"Cội" - Chất đằm thắm trữ tình trong thơ Trương Minh Hiếu
- Thứ tư - 17/07/2024 09:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Lam Châu)
“CỘI”, CHẤT ĐẰM THẮM TRỮ TÌNH
TRONG THƠ TRƯƠNG MINH HIẾU
(Vũ Thanh Huyền)
Trương Minh Hiếu là một cây bút thơ, thành viên của nhóm “Búp trên cành”. Anh đã tham gia lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn thơ thiếu nhi do hội VHNT Thái Bình tổ chức từ năm 1979 -1982. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất cổ Long Hưng, nơi phát tích của vương triều nhà Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Trưởng thành anh không theo nghiệp viết mà trở thành một kỹ sư, nhưng tâm hồn anh luôn thấm đẫm chất nhân văn, chất văn chương của một người con đất chèo, quê lúa.
“Cội” là tập thơ đầu tay của anh, một chất giọng đằm thắm, trữ tình mà gần gũi, dung dị. Phần lớn tập thơ là tình cảm quê hương, cha mẹ, gia đình, được viết theo thể thơ truyền thống khá ngọt ngào, nhuần nhuyễn. Không sa đà vào các góc cạnh của cuộc sống, không phá cách hiện đại, thơ anh như lời thủ thỉ tâm tình về quê hương, gia đình.
Thuở niên thiếu anh đã bộc lộ năng khiếu văn chương, bằng sự quan sát tinh tế của một đứa trẻ anh đã đặt bút viết về cha như một người từng trải:
Giờ nghỉ trưa của bố
Có công việc buổi chiều
Và hạt mầm nao nức
Cứ giục lòng người gieo
(Giờ nghỉ trưa của bố)
Bài thơ mang vẻ đẹp của nhiều chiều cảm xúc, ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật mở ra bao điều mới mẻ, bao niềm vui và hy vọng.
Và đến ngày anh được làm cha và niềm hạnh phúc được nhìn thấy con khôn lớn mỗi ngày. Niềm hạnh phúc đó đi cùng với lo toan cuộc sống. Anh viết mà như nói với chính mình:
Con năm tuổi chật căng nhà hạnh phúc
Cha lại lặng thầm thêm một nỗi lo toan.
(Khi con năm tuổi)
Viết về mẹ là một đề tài không mới, đã rất nhiều người viết. Nhưng đối với Trương Minh Hiếu, anh có lối viết riêng, từ những gì gần gũi, thân thương như tình mẫu tử tự nhiên vốn thế:
Tóc mềm như gió như mây
Nước thơm mẹ gội, bàn tay chải đều
Gội cho bụi bặm sớm chiều
Gội cho nhẹ bẫng những điều bay ngang.
(Hương bồ kết)
Câu thơ mang sức gợi cho ta liên tưởng đến nhiều điều “bụi bặm” ở đây không chỉ là “bụi bặm” theo nghĩa thông thường, mà còn là những vất vả lo toan, là những phiền muộn, khổ đau, là những tham, sân, si ở đời được gột rửa, bay đi hết, nhẹ bẫng, để mẹ hiện lên an nhiên, hiền hậu cho con được nương tựa mỗi ngày. Để rồi anh hoài niệm nhớ thương mẹ:
Hương bồ kết có còn đâu
Xa quê phảng phất nhớ màu nắng mưa
(Hương bồ kết)
Câu thơ như chùng hẳn xuống, như một nốt trầm trong bản nhạc, khiến lòng ta bâng khuâng.
Ở một bài thơ khác, những cảm xúc về mẹ hiện lên trong anh như một linh cảm, một nỗi buồn xa xôi:
Mẹ như quả chín cành xa
Như câu hát cuối bài ca cõi người
Chờ khi mẹ ốm nằm rồi
Mới về thăm mẹ bao lời như không
(Nhớ về thăm mẹ)
Đó là một quy luật tự nhiên ở đời, là điều không mới như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết “Mẹ già như chuối chín cây”. Tuy nhiên, câu thơ của anh lại làm cho người đọc phải suy ngẫm, không ít người không khỏi giật mình khi nghĩ về cha mẹ và bản thân, trước bao lo toan bộn bề cuộc sống có giây phút nào sao nhãng đi đạo làm con của mình không. Câu thơ như lời tự sự, như lời nhắc nhở mình vời vợi như một lời ru.
Thơ Trương Minh Hiếu không hiện đại, phá cách, không đổi mới kiểu không vần điệu như thơ mới bây giờ. Thơ anh giàu chất trữ tình, tự sự, giàu hình ảnh gợi cảm. Là nỗi niềm đau đáu về quê hương của người con xa xứ, là hoài niệm nhớ nhung, mong ngóng:
Làn khói mỏng níu quẩn quanh mái rạ
Nưng nức mùi cơm mới quyện tay đơm
(Quê nội)
Những câu thơ hàm chứa bao cảm xúc, bao hình ảnh bằng một nhịp điệu êm ái và vẻ đẹp của ngôn từ đã chạm vào trái tim người đọc
Cũng viết về quê nhưng trong bài “Đất quê gọi mùa” lại là một bức tranh tươi sáng về một vùng nông thôn đổi mới. Quê xưa lam lũ giờ đã sang trang với công cuộc xây dựng nông thôn mới làm thay da đổi thịt từng làng quê, khiến những người con xa quê đi tìm tương lai ở một vùng đất hứa xa xôi, nay lại mong muốn được trở về với cội nguồn, với miền quê đáng sống:
Đất quê nghèo lam lũ đã giàu sang
Mùa tiếp mùa gọi thiêng liêng niềm nhớ
Người trẻ dắt nhau rời phố về quê ở
Gặt hạt vàng, gieo những ước mơ xanh
(Đất quê gọi mùa)
Hình ảnh “Gặt hạt vàng, gieo những ước mơ xanh” một hình ảnh đối lập rất đẹp thể hiện sự sáng tạo của tác giả thấm đẫm bao tình cảm chan chứa với quê hương.
Tập thơ cũng thể hiện một sự chiêm nghiệm về cuộc đời của người viết, một sự quan sát tinh tế, sự trải nghiệm qua thời gian, năm tháng của đời người:
Một mai lỡ gió không về
Lối vườn xưa sẽ chẳng hề còn đâu
(Ngọn gió vườn nhà)
Hay:
Ấy là khi đến tận cùng sự thật
Nước biển trong veo như nước mắt người đời
(Nước biển)
Những bài thơ trên đã thể hiện một năng lực quan sát, cảm thụ rất tinh tế của tác giả để tạo nên những cung bậc cảm xúc thấm đẫm chất trữ tình của một trái tim nhân hậu, của một mạch nguồn thi ca mang phong cách truyền thống.
Trong lời tâm sự cùng con gái, anh đã đưa ra những câu tâm tình trò chuyện, những lời răn dạy triết lý mà cũng rất đời thường:
Ngoài ba mươi sống chưa phải là dài
Ngày lên xe hoa mới chỉ là ga xép
Thổn thức ngân rung đón cung đường nối tiếp
Toa tàu này nhớ chở nỗi niềm cha
(Nói với con ngày cưới)
Để rồi cha luôn bên con trong mỗi chặng đường, tiếp sức cổ vũ con để có được niềm vui hạnh phúc trọn vẹn. Những câu thơ đằm thắm ngọt ngào như tình cha vậy:
Mùa rạng rỡ quả lành ga cuối chặng
Là ngọt ngào con đã sống vì nhau
(Nói với con ngày cưới)
Thơ anh cũng dành nhiều cảm xúc cho những rung cảm thường nhật của con người với một loài hoa, mùa hoa hay bến cũ, từ những rung cảm ấy để chiêm nghiệm về cuộc sống, về nhân tình thế thái ở đời:
Cơn gió ngược dập dìu rơi rất nhẹ
Mấy đài hoa lỡ cạn nửa câu thề
(Lỡ hẹn mùa hoa gạo)
Hay là:
Nếu có lỡ mùa sang, có trót màu đón đợi
Vu vơ miền hoa dại để mà buông
(Hoa dại)
Mịt mờ cây với là cây
Dối lòng tay lại cầm tay của mình
(Hai phía không là)
Những cảm xúc tươi mới khi gặp mùa phượng nở đã làm cho anh bật lên những câu chữ thật đẹp:
Có phải từ trong gốc rễ lặng im
Tràn sức sống phượng dạt dào dâng hiến
Như thênh thênh mùa sang mùa lại đến
Tưng bừng hoa rực rỡ tháng Năm về
(Cháy lên mùa phượng nở)
Thơ anh giàu hình tượng, mạch nguồn thi ca êm đềm chảy không phá cách về ngôn từ, thủ pháp nghệ thuật, chủ yếu được viết bằng cảm xúc chiêm nghiệm của bản thân. Viết như để tự sự với chính mình:
Người đi xa chạnh lòng da diết nhớ
Mẫu đơn làm gần lại những chia ly
(Một loài hoa thắp lửa)
Đa số những bài anh viết như một dòng suối róc rách chảy, không như dòng sông ầm ào mùa nước lũ, hay duềnh lên thác đổ, cứ nhẹ nhàng lay động những giác quan, lay động tâm hồn người đọc. Thể hiện một nội tâm phong phú, một trái tim nhân hậu, một chất giọng trữ tình, ngọt ngào sâu lắng:
Từ trên cao thấy hình hài nhỏ bé
Khi trở về ta bé nhỏ trước quê hương
(Quê hương mình ta thấy từ từng cao)
Gấp lại tập thơ đọng lại trong lòng độc giả là một chất giọng đằm thắm, trữ tình mà dung dị, gần gũi, là những cảm xúc êm dịu, thân thương. Những hình ảnh thơ giàu sức gợi, bằng sự rung cảm chân thành của người cầm bút, sự cẩn trọng trong từng con chữ, bằng sự chiêm nghiệm từng trải của một đời người đã đem đến cho người đọc rất nhiều ấn tượng. Tuy nhiên, cách viết vẫn còn theo lối cũ, chưa thực sự đổi mới vận động biến hóa của ngôn từ cũng như thủ pháp nghệ thuật có thể cũng là một hạn chế của tập thơ.