Đức Ban, Người tử tế

Đức Ban, Người tử tế
Đức Ban là một tên tuổi trong làng văn Xứ Nghệ nhưng do xa nhà từ rất sớm, nên phải đến những năm đầu tái lập tỉnh, tôi mới có dịp diện kiến anh.

 

 

( Nhà văn Đức Ban - Ảnh: TVS)

 

 

Đức Ban là một tên tuổi trong làng văn Xứ Nghệ nhưng do xa nhà từ rất sớm, nên phải đến những năm đầu tái lập tỉnh, tôi mới có dịp diện kiến anh. Lần đó từ Huế về, tôi được cậu bạn Chu Vĩnh Hải mời tham dự một đêm thơ do Hội nhà báo phối hợp với Đài PTTH Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 17-6-1992 để chào mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong thời gian rỗi của đêm thơ, cậu bạn kéo tôi lại gặp một người gầy, nhỏ, nét mặt nghiêm khắc và giới thiệu:“Đây là nhà văn Đức Ban, Phó Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật, tác giả của “Nơi có chuyện cổ tích”, “Những lỗi lầm đã qua”, “Những tiếng chim” mà cậu với tớ từng đọc thời sinh viên. Còn đây là bạn học của em, đang đi dạy ở Huế”. Anh cười, bắt tay tôi, khen bài thơ, thơ tôi đọc có tứ, rồi theo các cuộc xã giao khác. Mãi đến hè năm 1993, tôi gặp anh lần thứ hai khi ra Hội tìm mua cuốn Tạp chí Hồng Lĩnh đăng bài của nhà văn Xuân Thiều viết về Đại hội Hội văn nghệ đầu tiên của Hà Tĩnh tổ chức tại Đức Thọ, vì trong đó có một số tư liệu quý về bố tôi. Khác với lần trước, anh ân cần mời tôi uống nước, nhiệt tình giao cho cô Hà văn thư đi tìm tạp chí và trò chuyện khá lâu. Anh chia buồn với gia đình tôi vì sự ra đi quá sớm của bố tôi. Tôi thực sự cảm động và những ấn tượng xa lạ trong lần gặp đầu tiên chợt tan biến. Rồi như một duyên nợ, tôi chuyển công tác về Hà Tĩnh, làm ở hàng loạt cơ quan và cuối cùng lại trở thành cán bộ của anh khi anh làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin. Và cũng từ đó tôi cảm nhận anh rất nhiều, từ khía cạnh công việc cho đến đời thường.

 

Về văn chương của anh, tôi là người ngoại đạo nên không có được sự nhìn nhận thấu đáo như các nhà lý luận văn học, nhưng với tư cách là một độc giả, tôi cảm nhận bằng chính cảm quan của mình. Đó là văn anh luôn trăn trở về thân phận con người, đặc biệt là những thân phận kém may mắn, những sự “lệch chuẩn” trong cuộc sống. Đọc anh, lòng trắc ẩn của độc giả như được thức tỉnh để muốn sống nhân văn hơn, yêu ghét rõ ràng hơn. Văn anh viết giản dị, câu chữ khiêm tốn mà có sức nặng. Anh thường viết câu đơn, ngắn gọn nên sự diễn đạt rất khúc chiết, ngay ngắn như chính con người anh. Và một điều rất đáng nói là cuộc đời anh có một nỗi đau rất lớn, nhưng trong văn chương của anh không mảy may hằn học về nó, dù là một chút thoảng qua. Nó thể hiện một bản lĩnh, một tâm thức rất đáng trân trọng. Điều này rất khác với khá nhiều cây viết đương đại mà tôi từng biết. Năm 2016, cụm tác phẩm: Trăng vỡ (Tiểu thuyết) và Đêm thức (Tập truyện ngắn) của anh được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Điều đó thuyết phục hơn những gì tôi viết và những người khác viết về văn chương của anh.

 

Người đời biết khá nhiều về nhà văn Đức Ban nhưng có lẽ vẫn ít biết về một Phạn Đức Ban với tư cách là một Chủ tịch Hội Văn nghệ, một Giám đốc Sở. Ở góc độ này, phải nói rằng anh thể hiện rất hài hòa giữa lòng trắc ẩn của một nhà văn với sự nghiêm túc của một người làm lãnh đạo, cái mà người đời hay nói là Tình và Lý. Anh nhìn người, nhìn việc rất tinh tường và rất trọng dụng người tài, người làm được việc. Ở Hội Văn nghệ, một lớp các các cây viết tài năng được anh phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, nâng đỡ, và họ đã phát triển rất tốt như: Trung Hiếu, Ngọc Phú, Nguyễn Thị Phước, Như Bình, Ngọc Thịnh…Về Sở Văn hóa - Thông tin, tuy thời gian không dài, nhưng anh cũng đã tạo dựng được một đội ngũ cán bộ, chuyên viên chững chạc. Là người làm văn nghệ, nhưng khi sang làm quản lý nhà nước anh nhập cuộc được ngay, điều hành mọi chuyện như một người đã làm công việc này từ lâu, không hề có sự hụt hẫng. Rất quần chúng, anh thường đến các phòng làm việc của anh em để gần gũi, để cảm nhận những điều mà không mấy khi người ta dám nói thẳng với thủ trưởng. Ngày ấy, văn phòng sở còn rất khó khăn, chỉ có Ban Giám đốc mới có máy điều hòa nhiệt độ. Sau nhiều lần xuống phòng làm việc của anh em, chứng kiến cảnh mọi người làm việc trong cái nóng hầm hập, toát mồ hôi, anh chủ trương lắp hết điều hòa cho các phòng. Bộ phận hành chính cho rằng không có chế độ, anh nói ngắn gọn mà sâu sắc: Tạo cho mọi người một môi trường làm việc bình đẳng, dễ chịu thì năng suất làm việc mới cao. Chế độ là để phục vụ công việc. Chế độ chưa đúng ta có quyền điều chỉnh. Thế là điều hòa được lắp, thế là anh em hứng khởi tập trung giải quyết công việc, không lang thang “trốn nóng” như trước, kết quả "năng suất lao động" của cơ quan bất ngờ tăng vọt. Cái yếu tố “bình đẳng, dễ chịu” mà anh nói tiếp tục được thể hiện ở rất nhiều góc độ khác và được duy trì cho đến lúc anh về hưu.

 

Đức Ban còn có một cái lệ rất khác người mà có lẽ chỉ có các nhà văn mới làm được, đó là phòng làm việc của anh khi nào cũng có rượu ngon, trà ngon và việc vào ra của nhân viên ở phòng thủ trưởng rất thoải mái, tự nhiên, không khép nép, dè dặt như ta thường thấy. Dạo đó, cứ cuối chiều, hết giờ là anh gọi em trong cơ quan đến phòng làm việc của mình nhâm nhi rượu, trà, trò chuyện. Nhìn ngoài thì có vẻ là một cuộc thưởng lãm không được “phải đạo” lắm trong mắt một số người, nhưng thực sự đó lại là những cuộc “giao ban cơ quan” hiệu quả nhất mà tôi từng được tham gia. Rất nhiều công việc được anh em trao đổi, giải quyết nhẹ nhàng trong các cuộc trà, rượu đó, vì chỉ trong một không khí rất thân tình cởi mở, thậm chí rất “bạn bè” mọi chuyện mới được giải quyết hiệu quả, thấu cả tình và lý, tránh được những ứng xử “hành chính” khô lạnh mà ta thường gặp ở các cuộc họp. Thời ấy không có văn phòng điện tử như bây giờ để theo dõi công việc. Qua các cuộc “giao ban” đặc biệt này mà thường ngày anh có được một kênh thông tin tổng quan về tiến độ công việc của các phòng, giải quyết ngay được những vướng mắc trong ngày, và hơn thế, biết được nhiều thông tin về gia đình của nhân viên để cảm thông, chia sẻ. Cũng chính vì vậy sau khi về hưu, nhà anh vẫn luôn là nơi hội tụ của nhân viên cũ và bạn bè. Họ đến anh để tâm sự, để tìm một lời giải khi gặp những chuyện khó xử trong cơ quan, trong quan hệ. Chính thế mà có người từng nhại lời một bài hát rằng: “Khi nào tôi đau khổ, tôi tìm đến Đức Ban”. Đây là một điều khá hiếm hoi với các lãnh đạo sau khi về hưu. Thế mới biết cái tạo nên giá trị đích thực của cuộc sống không hoàn toàn nằm ở những thành công trong sự nghiệp, tiền tài mà chính là sự thấu cảm ở đời.

 

Mặc dù rất bận bịu trong công tác quản lý và sáng tác nhưng Đức Ban vẫn dành được thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Khi ở Hội Văn nghệ, anh đã là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về văn, thơ Hà Tĩnh. Đề tài đã đặt một nền tảng quan trọng về lý luận văn học địa phương. Khi về sở, anh bắt tay ngay vào chủ nhiệm hai công trình quan trọng: Nghiên cứu, định hướng bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa Hà TĩnhTổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Tĩnh. Những công trình này đã tạo nên một bộ cơ sở dữ liệu quý phục vụ cho công tác quản lý nhà nước cũng như việc tra cứu về địa phương học. Bên cạnh đó anh cũng quan tâm tổ chức biên soạn, xuất bản, tái bản nhiều công trình giá trị như: Văn bia Hà Tĩnh, Làng cổ Hà Tĩnh (hai tập), Lễ hội dân gian Hà Tĩnh, Chí sỹ Ngô Đức Kế.., tổ chức nhiều hội thảo khoa học về các danh nhân. Những công trình này góp phần tạo nên một khuôn hình đầy đủ về văn hóa quá khứ của Hà Tĩnh, cái mà nếu để lâu sẽ bị mất mát, mai một. Và cũng chính vì rất tâm huyết với văn hóa Hà Tĩnh nên anh rất trân quý những nhà địa phương học. Khi đương chức, dù bận thế nào, hàng tháng anh vẫn dành thời gian đến tận nhà gặp gỡ, thăm hỏi các nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, Võ Hồng Huy, Lê Trần Sửu… Khi về hưu, có thời gian hơn, anh thường xuyên đến ngồi hằng giờ tâm sự với các cụ, để đau đáu những nỗi niềm về văn hóa Hà Tĩnh. Điều này tôi rất nể phục, vì thực sự hiếm có những người làm văn hóa nói chung, chứ chưa nói đến là lãnh đạo văn hóa mà duy trì được một sự quan tâm rất thực lòng như vậy. Với riêng tôi, tôi vẫn thường tự xấu hổ vì vẫn thiếu cái nghĩa cử chân tình như anh với các cụ. Và anh cũng đã từng thể hiện rất rõ tâm thế đó trong lời hứa trước cử tri khi anh ứng cử Hội đồng nhân dân tỉnh ở một huyện vùng núi: “Tôi sẽ cố gắng làm NGƯỜI TỬ TẾ”. Câu nói này từng gây ra những cơn bão dư luận nhiều chiều thời bấy giờ. Rõ ràng làm người tử tế đâu phải dễ. Không cần gì đao to, búa lớn, chỉ cần làm NGƯỜI TỬ TẾ thôi là chúng ta có thể làm được bao nhiêu việc có ích cho nhân dân, cho sự phát triển của xã hội và cho chính chúng ta.

 

Những nhát cắt về anh ở trên có thể làm cho nhiều người tưởng anh dễ dãi, dễ hòa đồng, nhưng thực sự anh lại rất khắt khe trong nhìn người, nhìn việc. Anh cẩn trọng trong giao tiếp, tỉ mỉ trong công việc như trăn trở từng câu chữ, từng dấu chấm phẩy trên trang văn của mình. Chính vì vậy mà anh sẵn sàng nói thẳng, nói thực, thậm chí với một thái độ giận giữ, nặng nề mà không sợ mất lòng. Anh cũng sẵn sàng uống rượu hết mình với bạn bè từ quán cóc đến nhà hàng sang trọng. Nhưng với nhiều người, nhiều việc anh lại rất xã giao, chừng mực, thậm chí là định kiến. Tôi là người nhiều lần bị anh chỉ trích, phê bình thẳng thừng đến mức khó chịu nhưng tôi rất hiểu và càng quý mến anh hơn. Có lẽ vì thế mà có người đã ví anh là “con sâu róm”. Nhưng, cái bất ngờ ở đây là có quá nhiều người vẫn không chịu tránh xa cái “con sâu róm” khó chơi đó, vẫn thường xuyên đến với anh, dù khi đang đương chức hay khi đã về hưu. Và tôi biết, khi đọc được bài này của tôi, có thể anh lại mắng cho tôi một trận ra trò. Nhưng cảm nhận về anh, một NGƯỜI TỬ TẾ, đó là quyền của tôi./.

 

Hà Tĩnh 2017

THÁI VĂN  SINH