Đọc "Mùa Đợi" của Nguyễn Thúy Hằng
- Chủ nhật - 05/04/2020 10:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tập thơ Mùa Đợi của Thúy Hằng được nhiều người nhận xét là “êm đềm”, “ngọt lành”. Riêng tôi, cảm giác nổi bật khi đọc không phải là êm đềm, mà là sự trăn trở, là sự cuộn xoáy giữa “lở” và “bồi” của một dòng sông trong hành trình tìm về với biển... và dường như còn xa hơn nữa. Có một thứ khó gọi tên thống nhất, xuyên suốt các mảng khác biệt trong năm chục bài thơ của Thúy Hằng, biến tập thơ thành tổng thể cảm xúc, dẫn dắt từ ngọn nguồn bắt đầu con sông, réo sôi qua bên lở bên bồi, hòa tan phù sa, rồi trải ra lặng lẽ khi tới biển, nhưng vẫn xoáy cuộn dữ dội trong lòng.
Cái ngọn nguồn của dòng chảy có thể thấy được từ trong bài “Mùa Đợi”, bắt đầu từ tháng Giêng và được lấy làm tên cả tập thơ:
“Mưa bụi giăng dày buốt cóng tuổi thơ con
Góc vườn nhà mình ngơ ngác tím hoa xoan
Mong manh giấc mơ ấm lòng ngày giáp hạt”.
(Mùa Đợi).
Mùa Đợi được bắt đầu từ ký ức của ngày buốt cóng, trong ngơ ngác trước hiện thực và mong ước về tương lai. Nhưng con sông cảm xúc này không bắt nguồn ở đây, mà từ một xuất phát điểm siêu thực, kỳ diệu hơn:
“Mới gặp lần đầu mà con đã ước ao
Xin cho con được làm con của mẹ”.
(Nghe mẹ hát ru)
Câu thơ này dường như được viết trong sự tỉnh giác (khoa học hiện nay gọi là vô thức) của tác giả. Nó lý giải sự vô lý trong câu thơ rằng chưa được mẹ đẻ ra sao lại có cuộc gặp lần đầu? Có phải đây chính là ngọn nguồn mà Phật giáo gọi là tiền kiếp, là cảm xúc đầu tiên trước khi đầu thai trở lại kiếp này, mà Hằng nhớ được và cũng nhận ra được. Rồi đến khi viết được thành một khái quát sâu sắc của đời người:
“Thế gian ảo thực hư không
Kiếp người chìm nổi trong dòng phù vân”.
(Phù vân)
Quả thực, dù bị cuốn vào dòng đời thực tại, nhưng Hằng vẫn có được cái nhìn từ bên ngoài vào dòng cuốn ấy mà không quay cuồng chìm đắm trong đó, vẫn tự tỉnh thức để dòng chảy ấy không lạc mất điểm đến của mình:
“Thức dậy chưa giấc chiêm bao
Hay còn lạc bến sông nào lãng du”.
(Khát khao cơn gió heo may trở mùa)
Đã là dòng chảy, làm sao tránh khỏi bên lở, bên bồi. Tuy nhiên Thúy Hằng nhìn thấy lở và bồi chỉ là hai mặt của dòng trôi, mà lở và bồi vẫn giăng mắc vấn vương không dứt:
“Một dòng trôi, một dòng trôi
Bên đau lở mãi bên bồi về đâu”.
(Sông)
Dòng sông cuộn xoáy đục trong, xói lở, nhưng đôi lúc cũng lãng du cùng bờ cỏ:
“Có những lúc thấy đời sao đẹp lạ
Bởi buồn đau quá khứ khép lại rồi
Ta thanh thản tan vào cỏ mướt
Cỏ đưa ta trở về với thủa thôi nôi”
(Có những lúc)
Thế rồi đến biển, với dạt dào cảm xúc của dòng sông khi gặp cửa biển mênh mông:
“Trùng dương con nước đầy vơi
Xô về nghìn nỗi bồi hồi xót xa”.
(Chiều Cát Bà)
Biển có phải là đích đến của dòng chảy ấy không? Hình như chưa phải. Dòng nước đến biển chẳng những còn bồi hồi xót xa về những gì đã qua, mà lại có chút hụt hẫng, lại phát sinh những tâm sự mới:
“Trời trong veo, nước trong veo
Lưng chiều một mảnh trăng treo mỏi mòn”.
(Chiều Cát Bà)
Như là dòng nước với sự trải nghiệm của chính dòng sông, rồi Hằng vẫn mình chẳng ở trong cũng chẳng lệ thuộc, hướng tới sự tự do tự tại:
“Cúi đầu ân tạ dòng sông
Nay xin trở lại cánh đồng bình yên
Đợi khi chiều xuống trăng lên
Ngây ngô với giọt sương đêm dại khờ.
Cúi đầu tạ lỗi với thơ
Nay xin trả hết mộng mơ cho người
Bao yêu thương có trên đời
Giờ nương bóng hạc phương trời mà bay.
Bây giờ tay lại trắng tay
Lang thang như kẻ ăn mày hư không
Cúi đầu tạ giữa mênh mông
Xin làm một sắc cầu vồng sau mưa”.
(Vô đề)
Biển không phải là mục đích dòng chảy cảm xúc của Hằng. Đến biển chỉ là bước đường để mở ra một chu kỳ mới: “làm mưa”, và hơn thế nữa, làm “cầu vồng” sau mưa. Có thể thấy được Mùa Đợi là một dòng chảy, nhưng cội nguồn của dòng chảy là niềm tâm tư vẫn còn trăn trở với chiêu suy tư rộng lớn, vượt xa hơn mục tiêu tới biển.
Một tập thơ không chỉ là thơ mà là sự thị hiện của một giai đoạn giác ngộ với nhiều cơ duyên kỳ diệu, từ cảm xúc trước khi trở lại cõi người, cảm nhận bên bồi bên lở trong tiến trình ra đến biển, rồi cảm nhận về tính “không” tuyệt diệu của sắc cầu vồng sau mưa. Chúc cho tác giả sẽ có thêm những thành công mới, những chu trình mới tuyệt vời như những trái ngọt tiếp theo của tiền đề “Mùa Đợi”.
Bùi Đại Dũng