Đến với bài thơ hay - bài thơ "Đợi chờ" của Trần Huyền Tâm
- Thứ năm - 30/04/2020 17:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đất nước thống nhất đã hơn 40 năm, đang từng bước thay da đổi thịt, nhưng những ngày chiến tranh đau thương và anh dũng vẫn mãi còn thẳm sâu trong kí ức. Đặc biệt là kí ức của những người phụ nữ đi qua chiến tranh với đằng đẵng mỏi mòn chờ đợi những người thân yêu từ mặt trận trở về. Đằng đẵng thời gian là đằng đẵng nỗi niềm. Từng chứng kiến nỗi đợi chờ của bà, của mẹ, của cô dì và bà con làng xóm suốt cả thời thơ ấu, nên giờ đây, mỗi khi nhắc đến đề tài này, tôi lại thấy lòng thổn thức. Có bao bài thơ, bài hát đã viết về nỗi nhớ mong khắc khoải này, nhưng bài thơ tôi ấn tượng nhất là bài “Đợi chờ” của Trần Huyền Tâm – Một người bạn văn của tôi từ thuở quàng khăn đỏ. Bài thơ được in trong tập “Giọt nắng vô thường” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018.
Trần Huyền Tâm hiện là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Bài thơ này, cô viết để kính tặng mẹ mình khi cha cô chiến đấu tại chiến trường phía Nam. (Sau này cha cô đã anh dũng hy sinh). Đất nước mình trong những năm chiến tranh đã có hàng ngàn hàng vạn những người vợ, người yêu đợi chờ mòn mỏi như thế.
Em nhặt từ trong đêm sâu
Đôi tiếng thở dài nghẹn đắng.
Em nhặt từ trong xa vắng
Nỉ non tiếng dế héo mòn??
Đêm khuya vạn vật đã say vào giấc ngủ, chỉ còn người thiếu phụ chờ chồng trong nỗi hao gầy khắc khoải. Tiếng thở dài nghẹn đắng trong đêm sâu và vầng trăng treo trên cao cũng như héo úa, võ vàng tái tê như những ước vọng hạnh phúc tình yêu thời con gái đã héo hon trong đợi chờ mòn mỏi.
“Trăng treo một trái mõm móm
Vầng trăng một thời con gái
Vầng trăng đêm dài tê tái
Mỏi mòn ánh mắt bờ môi.”
Đoạn thơ đầu gợi liên tưởng đến nỗi niềm cô đơn tủi buồn của người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm.
Hình ảnh “Vầng trăng” được nhắc lại nhiều lần bởi trăng là chứng nhân chứng kiến và thấu hiểu nỗi niềm của người vợ trẻ. Đêm khuya, vạn vật say ngủ, mọi người ngủ yên, chỉ có “Em” vẫn thao thức với nỗi đợi chờ khắc khoải. Ngày qua rồi lại đêm đến, tháng ngày cứ dằng dặc trôi. Nỗi lòng ấy, chỉ có vầng trăng thấu hiểu.
Lời thơ càng lúc càng trở nên da diết, hình ảnh thơ càng lúc càng đặc tả nỗi đợi chờ trong vô vọng. Đáp lại nỗi lòng bồn chồn khắc khoải của “Em” chỉ có màn đêm lặng thinh, xa vắng.
“Đợi anh, em còn đêm thôi
Ngoài kia sương đầm mái lá
Giọt sương lăn dài trên má
Giọt sương khắc khoải hao gầy.
Câu thơ “Đợi anh em còn đêm thôi” là câu thơ cực tả cô đơn, của người thiếu phụ đêm khuya lặng lẽ nghe rõ tiếng giọt sương của đất trời đọng trên mái lá để cho lòng thêm sầu muộn nhớ thương buồn tủi. Giọt nước mắt đã lăn dài trên má, sau bao chờ mong khắc khoải.
Đoạn thơ có 4 câu nhưng dùng tới 3 lần (phép điệp) hình ảnh giọt sương, giọt sương của thiên nhiên trong đêm lạnh đậu trên cành lá long lanh như giọt nước mắt (giọt sương trong đôi mắt người vợ trẻ ướt đầm trên đôi má, đó là giọt nước mắt dồn nén sau bao “chờ đợi khắc khoải hao gầy”). Người vợ trẻ ấy đã từng đêm, từng đêm thao thức với câu hỏi bồn chồn, lo âu phấp phỏng cho người chồng nơi mưa bom bão đạn.
“Biết anh giờ đây nơi đâu
Chiến trường, đạn bom đêm tối”
Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng cũng từng viết trong bài thơ “Mùa hoa cải”
“Thế rồi, thế rồi em
Bao mùa vàng rực nắng
Đợi anh mặc hoa trôi
Đợi anh trong khắc khoải
Thư đi không trả lời”
Trong nỗi nhớ mong, người phụ nữ ấy thầm khẩn cầu cho chồng được bình an, được chân cứng đá mềm trong mỗi bước hành quân.
“Trăng ơi nhờ trăng soi lối
Để anh vững bước quân hành”
Trần Huyền Tâm đã một lần nữa gợi người đọc liên tưởng đến nỗi ước mong của người chinh phụ.
Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến Non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền…
Những câu thơ của Trần Huyền Tâm viết tặng mẹ cô - vợ của chiến sĩ, sau này là vợ của một người liệt sĩ, vì ba Tâm đã hy sinh, Tâm đã viết bằng cả tấm lòng yêu thương, thấu hiểu và xót xa thương cảm. Đọc thơ Tâm tôi như đến những câu thơ của Nguyễn Đức Mậu.
“Đường đánh giặc dẫn tôi vào truyền thuyết
Đá bồng con chờ chồng
Người hóa đá trọn thời nhan sắc
Anh sẽ về cho đá lại là em”.
Có lẽ, trong suốt những năm tháng chiến tranh có biết bao người phụ nữ đã “Đợi chờ” mòn mỏi như thế. Đó cũng là một sự dũng cảm, hy sinh vĩ đại của những người phụ nữ cho độc lập tự do. Bao mẹ, bao chị đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả hạnh phúc, tình yêu cho ngày mai tươi sáng, cho tương lai. Họ không trực tiếp cầm súng chống quân thù nhưng họ cũng đã thực sự là những người anh hùng, biết hy sinh và dám hy sinh cho Tổ quốc.
Bài thơ khép lại, tứ thơ được mở ra, nâng lên chứa đựng lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà trang nghiêm tha thiết, về đạo lý ân tình, về lòng biết ơn, quá khứ mà đôi khi trong cuộc sống đủ đầy con người thường dễ lãng quên.
“Mai này trong phút bình yên
Có ai, còn ai nhớ lại
Một thời đạn bom cuồng dại
Một thời khao khát xuân xanh”
Và kết thúc bài là điệp khúc.
“Mai này trong phút bình yên
Có ai còn ai biết được
Những người mòn đêm chờ đợi
Những người giấc ngủ thiếu đôi”
Phép điệp cấu trúc, điệp hình ảnh trong đoạn thơ cuối, cùng câu thơ mang ý hỏi như những lời thiết tha khắc khoải đầy trăn trở. Nó khắc vào tâm khảm ta đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Bài thơ đã được chị gái của Tâm phổ nhạc, trở thành một ca khúc vô cùng tha thiết.
Bài thơ “Đợi chờ” của Trần Huyền Tâm là một lời tâm sự khẽ khàng, thấm thía yêu thương và nặng sâu cảm xúc. Bài thơ khiến người đọc nghẹn ngào rưng rưng. Tôi muốn ghi lại nơi đây lời tác giả của bài thơ “Chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng. Trong phút yên bình hôm nay, không biết có ai, còn ai nhớ lại hay biết được những tháng năm khốc liệt, những đêm mòn chờ đợi với nước mắt, niềm tin, nỗi nhớ thương của những người đàn bà đi qua cuộc chiến”.
Nỗi trăn trở của Trần Huyền Tâm cũng là nỗi trở trăn của biết bao người.
Bình Phước, ngày 06/4/2019
Bùi Thị Biên Linh