Cuộc kiếm tìm thiên định
- Thứ ba - 05/05/2020 09:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhắc đến ngày xưa, hẳn ai trong chúng ta cũng muốn lang thang dọc miền ký ức, mong được quay trở về thời ấu thơ, về cái thuở “chưa biết buồn” mà nhà thơ Hồng Oanh từng nhắc đến trong bài thơ “Về thành phố trước cơn mưa”:
Về thành phố trước cơn mưa
Chợt như về lại thuở chưa biết buồn.
Dù là của ai thì “cái thuở chưa biết buồn” ấy cũng đều rất đẹp. Bởi cái thuở ấy thật vô tư, hồn nhiên và thanh khiết. Nó như hơi thở dịu dàng của ngọn gió ấm nồng trong tiết khai xuân, như tiếng thì thầm se sẽ của dòng sông dâng dâng ngoài bờ đê, như tiếng lách tách của mầm non đang dâng lên trong vườn, như cái háo hức tinh khôi của tia nắng đầu tiên trong ngày mới, như cái liu diu của con sóng mảnh mai trôi giữa dòng, như một con dế con, vô tư hát trong đêm, không cần biết ngày mai trời mưa hay nắng...
Trẻ em, dù ở thành thị hay thôn quê, thì đều có nhiều trò chơi, vui ơi là vui. Có thể kể như trò chơi trốn tìm, nhảy dây, chơi luyến, đánh khăng,…. Những trò chơi trẻ con thường đơn giản nên không phải học trước. Chỉ cần một đứa xướng tên của trò chơi là cả lũ sẽ hào hứng nhập cuộc ngay. Ai cũng lao vào chơi mê mải, nhiệt thành mà chẳng cần phải giữ ý giữ tứ. Đôi khi mải chơi quá quên cả nấu cơm, quét nhà, rửa bát giúp mẹ.
Khi nhắc lại các trò chơi ngày bé, tôi thường hay nhớ đến trò chơi trốn tìm. Trò chơi đó dễ học, dễ chơi nhất. Một người sẽ bịt mắt, vừa đứng xoay mặt vào cột vừa đếm đến một con số đã thỏa thuận trước. Người trốn sẽ đi tìm nơi nào kín đáo trốn vào. Sau khi đếm xong, người đếm sẽ đi tìm cho được người trốn đồng thời giữ vị trí cột mình đứng sao cho người trốn không chạy ra vỗ tay vào cột. Nếu như vậy, người đếm phải đếm lại vòng khác.
Có một bài thơ rất hay về trò chơi này, cũng mang tên “Trốn tìm”, có lẽ được nhiều người thuộc lòng vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng rất tiếc là hiện nay trong số bạn bè tôi biết tới bài thơ này, thì không ai còn nhớ được tên tác giả. Bài thơ ấy như thế này:
Bạn ơi, trốn ở nơi đâu?
Ra đi, tôi thua rồi đấy
Trăng sáng trong vườn ngoài bãi
Trẻ em chơi trốn, chơi tìm.
Chao ôi cái trò trẻ con
Không biết cũng không phải học
Chỉ một lần là nhập cuộc
Trốn nhau, tìm nhau, thế thôi.
Nhớ mãi khu vườn nhà tôi
Hoa bưởi, hoa nhài thơm ngát
Hoa trứng gà rơi xuống tóc
Gió thì thầm ở sau lưng.
Tìm được nhau rồi có mừng
Trốn được nhau rồi có nhớ
Thương nhau xin đừng nói nữa
Chúng mình lần lượt trước sau.
Bạn bè giờ ở nơi đâu?
Có ai gặp ai để hỏi
Những ai còn đang tìm nhau
Những ai còn đang trốn nhau?
Đọc thơ, lại thấy nao nao nhớ về tuổi thơ của mình, nơi đã cất giấu giá trị xưa, kí ức xưa. Ngày xưa bao giờ cũng đẹp, cũng lung linh, bởi chúng ta lúc đó là được sống trong thế giới cổ tích, với những ước mơ xanh, với cả thế giới trò chơi tuyệt mỹ.
Đọc trong sách của Phật gia, và cũng qua chia sẻ của một số bạn bè, tôi mới biết một bí mật về con mắt thứ ba (thiên mục). Hầu hết trẻ em đều có thiên mục mở hoặc rất dễ được khai mở. Vì vậy, trẻ em có khả năng nhìn vào quá khứ xa xưa của mình, nhớ được kiếp trước của mình. Sau này lớn lên, tham dự vào quá nhiều những sự tình hữu vi đầy rẫy những tư tâm của đời thường nên thiên mục ấy sẽ dần dần đóng lại, dần dần mờ đi.
Bài thơ “Trốn tìm” là nói về cái trò chơi của bọn trẻ con, nhưng hình như đằng sau nó có một ý gì đó lớn lao lắm. Nghe như có lời nhắn gửi từ xa xưa, của những người đang có thiên mục mở nói với những người khác về một sứ mệnh nào đó. Nghe như có tiếng nhắc nhở người ta tìm nhau để nhớ đến những mối duyên kết từ tiền kiếp. Cứ thấy cảnh người người đang gọi nhau. Đang trong một trò chơi mà cứ như cảnh của đời thực. Một cuộc kiếm tìm thiên định, một lời nhắn gửi được an bài trong một trò chơi.
Có lẽ nào với trò chơi Trốn - Tìm này, các Thần đã cố ý an bài để nhắc con người phải tìm thấy nhau, khi xuống nơi đây, trong cuộc nhân sinh này, khi đang ở trong mê, khi còn chưa tìm được lối quay về. Chỉ có tìm thấy nhau thì mới có thể dắt díu nhau cùng trở về. Cũng là hỏi nhau, gọi nhau, nhưng nó không hề có chút tuyệt vọng. Bởi vì khi “Tìm” được nhau thì mừng. Nhưng khi “Trốn” được nhau rồi thì lại nhớ. Cuộc đời của người ta, trong trăm năm lưu lạc ở chốn bể dâu, ai biết được đến lúc nào ta mới hữu duyên gặp lại, để cùng nhau ngộ được ý nghĩa sâu xa của cuộc nhân sinh này, để rồi cùng được giải thoát.
Nhà Phật cũng đã từng giảng về nhân duyên, giảng về “thất tình”, “lục dục”. Con người sống vì cái tình. Những cái tình tạo nên thế gian này, bao bọc thế gian này trong chữ “si”. Ở đây, tác giả không dùng từ “yêu” mà lại dùng từ “thương”. Mà “thương” là có ý nhắc đến sự “từ bi” trong tứ vô lượng tâm của nhà Phật. Nhưng mà tại sao lại là chúng mình lần lượt trước sau nhỉ? Chỉ là khi người ta xếp vào hàng vào lối, vào một chỉnh thể, thì mới có cái cảnh lần lượt trước sau chứ:
Thương nhau xin đừng nói nữa
Chúng mình lần lượt trước sau.
Bài thơ kết thúc với việc lại nhắc lại cái nghĩa vụ phải tìm kiếm nhau trong cuộc nhân sinh dâu bể. Rồi bạn bè giờ ở nơi đâu? Có ai gặp ai để hỏi? Những câu hỏi trong từng câu thơ tựa như lời thúc giục nhau. Có lẽ là để cho chúng ta tìm nhau. Để cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của cuộc sống trên cõi tạm này.
Đọc thơ rồi, ngồi yên lặng rồi, mà vẫn cứ như còn nghe thấy có tiếng gọi nhau, tiếng gọi nghe thật da diết, khẩn thiết, cháy lòng. Vậy đấy, bạn bè tôi, giờ ở đâu, trở về đi thôi, sao cứ trốn nhau mãi thế! Có nghe thấy tiếng gọi từ quá khứ không? Nếu đã nghe thấy, thì hãy mau chóng nhớ ra đi, để còn lần lượt trước sau trở về, về nơi cõi xưa cao xa và linh thiêng ấy. Nào là tiếng gọi bạn, tiếng gọi anh, gọi em. Ai ở vai nào thì vào vai đó đi nhé, để diễn cho thật tốt trò chơi kiếm tìm này.
Lại nhớ đến bài hát “Đóa hoa vô thường” của Trịnh Công Sơn. Cũng là sự tìm nhau trong từng khoảnh khắc, từng ngày, từng đêm, cả trong ý nghĩ lẫn thực tại, ở mọi lúc mọi nơi, ở xa hay gần. Tiếng gọi tìm cũng da diết, cháy lòng:
Tìm em tôi tìm
mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn
một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh,
một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm,
một hồn giấy mới
Tìm em tôi tìm,
nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng,
tìm ngày tinh khôi
Tìm chim trong đàn
ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông
những dấu hài
Tìm em xa gần,
đất trời rộn ràng ..
Thế đấy! Vở kịch cuộc đời đang diễn lại tích xưa. Và đây, những cuộc trốn tìm thiên định, được an bài trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, để nhắc nhớ những người có duyên cơ, hãy tụ về bên nhau, dìu dắt nhau, để cùng ….trở về.
Xin hãy lên tiếng, nếu bạn đã có lời giải cho trò chơi này, nếu đã nghe thấy quá khứ gọi tên mình!
Trần Huyền Tâm
(Tản mạn miền sương khói - NXB Hội Nhà văn 2019)