Đất không chảy được

Đất không chảy được
Tôi đã đọc nhiều trường ca, cũng đọc một số bài phê bình trường ca; nhưng viết về thể loại này thì đây là lần đầu tiên. Âu cũng do duyên, khi bạn bè vừa động viên vừa thúc giục. Lại nhẩm câu thần chú: cái gì chả có lần đầu tiên!


ĐẤT KHÔNG CHẢY ĐƯỢC

(Về trường ca Hồn khèn của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng)


 

Tôi đã đọc nhiều trường ca, cũng đọc một số bài phê bình trường ca; nhưng viết về thể loại này thì đây là lần đầu tiên. Âu cũng do duyên, khi bạn bè vừa động viên vừa thúc giục. Lại nhẩm câu thần chú: cái gì chả có lần đầu tiên!


  1. Đất và nước  

Ngày ấy

Chiều chiều

Mặt trời sắp đi ngủ sau lưng núi

Giao bản làng lại cho mặt trăng

(I)

Thủ pháp nhân hóa thì trẻ em tiểu học đã bắt đầu làm quen rồi. Tuy nhiên chỉ trong hai câu thơ đã có đến 3 đối tượng được nhân hóa, chuyển động và tương tác cùng nhau: mặt trời, núi, mặt trăng. Khẩu khí mộc mạc (nhất là ở từ giao) lập tức định vị bối cảnh của câu chuyện là ở vùng cao.


Ai đó yêu cầu trường ca nhất định phải có nhân vật và cốt truyện, thì tôi xin giới thiệu đó là ba nhân vật đầu tiên. Một cụm từ ngày ấy đủ cho biết thời gian bắt đầu của câu chuyện đã khá xa xưa. 


Em tắm nước lần trong khe

Em tắm ánh trăng lưng núi

Da em mịn như hoa đào

Má em hồng như trái đào…

(I)


Những đoạn tả em, tả anh, tả núi rừng đẹp cỡ như thế có nhiều trong trường ca. Tuy nhiên tôi không đi sâu vào đó bởi nó hơi khuôn mẫu kiểu tranh Đông Hồ, và không phải mục tiêu chính của bài viết này. 


Có cốt truyện không, vào sâu sâu tác phẩm rồi mới biết được; nhưng những yếu tố như kịch tính, cao trào… thì không cần đợi lâu đến thế. 


Đầu tiên là giới thiệu ngắn gọn:

Anh đi cùng cây khèn trúc


Tiếp đến hé mở năng lực chủ đạo:

Khèn trúc biết hát lời yêu

Và bắt đầu kiểu xa xôi nhưng lãng mạn một cách mạnh mẽ:

lơ lửng

đậu trên mặt trăng

Rồi lại gần:

Khèn trúc biết nói lời tình

Thầm thĩ

Và bạo liệt, khơi gợi:

Luồn xuống khe sâu

Còn bạo liệt hơn nữa: 

Khèn trúc cùng hơi thở anh

chui qua khe cửa

luồn vào chăn em

vuốt ve da thịt

em!

(I)

Có thể thêm bớt một vài mắt xích, nhưng cấu trúc điển hình trên đây đã được tác giả sử dụng phổ biến trong trường ca này. 


Chẳng hạn, cuộc xây dựng hạnh phúc trong tưởng tượng:

Ta cùng đi ngả cây rừng

dựng ngôi nhà

Cũng bắt đầu bằng qui mô nhỏ, rồi toan tính mở rộng:

ba gian, bảy gian

Cũng từ cùng nhau trong một không gian mở:

Ta cùng đi trỉa hạt bắp

Và tiến tới cùng nhau một không gian kín:

Cùng bốc một rá

Tay chạm tay


Bạn đọc có thể nhẩn nha đọc thơ, đọc cả cái lớp lang của cấu trúc thơ ấy trong nhiều đoạn về sau của trường ca. Chẳng hạn đoạn này:

Hãy về với anh

Em yêu!

Bản mình

đá chen đá

Nhà mình

đá chen đá

(I)


Thơ cơ bản hướng tới sự cô đọng, ngắn gọn. Nhưng lại có những nơi mà kéo dài bằng từ láy không đủ, còn phải chia chẻ ra thêm để nhấn nhá cái chiều sâu của cảm xúc:  

Đêm êm

đêm ấm

Ngày ngọt

ngày ngào

(I)


Ai trải qua mùa đông miền núi phía Bắc mới thấm thía cái chữ “ấm” về đêm nó trọng cỡ nào. Nguyễn Du viết “sầu đong càng lắc càng đầy – ba thu dọn lại một ngày dài ghê”. Còn cái ba ngày của người yêu nhau mong về với nhau ở đây thì:  

Mỗi người chỉ một lần sinh ra

Ba ngày kể như một kiếp sống

(I)


Những trường đoạn ba ngày ấy được triển khai chi tiết. Nào là “không lấy được em” thì “anh ở một mình”, rồi anh “như tảng đá đơn côi xó bản”, rồi “ngày đắng”, “đêm cay” và chung cục là: 

coi như ông trời đã lấy mình đi rồi

lúc bằng hạt tấm


Rồi cũng đến cái lúc cao trào của thân: 

Hơi thở ta lồng vào nhau

(I)

Và tâm cùng thân:

Ước em như sợi lanh

Anh quấn quanh mình

Anh đâu em đấy

(I)


Sau đó là những câu thơ nghiêng hẳn về tự sự, kể cùng tả. Cũng có chút kịch tính từ thưa cha mẹ tới nhờ mối mai, chọn ngày lành tháng tốt… và bị từ chối:

Cha mẹ em chê anh

muốn con rể có vàng lá nhiều phân 


Dù sao, anh được cái giải an ủi là sự đồng cảm từ thiên nhiên:

Cha mẹ em chê anh

quả ngõa mật trên cây rụng rữa

(I)

Và từ em: 

Cha mẹ em chê anh

Em như bị thu mất vía

(I)


Rồi theo một motif muôn thuở, tương tự cậu trai bỏ làng đi đồn điền cao su trong thiên truyện Lão Hạc của Nam Cao:

Anh đi buôn kiếm bạc nén vàng phân

Anh trở về mùa xuân

Hoa mận tiếp hoa đào

Còn mùa hoa mình còn gặp nhau


Thật cảm động với giải pháp vừa sống động vừa thuyết phục mà người Mông đã đưa ra cho đôi lứa, rộng hơn là cho từng cá thể người tìm chỗ đứng và lối sống tùy theo căn tính của mình:

“Em ơi! Nước chảy được thì nước chảy

Đất không chảy được thì đất đứng”

(I)

Trường đoạn thứ nhất của trường ca khép lại bởi một hạt mầm hy vọng là sự chung tình của người con gái:

Em gửi nỗi thương vào đất

Đất thương mình sẽ trổ cây xanh đợi anh

(I)


Để dễ bề hình dung cốt truyện của trường ca, tôi cũng xin mạo muội đặt tên phần I này là Đất và nước. 


  1. Bóng chim tăm cá


Phần II thật giản lược, cũng giản lược như chuyện cậu trai ở đồn điền cao su vậy. Hành trình (khá ảm đạm) của chàng có thể tóm tắt trong mấy câu thơ:

bình minh

vừa ló

Nhật thực toàn phần

(II)


  1. Phận hoa


Góp phần vào thành công của trường ca, có phần không nhỏ các câu dân ca, thành ngữ… của đồng bào Mông. Chẳng hạn lối ví von độc đáo về người ở lại chờ đợi đã đi rất xa so với điển tích “nấu cháo rìu” của truyện cổ phương Tây:


lòng như đun lửa nồi không

(III)


Tác giả cũng khiến điệu thơ thêm phần phong phú bởi những câu lục bát nhuần nhuyễn đặc trưng của người đồng bằng:

Anh giờ bươn bả nơi đâu

đường xa dặm thẳm đèo cao thác ghềnh

(III)


Khi vắng anh, em – bông hoa nở trong rừng sâu vốn được tôn vinh giờ thân phận trở nên chấp chới: 

Hoa thì đậu nhờ thân cây

Cây cho nở được nở

Cây cho tàn phải tàn

(III)


Vì thế, phần III này tôi đặt tên là Phận hoa. 


Sự phát triển mang màu sắc gây hồi hộp của trường ca không chỉ theo từng đoạn ngắn như tôi đã nhắc ở trên (phần I) mà cả từng chương. Ở chương này lần lượt là hoa chấp chới, rồi đến hoa bị đe dọa thôn tính: 

Người ta vàng lá nhiều phân

Bạc nén nhiều lạng

Người ta cậy người mai mối

(III)


Và hoa còn cơ hội tự quyết nhưng dường như cơ hội ấy ngày một giảm dần: 

Đăm đăm chỉ một nỗi niềm

Cùng ai chung một mái êm thuận hòa

Nhưng rồi biển cứ khuất xa

Mình em đứng giữa phong ba cõi lòng…

(III)


Mặc dù hoa không ham hố gì vàng lá nhiều phân mà chỉ:

Ước gì như núi Cô Tiên

là thiên nhiên

không ràng buộc

Ta về với nhau

lấy lá rừng làm lều

lấy cây lau làm lán

(III)


Cuối cùng là cái kết bẽ bàng: 

Anh yêu vẫn bặt tin

Mẹ cha nhận lễ nhà người

làm cưới

(III)


Dù sao đi nữa, với tính chất hai trong một nên không ai ngây ngô đi đòi hỏi cấp độ của gay cấn hồi hộp và kịch tính của chuyện trong trường ca phải như ở văn xuôi. 


  1. Sự trở lại muộn màng


Dễ hình dung diễn biến và trạng thái của chàng trai khi trở lại (muộn màng). Nhưng vẫn có một chút hồi hộp (cho những ai khó tính tìm truyện trong thơ) là chàng sẽ chung sống với điều đó thế nào? Và đây là câu trả lời:

bí leo rẫy liền rẫy

đậu lên đồi lại đồi

cái việc ăn cái nghĩ

cái việc đỡ đần nỗi buồn

(IV)


Chàng trai biết chơi khèn hay và giàu tình cảm, nhưng bằng lý trí đã vượt lên được nghịch cảnh dù tất nhiên là không mấy dễ chịu bởi đó là tình duy nhất


Nỗi cô đơn như gai đâm

Những cám dỗ dịu dàng như nước

Và tình yêu duy nhất

Như mặt trời mặt trăng 

có một

(IV)


Chàng lại còn nhìn ra một giải pháp ngoạn mục hơn nữa:

“Xin em đừng đau khổ

Không làm rẫy sẽ làm ruộng

Không làm vợ sẽ làm người yêu”

(IV)


Chàng cùng nàng đã không giành được giải độc đắc thì giành cái giải không chính thức này:

Dẫu một giờ thôi nắng hửng

Đủ tan giá rét một đời

(IV)

Chàng được ở bên nàng, còn chúng ta được thưởng thức một phong cách ngôn ngữ nghiêng về chiều quan sát trực tiếp (nắng ăn nương) chứ không dưới ánh sáng khoa học (nắng đem sự sống cho nương):

Ta gặp nhau từ sớm

Nắng mới ăn cái nương

(IV)


Nàng được than thở cùng chàng, còn chúng ta được gặp lại hình ảnh tương tự quả ớt dưới xuôi (Thân em như ớt chín cây – càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng): 

Em như chùm quả xẻn

Vỏ vàng mà ruột cay

(IV)


Nàng tỏ ra tỉnh táo và công bằng:

Cây đùm đũm đỡ quả đùm đũm

Em bước cùng người đỡ chùm con em

chúng bé bằng hạt tấm

(IV)


Và biết rõ ước ao chỉ là ao ước:

Em sẽ ở lại nơi này

Vòng tay ôm nốt tháng ngày cùng anh

(IV)

 

V. Ngả nào cũng chẳng còn nhau


Tôi xin lỗi đã làm lộ bí mật khi đặt tiêu đề cho phần kết này, làm phật ý những người đòi hỏi phải có gay cấn hồi hộp đến phút chót trong trường ca. 


Nhà thơ đã sử dụng một khái niệm độc đáo để diễn tả cái đằng đẵng của đợi chờ:    

Giây in vào phút

Phút in vào giờ

Giờ in vào ngày

Ngày in vào tháng

Tháng in vào năm


Trong tiếng tích tắc của kim giây đồng hồ treo tường thư phòng, tôi suy nghĩ sâu về từ in này, và hồi lâu mới có được cách hiểu mà tin rằng đã sát với ý của nhà thơ: nó mang nghĩa tương tự như chữ khắc, chạm… Nó đều đặn, không ngừng nghỉ và chắc chắn, sâu sắc. 


Dù là giải không chính thức, nhưng lại được trao (cho nhau) thường niên: 

Năm tiếp năm

Đường anh đi chợ

Rộn ràng vó ngựa

Nhằm hướng Khau Vai

(V)


Và từng năm, những câu chuyện khi xa nhau lại được kể cùng nhau:

cối em xay bắp chai tay thon

gan em thương anh mòn cả buồng

(V)


Người miền xuôi cho cái thương xuất phát từ tim, và trái tim ấy có thể vì thương mà héo. Còn người Mông cho cái thương xuất phát từ gan, có phần thuyết phục hơn bởi cần “cả gan” mới dám có cái thương kiểu này, mới có thể mòn mà không mất. Thêm nữa, gan có cơ chế tự bù (khi có vấn đề chẳng hạn xơ gan) để kích thước không giảm đi! 


Cũng như mọi năm:

Chợ Khau Vai

Anh ngồi gốc cây

đợi


Nhưng có gì đó bất thường đã xảy ra:

Nắng chớm ăn cái núi

Nắng ăn hết cái nương

mất hút dáng em thương

(V)


Nhà thơ đã sử dụng tương quan nắng /nương để diễn tả một ngày bắt đầu rồi kết thúc. Nhưng hãy khoan bàn về hay dở bởi trước đau thương mà bàn thế có gì đó bất nhẫn! Sự hồi hộp lo âu (như nhiều nhà phê bình đòi hỏi ở trường ca) tăng dần: 

Anh ngồi gốc cây đợi

chiều đã ăn mặt người

người đã tan chợ rồi…

(V)


Vẫn là cái nhìn trực cảm như “nắng ăn nương” thôi, nhưng “chiều đã ăn mặt người” lại có vẻ không lành trong ngữ cảnh khắc khoải này. Và quả vậy:

Người yêu anh đã nằm sâu lòng đá

(V)


Mất mát lớn lao thì đau đớn là tất yếu rồi, nhưng cái cách tác giả nhấn mạnh tình thế vô phương giải tỏa nỗi đau của nhân vật rất chuẩn xác:


Anh còn biết trốn đi đâu

dưới gầm trời với nỗi đau thế này?

(V)


Nhưng nỗi đau còn có thể sâu hơn nữa: 

Ngả nào cũng chẳng còn nhau

Lòng hoang lối cũng một màu hoang vu

Đã đành kiếp sống phù du

Vẫn mơ có kiếp đền bù cho nhau


Và chưa chịu chạm đáy khi hồi tưởng: 

Đêm đêm

Mỗi người một mặt trăng

Chỉ chung một mối dạ tằm nhớ nhau


Trong văn học nhiều khi hình ảnh hai người chung ngắm trăng là sự an ủi cho nỗi xa cách. Ở đây họ chịu điểm trừ trong biểu tượng đó, nhưng lại hưởng điểm cộng “chung một mối dạ tằm”. 


Và cơ hồ không thể nhìn thấy đáy đớn đau chứ đừng nói là có cơ chạm tới:   

Anh không được rót rượu gọi hồn em lối lại

Anh không được mổ gà tiễn hồn em lối đi

Làm sao em biết đi về cùng anh


Nhưng giải không chính thức thì cõi âm cũng có như cõi dương, kiếp sau cũng giống kiếp này, vì thế: 

Em yêu ơi

Kiếp sau ta hóa chim xanh

Cùng đỗ ngọn tống quá su trên rừng


Và theo một nghĩa nào đó thì chàng trai đã sang một hóa thân khác ở ngay kiếp sống này:

Khèn anh tha thiết

Nỉ non nơi em ngủ

Nỉ non nơi em nằm

Hết ngày lại đêm

Anh quên cuộc sống

Anh thành cây trúc


Sự hóa thân ấy của chàng đã là lời đáp trọn vẹn với cách nàng hóa thân không chỉ trên đường đến Khau Vai thuở sinh thời.


Trường ca có thể đã thừa kế cốt truyện của đồng bào Mông. Tuy nhiên điều ấy có hề chi khi Truyện Kiều thừa kế cốt truyện của tiểu thuyết Đoạn trường tân thanh, còn tiểu thuyết ấy lại na ná khoảng 40 tiểu thuyết cùng thời triều Minh ở Trung Quốc (tham khảo Thi pháp truyện Kiều của giáo sư Trần Đình Sử). 


Trong thời đại không phải trăm mà là triệu hoa đua nở, mỗi nhà thơ góp được một mảy sáng tạo vào phần thừa kế đã có sẵn thì cũng rất đáng ghi nhận rồi. Qua trường ca này, tôi thấy sự đóng góp của nhà thơ rất lớn; xứng đáng với ba mươi năm đi khắp vùng cao nung nấu, nghiên cứu, và sáng tác của chị. Vốn chỉ làm thơ, không viết văn xuôi (như trong tiểu sử sáng tác mô tả), nên hẳn chị đã phải công phu hơn nhiều trong lập cấu trúc của trường ca này. 


Chị đã khiến độc giả được thấy Khau Vai không chỉ đơn giản là tên phiên chợ tình độc đáo của đồng bào miền núi Hà Giang mà thật nhiều điều thú vị và cảm động sau đó. 


Hà Nội, 02/01/2023

Hoàng Liên Sơn