Câu chuyện tiếng vỗ một bàn tay
- Thứ năm - 26/11/2020 16:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Tranh sơn dầu của Họa sĩ Đặng Phương Việt)
Đôi điều về bài thơ “Sen ngời tinh khôi” của Trần Huyền Tâm hay câu chuyện tiếng vỗ một bàn tay
Em ước gì cho một sáng Hè trong
Mà rạng rỡ cả đất trời hoa lá
Sen ngan ngát đưa tinh khôi vào Hạ
Đây diệu huyền trong vắt cõi từ bi.
Ba tiếng “Em ước gì” mở đầu cho bài thơ có vẻ là bâng quơ, thốt lên không chủ ý. Ba tiếng ấy như lấy đà cho người nghệ sỹ hồn nhiên thổi những nốt nhạc dạo đầu nhưng lăn tăn chưa chọn được những réo rắt của những cung bậc sau. Thi hứng đã tràn đầy nhưng bản nhạc sẽ sao đây?
Và thật lạ:
“Em ước gì cho một sáng Hè trong”
Hiện thực trước mắt đã là “sáng Hè trong”, thi sỹ còn muốn thêm những hoa, lá, cành và gì gì nữa... cho điều ước được toại nguyện?
Từ “mà” đã thực sự tạo ra cái phi lý vốn có lý của thơ. Chắc ai cũng biết câu chuyện “Con cò MÀ đi ăn đêm” đầy kịch tính từ tình huống của chữ MÀ bất thường này. Con cò thường ăn ngày, việc nó ăn đêm là một tình huống không nằm trong quy luật!
Ở đây, sáng mùa hè đã trong. Nối chữ MÀ vào vế sau, thì điều em ước sẽ là một bức tranh đối lập mang màu đục tối? Vậy mà, hoá ra, điều em ước cứ luôn luôn là trong trẻo lạc quan.
Cho nên hiện thực dù trùng khít với điều em ước nó vẫn là đồng nhất. Mẫu câu “A mà B” vốn đối lập “A và B”. Thông qua cảm nhận vốn luôn tươi sáng của mình, nhà thơ đã đồng hoá A và B thành một. Với một tâm hồn thánh khiết cảm nhận thì những mẫu thức, logic người thường có thể bị đảo lộn!
Vậy là điều em ước nó đã phơi bày ra trước mắt chẳng cần em ước:
“Mà rạng rỡ cả đất trời hoa lá
Sen ngan ngát đưa tinh khôi vào Hạ
Đây diệu huyền trong vắt cõi từ bi.”
Thực ra, không có cái nhìn “trong vắt từ bi” từ cõi diệu huyền thì khó mà có sáng hè âm thầm mà xôn xao tự bên trong đến vậy!
Cứ như thế giới tịnh không nơi cõi Tiên. Nắng và mây và mắt em; thênh thênh dìu dặt rồi xanh thắm và thẳm biếc cứ đưa đẩy năng lượng cho nhạc và họa tung tẩy cho nhau thật dịu dàng…
“Nắng thênh thênh dìu dặt cánh thiên di
Mây xanh thắm và mắt em thẳm biếc”
Tất cả cái phông của giấc mơ có thực ấy là nhằm đẩy hình tượng trung tâm này ra cho ta xoa xuýt :
“Sen rạng ngời thắp những vầng thánh khiết
Ngón Sen hồng dâng khúc nhạc thần tiên.”
Sen rạng ngời; Sen dâng khúc thần tiên...
Rồi cứ thế Sen được trân quý thêm những giá trị mới:Tinh khôi; Thanh thoát; Lóng lánh hào quang; Ngời rạng rỡ…
Một bức họa cổ điển: dùng phông cảnh rất tỉ mỉ và mô tả đối tượng sen thật công phu. Sen không chỉ là họa mà còn là nhạc, là vũ. Sen hoà nhập vào sáng thần diệu. Nhưng chính Sen đã tạo nên buổi sáng giản dị nhưng kỳ ảo một cảnh giới khác nhân quần.
“Sen tinh khôi thức tia nắng đầu tiên
Sen thanh thoát trong dáng ngồi đả tọa
Sen lóng lánh ánh hào quang sáng tỏa
Cánh Sen ngời rạng rỡ ngút tầng không”
Những ai đã đọc thơ Trần Huyền Tâm có thể thấy những câu cuối thường là gợi, là hay, nhưng không dễ hiểu, và đôi khi có thể bị lạc lối. Vẫn tâm hồn “Huyền Không”, Tinh khôi văn vắt ấy, vẫn hình tượng ấy đưa đẩy ta vào đến ngọn nguồn…, thơ của Tâm đưa ta đi từ biển lên suối khe. Và rồi khi thơ dẫn ta tới đứng đầu non nhìn cánh hạc vờn, thì lại là lúc ta vẫn còn đang ngơ ngác…
Hoá ra, đó là những bông sen ngồi đả tọa an nhiên trước khi có rạng đông. Những bông sen ấy thức ánh hồng và hồng như sen hạ sớm…
Những bông sen ấy có thể là Tâm; là bạn bè Tâm đang nở giữa một miền, một mùa Tịnh Độ. Tất cả:
“Minh triết, dịu dàng, ngời ngợi hương dâng”
Họ thành VẦNG uy nghi có quyền năng thanh lọc:
“Những vầng Sen đưa Hạ vào tịnh khiết “
Hai câu sau giải mã vì sao câu đầu em lại ước thế. Chưa kịp ước thì em đã ở trong điều ước:
“Ai nhớ..., ai quên..., riêng em, ta biết
Tháng Sáu, Sen ngời, thù thắng cõi an nhiên…”
Đâu chỉ “riêng em”?
Ta biết. Tôi biết. Bao búp Sen trong lành sáng Hè kỳ diệu ấy đều biết. Và bao nhiêu người rơi lệ khi tháng Năm qua…
Có một ngày tháng Sáu nhìn lại.
Có những câu thơ giản dị mà lay thức. Với người không đồng cảm thì nó là công án về tiếng vỗ một bàn tay. Người ta thấy nó là một ẩn dụ là lạ, hay hay, với trăm ngàn cách lý giải. Bởi, người khác cảnh giới nên thấy thơ hay, nhưng lại là cái hay của người ngoài cuộc, không cần biết về cái công án ấy.
Với tôi, đây đâu phải là ẩn dụ. Đi vào cõi Đạo của thời gian đang ngân lên giai điệu tròn đầy trong thơ Huyền Tâm, tôi cảm nhận được rất rõ năng lượng từ tiếng vỗ vô thanh ấy! Thấy rõ thơ ấy, người ấy đều là không thuộc về cõi này.