Đọc thơ của một người không quen
- Thứ sáu - 19/07/2024 17:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Phương Thủy)
ĐỌC THƠ CỦA MỘT NGƯỜI KHÔNG QUEN
THÁI VĂN SINH
Rất tình cờ tôi có được tập thơ “Cội” của Trương Minh Hiếu (), một người chưa từng biết mặt, biết tên. Đọc liền tù tì một mạch cả tập thơ, tôi cảm thấy hình như cái nóng rát gió Lào đang hừng hực quanh mình tan biến bởi sự mát ngọt của những dòng thơ Trương Minh Hiếu. Đúng như lời quảng cáo ta thường nghe “Một cảm giác rất Yomost”.
Đọc “Cội” của Hiếu, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của Trần Đăng Khoa trong bài “Gửi Bạn Chi Lê”: “Tôi chưa gặp bạn lần nào/ Mà nghe thơ bạn lòng sao bồi hồi…”. Đúng là bồi hồi vì tôi đã tìm được ở đó một sự đồng cảm. Trương Minh Hiếu cùng tuổi với tôi, cùng là “người nhà quê” sinh ra, lớn lên từ rơm rạ, cùng yêu thơ văn, cùng đến Thủ đô học Đại học trong những năm tháng khó khăn trước thời “đổi mới”. Có ai đó từng nói: “Làm thơ cuộc hành hương đi tìm những tâm hồn đồng điệu”. Ở “Cội”, Trương Minh Hiếu đã tìm được tôi và tôi đã tìm được Trương Minh Hiếu bởi sự đồng điệu:
“Muốn làm hạt phù sa
Cho mía say hương mật
Bãi làng thơm ngây ngất
Hương hoa vừng lan xa
Muốn làm hạt phù sa
Khoai nứt căng thớ đất
Ong lạc vào bát ngát
Rừng ngô hong phấn màu
(Hạt phù sa)
“Cội” của Hiếu chính là quê hương dẫu anh gần như đã ly quê trọn đời. Quê hương là hình bóng buốt nhói, đầy ám ảnh mỗi mùa lũ lụt:
“Lũ đầu mùa nước ngập nửa chân đê
Ngô vội bẻ non, luống rau gom cả gốc
Nắng đổ chang chang, mồ hôi hòa nước mắt
Hối hả đẩy xe bò, tôi bì bõm theo cha…
Điếm canh đê đêm dài thức chong chong
Người lớn nhìn trẻ con nơm nớp ngủ
Lo đê vỡ, làng trắng tay nhà cửa
Gom góp bao năm hóa bùn đất hoang tàn”
(Mùa lũ)
Là mảnh vườn xưa với bao ký ức:
“Vui buồn lẫn với cỏ cây
Đói no gió với đời này vườn quê
Một mai lỡ gió không về
Lối vườn xưa sẽ chẳng hề còn đâu”
(Ngọn gió vườn nhà)
Là những bức tranh quê tuyệt đẹp:
“Ngơ ngẩn làng, thấp thoáng bãi ngô non
Mùa hoa nhãn ong theo bầy tìm mật
Mít nưng nức cành cây, thì thầm hương bưởi ngọt
Trẻ tung tăng tan lớp đỏ khăn quàng
Ngõ nhỏ cuối làng đêm trăng ngập ngừng sang
Lời vụng dại tuổi vừa qua mười sáu
Triền đê vắng, cỏ may đan khắp lối
Lũ bạn thân líu ríu tiễn xa làng”
(Chiều về thăm quê)
“Anh về làng luống mạ vẫn xanh nguyên
Đất lật ải, dòng mương im con nước
Bờ bãi hắt hiu vắng bóng người đi ngược
Một vòm trời buốt lạnh trong tay”
(Viết ở cuối mùa đông)
Có thể nói thơ của Hiếu hay nhất ở những bài thơ viết về quê. Hay bởi sự đau đáu, đầy trắc ẩn, lay động hồn người:
“Mấy năm rồi tôi là đứa con xa
Mênh mông nhớ. Mênh mông ngày trở lại
Cha mẹ vẫn nghèo. Tôi giật mình sợ hãi
Đay, lúa muôn đời xanh trên tóc người đi”
(Quê tôi)
“Gọi là cũ bởi chẳng còn bến nữa
Con đò xưa ngược năm tháng xa rời
Mái chèo gác vào tận cùng vời vợi
Tiếng ơi đò nín lặng dưới dòng trôi”
(Bến cũ)
Yêu quê là yêu người quê và đặc biệt là cha, mẹ. Ai từng là “người nhà quê” sẽ không thể không tràn trề cảm xúc bởi bức ký hoạ sắc nét về người cha nông dân của Hiếu:
“Trưa, gió tắt, mây ngừng
Bầu trời xanh vời vợi
Bố đi cày hết buổi
Ngồi nghỉ dưới bóng tre
Nón chao làm sái quạt
Chùm lá thay chiếu ngồi
Khói thuốc lào vờn tóc
Thoáng nụ cười trên môi
Bữa cơm bình dị thôi
Tép đồng kho mắm cáy
Cơm thơm hương gạo mới
Đĩa rau dầm tương chua”
(Giờ nghỉ trưa của bố)
Và rõ ràng phải có một tình yêu tròn đầy, sự quan tâm sâu sắc mới có thể viết được những dòng tinh tế về mẹ như này:
“Mẹ ngồi dưới bóng cây trưa
Rung rinh hoa nắng lưa thưa rụng đầy
Tóc mềm như gió như mây
Nước thơm mẹ gội, bàn tay chải đều”
(Hương bồ kết)
“Mắt trông như vệt mây nhòa
Lẫn quên vào nhớ giờ là xưa thôi
Mẹ cười hỏi cái bình vôi
Lắc đầu khi nhắc cái cơi trầu mà”
(Nhớ về thăm mẹ)
Không chỉ yêu quê hương, yêu bố, yêu mẹ mà Hiếu còn là một người sống rất có trách nhiệm với gia đình. Anh quan tâm đến tất cả mọi thành viên gia đình với một tình cảm sâu lắng. Đây là những dòng đầy khắc khoải anh viết cho con gái:
“Thế là đến, mai, con tròn năm tuổi
Cha nằm chờ đồng hồ nhích từng giây
Đêm tích tắc đều đều như tiếng thở
Như bàn chân năm tháng bước qua ngày”
(Khi con năm tuổi)
Đây là những trở trăn, day dứt khi xa vợ:
Quả tim đập tiếng ngập ngừng
Nửa lo giữ lại, nửa mừng chia hai
Hững hờ tay chợt buông tay
Ốc về với biển thôi ngày không em
(Ngày không em)
Và đây là những tình cảm dạt dào dành cho chị gái:
“Chị thì phận gái hề chi
Đêm nâng ngày đỡ đến đi vuông tròn
Vẫn chồng vẫn cháu vẫn con
Vẫn chăm bẵm mẹ vẹn tròn đó đây
Ai mơ trời rộng đất dày
Chị mong thương trọn tháng ngày mẹ tôi”
(Chị tôi)
Nhưng có lẽ ít ai có được những dòng trìu mến, chân thành như này dành cho bố vợ:
“Hơn ba chục năm rồi như mật mới trút ra
Niềm thương dành cho tôi với ông là có thật
Lúc khách khí vẽ bày, khi thật thà như đất
Sau mưa cả gió ngàn thì rể mãi là con”
(Bố vợ)
“Cội” gồm 58 bài thơ được chọn trong các sáng tác trên con đường thơ 44 năm qua của Hiếu, từ 1980 đến 2024. Con số 58 bài thơ có lẽ cũng là dụng ý của Hiếu, biểu trưng cho cái tuổi 58 của mình. Trong 58 bài thơ đó, từ 1980 đến 2022, Hiếu chọn 20 bài, gần như mỗi năm một bài, riêng năm 2023 Hiếu chọn 5 bài và năm 2024 chọn 33 bài. Có vẻ như mấy năm gần đây Hiếu đã khơi thông được mạch nguồn cảm xúc để sáng tác nhiều hơn. Quê hương, gia đình chính là “Cội” mà Hiếu gửi gắm vào thơ. Nó như một cuốn nhật ký của một tâm hồn đa thức với bao chặng đường đời:
“…Sóng như là cuốn sách
Tần ngần chẳng sang trang…”
(Những lần biển lặng)
Rõ là người thì không quen nhưng hình như thơ thì đã quen từ lâu lắm trong thẳm sâu ký ức nguồn cội. Cảm ơn Trương Minh Hiếu đã làm sống dậy bao cảm xúc “người nhà quê” đẹp đẽ trong tôi. Chúc mừng bạn yêu thơ có thêm một tập thơ đáng đọc! Chúc mừng nhóm Búp có thêm một “duyên” thơ!
Hà Tĩnh, 03/7/2024
T.V.S