Đêm đậu bến Tần Hoài

Đêm đậu bến Tần Hoài
Nền văn hóa 5000 năm của đất Thần Châu xưa ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn. Nó bao trùm và chi phối cả khu vực Đông Á với chủng tộc da vàng... Triều đại nhà Đường được xem là thời kỳ hoàng kim của lịch sử Trung Quốc, thời kỳ mà Trung Quốc là thiên triều hùng mạnh và lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới.

(Ảnh: St)


ĐÊM ĐẬU BẾN TẦN HOÀI 

(La Vinh)

Đọc "Lịch sử Trung Quốc" của Nguyễn Hiến Lê, có một số ý quan trọng:

Nền văn hóa 5000 năm của đất Thần Châu xưa ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn. Nó bao trùm và chi phối cả khu vực Đông Á với chủng tộc da vàng... Triều đại nhà Đường được xem là thời kỳ hoàng kim của lịch sử Trung Quốc, thời kỳ mà Trung Quốc là thiên triều hùng mạnh và lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới. Đỉnh cao của Triều đại nhà Đường thuộc thời kỳ giữa “Thịnh triều Trinh Quán” (Hoàng đế Đường Thái Tông) và “Thịnh triều Khai Nguyên” (Hoàng đế Đường Nhân Tông). Thời kỳ ấy, Trung Quốc được hưởng một nền thái bình thịnh trị trong tất cả lĩnh vực kinh tế xã hội, văn chương và nghệ thuật, được hậu thế tôn vinh là “Thịnh Đường Khí Tượng”.

Đạt được điều đó như thế nào? Hoàng đế Đường Thái Tông là vị vua anh minh, khí độ cao thượng, khiêm cung, bao dung, yêu thương dân chúng. Cùng với những người khai sáng và tiếp nối đại nghiệp tuyển mộ, trọng dụng hiền tài có năng lực và đạo đức. Tiếp thu những ý kiến thẳng thắn. Vì thế, ông không chỉ là người khai sáng triều đại nhà Đường, mà còn là hình mẫu lý tưởng của các hoàng đế tương lai.

Tinh thần Đường Triều sung mãn quang huy, như mặt trời dẫn lối khai hóa một nền văn minh xán lạn, huy hoàng tráng lệ nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Đường Thi” là bộ sách được biên soạn trong thời kỳ Hoàng đế Khang Hy của triều đại nhà Thanh, là tác phẩm được kết tập của hơn 48,000 bài thơ của hơn 2,200 nhà thơ. Số lượng bài thơ và về thể loại thơ cùng với nội hàm uyên bác của nó đã trở thành một đại hùng tinh chiếu sáng trong lịch sử văn chương Trung Quốc. Những bài thơ được sáng tác dưới thời nhà Đường không chỉ phong phú về số lượng, mà giá trị nghệ thuật đạt đến đỉnh cao.

Trong lịch sử Trung Hoa, triều đại kéo dài và tạo nên những kỳ tích là triều Đường. Vâng! Bắt đầu từ vị vua huyền thoại Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Năng lượng ấy mãnh liệt đến mức nó duy trì đến mấy trăm năm sau. Mặc dầu có loạn lạc, có những vị vua thất Đức bất tài nhưng cái thời Trinh Quán ấy như một dòng Ngân chảy giữa đất trời với muôn vàn tinh tú xôn xao với những ánh sáng lạ...

Người Trung Quốc xưa nay thường tự hào xưng mình là ĐƯỜNG NHÂN chính vì lẽ  đó. 

Đỗ Mục là nhà thơ thời Mạt Đường. Một triều đại đã đi đến tuổi  già nua, bộc lộ nhiều bệnh hoạn, sắp tới hồi chung cục.

Chúng ta có thể thấy những sự suy đồi của nó qua bài viết "Đỗ Mục và nỗi niềm qua bài thơ ‘Thanh Minh’: Khi một sự nghiệp bất thành bị rạn nứt thành nức nở…" ở Đại Kỷ Nguyên. 

Ở đây xin trích thêm vài dẫn chứng nữa trong "Lịch sử Trung Quốc" của Nguyễn Hiến Lê:

"Năm 874, vua Hy tôn thấy dân khổ quá, nổi loạn ở khắp nơi, xuống chiếu tự kể tội mình với quốc dân: tội gây binh đao, bắt lính khắp nơi, bắt dân chở lương hàng ngàn dặm, đánh thuế xe, thuế ngựa, bắt dân làm xâu, phải bỏ hoang ruộng đất... Ông còn tự nhận là có tội giết chóc vơ vét dẫn đến nỗi dân phải tha hương cầu thực, chết đường chết chợ... Nhưng trễ quá, loạn đã nổi lên khắp nơi rồi."

 "Hoàng Sào lại tiến lên Bắc, chiếm được Lạc Dương (880). Vua Hy tôn bỏ kinh đô, trốn vào Tứ Xuyên, Hoàng Sào bèn chiếm nốt Tràng An, lên ngôi...Cuộc khởi nghĩa kéo dài  non 10 năm, khi dẹp được thì Đông đô Lạc Dương chỉ còn trên 100 hộ (mỗi hộ trung bình là 5 người)."...

Nhắc tới Đỗ Mục, người ta thường nhớ tới những  bài thơ thường thấy  ghi trên những sản phẩm gốm sứ thời Minh Thanh, kèm theo những bức họa truyền thần rất đặc biệt. Có thể nhắc đến hai bài sau:

** THANH MINH ( Tương Như dịch) 

Thanh minh lất phất mưa phùn 

Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa 

Hỏi thăm quán rượu đâu à? 

Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài.


**SƠN HÀNH 

"Lên đỉnh non thu chếch nẻo ngoài, 

Giữa vùng mây trắng thoáng nhà ai. 

Dừng xe, chiều ngắm rừng phong thẳm, 

Lá đỏ hơn hoa giữa tháng hai."


Nhưng có lẽ bài thơ đọng lại rất nhiều cảm xúc ngậm ngùi trong tâm khảm người đọc lại là:

泊秦淮 

(杜牧(唐))

煙籠寒水月籠沙, 

夜泊秦淮近酒家。 

商女不知亡國恨, 

隔江猶唱後庭花。


*Bạc Tần Hoài 

Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa, 

Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia. 

Thương nữ bất tri vong quốc hận, 

Cách giang do xướng "Hậu đình hoa".


**Dịch nghĩa 

Khói lan tỏa trên nước lạnh, ánh nguyệt lan trên cát 

Buổi đêm đậu thuyền tại bến sông Tần Hoài cạnh quán rượu 

Cô gái trẻ không biết đến nỗi hận mất nước 

Ở bên kia sông còn hát khúc "Hậu đình hoa".


CÁC BẢN DỊCH "BẠC TẦN HOÀI" có rất nhiều, tôi chỉ lựa ra đây mấy bản dịch thơ 7 chữ, 8 chữ, Lục Bát để tham khảo :

** Khói lồng sông rợn, trăng phơi bãi,

Ghé bến Tần Hoài, cận tửu gia.

Kỹ nữ không biết hận mất nước, 

Cách sông,  xướng khúc " Hậu Đình Hoa".

( Anh Vũ dịch) 

** Trăng dãi cát, sương khói mờ mặt nước 

Đêm Tần Hoài, thuyền đậu cạnh tửu gia 

Vong quốc đâu bận ý gái xướng ca 

Bên sông nọ "Hậu Đình Hoa" vẫn hát. 


(Bản dịch của Nguyễn Minh )

** Sông Tần khói tỏa, trăng in, 

Bên ngoài quán trọ, con thuyền đêm qua. 

Mặc ai tan nát nước nhà, 

Chị em vẫn hát bài “Hoa sau vườn”. 

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

** Khói lồng nước, bóng trăng lồng cát, 

Bến Tần Hoài, thuyền sát tửu gia. 

Gái ca đâu nghĩ nước nhà, 

Cách sông vẫn hát khúc" Hoa Hậu Đình" 

(Bản dịch của Trần Trọng Kim)

**Khói lồng sông lạnh cát trăng pha, 

Đêm bến Tần Hoài, quán chẳng xa, 

Ca nữ nào hay sầu mất nước. 

Bên sông say hát" Hậu - Đình - Hoa". 

(Bản dịch của Mai Lộc)

*Tác phẩm được đặt tên như một thứ môtip của Đường Thi. Nếu Trương Kế có "Phong Kiều dạ bạc" (Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều) thì ở đây là "Tần Hoài dạ bạc" (Đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài). Có lẽ với 3 chữ "Bạc Tần Hoài" tên tác phẩm có gì đó khu biệt với các bài thơ cùng thể loại. 

Tần Hoài (秦淮): Tức con sông Tần Hoài, bắt nguồn từ vùng Đông Bắc tỉnh Giang Tô, chảy qua Nam Kinh rồi đổ vào sông Trường Giang. Tương truyền do Tần Thuỷ Hoàng khi tuần du đất Cối Kê ở phương Nam, mới cho đào khúc sông này để nối dòng Hoài Thuỷ cho chảy vào Trường Giang, nên mới có tên là TẦN HOÀI từ đó.

Dòng sông Tần Hoài này gắn với một thời kỳ đại loạn của nước Trung Hoa. Đó là thời "Lục triều" (tiếng Trung: 六朝; bính âm: Liù Cháo; 220 hoặc 222 - 589) chỉ sáu triều đại trong các thời kỳ Tam Quốc (220–280), Lưỡng Tấn (265–420), và Nam - Bắc triều (420–589).

Cả 6 triều đại này đều đóng đô bên sông Trường Giang. Nơi đó được gọi bằng nhiều tên khác nhau: là Kiến Nghiệp, Kiến Khang; là Nam Kinh, còn có tên gọi khác là Kim Lăng.

Trong các bài viết về tác phẩm này của Đỗ Mục ta còn được biết thêm: Sông Tần Hoài đi xuyên qua Kiến Khang (tên gọi cũ của Nam Kinh), chảy vào Trường Giang. Lúc bấy giờ, dọc 2 bên bờ sông là các quán rượu mọc lên như nấm, trở thành chốn vui chơi giải trí của giới hào môn quý tộc, quan lại sĩ phu.

Có tài liệu còn nói rõ hơn là, từ thời Lục Triều (giai đoạn ra đời Hậu Đình Hoa), 2 bên sông Tần Hoài (đoạn chảy qua, Nam Kinh, tên cũ là Kiến Khang, Kim Lăng) đã nổi tiếng là  khu vực vui chơi xa hoa vô độ. Các triều đại sau đó có thịnh suy đổi thay nhưng khu vực này vẫn như thế. Đặc biệt, là tới thời Mạt Đường của Đỗ Mục. Đây là chốn ăn chơi sa đọa nhất, lặp lại những triều đại đã suy vi trước đó.

Như vậy, cũng là ghé bến sông trong đêm nhưng ở Phong Kiều thì yên tĩnh đến lặng tờ. Cõi tịnh này chuẩn bị cho nhà thơ nhập Thiền:


"Trăng tà, tiếng quạ kêu sương, 

Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ. 

Thuyền ai đậu bến Cô Tô, 

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San."

(Trương Kế - Tản Đà dịch) 

Còn Đỗ Mục đang ghé vào chốn Kim Lăng đô hội, ăn chơi mải miết quên đất quên trời. Đây là một đoạn sông đang chảy ngang kinh đô một thửa của vua Trần ngày xưa say sưa gái, rượu, ca vũ mà mất nước.... 

Đâu cũng gặp một Đỗ Mục độc hành giữa một thời không phải Thế Dân mà lại là Loạn Thế.

Tiết Thanh Minh không đoàn viên ở quê cha; Dừng xe bên núi ngắm nhà trong mây (Sơn hành) hy vọng có một cửa Thiền chào đón.... Và bây giờ thay cho việc đi bộ giữa đồng; đi xe lên núi; họ Đỗ với một lá thuyền con mệt mỏi ghé bến tửu lâu!  (Chữ  BẠC 泊: Có 3 chấm thuỷ bên trái, có nghĩa là "trôi nổi" như:"Phiêu Bạc". BẠC cũng có nghĩa là "ghé lại" như "Bạc Thuyền" nghĩa  là "ghé thuyền lại").

Nhiều lúc tôi cứ lẫn thẩn: Tại sao Đỗ không thay Tần Hoài bằng một cái tên khác... Bớt chất thơ hơn? Chẳng hạn là Kim Lăng hay Trường Giang?

Phải chăng con sông Tần đã hơn một lần tấu nhạc tri âm tri kỷ trong bài thơ "Tiễn bạn trên sông Hoài" đấy rồi sao? (Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần).

Âm nhạc ấy còn lịm say người Việt qua thơ Nguyễn Du:

"Sông Tần một dải xanh xanh, 

Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương quan".


Phải chăng Đỗ đang khao khát đến tuyệt vọng tìm người tri âm tri kỷ? 

(Còn nữa)