâm hồn dân tộc, qua những sáng tạo thi ca của mình.
 
Như vô số các nhà thơ Việt Nam và thế giới, phương Đông và phương Tây, thơ Trần Huyền Tâm trước tiên là tiếng nói của cảm xúc. Ngay nhan đề các bài thơ trong Khúc tâm du, có thể kể tiêu biểu như: Phút chia tay, Sắc chiều, Khúc chiều mưa, Diệu kỳ hoa, Kìa xuân đang đến, Biển đêm, Chiều Mộc Miên vv…đã chứng tỏ điều đó. Mỗi lời thơ đều dường như được bật lên từ sự dồn nén của cảm xúc, điều làm nên sức cuốn hút và lay động lòng người của thơ chị. Và trong mỗi bài thơ thì những câu thơ hay nhất theo tôi cũng chính là những câu thơ tràn đầy cảm xúc. Đó là những rung động mãnh liệt trước vẻ đẹp quyến rũ đầy sức sống của thiên nhiên làng quê Việt Nam quá đỗi thân thuộc từ thuở thiếu thời mà sau này nhà ngoại giao Trần Huyền Tâm dù dấu chân có in khắp mọi miền trái đất thì trong một góc tâm hồn vẫn không thể nguôi quên:
 
Yêu những hàng cây bốn mùa xanh lá vẫy
Ngọn gió đồng quẩy hương lúa thơm bay 
Con đường làng tung tẩy bước ta đây
Mảnh ao con, cánh bèo bồng, con cá quẫy
(Tôi muốn)
 
Cảm xúc hoài niệm, nỗi nhớ khôn nguôi của người con xa xứ “về nơi cất giữ ngày xưa”, cất giữ hồn quê với bao ký ức thân thương của tuổi thơ yêu dấu:
 
…Thuở cái vạc, cái nông ngủ quên trong câu hát
Cánh cò trắng bay ngang miền cổ tích
Cái bống cái bang bên Tấm kết duyên lành.
 
Cánh diều thênh thênh bay bay giữa trời xanh
Lung linh nắng mướt xanh vàng đồng lúa
Cánh buồm nâu lướt trên dòng sông lụa
Con đường làng sóng sánh những mùa trăng.
 
Nơi chú Cuội bay về với ông Giẳng ông Giăng
Nơi tiếng trống thì thùng nức mùi thị chín
Cây ổi trắng bông, bụi dong riềng tím rịm
Hoa cau ngoài vườn hương đẫm sao đêm.
 
Nơi ấy ngày nào... còn đó giấc mơ tiên
Ta mê mải đếm mưa gom ầm ào tiếng sấm
Ký ức vỡ òa trước muôn tầng ánh sáng
Thức lòng về... nơi cất giữ ngày xưa!
 (Trở về nơi cất giữ tuổi thơ)
 
Hay màu hoa của tuổi học trò rực cháy sân trường buổi chia tay đầy nhung nhớ:
 
Hoa thắm quá nên gió thành bối rối 
Tôi nhặt những cánh hoa rơi vội
Ép vào trang giấy trắng hôm qua 
 
Tôi đã nhặt bao nhiêu cánh hoa 
Rơi từ những bần thần cơn gió ấy
Ôi màu hoa của mùa hè chín mẩy…
 
 Sẽ vẫn còn đây…, sẽ nhớ mãi phút giây này
Bạn bè, thầy cô, sân trường, nơi đó
Khung trời tuổi thơ, bàn chân đi qua, cánh đồng ngát gió
Ký ức đậm đầy nuôi dưỡng ước mơ xanh...
(Phút chia tay)
 
Cảm giác rạo rực đến cháy lòng trước mùa xuân chín bởi sắc thắm của hoa gạo chiều tháng Ba:
 
Em đang chín trong vòng ôm mọng lửa?
Hay mùa xuân đang chín giữa tay cầm?
 
Chiều Tháng Ba giăng mưa bụi thật hiền
Mộc Miên thắm, đường xuân nhoà khói nước 
Những sắc màu cứ bời bời sau trước 
Những hình hài trong vắt, đẹp như nhiên. 
(Chiều Mộc Miên)
 
Cảm xúc ngỡ ngàng, đánh thức mọi giác quan trước vẻ đẹp đầy sắc hương của mùa xuân Hà Nội:
 
Long lanh đường sương lối cỏ 
Nồng nàn mắt nắng lời hoa
Ngan ngát hương đưa thơm cánh gió la đà
Xuân dịu ngọt khởi chồi xanh nụ biếc. 
 
Vẫn là em của những ngày đã Tết
Đón anh về trong sắc áo thiên thanh
Mái tóc trần cài tơ nắng rượi xanh
Bàn tay ấm kết đài sen thắm nở.
(Xuân về)
 
Có khi là nỗi nhớ, niềm thương trào dâng trong hồn thơ trước vẻ gợi cảm vô cùng của mùa thu chốn Kinh kỳ, những trải nghiệm dịu dàng và lắng đọng về tình yêu - nỗi nhớ người xa trĩu nặng những khát khao mùa màng, hương thơm, trái chín:
 
Thương tóc gió heo may mỗi độ thu xa 
Thương những con đường sớm chiều đưa đón 
Thương bàn tay ủ thơm lòng cốm
Thương cọng rơm vàng gói nhớ gửi vào xanh.
 
Lối em về giờ nắng gió mong manh
Thu đã qua thời khăn lơi áo mỏng
Thơm vẫn bên đường đợi chờ mong ngóng 
Nhắc một thời hương sắc thắm cùng nhau.
 
Hà Thành vào mùa vắng cánh thiên di
Đường Nguyễn Du vẫn thơm nồng hoa sữa 
Người đi xa nơi tận cùng nỗi nhớ 
Có ấm lòng lắng chấm nhớ hương xưa.
(Hoa sữa)
 
Hay nỗi niềm bâng khuâng, da diết trước biển và dự cảm khôn nguôi về thời khắc chia xa:
 
Biết nói gì trước biển vắng chiều nay
Ta để lại nơi em lời gọi mời nồng say da diết
Bình yên nhé bước quan hà mai này cách biệt
Bàn tay lặng tìm, khao khát nhớ bàn tay...
(Chiều mưa nơi biển xa)
 
Nỗi đau đớn bàng hoàng của trái tim giầu yêu thương, trắc ẩn khi một cơn bão khủng khiếp bỗng nhiên tàn phá một miền quê yên bình, cướp đi bao nhiêu sinh mệnh thiện lành:
 
Một cơn bão trái ngang
Làm đất trời mọng nước 
Làm thế gian thảng thốt 
Làm lòng người nghẹn đau.
(Quá khứ không ngủ yên)
 
Và thẳm sâu nhất là những xúc cảm đau đáu suốt cuộc đời về sự lặng thầm hy sinh của người mẹ tảo tân năm nắng, mười sương trên đồng đất quê hương, chắt chiu nuôi con khôn lớn. Ẩn chứa trong đó là cả niềm biết ơn sâu nặng:
 
Con sinh ra, con sống cùng với Đất
Hạt lúa con ăn, mớ rau, trái bắp
Từ những cánh đồng của Mẹ, Mẹ ơi
(Bài ca đất)
 
Cảm xúc bồi hồi, da diết, tái tê khi hóa thân vào thân phận, tình yêu, sự đợi chờ khắc khoải, mỏi mòn của những người con gái có người yêu, người vợ có chồng ra mặt trận suốt những tháng năm chiến tranh dằng dặc:
 
Trăng treo một trái mõm mòm
Vầng trăng một thời con gái
Vầng trăng đêm dài tê tái
Mỏi mòn ánh mắt bờ môi.
 
Đợi anh, em còn đêm thôi
Ngoài kia, sương đầm mái lá
Giọt sương lăn dài trên má
Giọt sương khắc khoải hao gầy.
 
Biết anh giờ đây nơi đâu
Chiến trường, đạn bom, đêm tối
Trăng ơi, nhờ trăng soi lối
Để anh vững bước quân hành…
(Đợi chờ)
 
Những câu thơ, bài thơ đầy cảm xúc ấy thật lay động lòng người. Thơ với Trần Huyền Tâm như là hơi thở của cuộc sống vậy. Thơ chị là những xúc cảm trước thiên nhiên, trước cuộc đời bình dị, ngợi ca tình mẹ, tình bạn, tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa và luôn gửi gắm vào đó một đức tin về cõi thiện lành . Rất nhiều bài thơ có lời đề tặng: khi là người bạn thân thương thuở cùng cắp sách đến trường, người bạn đồng nghiệp đang công tác nơi xứ người, khi là để tặng người bạn đời yêu dấu, và ngọt ngào yêu thương nhất là những bài thơ viết tặng người mẹ hiền đã một mình thay chồng gánh gồng, nuôi lớn cả đàn con thơ trên đôi vai gầy mảnh khảnh.
 
Nhà thơ Chế Lan Viên nói: “Người làm thơ phải giữ gìn tâm hồn mình như giữ gìn một nguồn suốt trong, vì người đầu tiên uống là mình”. Quả đúng vậy, Trần Huyền Tâm đã luôn giữ được tâm hồn trong trẻo và dào dạt yêu thương như suối nguồn để thơ luôn ngập tràn cảm xúc nồng hậu, đẹp đẽ và thanh tao, hướng thiện. Bởi vì thơ bao giờ cũng là sự sống là yêu thương và hi vọng. Với Trần Huyền Tâm thơ ca cũng không ngoài ý nghĩa ấy.
 
 Cái hay trong thơ Trần Huyền Tâm thuộc về nguồn mạch quá dào dạt của cảm xúc. Đôi khi ta bắt gặp trong thơ chị những nỗi buồn và những bài thơ buồn luôn là những bài thơ sâu lắng nhất: Biển đêm, Đợi chờ, Hoa sữa, Hà nội ngày vắng em vv…Nhà thơ Vũ Cao – tác giả của bài thơ “Núi đôi” - một trong những bài thơ tình buồn nhất và hay nhất của thơ ca Cách mạng quan niệm: “Nỗi buồn tự nó không có hại gì, đôi khi nó còn giúp ta hiểu ta hơn, thông cảm hơn với mỗi số phận, mỗi cuộc đời”. Những bài thơ buồn thường dễ gợi lên trong lòng người đọc sự cảm thông, chia sẻ. Nhưng với một niềm tin trong sáng thiết tha đến mức trở thành đức tin, Trần Huyền Tâm không khi nào để nỗi buồn trong thơ trở thành bi luỵ. Ngay từ những sáng tác đầu tiên thi sĩ đã nói không với cảm xúc tiêu cực:
 
 Ôi có thể chúng ta sẽ khóc  
Nhưng nước mắt rơi thì mình lại gần thêm 
Bởi trái tim vô ưu trong trắng êm đềm
Không kết với âu lo, trầm tư, mộng mị. 
(Tôi muốn)
 
Kết thúc mỗi bài thơ luôn là niềm tin tưởng, sự hướng thiện mang đậm sắc thiền của một chân nhân đã nhiều phần giác ngộ Phật Pháp luôn một lòng một dạ lòng hướng về cõi thiêng, về miền Thiên thượng, về bến Giác an lành:
 
Diệu kì thay lời từ bi hoá độ
Khúc tiên hoa đã nở rộ cõi phàm
Ân lành Phật Pháp truyền ban! 
(Đóa hoa Ưu Đàm)
 
Ngàn năm ngóng chờ ngày đắc Pháp. 
Thầy khai mở thiên cơ kết duyên độ phúc
Ơn cứu sinh mang đến thiện lành
Tân Thiên muôn cõi viên thành!
(Tân Thiên)
 
Đại Pháp hồng truyền Phật quang dẫn lối
Trở lại là mình sau những cơn mê
Thiện duyên đón bước tôi về !
(Câu hỏi cuộc đời)
 
Mùa an hòa bao dung đón đợi
Tâm thiện lành, Phật Pháp truyền ban
Yêu thương thức tỉnh cõi nhân gian
Thiện ác phân minh lòng người sáng tỏ
 
Cả đất trời hoà vui rạng rỡ
Thu an lành, thanh tịnh muôn nơi
Hà thành mùa Giác tinh khôi.
(Mùa Thu về)
 
Đến đây ta bỗng nhận ra với Trần Huyền Tâm thơ không chỉ là những cảm xúc thuần túy, thơ còn "dĩ tải đạo" (Nguyễn Đình Chiểu), là một thứ "vũ khí thanh tao và đắc lực” (Thạch Lam) để thanh lọc và cảm hóa tâm hồn con người, thức tỉnh tất cả những ai còn u mê lầm lạc trong cõi trần tham, sân, si ngập lối hãy cùng gột rửa bụi bặm, tu sửa tâm tính, hướng tới thế giới đẹp đẽ lung linh, yên hòa vĩnh cửu của chân, thiện, nhẫn. Thơ Trần Huyền Tâm không chỉ thuộc phạm trù cảm xúc mà còn bao gồm cả phạm trù tư tưởng. Cùng với việc đặt một chân vào thơ duy lý Trần Huyền Tâm còn trang bị thêm cho thơ đôi cánh của âm nhạc – với các sáng tác theo thể hát nói – ca trù - thi sĩ đã đem triết học vào ca từ âm nhạc một cách tự nhiên và lý thú khiến nó dễ đi hơn vào lòng người để thực hiện sứ mệnh cảm hóa và thức tỉnh.


 
 Những câu thơ có tính triết học thường có sức sống bền bỉ với thời gian. Tuy nhiên thơ không chỉ là triết học, thơ là muôn mặt của cuộc sống và thơ trước hết phải xuất phát từ cảm xúc nhiệt thành của con tim thì thơ mới tồn tại. Rất may Trần Huyền Tâm đã cân bằng được cả lý trí và cảm xúc trong các sáng tác thơ của mình. Sau những diễn giải và lập luận:
 
Điều gì xảy ra khi ta trót lãng quên?
Lời yêu thương chắc không vì ta sắp chia xa mà dễ dãi
Cũng như thời gian chẳng vì ai mà ngang chiều ngừng lại
Dải mây hồng vẫn gió lững lờ trôi 
 
Là sự ạt ào, trào dâng của xúc cảm, níu giữ hồn người đọc:
 
Tôi lặng nhìn... bên cạnh chỗ tôi ngồi
Ai đã viết dòng tên ai lên đấy
Nét chữ thân thương như bóng hình ai vậy
Như ánh mắt ai trao lưu luyến dâng đầy. 
 
Sẽ vẫn còn đây…, sẽ nhớ mãi phút giây này
Bạn bè, thầy cô, sân trường, nơi đó
Khung trời tuổi thơ, bàn chân đi qua, cánh đồng ngát gió
Ký ức đậm đầy nuôi dưỡng ước mơ xanh...
(Phút chia tay)
 
Hay:
 
Dẫu đã biết tháng ngày còn mấy đỗi, 
vui chưa tròn nơi tuế nguyệt hanh hao. 
Sen cuối vụ 
vẫn ủ thơm mùa mới, 
ấp bước về, 
viên mãn giữa ngàn hương.
 
Em gọi nhớ! 
Gọi cho chiều bớt vắng. 
Nghe tay mình 
ấm nắng giữa lòng mưa…
(Khúc chiều mưa)
 
Đọc thơ chị, tôi tự hỏi điều gì đã làm nên sức hấp dẫn và sự bất tử của những câu thơ ấy? Phải chăng chính bởi những triết lý không khô khan, buồn tẻ mà mang đậm sắc màu cảm xúc về tình yêu, lãng mạn mà hiện thực, xa xôi mà gần gũi với thế giới thiên nhiên, con người, cuộc đời đang hiện hữu!
 
Thơ Trần Huyền Tâm ít cái "xảo" - kỹ thuật tinh vi, mà thiên về cái "phác" - giản dị mộc mạc. Đọc thơ chị ta bắt gặp một thế giới ngôn từ vô cùng trong sáng và dễ hiểu, hình ảnh thơ đậm chất ca dao, dân ca. Chị đã rất thành công khi đưa cảm xúc lên thật cao, rồi lắng lại thật sâu trong lòng người đọc, thương lắm những câu thơ:
 
Lối em về giờ nắng gió mong manh
Thu đã qua thời khăn lơi áo mỏng
Thơm vẫn bên đường đợi chờ mong ngóng 
Nhắc một thời hương sắc thắm cùng nhau.
(Hoa sữa)
 
Hay:
 
Biết anh giờ đây nơi đâu
Chiến trường, đạn bom, đêm tối
Trăng ơi, nhờ trăng soi lối
Để anh vững bước quân hành.
 
Mai này trong phút bình yên
Có ai, còn ai nhớ lại
Một thời đạn bom cuồng dại
Một thời khao khát xuân xanh.
 
Mai này trong phút bình yên
Có ai, còn ai biết được
Những người mòn đêm chờ đợi
Những người giấc ngủ thiếu đôi...
(Đợi chờ)
 
Hoặc:
 
Con sinh ra
Đêm tháng Tám nực trời
Gầu nước mát
Lao xao vầng trăng khuyết
Nhà mình nghèo   
Mái tranh mòn vách liếp
Mảnh mo cau quạt không hết mồ hôi.
 
Cái đêm con ra đời
Mẹ cắt nhau chôn vào đất
“Có phải mẹ đã gửi tình yêu chân thật
của con vào đất đai”?
(Bài ca Đất)
 
Tự nhiên và thành thực, cũng như tình yêu, thơ là sự thăng hoa của cảm xúc của ngôn từ giống như rượu chưng từ gạo, hoa thơm trái ngọt từ đất, từ cây.
 
Với Trần Huyền Tâm thơ còn là cái nghiệp vướng vào không dễ gì dứt bỏ. Bốn tập thơ với hơn 300 trăm bài nối tiếp nhau xuất bản trong vòng vài ba năm trở lại - ta cảm giác như chị đang hối hả viết, không để cảm xúc tuột mất, cũng như sống là để yêu thương là cho đi, không để lãng phí một phút giây của cuộc đời. Nhà thơ ý thức rõ về cái hữu hạn của đời người, nơi cõi tạm dẫu trăm năm thì cũng chỉ là ngắn ngủi so với cái vô tận vô cùng của thời gian và của thế giới vĩnh hằng. Mỗi con người sinh ra đều có sứ mệnh của riêng mình. Chị không xác định nghiệp thơ cho mình nhưng với khát khao vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ - nguồn thơ chị lại quá đỗi dạt dào và không ít thi phẩm đã chạm được tới trái tim người đọc thì đó quả là một niềm hạnh phúc lớn lao mà ta biết đằng sau đó là cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi.
 
Thơ Trần Huyền Tâm không giống bất kỳ ai. Chỉ cần đọc cái kết luôn đau đáu khát khao hướng về cõi thiêng của tác giả thì biết ngay đó là Trần Huyền Tâm. Chị hướng về nơi ấy bằng tất cả con tim, niềm khát khao, thành kính. Nối tiếp mạch thơ của Giọt nắng vô thường, Mây ngàn năm vẫn đợiKhúc tâm du có nhiều sáng tác mang tư tưởng thơ Thiền mà ở đó thi sĩ chính là người tu luyện. Chị viết như dòng chảy ý thức trào tuôn trong quá trình giác ngộ về Phật Pháp, làm nên nét khác biệt hẳn trong dòng chảy chung của thơ đương đại. Để viết ra được thơ có “thiền tính” thì người viết hẳn đã có trong mình những hiểu biết về Phật Pháp. Là người có tâm tu Phật thì mới có thể đạt tới trạng thái thiền tịnh và viết ra những vần thơ đậm chất thiền như thế này:
 
 Thì vẫn biết nỗi niềm xưa còn đó
Yêu cạn lòng mà chấp mãi niềm đau
Biển ngàn sâu vật vã đếm canh sầu 
Tàn tuế nguyệt vẫn bạc đầu thao thức.
 
Tĩnh tại bên đời thiện giải bao uẩn ức 
Kết vầng sen là diệu phúc thái lai
Tay trong tay vòng châu thiên thức rạng rỡ hình hài
Ta bên nhau cho tin yêu thắp sáng ngày… biển lặng!
(Biển đêm)
 
Hay:
 
Cuốn Thiên Thư đã ngộ
Bánh xe Pháp chuyển xoay
Bao niềm mong nỗi đợi
Trân quý phúc duyên này!
 
Đến lúc rồi, xuân nhé
Sạch buồn phiền gió mưa
Cùng hạc vàng, mây trắng
Người xưa về chốn xưa!
(Xuân đến bình an)
 
Và:
 
Bạn ơi ta đến nơi này
Với lời thệ ước 
tháng ngày khắc ghi
Đắc chính Pháp, 
bỏ sân si
Thực hành chân thiện, 
từ bi, 
nhẫn nhường
Cùng Thầy chính cõi vô thường
Hiền thần viên mãn bước đường hồi thiên.
 (Nhắc bạn)
 
Còn rất nhiều, rất nhiều những câu thơ có cùng tư tưởng ấy mà trong khuôn khổ của một bài cảm nhận ta không thể kể ra hết. Đặc biệt là những bài thơ viết cho thể ca trù hát nói: Muôn sắc Thu trong, Xuân về, Chờ người trở lại , Khúc xuân an, Xuân yêu thương, Khúc cổ cầm ngày xuân, Vũ điệu liên hoa, Nụ cười hoa Sen, Thuyền trăng đón bạn, Chờ người chốn cũ, Xem múa v.v… Điển hình như bài hát nói Đóa hoa ưu đàm của tác giả mà tôi có thể dẫn ra ở đây:
 
Luân hồi quẩn quanh sáu nẻo
Danh, lợi, tình mê mải chốn trần ai
Cố hương xa, hình bóng cũ dần phai
Lời thệ ước mỏi mòn cùng tuế nguyệt. 
 
Khi cõi thế đến thời mạt kiếp
Chuyển Thánh Vương sẽ hạ thế độ nhân
Vì Uy đức Sáng Thế Chủ cứu sinh
Hoa Ưu Đàm sẽ hồng ân khai nở. 
 
Diệu kì thay lời từ bi hoá độ
Khúc hoa tiên đã nở rộ cõi phàm
Ân lành Phật Pháp truyền ban! 
 
Những bài thơ đậm chất thiền này chất thơ nằm ngay trong ý nghĩ, có cái hay riêng toát ra từ nội hàm tư tưởng, bởi vậy mà nó kén người đọc, và nếu không có nhận thức sâu sắc về Phật Pháp thì khó có thể cảm thụ được. Đồng thời đòi hỏi người đọc phải tạo cho mình một tâm thế để làm “thuốc dẫn” mới cảm nhận được cái sâu sắc của thơ, sự tĩnh lặng của tâm hồn.
 
Đọc những bài ca trù (thể hát nói 11 câu và 19 câu) tác giả viết như đúc kết từ muôn ngàn kiếp, ta ngộ ra rằng bụi trần ai chẳng vương dù nhiều hay ít, nhưng nếu biết hướng tâm, tìm về an trú nơi cõi lành Phật Pháp ta sẽ được gột rửa tâm hồn. Tư tưởng này cũng là sợi chỉ hồng xuyên suốt các sáng tác của chị, nhẫn nại như từng giọt mưa, từng cơn mưa giác giúp ta gột rửa, rũ bỏ dần những tham, sân, hận nơi cõi tục, từng bước tìm về viên mãn. Đó là một thái độ sống và cũng là một thái độ làm nghề của nhà thơ đã mang đầy chất tư tưởng, triết học vào trong thơ đương đại!
 
Thơ, ca nói riêng cũng như nghệ thuật nói chung bao giờ cũng là lĩnh vực của cái độc đáo, của sự sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân, cá thể của người cầm bút. Thiên nhiên, cuộc sống vẫn đang chuyển động quanh ta đầy xúc cảm. Mùa đông đang đến và đi để một mùa xuân mới lại sắp về với sắc thắm hoa đào, hoa mai đua nở. Khúc tâm du là khúc hát tâm hồn của một tài năng thiên bẩm đang vào độ chín, nhưng tôi biết với nội lực của ngòi bút Trần Huyền Tâm chị sẽ còn đi xa lắm trên con đường sáng tạo nghệ thuật - thơ - ca phía trước, con đường hành thiện của một thiền nhân-thi nhân đầy sức cảm hóa và lan tỏa bởi một nỗi lòng khát khao vươn tới ánh sáng, khát khao dâng hiến, khát khao bước vào một bầu trời khác, thế giới khác, thế giới huy hoàng và siêu nghiệm.
 
Tây Nguyên, ngày 03/12/2021
Nguyễn Thị Toán