Hoa phần gió lộng thi ca

Hoa phần gió lộng thi ca
“Sau khi báo Nhân văn đình bản, Phùng Cung bị đình chỉ công tác và sau đó tập trung cải tạo suốt 12 năm tại các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt, Yên Bái, Phong Quang…” Đó là đoạn trích từ Lời giới thiệu của Ban biên tập Nhà xuất bản Hội nhà văn cho tập thơ Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung, xuất bản năm 2011.

(Ảnh: Kim Anh)



HOA PHẦN LỘNG GIÓ THI CA

(Về tập thơ Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung, xuất bản năm 2011)


“Sau khi báo Nhân văn đình bản, Phùng Cung bị đình chỉ công tác và sau đó tập trung cải tạo suốt 12 năm tại các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt, Yên Bái, Phong Quang…”

Đó là đoạn trích từ Lời giới thiệu của Ban biên tập Nhà xuất bản Hội nhà văn cho tập thơ Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung, xuất bản năm 2011. Tôi muốn đưa lên đầu của bài viết này bởi hẳn sẽ rất liên quan đến sự đọc - hiểu cả tập. Và mọi sự đâu rồi sẽ tới đó, tôi vẫn muốn bắt đầu bằng việc giới thiệu một nhà thơ Phùng Cung yêu làng quê sâu sắc và tinh tế.  

  1. Cái đẹp của làng quê

Yêu quê hương, phần lớn chúng ta đều thế cả. Nhưng yêu như thế nào?

Nhìn dáng lạt bó rau

Nhận được người làng.

(Người làng)

Mấy ai trong chúng ta để ý đến cái dáng lạt bó rau này? Và dù có để ý thì mấy ai đi xa lâu đến đã “bạc tóc trở về quê” mà vẫn còn nhớ được?

Mồ hôi mẹ

Tháng ngày đăm đăm nhỏ giọt

(Mẹ)

Từ láy “đăm đăm” xuất hiện trong thơ văn đã rất nhiều, chẳng hạn truyện Kiều “đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”, nhưng là để tả cái nhìn như hút vào đâu đó, không dứt. Ở đây, chắc vẫn có cái đăm đăm, là ánh mắt đứa con nhìn vào mồ hôi mẹ nhỏ xuống; tác giả đã quyết định nói tắt vừa đủ để câu thơ ngắn gọn, nhưng không ngăn cản độc giả hiểu đúng. 

Ngoãy đuôi giấy

Diều lá vông cỡn gió

Con rắn bay

Đuổi gấp vầng trăng

(Rắn bay)

Tất nhiên có loại diều hình lá vông. Nhưng tục ngữ cũng còn có câu “ngồi lá vông, chổng mông lá chốc”; nên chữ “cỡn gió” bầu cho một liên tưởng rất gợi. Rồi điều hòa ngay sau đó: Con diều khác mang hình rắn “đuổi gấp vầng trăng” lại thanh tao. 

Năm tháng đẹp dòng

Ru trong nắng – Âu – Cơ

(Tổ quốc)   

Chúng ta cũng đã có nhiều khái niệm như “gió Tuy Hòa”, “nắng Ba Đình”. Ở đây là một sự vừa kế thừa vừa phát triển: nắng – Âu – Cơ, cốm – Đông – Đô, tím – Tam – Giang.

Lá tre rụng

Nhuộm hoàng hôn đỏ gạch

Tiếng cuốc bèo da diết

gọi ngày mai

(Ao con)

Chữ da diết thường được sử dụng khi đề cập tới nỗi nhớ (nhau) theo chiều ngang trong không gian hoặc nhớ quá khứ theo chiều dọc của thời gian. Tuy nhiên ở đây tác giả lại sử dụng khi vói tới tương lai. Phải chăng cái ngày mai ấy nó lặp đi lặp lại “không có gì mới” đến độ hệt như quá khứ? 

Gió bạc cánh

Chưa hết vòng kim cổ

(Quê xanh)

Cũng lại là sự kế thừa cách dùng từ khá truyền thống: cánh gió. Sự phát triển là: gió thổi hoài thổi mãi đến bạc cả cánh, rất thuyết phục!

Tiếng gọi đò

Căng chỉ ngang sông

(Đò khuya)

Đôi khi cần những hiểu biết hiện đại để hiểu thơ, đôi khi cần những hiểu biết quê kiểng, ở đây là về nghề thợ mộc. Người thợ bật mực bằng một sợi dây (chỉ) dài và căng nhúng đẫm mực lên thân gỗ để lấy dấu mà kéo cưa cho thẳng. Tiếng gọi đò cũng phải suôn, chụm, căng như vậy thì mới đủ dài ngang qua sông, nơi người lái đò đang có thể không trong tâm thế đợi khách!

Mặt nước đầy căng

Sông chảy bồn chồn hoa nắng

(Sông lũ)

Để cảm thụ được đầy đủ vẻ đẹp của những câu thơ này, bạn hãy làm một thí nghiệm nho nhỏ: Rót nước từ từ vào một cái chén, khi tới miệng vẫn tiếp tục rót nhưng thật chậm. Rồi bạn sẽ thấy ở giữa chén mặt nước vồng lên cao hơn cả miệng chén; đó là nhờ sức căng bề mặt của nước. Chữ “căng” trong câu thơ đã xuất hiện như vậy! Còn sự bồn chồn ấy là của lòng người sợ lũ lụt gây vỡ đê, trôi nhà trong những năm việc trị thủy sông bằng thủy điện chưa phổ biến. 

Bóng râm rẽ nắng sang sông

(Nắng gió)

Trong sự quan sát trước một cảnh tượng tương tự, chúng ta thường sẽ tả đám mây đang trôi qua sông. Ở đây tác giả đã không đề cập gì đến phần “hình tướng” là đám mây nhưng lại vẫn khiến độc giả hình dung được vận động ấy. Và đó là một giải pháp cho kiệm chữ.

Một giải pháp nữa để kiệm chữ là bỏ bớt các giới từ so sánh ví von.

Ghếch bóng chĩnh tương

Con vằn say bả

(Nôn nao)

Câu đầy đủ sẽ là con vằn như say bả. Nhưng từ “như” này tác giả nhường bạn đọc tự cho thêm vào để hiểu nghĩa đen, và khi bỏ nó đi thì lại nhấn mạnh cảm giác “như thật” của con chó vằn nôn nao say nắng mới. Nó tương tự cách chúng ta bỏ các từ trong ngoặc đơn kiểu thằng (như) điên kia, con (như) hâm này… 

Nhà thơ vẫn bắt đầu từ trải nghiệm cá nhân tinh tế và sâu sắc, sau đó mới là dụng công tìm những từ diễn đạt một cách chính xác trải nghiệm đó. 

Tu hú trên ngọn sung chùa

Giật mình, sổng giọng

(Vào hè)

Từ sổng chuồng ra sổng giọng.

Nhi nhao xuống ổ

Gà mẹ ngắm con

(Mái gà)

Từ nhi nhao vừa gợi thanh vừa gợi hình! 

Ngại nhầm mùa 

Hoa khoai hé nụ

(Giao mùa)

Chỉ dám hé thôi chứ chưa dám nở.

Kẻng thúc ngũ liên

Săn lùng đào ngũ

Chẫu mắt mù

Nhìn – đóng – cọc vào đêm

(Giập gãy)

Cái nhìn như của đôi mắt đã bị mù, và hướng về một phía như đóng cọc; cái nhìn buồn thương, bất lực.

Gió ngỡ buồm quen…

Vạt áo nâu non khép vội tà.

(Dáng nhạn)

Cái nghịch ngợm của gió rất đỗi dễ thương, gió cũng ngộ nhận như người.

Chó sủa áng chừng

(Đêm vắng)

Từ áng chừng là không thể thay thế!

Ngón son

Đu nhành biếc

Trái bồ hòn

Con vành khuyên hót – ngọt

Đắng – dư âm.

(Chim vành khuyên)

Trước và sau một ngộ nhận? Để diễn đạt ý này, lượng từ sử dụng ấy là tối thiểu!

Trăng đến ao thu

Cành khế chua 

Chọn giờ đeo ngọc

Tiếng dế long lanh

(Bờ ao thu)

Từ long lanh vốn để tả hình ảnh, ở đây tả âm thanh. Có một tập quán sâu dày trong đời sống người Việt là chọn ngày giờ tốt để làm việc trọng. Và đến cả cành khế cũng đã theo tập quán ấy!

Chó mím mõm sủa nằm

(Đêm xá tội)

Từng từ đều mới, chính xác và không thể thay thế!

Phận hoa hèn

Nương náu chân tre

Khép nép đơm hoa

Lẽo đẽo vào mùa

Hoa trọn màu trời

Xanh – trứng sáo

Một cám nhụy vàng

Lơ lửng bóng trăng

Không gian vô tận

Thời gian vô tận

Hoa – Trời mô phỏng lẫn nhau chơi.

(Hoa thài lài)

Không có những tư duy phóng khoáng kiểu “chơi” như thế, không đủ thành thi sĩ. Nhưng đằng sau chữ “mô phỏng” ấy lại là một mối quan hệ nhân quả khăng khít.  

Khoảng vườn hoang

Hung táng ánh trăng.

(Béo đói)

Chữ hung táng từ nghĩa địa đã đi vào vườn trăng!

Tất nhiên, trong cái đẹp của quê còn có người đẹp, tình yêu đẹp. 

Qua ngõ khẽ - nhìn

Chẳng thấy em

Sân mưa bụi

Dây phơi xâu – hạt – nước

Khói bếp ngẩn ngơ

đầu giàn bí

Thoáng bóng em

Tôi bối rối

Mưa bắt đầu nặng hạt.

(Khẽ nhìn)

Thế nào là một cái nhìn “khẽ”? 

Lỡ đò khuya mới về làng

Ngõ quen bước vội

Va – dấu chân em

Khô bùn để lại

Ao tím hoa bèo

Ngóng giọt – trăng khuya.

(Làng khuya)

Thế nào là một tình yêu đến độ chỉ va vào dấu chân khô bùn để lại cũng nhớ đến nhau? Tình đích thực thì nguồn dinh dưỡng để nuôi nấng nó đơn sơ mà lại khó đạt tới!

  1. Cái nghèo

Như một chủ đề phụ trong chủ đề chính cái đẹp của làng quê trong thơ Phùng Cung lại chính là cái nghèo, đủ dày dặn để thành một chủ đề riêng. 

Nắng lên mấp mí sân rêu

Mái rạ thằn lằn rọc rạch

Xì xẹt xái nhì – tắc điếu

Cút tương kiến gió đánh đai

*  *  *

(Gia cảnh)

Gia cảnh nghèo, tất nhiên rồi: Sân rêu (hẳn là vì chưa lát được gạch), mái rạ (cũ rồi nên nhiều loại bọ làm thức ăn cho thằn lằn xuất hiện), thuốc lào (mà cũng dùng đến xái nhì như thuốc phiện để rồi liên tục phải vừa hút vừa thông lại điếu tắc), tương (đong bằng chai nhỏ, loại chai thường chỉ dùng để mua rượu là thứ đắt đỏ; và đàn kiến gió ở nhà nghèo thì cơ hội ngửi mùi tương cũng ít nên loanh quanh như đánh đai – chỉ động tác vòng qua vòng lại với cái chai vậy). 

Rổ không hờ hững quang treo

Nắng thả chào mào – nghiêng nghé

Chó vẽ bóng gầy sân bếp

Gió - khều tã vá – múa may

Cái rổ vốn để đựng thức ăn treo lên cao, tránh các loại vật nuôi xâm nhập nhưng “hờ hững” bởi vì “rổ không”. Vậy nên chào mào có nghiêng nghé tìm kiếm cũng sẽ chẳng thấy gì. Còn chó thì đói nên di chuyển chậm chạp lờ đờ đến độ như “vẽ bóng” mặc dù không gian “sân bếp” là gần nơi thường dùng để chế biến thức ăn. 

Đỉnh cao chính là gió thì chẳng biết chơi đùa với cái gì nên đành “khều tã vá”. Đến cái tã cho trẻ con cũng cũ đến độ phải vá mà dùng lại. Từ láy “múa may” giễu nhại làm tăng thêm tính bi đát, nhưng lại cũng hé mở một nội lực rằng con người đang ở cao hơn hoàn cảnh đó!

Đểnh đoảng mùi cháo – canh

Giục cả xóm cởi trần

(Cháo canh)

Trăng lên ngỡ lửa cháy

Từ dạo đất thiêng

Chim ỉa rặt bùn

(Chim)

Nếu tốt ăn, phân chim lại trở thành một loại phân bón màu mỡ cho nhiều loài cây. Nhưng chim thiếu ăn đến độ phân chim cũng chỉ rặt bùn. Không yêu làng quê Việt Nam sâu sắc và máu thịt, không thể cảm nhận được tỉ mỉ như vậy. 

Bước liêu xiêu

Cái vạc ăn ngày.

(Vạc)

Tập quán của vạc là kiếm ăn vào ban đêm. Tuy nhiên khi đã đi kiếm ăn vào cả ban ngày nghĩa là chỉ kiếm vào đêm sẽ không đủ no nữa. 

Trứng nhà ai rán

Thơm – mùi – thiếu mỡ

(Nắng rươi)

Hẳn không cần giải thích gì thêm về cái nghèo này nữa! 

Cái nghèo được đặc tả trong vô số hình ảnh khác, chẳng hạn Bóng đèn – vá – giấy, rồi đến mẩu gừng cũng phải mượn – trộm. Cái nghèo theo chân đến cả đám cưới vốn là ngày vui, khi xác pháo cũng “màu vỏ khoai lang”. 

Tiếng ai ngàn ngạt phía ao

Xì xào mưa – gạo đắt

Giọng ngỉm dần

Sợ thời giá nghiêng tai.

(Mưa – gạo đắt)

Cái tiếng vốn ngàn ngạt rồi mà còn phải nghỉm dần xuống, bởi những kẻ đầu cơ nào đó nghe thấy được sẽ còn tiếp tục đẩy giá lên cao hơn nữa! Khác nào bảo nhau đừng khóc kẻo ông ba mươi (ông hổ) nghe thấy? 


  1. Thái độ với thế sự 

Nếu chỉ là tình yêu quê, dù là quê nghèo; thì vì đâu nên nỗi nhà thơ bị cải tạo đến 12 năm trời như vậy? Nút thắt thứ nhất là, ông nhạy cảm và thiết tha với từng mái rạ, gốc cây của quê thế nào thì cũng nhạy cảm và thiết tha với thế sự như vậy. Ông vốn chỉ viết văn xuôi; và khi ở trong nhà giam vẫn tiếp tục viết bằng cách nhớ trong đầu thì một thời gian sau ông nhận ra không sao nhớ đủ. Ông chuyển sang làm thơ vì có cơ thuộc lòng được. 

Dấu ấn của quãng đời bị mất tự do còn hằn sâu trong những “mạch kị lộ” một cách bất đắc dĩ. 

Đê tiền triều gãy khúc

Đồng ngập trắng

(Mùa nước mắt)

Thái độ của ông ở từ “tiền triều”. Nó không vô cớ xuất hiện ở đó. Nếu nó không xuất hiện thì câu thơ chỉ còn đơn giản là tả cảnh lụt có nguyên nhân tại trời. 

Trăng lững thững

Bước – vàng – tan kim cổ

Vọng xuống lăng thiêng

Giọng đức cuội trời.

(Trăng thiêng)

Từ “đức cuội trời” là kiểu giễu nhại rất hậu hiện đại! 

Giặc quấy

Làng queo quắt

Tụi trẻ đi – đi hết

Dờ dệt sức già gãi – đất

Ngô phong cờ

Chó chạy hở đuôi

Cái đói – tròn

Lăn – kín bốn mùa

(Gãi đất)

Đó là một hiện thực thời chiến, khi thanh niên tòng quân và phần lớn chỉ còn người già ở lại. Giờ đây chúng ta có thể nói thoải mái về điều này, nhưng nó từng bị hạn chế. 

Long lanh gươm gia bảo

công hầu

Ngày tháng bao người chiêm ngưỡng

Mỗi chiến thắng

Một lần gươm – tắm – rượu

Ruồi vẫn qua lùng máu 

sa trường.

(Gươm báu)

Ông thẳng thắn về mặt trái của chiến công và chiến thắng. Có thể sau đó Nguyễn Duy thoải mái viết “Trong mọi cuộc chiến tranh _ nhân dân là người chiến bại” thì thời ông làm – thơ – không – giấy – bút lại là cấm kị. 

Tội nghiệp nhà thơ

Hợm mình

Lầm lạc

Bởi không biết sống

Nên không biết chết

Nửa thế kỷ

Bị lưu đày

Trong cõi tung hô.

(Tội nghiệp – Biệt giam Bảo Thắng 1972)

Sau hàng chục năm bị biệt giam, ông vẫn “thẳng thắn” (trong ngoặc kép bởi vì ông chỉ thẳng thắn với lòng mình thôi chứ ai cho phép ông công bố thơ với ai khác) về những tung hô không vì tài năng và thành tựu đích thực.  

Ai cho phép ngươi 

Tự giành phần

Hương hỏa nhỏ to

Một giọt nước

Vẫn tình nguyện tách đôi

Để cùng thấy rõ

Vậy dẫu vô cùng lớn lao gì đó

Ta chỉ yêu cầu phải hài hòa

Với vô cùng bé nhỏ mà thôi.

(Biển cả - Biệt giam Bất Bạt 61)

Có thể nhà thơ, trong tâm thế của mình, cho rằng yêu cầu “phải hài hòa” thật khả thi và tối thiểu; nhưng khi cần dồn sức vào một mục tiêu chung lớn nào đó mà đại tự sự lên ngôi thì tiểu tự sự sẽ bị dẹp bỏ. 

Đất nước ơi

Tôi mến người

Như khi nhìn em bé ngủ

Tôi thương người

Như thương mẹ ốm

Vì đâu

Người khoác manh áo đỏ

Thừa sai – cũn cỡn

Tủi nhục tháng ngày

Long đong chiều sớm

Ôi! Có bao giờ

Người đau đớn như thế này không.

(Đất nước)

Thiết tưởng không cần bình gì thêm cũng có thể hình dung rủi ro mà người mang tư duy / cách nhìn này có thể phải đối mặt! 

Quẩn quanh trong cõi dối lừa

Hòng hõng đợi người chồng tử trận

Mấy chục năm rồi

Đã mỏi xanh

(Mỏi xanh)

Những người làm công tác hậu phương quân đội biết nói gì đây?

Con vừa mười sáu tuổi đời

Nửa đêm vay tuổi lấy người chiến tranh;

Máu chiều gội đỏ hoàng hôn

Nghĩa trang mồ giả, nắm xương không mồ

Đồng chiều gió tím mấp mô

Nén hương đẹn khói, mấy mùa khóc vay.

(Vay tuổi)

Chiến tranh là tình trạng bất thường, nên đem lại vô vàn những bất thường khác; kể cả khái niệm chưa từng có trong thời bình là “vay tuổi”, là nhập ngũ khi chưa đủ tuổi. Thảm cảnh “máu chiều gội đỏ” thật khủng khiếp. Từ đẹn trong “sài đẹn” vốn dùng tả trẻ sơ sinh còi cọc chậm lớn! Khái niệm mộ gió (không có hài cốt trong mộ) thiết tưởng chỉ là của những ngư dân đi biển không may bị đắm tàu mất xác! 

Việc đời to nhỏ

Sự đời co giãn

Hoa nở quên thơm

Gà thí tiếng gáy

Vào bình minh trọc phú.

(Sự việc)

Qua chữ “thí” này, có vẻ có lúc thái độ của nhà thơ đã trở nên hằn học! 

Tiếng Gia tiên

Rầu rĩ dưới mồ

Những lúc chim về

Tím lịm chân mây

Ai liều tảo mộ chiều nay

Mà hương tảo mộ bay đầy hoàng hôn.

(Quê hương – Biệt giam Yên Bái 65)

Ô hay, một việc tưởng chừng ai cũng được phép là tảo mộ để bày tỏ lòng xót thương và biết ơn với người đã khuất, sao cũng phải “liều” như khả năng sẽ chịu một hình phạt nào đó? 

Cổ kim bí sử

Vận hội suy vong

Nô tài loạn thâm cung

Trang sử thơm

Nhan nhản dấu chân chuột bọ.

(Loạn)

Ông thấu hiểu gốc cây ngọn cỏ thì có thể được ngợi khen, nhưng khi hiểu thâm cung, chuột bọ; ông lại dễ bề mang họa!

Đầu đội chủ trương

Vai mang chính sách

Mọi vùng sâu, xa hẻo lánh

Đã từng qua

Còn một vùng sâu, xa khác

Chỉ cách chừng gang tấc

Không dễ gì tận mắt tận tay.

(Vùng sâu vùng xa)

Giờ ông đã thấm thía sự bất lực. 

Thế kỷ hai mươi

Đạo cơ – bắp thoát thai

Trẻ già rên xiết

Mặt võ vàng

Lầy nước mắt kỷ nguyên.

(Thế kỷ)

Không dùng cơ bắp mà hoàn thành được mục tiêu là tốt nhất, nhưng cơ bắp chính là một phần sức mạnh trong cuộc chiến một mất một còn. Tất nhiên nếu dùng đến như một thứ “đạo” thì lại cực đoan. 


  1. Số phận cá nhân đặc biệt 

Cách nhìn vĩ mô như thế trong thời chiến của đất nước, lại bộc lộ bằng văn; nhà thơ mang một số phận cá nhân đặc biệt cũng là dễ hiểu. 

Kiếp cà

Duyên tím

Phận xanh

Cõi bẩn thỉu

Cố xanh, cố tím

Ngoem ngoém tối ngày mồm róm

Cành suông chết điếng tím xanh.

(Chết điếng)

Ấy là cái bất toại nguyện của kẻ muốn là chính mình mà không được phép!

Khát muốn chết

Một ngụm - trời - da - bát

(Khát)

Ấy là cái khát của kẻ đang chịu hình phạt mất tự do ở mức cấm cố, không được nhìn thấy mặt trời.

Trời đất uy nghi

Xanh vĩnh cửu

Chim bay hình thánh giá

muôn phương

*  *  *

Cung tên tạo hình thánh giá

(Vĩnh cửu)

Ấy là ý thức được kẻ săn đuổi và bị săn đuổi đều vĩnh cửu tồn tại.

Quất mãi nước sôi

Trà đau nát bã

Không đổi giọng Tân – Cương

(Trà)

Ấy là khảng khái chấp nhận cái đau đến “nát bã” để được là chính mình!

Tuổi xấc lấc

Tôi lăn lưng cướp pháo xịt mua vui

Suốt đời tôi may mắn

Vui cái vui – thừa thiên hạ

(Vui thừa)

Ấy là tuyên ngôn về lựa chọn lối sống, lối “vui” của mình. 

Sống quá khó khăn

Chết chẳng dễ dàng

Tôi phải sống

Hẳn tôi còn được chết

Chết là chơi nốt

Một trò chơi

Mãn khóa hỗn sinh.

(Trò chơi)

Ấy là chấp nhận cái vị thế “dưới cốt 0.0 rất nhiều” mà mình phải chịu, lại ý thức được tính nhân quả tất yếu trong đó. Để ca ngợi tính “chơi” của đời người, nhà thơ Tản Đà đã cần cả một bài trường thiên vài chục câu. Ở đây nhà thơ Phùng Cung đã chọn cách gói gọn trong ba từ “khóa hỗn sinh”.   

Thân phận tôi

Trầy trật lưng cơm, đọi cháo

Tôi

Bạc tóc – rạp đầu

Lạy hạt gạo thiêng.

(Hạt gạo) 

Ấy là khi không dễ có nhiều lựa chọn cho cuộc mưu sinh sau khi từ trại giam về. 

Trong bài thơ Hầu trời, Tản Đà cho mình là một vị tiên bị đày xuống trần gian. Phùng Cung cũng có những lúc tìm lối thoát theo hướng tương tự:

Tôi ghép chữ - thơm

Bắc cầu lên hỏi

Cõi bất tử siêu phàm

Liệu có dung nổi một nhà thơ.

(Kỳ vọng)

Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, ông cũng không quên tiết tháo:

Đầu trần

Chân đất

Đường cơm áo vụng về

Kéo lê cái bóng

Thân nhơ bóng sạch,

Tối ngày đối mặt với trẻ con.

(Vụng về)

Ông biết theo nhân quả thì mọi thứ để đạt được đều qua trả giá và đánh đổi:

Ba đời bắt rắn

Rắn cắn đủ ba đời

Lúc khóc

Lúc cười

Thà tử sinh vì rắn

Mẩu chuyện Tàu

Ghi lại mà chơi.

(Bắt rắn)

Ông kiên nhẫn, còn tới đâu thì giữ tới đó:

Đêm đen

Kìm kẹp ngọn đèn

Gãy lửa

Vẫn vinh danh nguồn sáng.

(Nguồn sáng)

Và ông ý thức được sự rủi ro nguy hiểm của việc mình từng làm:

Trót – dông dài – trăng nước

Mặt – va dông chớp

Rạc mái phong lưu

(Ăn năn)

Thật mừng, cái hồn mạnh mẽ ấy đã giúp ông sáng tác và để lại cho nền văn học nước nhà hơn hai trăm bài thơ hay.

Tuổi hoa niên

Buộc ký gửi kho tù

Thân mỏi mệt

Hồn ta mạnh mẽ…

(Quê xa – Biệt giam Lào Cai 72)


  1. Hoa phần lộng gió thi ca

Được phóng thích vào năm 1973, nhưng ông vẫn tiếp tục bị cách ly với cái bình mực: 

Ngứa mõm thơ

Tôi lảm nhảm vài vần 

cơm nguội

Bình mực tôi

Trẻ nhét nùn giẻ rách chặt ghê.

(Xin kiếu)

Tất nhiên phải là “trẻ” đặc biệt thế nào thì ông mới không sao rút ra nổi cái nùi giẻ rách ấy. Ngay cả khi bạn mất, nghĩa tử là nghĩa tận, ông cũng chỉ còn biết:

Đốt vụng nén nhang

Chúi đầu góc tối

Gửi lời trong khói viếng anh

(Bài thơ tím)

Trong những ngày vẫn phải viết trong trí nhớ, trong tưởng tượng và câm lặng ấy, ông đã:

Tôi nhúng ngón tay

Vẽ mình trong đĩa nước

Vẽ muôn ngàn lần

Ngón đau – đĩa cạn

Biết đến bao giờ

Tôi mới vẽ nên tôi…

(Tự họa)

Ấy vậy mà bằng gia tài thơ và vài chục truyện ngắn mà phần lớn đã bị thất lạc, ông đã tự họa thành công hơn cả nhiều người đề huề bút mực. 

Con chữ lầm than

Bỏ qua tắm rửa

Thói quen uộm thuộm

Nôm na bỗ bã

Tôi thả lã vài đàn

Trên mặt giấy thô.

(Uộm thuộm)

Rút cục thì ông đã lấy được cái giẻ ra khỏi bình mực! Và ông ra tuyên ngôn nghệ thuật của mình. Ông bỏ qua tắm rửa cho những con chữ, nên bây giờ chúng ta mới được ngắm đầy đủ sự lầm than của chúng. Cho rằng đẹp hay xấu tùy kênh cảm thụ, nhưng đó là “chân”, và không chân thì lấy đâu ra thiện cùng mỹ?

Trăng úa – đầy trời – lá rụng

Không gian khát vọng khúc giải oan.

(Khát vọng)

Ông cũng mong rồi được nghe khúc đó. Và bạn đọc hôm nay hẳn đã tấu lên để ông nghe!

Lặng lẽ đầu chiều

Chiếc lá rụng

Chao đảo ngửa nghiêng

Ân hận trót lẳng lơ với gió

Vọng trả tiếng chim cho quá khứ

Liệng liệng

nhớ cành

tìm chỗ sạch

Dọn mình vào vĩnh viễn.

(Chiếc lá rụng)

Ông cho rằng, ngay cả khi rụng, một chiếc lá vẫn nên tìm chỗ sạch để dọn mình vào vĩnh viễn! Một tư duy thật Khuất Nguyên!

Người đơn sơ trang trọng chọn vầng cỏ, người kỳ công xây cất kim tự tháp cho di hài của mình. Còn lựa chọn của ông là:

Chợt tỉnh giấc huỳnh

Hồi sinh quá khứ 

Tôi trân trọng mai táng

Trong hoa phần lộng gió thi ca

(Hoa phần)

Tôi cũng tin thi ca của ông sẽ ở dài lâu trong hoa phần để nhiều thế hệ bạn đọc tiếp tục chiêm ngưỡng.

Hà Nội, những ngày rét đậm năm Nhâm Dần 2022

Hoàng Liên Sơn