“Giọt nắng vô thường” – một áng thơ thiền tuyệt đẹp

“Giọt nắng vô thường” – một áng thơ thiền tuyệt đẹp
Khi cầm tập thơ Giọt nắng vô thường của Trần Huyền Tâm trên tay, không hiểu sao ngay lập tức tôi liên tưởng đến “tia nắng mặt trời” trong bài thơ “Và bây giờ là buổi tối” của nhà thơ Ý Salvatore Quasimodo, người đã đoạt giải Nobel Văn học năm 1959:

 

 

Khi cầm tập thơ Giọt nắng vô thường của Trần Huyền Tâm trên tay, không hiểu sao ngay lập tức tôi liên tưởng đến “tia nắng mặt trời” trong bài thơ “Và bây giờ là buổi tối” của nhà thơ Ý Salvatore Quasimodo, người đã đoạt giải Nobel Văn học năm 1959:

 
Mọi người cô đơn trong trái tim trái đất,
Bị xuyên qua bởi tia nắng mặt trời
Và bỗng nhiên bây giờ là buổi tối.
 (Hoàng Nguyên Chương dịch)
 
“Và bây giờ là buổi tối” nói lên một triết lý cuộc đời rằng: mỗi con người từ khi sinh ra đã là duy nhất, là trung tâm của vũ trụ; đều đã từng có hoài bão, ước mơ sáng chói như một tia nắng mặt trời, nhưng rủi thay cuộc đời quá ngắn ngủi, chưa chi nắng đã tắt, chiều đã buông, thật là tiếc nuối. 

 


Tuy nhiên khi đọc hết hơn một trăm bài thơ trong “Giọt nắng vô thường” thì cảm nhận của tôi lại không hẳn như vậy mà là một áng thơ “THIỀN” tuyệt đẹp từ cảm xúc, tư duy cho đến bút pháp.
 
Theo “Phật Quang Đại Từ điển” thì Thiền là sự kết hợp giữa thân thể và ý niệm trong thời gian, không gian hiện tại để nhận biết sự vật, hiện tượng và ý niệm. Thiền là tĩnh tâm, gạt bỏ mọi tạp niệm để nhận thức bản ngã và thế giới xung quanh một cách đúng đắn, sáng suốt nhất. Và có thể nói toàn bộ hơn một trăm bài thơ trong Giọt nắng vô thường phản ánh một quá trình THIỀN để ngộ thoát khỏi “Bến Mê”, để về “Bến Giác” trong cõi tạm của đời người:
 
Tôi thấy tôi trong quán trọ trần gian
Giá áo, túi cơm, quay cuồng, chật vật
Khi chén rượu nồng, cà phê phiêu ngất
Danh, lợi, tiền, tài, hỉ, nộ, sân, si
 
Và:
 
Chợt thấy mình thanh tỉnh cơn mê
Thảnh thơi bay giữa biển trời cao rộng
Tôi hòa vào ngàn mây, gió lộng
Hóa thành mưa xóa sạch mọi ưu phiền
 
Để rồi:
 
Tâm bừng lên một khối sáng tịnh nguyên
Từ sợi tóc của Đại sư Đại pháp
Tôi hóa thân thành nắng vàng ấm áp
Đi khắp đó đây đánh thức những thệ nguyền
(Tôi thấy)
 


“Giọt nắng vô thường” của Trần Huyền Tâm tuyển chọn những bài thơ viết trong thời gian khá dài, khoảng trên 30 năm, từ những ngày còn trẻ cho đến hiện tại.  Và điều dễ nhận thấy, cái tinh thần, nội tâm sâu thẳm toát lên từ thơ Trần Huyền Tâm là luôn hướng đến cái dịu dàng, thuần khiết, nguyên sơ, thanh tĩnh. Khi nhìn ngắm thiên nhiên, khi chiêm nghiệm cuộc sống, khi nhớ nhung kỷ niệm, tháng ngày xưa cũ… đều là hướng về những điều cốt lõi đó. Chất Thiền dường như là một “bản tính tiên nghiêm”, ngấm vào người và vào thơ Trần Huyền Tâm, làm nên một giọng điệu thơ mộc mạc, giản dị, trong sáng đến thật thà. Chính vì thế, trong lời tựa đầu sách, nhà thơ Kim Chuông đã nhận xét: “Thơ Tâm không bụi bặm vỉa hè. Không phá phách, cuồng say. Không bi lụy, trái ngang, trụi trần, bi kịch… Thơ trong lành dịu mát, Thơ vươn tới một vẻ đẹp cao sang, thánh thiện”. Với “Giọt nắng vô thường”, Trần Huyền Tâm đã chọn cho mình làm một người bạn chân tình, dung dị giữa đời thường, dễ gần, dễ mến với độc giả hơn là chọn làm một “nghệ sỹ của ngôn từ” với những câu chữ sang chảnh thời thượng. Và đó cũng chính là sự ngộ sâu sắc về chữ Chân, gốc của cái Đẹp, để Tâm có những câu thơ như được vớt lên từ nguyên sơ cuộc sống:
 
Con sinh ra
Đêm tháng Tám rực trời
Gầu nước mát
Lao xao vầng trăng khuyết
Nhà mình nghèo
Mái tranh mòn vách liếp
Mảnh mo cau quạt không hết mồ hôi
(Bài ca đất)
 
Hay:
 
Vợ với chồng cũng đôi tình nhân sao
Cũng liêu xiêu điệu khèn bên dốc
Cũng say say câu hát tình đơn độc
Cũng âu lo xếp lại cất trong gùi
(Đêm chợ tình Sapa)
 
Nói cách khác làm thơ đối với Trần Huyền Tâm là một quá trình gạn lọc bấy nhiêu sự xô bồ, ồn ã của cuộc sống đời thường để tìm ra những thứ “tinh chất” cần giữ lại, để duy trì song hành một cái “tâm rất tĩnh” bên dòng đời mải miết, cuồn cuộn chảy trôi về phía trước. Diễn giải điều này ra e hơi kiểu cách, nhưng sự thực là có sự song hành đó trong thơ Trần Huyền Tâm. Người đọc sẽ được cảm nhận rất rõ dòng chảy âm thầm, lắng đọng và dịu êm ngược về phía cội nguồn trong trẻo của bản thể trong thơ Trần Huyền Tâm. Cũng vì lẽ đó, trong Giọt nắng vô thường, thiên nhiên dường như được Trần Huyền Tâm ưu ái nhất. Lấy thiên nhiên là điểm tựa cho tâm thái của chính mình, Trần Huyền Tâm ngộ ra những triết lý có tính vũ trụ quan:
 
Tôi đi tìm mặt trời
Vầng mây tía đưa tôi lên đỉnh núi
Phía bên kia buổi chiều là đêm tối
Hoàng hôn rụng vỡ triền đê…
…Mặt trời trên cao, mặt trời trong tôi
Những vũ trụ trong veo, tụ về thêm bầu bạn
Giấc mơ tiên chẳng bao giờ biết cạn
Triệu triệu mặt trời mãi vằng vặc sáng soi
(Tôi đi tìm mặt trời)
 
Hay:
 
Và biển xanh khát vọng
Lại ôm trọn bầu trời
Dù khoảng cách xa vời
Trời vẫn trong lòng biển
 (Tình yêu)
 
Cái vô thường thiền định trong thơ Trần Huyền Tâm còn được thể hiện rất đậm đặc trong yếu tố thời gian. Giọt nắng vô thường có cả 4 mùa và 12 tháng. Số lượng các bài thơ về mùa, về tháng chiếm gần 1/3 số bài trong tập thơ. Và mỗi mùa, mỗi tháng đều có một gam sắc thời gian đặc sắc qua con mắt thơ Huyền Tâm.
                                                                                            
Mùa Xuân:
 
Xanh chẳng thể xanh hơn
Vàng óng vàng mật nắng
Xám không còn trống vắng
Đỏ thắm duyên giọi mời
(Kìa xuân đang tới)                                                    
 
Mùa Thu:
 
Em đi qua một khoảng trời ngâu
Chớp nhì nhằng, ướt nhòa vầng mây bạc
Thương cái gió bên lối mòn ngơ ngác
Nắng không về khơi màu áo em phơi
(Tâm tình với mùa thu)
                                                                                             
Mùa Hạ:
 
Hạ ngập ngừng như chưa vội bước sang
Như chưa muốn chứng lời xuân bái biệt
Khúc ly tao đã bao ngày da diết
Nay bần thần mùa lần lữa chuyển giao
(Khúc giao mùa)
 
Mùa Đông:
 
Chuốt nồng nàn ươm óng ả long lanh
Nắng mê mải nghiêng chiều vào rực rỡ
Tím đến tự nơi nào không biết nữa
Cứ mơ màng giăng dịu ngọt lời đêm
(Biển tím chiều cuối đông)
 
Và thời gian trong Giọt nắng vô thường là sự đong đếm của một cuộc hành trình tìm về nguồn cội, hành trình giải thoát khỏi sự mê lạc của con người ở chốn đời thường để ngộ ra những chân lý giản đơn mà không phải ai cũng hiểu:
 
Bao năm, bao kiếp, bao đời
Quẩn quanh lưu lạc, luân hồi bể dâu
Duyên tình trao gửi nơi nhau
Cũng là vay trước, trả sau thôi mà
(Nói với người xưa)
 
Để rồi:
 
Đặt tâm xuống, ngả u mê sẽ tắt
Nắng vô vi và mưa gió vô vi
Bao ưu phiền tan theo cánh thiên di
Chân - Thiện - Nhẫn đón đưa về Bờ Giác
(Viết cho không chỉ riêng mình)
 


Thơ Trần Huyền Tâm thường là những hồi ức tâm tưởng, hành trình thơ chị là hành trình mải miết trở về, trở về với không gian cũ, những hình bóng thân yêu nhất, trở về với những thuần tịnh, đẹp đẽ của quá trình phản bổn quy chân. Đi là để trở về. Người đọc cảm nhận hành trình đó được xác lập khá rõ ràng trong “Giọt nắng vô thường”, một tiêu đề đầy tính cảm nghiệm. Thấy rõ Trần Huyền Tâm đang tìm tòi, rồi chia sẻ, giãi bày thể ngộ của mình về những câu hỏi lớn của đời người: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Mục đích của cuộc nhân sinh là gì?...
 
Làm thơ là một cuộc hành trình vất vả tìm đến những tâm hồn đồng điệu. Với “Giọt nắng vô thường”, Trần Huyền Tâm đã chạm được vào mỗi chúng ta một sự giác ngộ về cuộc đời với tam tự kim: CHÂN - THIỆN - NHẪN như là chìa khóa mở ra cánh cửa đi đến TƯƠNG LAI.
 
Xin chúc mừng độc giả có một áng thơ Thiền để chiêm nghiệm cuộc đời.
 
Xin chúc mừng Trần Huyền Tâm đã có nơi chốn đẹp đẽ để gửi gắm tâm tình thánh thiện của mình đến với mọi người, để “gửi hương cho gió” ngát thơm những đạo lý của Phật gia vốn đang rất cần cho cuộc sống hôm nay bay xa./.

 

Mùa Vu Lan Mậu Tuất 2018

Thái Văn Sinh - Tổng biên tập tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh