Đọc "Gọi Mùa" của Phạm Minh Châu mà thấy em như mùa đang tới

Đọc "Gọi Mùa" của Phạm Minh Châu mà thấy em như mùa đang tới
Giữa bộn bề Covid và nỗi lo đời thường, bất chợt gặp Thơ Văn của Em – Thật đúng như gặp được Minh Châu tỏa ánh sáng dịu dàng, ấm áp. Chị đã bước vào thế giới thiện lành của Thơ Văn em, để tìm lại cảm giác bình an, và bình an như thế!





ĐỌC “GỌI MÙA” CỦA MINH CHÂU  MÀ CỨ THẤY EM NHƯ MÙA ĐANG TỚI 
(Ts Văn học VN – Búp Hát Thanh Bình)
 
 
Giữa bộn bề Covid và nỗi lo đời thường, bất chợt gặp Thơ Văn của Em – Thật đúng như gặp được Minh Châu tỏa ánh sáng dịu dàng, ấm áp. 
 
Chị đã bước vào thế giới thiện lành của Thơ Văn em, để tìm lại cảm giác bình an, và bình an như thế! Ngay lúc này, chị muốn thả thật nhiều hoa, thật nhiều tim cho mỗi trang viết của Em, thật đấy!
 
Minh Châu thân mến! 
 
Chị vô tâm chẳng biết từ sau Búp Trên Cành của chúng ta, từ thế kỉ trước, em đã đi vào thế giới Nhà văn như thế nào? Đã có bao nhiêu tác phẩm? Nhưng chị biết chắc chắn một điều: Em chính là Văn học của cuộc đời, nên hôm nay cầm trên tay bản thảo “Dấu yêu gửi lại”, thực sự chị đã không kiểm soát được sự vồ vập. Chị đọc mỗi bài thơ, mỗi trang văn của em, một mạch cho đến tận giọt cuối cùng, ngay lập tức. Sức hấp dẫn của “Dấu yêu gửi lại” chính là cái xoa dịu dàng lên mái đầu dông bão thời Covid, chất phác, hồn hậu và yêu thương lắm! Nhà thơ Kim Chuông gọi “Tập Thơ và Văn xuôi” của em và các bạn là “Quả đầu mùa”, chị muốn thêm: “Quả bói đầu mùa”, không nhiều nhưng chín, thơm và đặc biệt quyến rũ, bởi nó là sự chắt chiu của cây, của đất, của mùa, của Em mấy chục năm qua. Trân quý lắm!
 
Chị nhớ câu nói của em: “Tính em ngẫu hứng… Nếu hỏi em thích câu thơ nào, hình ảnh nào thì em chịu, nhưng em thích những bài viết theo mùa vì nó thường gắn với những xao xuyến, ngẩn ngơ không lý giải được… Em chỉ hay rung động trước những buồn vui ngoại cảnh của mùa, của người thân, bạn bè, học trò và đồng nghiệp. Cảm xúc chợt đến và em cứ bất chợt nói ra, viết ra, cũng không nghĩ nó là thơ hay văn gì đâu chị!”. 
 
Thơ chính là như thế mà em, nó là những xúc cảm chợt đến trong một khoảnh khắc và không bao giờ lặp lại. Và khi ta kết nối những khoảnh khắc ấy lại, trong “Dấu yêu gửi lại”, ta có Em, Phạm Minh Châu – Đẹp & Sáng trong, dịu dàng, cứ như chưa từng trải qua thăng trầm cuộc sống tuổi 40, 50 và nhiều hơn thế, cứ như vẫn đang trong lành và giàu xúc cảm của tuổi 20 vậy.
 
Chị thích những bài thơ về mùa của em. Chị đặc biệt thích những câu thơ, lời văn em viết về đất trời, thiên nhiên khi mùa đến – Đó là những “Câu thơ viết thả lên trời” dịu ngọt và vô tư. Những câu thơ về “Rằm tháng Giêng”, về “thung lũng vàng” - nơi Em “như nốt nhạc” “xao xuyến giữa bao la”. Chị tự hỏi, làm thế nào để em có thể hóa thân mình trong bản hợp xướng mùa như thế! Chỉ có thể là Yêu thiên nhiên đất trời nhiều lắm, mới có thể hòa quyện với thiên nhiên đất trời làm một như thế.
 
Yêu thiên nhiên, nhạy cảm trước những phút giao mùa, Minh Châu có những rung động đặc biệt với khắc Xuân:
 
Gió gom mưa nắng sớm chiều
Để thành bảy sắc đem thêu cầu vồng
 
Cảm nhận những lưu luyến của “Phượng Thu” khi níu Hè:
 
Thu sang Phượng vẫn lập lòe
Như còn lưu luyến màu Hè đã qua
Sông hao gầy chảy về xa
Mây ngơ ngẩn bắc cầu qua nắng nhòe
Trái Hồng đỏ má lắng nghe
Tiếng thu rạo rực, lời Hè bâng khuâng
 
Thu với Hồng, Hè với Phượng, như những cặp bạn bè, lẽ phải lướt qua nhau mà dùng dằng không đi nổi! Trong thơ Em, Mùa và cây, và hoa, và trái như những người bạn đồng sàng, đồng mộng, tri kỉ tri âm. Có lẽ nào, nó thực sự là cảm xúc níu mùa của Nhà giáo trong em? Vẫn biết Thu đem đến nhiều “trái Hồng đỏ má” với mùa khai trường “rạo rực” mà vẫn cứ “bâng khuâng” níu hè!
 
Và có lẽ nào, phút níu hè ấy là để đợi Phượng Vàng từ lời hẹn cũ:
 
Phượng vàng rụng hết rồi anh
Và lời hẹn cũng tan thành khói sương
….
Ai về nơi ấy chiều nay
Cho tôi gửi lại quãng ngày dấu yêu!
 
Và với Thu Tây Bắc:
 
Anh có về Tây Bắc với em không
Nếp Tú Lệ đang thơm mùa cốm mới
Ruộng bậc thang lúa vàng rười rượi
Hoa mua tím hồng trên thảm lá xanh
 
Tinh tế lắm khi em để Vàng Thu lên màu, và đặc biệt lắm, đắm đuối lắm khi em thấy hoa mua “tím hồng” như thế! Khi Tình Yêu lên tiếng, màu của tình yêu đã nhuốm lên màu đất trời phải không em? Để trong thế giới ấy, Em và Anh ấy, nắm tay nhau: “giữa thung lũng vàng như đôi bướm trắng”, quyện hòa trong bản nhạc mùa Thu.
 
 “Lập Đông” trong thơ em cũng chân thực và yêu thương đến từng chi tiết, bởi Lập Đông trong nỗi nhớ người bạn thủa thiếu thời với bao điều vụng dại: “Tan học về qua cánh đồng mênh mông/Mưa lạnh, đường trơn, ngón chân trần bật máu/Cô bạn cùng đường không may trượt ngã/Cũng chẳng dám lại gần an ủi một câu”.
 
Đông miền Bắc về với “Lạnh buốt nụ cười, tím ngắt bờ môi”, “Đi học đường xa, bàn tay tê cóng”, với ai đó nao lòng nhung nhớ:
 
Lập đông rồi giờ bạn ở đâu
Giữa miền nắng bốn mùa hoa nở
Có khi nào chạm vào nỗi nhớ
Khi vô tình nghe đài báo Lập Đông
 
Và ở một thời khắc khác, tháng Mười Hai, tháng Đông đặc biệt là tiết giao thời đón Tết dương rồi Tết âm, vào thơ em náo nức:
 
Có người nói rằng rất thích tháng Mười Hai
Ngọn gió bấc lật nhanh tờ lịch mỏng
Rét ngọt, nắng hanh, cải vàng, tơ óng
Khói thơm nồng, miếng khoai nướng xuýt xoa
 
Mùa đông ấm lên ngay giữa ngày rét ngọt, bởi sắc vàng hoa cải và tơ óng, bởi mùi khói thơm nồng, bởi vị ngọt và sức nóng tỏa ra từ miếng khoai nướng của mùa, hay Đông ấm lên bởi Tết đang gần với cảm xúc về ngày xum họp Bắc Nam hả Em? 
 
Tháng Mười Hai, đào đang ấp nụ hoa
Se giá rét thành sắc hồng tươi thắm
Tháng Mười Hai, người xa quê nhớ lắm
Mùi hương trầm, gạo nếp, lá dong xanh
….
Tháng Mười Hai thì thầm nhắc nhở
Có một người rất mong tháng Mười Hai
         
Và “Gọi Mùa” 2016 mới đặc biệt làm sao! Chị muốn chép trọn vẹn lại bài thơ này vì Nó Rất Em, vượt qua tất cả, vượt lên tất cả giá rét khắc nghiệt của Mùa Đông, cái ảm đạm của mùa Thu lá rụng, cái gắt gao của nắng hạ, cái ẩm ướt của mùa Xuân, mỗi mùa của Em đều mang theo những điều tốt lành để Mùa và Em và Chúng Ta đều được Đẹp hơn, có Ý Nghĩa hơn:
                              
Mùa Đông ơi về đi
Mình cùng nhau xuống phố
Bắp nếp thơm hơi thở
Hạt dẻ mềm bàn tay
 
Thơ tình ai đắm say
Chạm vào niềm thương nhớ
Gọi những gì dang dở
Xa lắc miền heo may
 
Tiếng chim khuyên sáng nay
Gọi hạt mầm tách vỏ
Gót Xuân êm trong gió
Hoa mận trắng tinh khôi
 
Những giọt vui rơi rơi
Nhắc tháng Tư vào Hạ
Đường quê thơm rơm rạ
Sáo níu diều ngân nga
 
Tấm thảm vàng lá hoa
Đón nàng Thu dạo bước
Lắng nghe từ khoảng lặng
Tiếng gọi mùa yêu thương
 
Có thể nói, mỗi khoảnh khắc mùa trong thơ Em đều gắn với một cảm xúc bất chợt nhưng vô cùng sâu sắc. Và chị không chỉ thấy Mùa, còn thấy Em và những người thân yêu của em ở đó, trong dịu dàng tình yêu và sự bao dung của Em. Nhiều lúc chị tự hỏi: Là em tìm đến thơ gửi gắm tâm tư? Hay là Thơ tìm đến em giãi bày cảm xúc? 
 
Em sinh ra và lớn lên ở Thái Bình nhưng tuổi trẻ và sự nghiệp lại gắn với vùng biển Hải Phòng. Em giấu tình yêu quê Thái Bình và đem luôn tình yêu quê mới Hải Phòng vào những áng văn thơ dạt dào cảm xúc. 
 
Em đã dành tặng những vần thơ Tròn và Đẹp cho Hải Phòng – “Nơi Em về làm dâu”:
 
Nơi anh đón em về là khoảng trời trong xanh
Bên dòng Lạch Tray mênh mang cuồn cuộn chảy

Nơi em về bốn mùa tươi sắc hoa
Đào thắm mùa Xuân, Lan thơm mùa Hạ
Hoa Ban tím dịu dàng sau nhánh lá
Thảm Cỏ xanh như trang vở đất trời

Nơi em về Sóng hát mãi bài ca
Về biển xanh và những người thiết kế

Nơi em về dừa chải tóc bên sông
“Đường sáng tạo” lung linh hoa nắng
Ta dắt nhau trong chiều tĩnh lặng
Mỗi chùm hoa tỏa rạng một công trình
Anh đưa em về làm cô Tấm tươi xinh
Cùng góp niềm vui, sẻ chia buồn vắng
Để rượu Mạc thêm nồng, cánh cò ru giấc mộng
Mái ấm rộn tiếng cười xao xuyến khúc nhạc thơm
 
Trong mạch chảy nối dài về Hải Phòng luôn có hình ảnh Một Người Đặc Biệt – Chồng của Em, với những bước chân anh qua, với những công trình anh thiết kế. Em cảm nhận đầy đủ về Hải Phòng – Nơi bắt đầu Khúc Đam Mê của Anh Ấy – Một Sĩ quan của Viện Kĩ thuật Hải quân Việt Nam. Yêu nhau, yêu cả đường đi lối về, tình yêu em dành cho Anh Ấy hồn hậu và nồng thắm biết bao. Yêu Anh Ấy, em yêu luôn những sản phẩm sáng tạo của Anh Ấy và đồng đội; Yêu Anh Ấy, em Yêu luôn Hải Phòng - nơi đã cho Anh và Em một tổ ấm, một quê hương thứ hai! 
 
Và dĩ nhiên, Em dành rất nhiều trang viết cho quê hương Thái Bình, nơi em sinh ra, với rất nhiều tình yêu dành cho bạn bè, thầy cô, ruộng lúa, bờ ao…    
         
Không phai mờ những kỉ niệm nơi đây
Mỗi đứa một nơi tụ về một lớp
Bố mẹ nghèo, cuối tần nghỉ học
Đi bộ về quê qua chặng đường dài
 
Nhớ cái thời ai cũng như ai
Bữa ăn xa nhà vơi cơm, nhạt mắm
Tranh với nhau cái thìa, cái bát
Cãi nhau om sòm vì “tên ấy ăn tham”
 
Dòng Trà Lý hiền hòa như trang vở màu lam
Mỗi ẩn số, phương trình như vì sao lấp lánh
Như tiếng còi tàu từ miền xa lanh lảnh
Gợi ước mơ xanh, giục giã lên đường
 
Thơ em là thế, không màu mè mà giản dị chân phương lắm. Bởi Em chính là Thơ mà. Sự giản dị chân phương của Thơ và của Em, tự nó, mỗi mùa thi, mùa chia tay, mỗi cảnh, mỗi tình… đều làm nên sự hấp dẫn. 
 
Là Nhà giáo, Thơ em không thể thiếu sự thương yêu trìu mến dành cho học trò; vào vai học trò cảm nhận đầy đủ nhớ nhung xao xuyến “Ngày trở về”:
 
Hai mươi năm rồi, kẻ ở người đi
Tiếng ve gọi ta tìm về nỗi nhớ
Mùa tiếp mùa lật nhanh như trang vở
Ta xa nơi này – ga xép tuổi me xanh
 
Kỉ niệm ngày xưa giục bước chân nhanh
Tia nắng hạt mưa long lanh mắt biếc
Dấu xưa không còn như những gì mong ước
Chỉ tình bạn tuổi hồng thắm mãi với thời gian…
 
Cùng với Thơ, “Dấu yêu gửi lại” còn có gần chục bài viết dạng ký, ghi chép về bức tranh cuộc sống “đa sắc màu, khá hấp dẫn và lý thú” (Kim Chuông), là mạch nguồn yêu thương nối tiếp và lan tỏa. Mỗi bài văn em viết giàu chất thơ và tràn đầy năng lượng tích cực của “sức cháy nơi tâm hồn giao cảm” (Kim Chuông), với đạo đức văn hóa truyền thống: thờ cha, kính mẹ và sự thiện lành cho tất cả. Vẻ đẹp đó làm nên sự duyên dáng và hấp dẫn trong những áng văn xuôi trữ tình em viết. Có lẽ không có lời bình nào hay hơn cách ta tự để văn thơ em cất tiếng.
 
… Và trong muôn vàn yêu thương không thể thiếu yêu thương Em dành cho Nhà Búp, nơi ươm tài năng văn học cho em và cho các Búp trên cành từ mấy chục năm về trước; nơi chị em mình, lứa trước, lứa sau, dù không biết hết về nhau, vẫn đủ duyên lành tụ về một cội, buồn vui trong một mái nhà. Trong khi chị ngậm ngùi chẳng viết nổi vần nào cho những giọt nước mắt long lanh ngày gặp mặt, em đã tự cất lên lời Yêu “Duyên lành kết tụ”:
 
Có một ngày như thế ở nơi đây
Sen kết ngọc và tay người kết lại
Những yêu thương trong xanh thời vụng dại
Tụ về đây trong diệu khúc ân tình
 
Em đã yêu Nhà Búp – Yêu các Búp nhà mình đến thế, dĩ nhiên em xứng đáng nhận lại những yêu thương đầy ắp từ Búp Hát này và từ các chị em!
 
Trân quý tặng em đôi dòng cảm xúc – những rung động tự nhiên và chan chứa khi chị đọc “Dấu yêu gửi lại”!
 
Mỗi chúng ta, mỗi năm lại thêm một tuổi, nhưng chị tin rằng Thơ Em sẽ mãi trong trẻo, mát lành và nồng ấm tuổi 20. Thơ Em – “Thơ của yêu thương”. Nhà thơ Kim Chuông – Thầy của chúng ta đã viết như thế, chị thật may mắn và hạnh phúc được đón nhận và tắm mình trong nguồn yêu thương ấy.
 
Hà Nội, tháng 11 năm 2021, nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam, Tặng Em và Cảm ơn Em vì đã trao “Dấu yêu gửi lại” cho chị như một món quà quý, đủ ấm khi Đông về./.
 
Đào Thanh Bình