Hương sắc phù sa

Hương sắc phù sa
“Mưa đền cây, em đấy hiền hòa Gieo cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc. Đáp đền cho anh những gì đã mất Để cuộc đời này mãi mãi bắt đầu yêu.” Đó là mấy câu thơ trích trong bài thơ “Mưa đền cây” của một thành viên Nhà Búp đến từ làng vườn Thuận Vy, một cô gái có cái tên rất đẹp, có nụ cười thánh khiết và nét mặt dịu hiền, khả ái: Nguyễn Thúy Hằng.

(Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Thúy Hằng)


HƯƠNG SẮC PHÙ SA 


“Mưa đền cây, em đấy hiền hòa

Gieo cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc.

Đáp đền cho anh những gì đã mất

Để cuộc đời này mãi mãi bắt đầu yêu.”

 

Đó là mấy câu thơ trích trong bài thơ “Mưa đền cây” của một thành viên Nhà Búp đến từ làng vườn Thuận Vy, một cô gái có cái tên rất đẹp, có nụ cười thánh khiết và nét mặt dịu hiền, khả ái: Nguyễn Thúy Hằng. Một lần tra cứu từ điển Hán Việt, tôi mới biết chữ "Thuý" có nghĩa là "đẹp". Thúy Hằng là vầng trăng sáng trong tròn đầy, vầng trăng viên mãn giữa trời cao thẳm. Có lẽ bởi được chế tác từ tâm hồn và trí tuệ của một Văn nhân đẹp xinh hiền dịu nên các tác phẩm nào của Hằng tôi thấy cũng Đẹp, cũng đầy ắp năng lượng thiện lành. Chúng dễ thương như con nai đang ngơ ngác trên đám lá vàng thu, nhẹ nhàng trong trẻo như con chim non đang rót từng nốt nhạc xuống mùa xuân, như làn gió thanh mát sau cơn mưa đầu mùa hạ, và đôi khi cũng có cái vẻ trầm mặc của dòng sông cuối mùa đông, lặng lẽ nhận về mình hết những trái ngang cay đắng của cuộc đời, để rồi bao dung âm thầm hòa mình vào biển cả.

 

Nhớ lại lần đầu gặp Hằng, là khi lũ bạn văn thơ thiếu nhi chúng tôi, hầu hết đã ngấp nghé tuổi tri thiên mệnh, có sáng kiến là hẹn hò về nơi xưa chốn cũ, để cùng nhau hàn huyên, cùng nhau hoài niệm. Và lần về quê tụ hội sau 38 năm của Lớp Búp trên cành, tức là vào mùa thu năm 2015, tôi mới biết em. Chúng tôi cùng có cái duyên được chung thầy dạy viết văn thơ từ cái thời xa lắc xa lơ ở Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình (Hằng học “lớp Búp trên cành” sau tôi mấy khóa). Kể từ đó, lần nào tôi về quê tụ hội, Hằng cũng tới. Em lành lắm. Thấy em là thấy nụ cười nhẹ nhẹ và ánh mắt dịu lành thường trực trên khuôn mặt xinh xắn. Em luôn nhường mọi người nói trước, và vì thế, tôi thường thấy em dùng nụ cười dịu dàng của mình thay cho các câu trả lời. Không biết có phải bởi vì cái ngọt dịu của cả “hình, thanh, tượng” như thế mà em được các bạn Búp đặt cho biệt danh là “Táo”.
 

Ai gặp Hằng hay đọc Hằng đều có chung nhận xét, rằng cô là một nữ văn thi sĩ vừa xinh đẹp vừa tài hoa. Cái Đẹp, cái Tài ngự ở cô, đồng hành với cô, như là một tri kỷ, một định mệnh, kiêu hãnh và vĩnh hằng. “Cái Đẹp” lẩn trốn thời gian nhưng vẫn luôn cùng “cái Tài” hiện hữu, hòa vào ánh sáng mặt trời mỗi sớm ban mai, trong cái duyên của một người cầm bút, tối ngày chăm chút từng con chữ trên cánh đồng văn chương. Duyên cầm bút theo cô từ cái thuở tóc bím, áo hoa, chân đất tới trường làng, qua những lớp học bồi dưỡng học sinh giỏi văn các cấp, các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh, của quốc gia, của Lớp Búp. Nhiều giải thưởng văn chương đã gọi tên cô gái xinh đẹp này từ năm 12 tuổi: Một Giải Nhất và một giải Nhì Văn Toàn quốc, vào năm cô học lớp 5, lớp 8; Một Giải Nhất Văn toàn tỉnh Thái Bình; Giải Ba cuộc thi sáng tác văn học viết về 70 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại… Rồi sau đó, với hai giải thi Bút ký của Tạp chí văn nghệ Thái Bình, với tập tản văn “Trăng làng vườn” NXB Hội nhà văn 2017 và tập thơ “Mùa đợi” NXB Hội nhà văn 2018, Hằng trở thành một “Nữ văn thi sĩ” được yêu thích của vùng đất lúa Thái Bình. Cô luôn là niềm tự hào của Nhà Búp chúng tôi, của trang văn học nghệ thuật nhabup.vn, trước công chúng bạn đọc. 1


Hằng viết hay và viết đều, mặc dù sự nghiệp học hành của cô không được thuận buồm xuôi gió như nhiều người trong nhóm Búp chúng tôi (mãi tới khi vào tuổi tri thiên mệnh, cô mới tốt nghiệp đại học). Cô cũng ít có dịp được đi đó đây. Thế nhưng, những vùng đất cô đã qua, và cả những nơi cô chưa từng tới, đều góp mặt trong thơ văn của cô. Có cảm giác như những dòng văn, câu thơ của Hằng không phải chỉ dựa vào “cái Sự”, cái “diện kiến” để “sinh tình” như ta vẫn thường thấy, mà còn luôn dạt dào tuôn chảy từ miền cảm xúc vô biên, trời phú. Từ tâm hồn thiện lành trong sáng, ngọt ngào sâu lắng. Với bút lực vô cùng mạnh mẽ, sung mãn. Với các chủ đề bình dị, gần gũi, thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Với lối viết mộc mạc, chân chất như hồn quê, người quê. Không độc lạ. Không bụi bặm vỉa hè. Không bon chen. Không đao to búa lớn. Không màu mè. Không gằn hắt, chì chiết. Văn thơ của Hằng là vậy! Thế nhưng, người đọc vẫn có cảm giác như cô đã dùng “ma thuật” nào đó để thu hết hương sắc của bốn mùa mưa nắng vào ngòi bút của mình. Từng con chữ hiện lên trong mỗi bài viết của cô có sức quyến rũ mê hoặc rất lớn, cứ như bỏ bùa người đọc. Lúc thì thanh mát, dịu dàng. Lúc thì lung linh, nồng đượm. Lúc thì đắm say, quyến rũ. Lúc thì mộc mạc chân tình. Từ “Gốc đa quê”, “Ao làng”, “Chợ làng”, “Mùa mưa làng vườn”, “Mùa nước nổi”, “Mùa hoa dành dành”, “Mùa hoa xoan”... đến “Về với núi”, “Biển nguyệt thực”, “Mùa Trung thu cổ tích”, “Tình bạn”, “Thược dược quê tôi”, “Mùa thu quê mình”, “Theo bà đi chợ”, “Một lần với mùa thu”, “Sông”, “Em về Hà Nội”, “Biển thu”... đều thấy rõ một văn phong rất riêng, rất đáng yêu của Văn nhân, Thi nhân này. 


Trước hết nói về Văn xuôi của Hằng. Chúng mạnh về “tả chân” với những ngôn từ rất đắt, vừa dịu lành êm ái, vừa lai láng cảm xúc. Khi thì là “cái cảnh”, “cái sự” nương vào cái “tình” mà dắt díu, líu lo. Khi thì từ những cảm quan tài tình, tinh tế và vốn sống dày sâu của Văn nhân mà diễn trình, thể hiện. Những cảnh làng quê nông thôn vùng châu thổ sông Hồng, từ gốc đa làng, ao làng, cánh đồng quê trong mùa gặt hái, vườn ngâu đêm trăng thanh mát hay cánh hoa dành dành mong manh trong cái nắng đầu hè… luôn được hiện hữu một cách chân thực, sống động, đằm sâu. Là một “người nhà quê” đích thực, tôi không khỏi xúc động, trong tâm dâng trào nỗi nhớ quê da diết khi đắm mình vào những nét vẽ trong một bức tranh thiên nhiên “Ngày tháng Mười” đẹp như mơ của cô: “Buổi sáng, nắng mong manh buông tơ trời xuống làng quê, sương đêm li ti lóng lánh phủ nhẹ lên hoa lá, mùa này sương không còn đủ nặng để níu cong những ngọn cỏ. Và gió, gió rón rén lướt nhẹ như sợ đánh mất cảm giác mơ màng ngái ngủ của cỏ cây. Vậy mà trên những cánh đồng làng đã xôn xao tiếng cười nói gọi nhau râm ran, tiếng máy gặt lúa ù ì. Lũ sẻ đồng ríu rít rủ nhau chăm chỉ nhặt thóc rơi dưới đất, bọn chèo bẻo mải bay lượn đuổi đánh nhau chao chát trên trời.” Rồi thì: “… Buổi trưa bầu trời rực rỡ trong xanh là thế mà mới ghé chiều mây xám đã dầy lên từng mảng, phảng phất hơi gió lạnh. Trời lúc sáng lúc mờ cứ như đang chuẩn bị ào xuống một cơn mưa bóng mây chỉ đủ làm ướt áo nhưng cũng đủ cho những mẻ lúa đang phơi phải chạy vội vàng.” Và: “…. Càng về chiều không khí càng se lạnh gợi lên một cảm giác buồn man mác nôn nao, heo may đã rải đồng. Nắng hanh hao dần nhường chỗ cho màu trắng đục mờ, tím nhẹ mơ màng của sương khói. Người ở đồng xa đồng gần đều cảm thấy da diết nhớ về mái nhà ấm cúng nơi có tiếng trẻ thơ ríu rít nô đùa.”


Rồi tiếp đến là cảnh trời cuối chiều, hoàng hôn chuyển màu và đất trời ngan ngát hương hoa và hương của mái ấm xóm làng đang mùa gặt hái: “Khi mặt trời đã chuyển màu đỏ lừ, trong vắt như quả cầu pha lê chìm dần vào vồng mây hồng tím nhạt cuối chân trời, từng gánh lúa kĩu kịt nối đuôi nhau về làng, làng như được ướp hương. Hương lúa mới thơm sực nồng nàn, hương hoa ngâu hoa táo ngan ngát dịu dàng, hương quả chín ngọt ngào thơm lựng vấn vương cùng mùi khói bếp rạ ấm áp.”


Trong bài “Đêm trở gió”, cũng vẫn là cái nhìn rất tinh tế về cảnh vật, về đất trời và về con người trong thời khắc giao mùa, Hằng đã vẽ nên một bức tranh rất tỉ mỉ, chi tiết với sự lựa chọn ngôn ngữ công phu như thế này: “Thế là đã qua một đợt nắng nghịch mùa. Giờ đây làng quê nghiêng mình trong đêm trở gió. Buổi chiều hôm trước bầu trời lênh láng màu mỡ gà, mặt trời đỏ rực hắt lên những tia nắng chói, mây vần vũ đủ màu sắc. Lũ kiến đen,kiến vàng, kiến cánh, kiến kim cuống cuồng công trứng lũ lượt chạy từ vườn về chân tường nhà trú ngụ. Chích chòe rít thê thiết trên ngọn xoan cao trước nhà. Ông cụ hàng xóm hắt hơi từng hồi dài thì chẳng cần nghe đài dự báo thời tiết cũng biết là đêm nay trời trở gió.”


Tôi đã từng được đến thăm làng vườn Thuận Vy của Hằng, một làng quê cổ tiêu biểu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng là làng vườn duy nhất của tỉnh Thái Bình còn lưu giữ nhiều nếp nhà Việt cổ và có nghề trồng cây cảnh lâu đời. Trong các bài viết của Hằng, Thuận Vy mùa nào cũng thật tuyệt vời. Có lẽ vì Hằng luôn được đắm mình trong hương sắc phù sa của một làng vườn tuyệt đẹp như vậy nên những dòng văn của cô luôn có một năng lượng thiện lành và sức quyến rũ chăng! Nó khiến người đi xa quê chỉ muốn được lập tức trở về nhà, về với mái ấm một thời của mình. Nó khiến những người chưa một lần tới thăm Thuận Vy, cũng sẽ ước mong một ngày nào đó được đặt chân tới, được tận mắt ngắm nhìn… 


Và đây là “Mùa nước nổi” quê Hằng với những ríu ran hương thơm và sắc màu hoa trái: “Mùa nước nổi là mùa của bao thứ quả. Chào mào, chích choè suốt ngày chao chát cãi nhau ngoài vườn ổi, vườn roi. Roi đỏ hồng, ổi vàng ươm, trắng ngà lúc la, lúc lỉu soi bóng trên mặt nước. Chanh, cam xanh bóng, căng tròn từng thuyền, từng thuyền lũ lượt lên đê để toả đi khắp ngả. Nhà nào có vải, nhãn thì phải thức suốt đêm kéo ống bơ đuổi dơi, đuổi chuột. Hoa ngâu, hoa hoè rụng vàng mặt nước khiến cho lũ rô ron, lòng cờ mải mê bận rộn đớp mồi. Nước lên, tôm cá cũng lên, vẫy vùng trên ngõ, trên sân, trên vườn ăn cỏ, ăn màu.”


Rồi đến mùa hoa ngâu, một loài hoa đã trở thành bản sắc riêng của làng vườn Thuận Vy. Đọc những dòng văn gợi cảm gợi hình trong bài “Sự tích hoa ngâu”, tôi đã reo lên vui sướng vì không những được thưởng thức một bức tranh tuyệt đẹp về làng vườn mà còn biết được gốc gác nguyên do của cái tên làng Thuận Vy cổ xưa và xã Bách Thuận ngày nay: “…. Làng Gòi năm xưa đổi tên thành làng Thuận Vy với ước mơ khiêm tốn là mong cho thiên thời địa lợi nhân hòa để làm ăn sau đổi thành xã Bách Thuận ngày nay, nghĩa là trăm họ thuận hoà. Cây Ngâu đã trở thành cây có bản sắc riêng của làng vườn. Mỗi khi chạm vào đất làng vườn ta lại bắt gặp mùi thơm dịu dàng quyến rũ của hoa ngâu nhẹ nhàng đưa lối và cứ nhắc tới Thuận Vy, Bách Thuận ai ai cũng đều vương vấn với nụ cười dịu dàng tươi thắm và ngọt ngào thơm thảo của các cô gái làng Ngâu. 


Còn đây là mảnh ao làng của Hằng, nơi 4 mùa mưa nắng đi qua, mà mùa nào cũng đẹp, cũng lung linh, cũng đáng yêu: “Về mùa Xuân, ao làng chìm êm đềm trong mưa bụi mênh mang, mong manh những cánh hoa xoan tim tím đa đoan buông nhẹ xuống làn nước biếc. Về mùa Hè lại rực rỡ long lanh thắm tươi sắc hoa súng tím, súng hồng, chấp chới những cánh chuồn chuồn ớt đỏ chót, chuồn chuồn kim mảnh dẻ dịu dàng, chuồn chuồn ngô mắt lồi xanh ngọc cắn rốn không sót đứa trẻ quê nào. … Dường như ao làng đẹp nhất khi Thu tới, sóng ao gợn lăn tăn dưới ngọn gió heo may se sắt gợi lên một cảm giác man mác, mơ màng.…Trong nắng vàng dịu nhẹ, ao làng như những chiếc gương lấp lánh phản chiếu bầu trời xanh thẳm, những làn mây trắng xốp bồng bềnh trôi nhẹ giữa không gian. Xung quanh bờ ao ổi chín vàng ươm, thơm lựng chao chát tiếng chim kêu, roi đung đưa những chùm quả trắng hồng lúc lỉu nghiêng mình soi bóng. Mùa Đông tới, ao trầm mặc lặng lẽ suy tư một nỗi niềm.” (Ao làng)


Không chỉ mạnh về tản văn với những “tức cảnh sinh tình” mà Hằng còn rất sung sức trong việc xây dựng các nhân vật. Không ai giống ai, nhưng họ luôn là những con người quê điển hình, chân chất, xinh đẹp, nết na, thuần dịu như là nữ Văn nhân của họ vậy. Đây là nàng Ngân Sa xinh đẹp, chịu thương chịu khó, với nụ cười trong vắt thiện lành của mình mà hóa giải được những mâu thuẫn của trăm họ trong bài “Sự tích hoa ngâu”: “Cô bé Ngân Sa giờ đã thành thiếu nữ má thắm môi hồng, tóc dài như mây như nước. Cô bé theo cha dẫn đầu đoàn quân giữ đất, giữ làng. Trong cuộc hiếu chiến nảy lửa giữa hai bên bất chợt Ngân Sa cất tiếng cười trong vắt, từ cái miệng nhỏ xinh từng chùm nắng cứ bay lên, bay lên. Nghe tiếng cười lảnh lót của Ngân Sa quân làng bên dừng tay ngơ ngác, trong không gian xanh mướt lóng lánh những chùm hoa nắng li ti, một cảm giác bối rối nhưng thân thiện chợt dâng lên trong lòng họ, cuốc cày, liềm búa đã buông xuống nhường cho những cái bắt tay ấm áp nghĩa tình. Dân làng hai bên vui vẻ rót nước mời nhau bên con sông Đồn trong vắt, con sông được tạo nên bởi những ngày đầu tiên cha con Ngân Sa đã kéo bè chuối đi qua. Và tình nghĩa giữa dân làng Gòi với bà con các nơi được bắt đầu từ đó”. Khi thì là Hải Nguyệt trong “Biển nguyệt thực”, cũng xinh đẹp và chân tình như mẫu hình nữ Văn nhân này: “Nàng lặng đi trước vẻ đẹp huyền diệu của biển cả. Phía thăm thẳm nghìn trùng kia nhuốm một màu tím sẫm, màu tím nhạt dần loang lên phía chân trời. Bầu trời trong thẳm không một gợn mây, trăng mười sáu vành vạnh tròn rưới ánh vàng rười rượi xuống bãi cát trắng lấp lóa mơn trớn đôi cánh tay và bắp chân trần trắng nõn nà của nàng. Dưới ánh trăng nàng giống như nàng tiên sà xuống bãi biển với nước da ngà ngọc, mái tóc dài bỏ xõa tung bay trong gió lấp lánh. Sóng biển ào ào xô vào bờ. Những con sóng như ngàn vạn con rồng vàng rồng bạc liên tiếp dâng đến chân nàng. Sao trời lung linh, sao biển lấp lánh.” 


Đọc đến bài “Nụ cười tỏa nắng”, bất chợt tôi mỉm cười, trong lòng trào dâng một niềm vui sướng. Những câu văn rất thực, rất gần gũi, rất thân thương của Hằng mở cho người đọc một góc nhìn, một cách lý giải, ứng xử đơn giản đối với những sự tình éo le của cuộc đời. Hóa ra, cách giải thoát tốt nhất đối với các khó khăn của cuộc đời chỉ là mỉm cười và bước qua, để những ý nghĩ thật vui vẻ, hài hước điều chỉnh, chế ước tâm thái của mình, để tâm thái vui tươi của mình quyết định tất cả: “Một NỤ CƯỜI TỎA NẮNG, yêu thế cơ chứ, vậy mà tội gì không cười để cho khuôn mặt rạng rỡ hơn, cuộc sống đáng yêu hơn, thiên nhiên tươi thắm hơn và tâm hồn mình cũng dịu dàng ngọt ngào thanh thản hơn, giữa người và người có một cảm giác thân thiện, gần gũi quý mến nhau hơn. Dù cuộc sống còn nhiều lo toan vất vả, dù công việc có nhiều ức chế áp lực nhưng cố gắng tạo cho mình một ý nghĩ thật vui vẻ, hài hước và nở một nụ cười.… khi nhớ đến nụ cười tỏa nắng của chú Miu đáng yêu này tự dưng quên hết cả, trong lòng lại khe khẽ ngân lên câu hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao….”.


Những bài thơ của Hằng cũng dịu dàng, đằm thắm và sâu lắng như Văn xuôi của cô. Đọc thơ, có cảm giác như được chạm vào những lung linh phù hoa của một thời xa xưa, khi lúa đang thì con gái, đang chuẩn bị ra hoa, làm đòng. Đọc Hằng, dễ hình dung ra con người Hằng: Đẹp xinh. Lành dịu. Nhẫn nhịn. Thương yêu. Luôn tròn đầy. Đúng như lời cổ nhân nói “cây giống bóng, của giống người”:

 

Em gửi dấu yêu vào cỏ

Xót xa ru nhánh lá gầy

Ngỡ mùa vừa qua đâu đó

Dịu dàng chạm nhẹ bàn tay.

(Ru cỏ xanh mềm)


Rồi những câu thơ trong bài thơ “Sông” đầy cảm thông, chia sẻ, sâu sắc, suy ngẫm về cuộc sống nhân gian: dẫu bộn bề ngang trái, gập ghềnh, bồi lở, dòng sông vẫn mênh mang, vỗ về, âm thầm bồi đắp, vẫn một lòng hướng về biển khơi, không quản giông tố, ngàn đời vẫn thăm thẳm soi gương đất trời: “Một ngày sống ở nhân gian/Hãy như sông cứ mênh mang vỗ về/ Dù cho ngang trái bộn bề/Một lòng mài miệt hướng về biển khơi”


Hay khi hát ru cho một giấc mơ, lời thơ của cô cũng thật thánh thiện, trong sáng và ngọt ngào: /Mẹ sẽ hát những lời ru dịu ngọt/Chở che cho con qua năm tháng nhọc nhằn/Hãy mỉm cười ngủ ngoan con bé nhỏ/Ru mộng an lành bằng những giấc mơ xinh…(Lời ru cho giấc mơ ngoan)


Tôi yêu những lời thơ về tháng Ba của cô, tháng Ba của mùa xuân đang chín mọng trên môi. Của lảnh lót tiếng chim trong ban mai. Của nhựa sống đang trào dâng. Sâu lắng tới từng ngọn cây, búp lá hay bên ngoài là lớp vỏ xù xì thô ráp mà bên trong thì phập phồng mâng mẩng dòng nhựa sống: Tháng Ba nồng nàn sâu lắng phải không/Hoa gạo nở cháy bùng lên sắc đỏ/Dâu mỡ màng non chạm vào là ứa nhựa/Nhịp sống phập phồng mâng mẩng giữa ngàn cây. (Cảm xúc tháng Ba)

 

Hằng viết nhiều về mùa thu. Bài nào cũng đầy xúc cảm, cũng Đẹp và Sáng. Dù là cảnh Thu lung linh, đằm thắm, với những khoảnh khắc lãng mạn của một tâm hồn thơ đang cất tiếng tơ lòng. Dù là những phút trải lòng của một thi nhân đã từng trải qua nhiều khổ nạn của cuộc đời, đã biết được nỗi truân chuyên vô thường của duyên nợ đời người. Viết cho mình mà cũng có thể là cho một người nào đó, bất ngờ bị một sợi nắng vô tình rớt xuống đời mà ngu ngơ, loay hoay với những nỗi niềm thầm kín, chênh chao: “Có một lần mùa thu đi qua/Vô tình rớt vào ta nỗi nhớ/Ta như người mắc nợ/Loay hoay hoài ngồi gỡ những chênh chao…”. (Có một lần)

 

Đó cũng có thể là tâm trạng của một người, chỉ với một sợi nắng làm tin, mà dám ngược đường, ngược nắng gió, quyết đi tìm vầng mây hoang dại còn sót lại sau trận bão giông: Ru hời ru hỡi diêu bông/Thương ai, ta ngược gió đông đi tìm/Tay cầm sợi nắng làm tin/ Cỏ may găm nát trái tim dại khờ. (Ru hời diêu bông)

 

Rồi một phút ngẩn ngơ khi đã trót lỡ hẹn với mùa thu, mà thấy Thu đang lướt qua mình với bao luyến nhớ:

 

“Phút cuối cùng ta lỡ hẹn với mùa thu

Khi ngọn gió heo may đã tràn về lối nhỏ

Khoảnh khắc giao mùa chỉ làm gợi nhớ

Một cái gì rất xa, rất xa….”

(Phút cuối cùng với mùa thu)


Giữa cõi người mênh mông sương khói, dù là hoài nghi hay trăn trở, vui mừng hay đớn đau, tôi vẫn thấy cô với những câu thơ hay, đậm đầy nhẫn nhịn, bao dung và lành dịu. 


“Biết rằng quả chín trái mùa

Vươn tay ngắt lấy chát chua, muộn màng

Biết rằng đã khuất đò ngang

Sao còn xuống bến lội sang một mình…”

 (Phù vân)

 

Khi thì là những lời an ủi, cảm thông với một người bạn gái đã lỡ một nhịp đời trên chuyến đò duyên phận:


“Đừng buồn nữa em khi biển hết bão giông

Nhưng sâu thẳm sóng cồn cào biết mấy

Biển vẫn nhớ vẫn yêu nhiều lắm đấy

Bao con sóng bạc đầu đang trăn trở cô đơn”

(Biển thu)


Hay như:

 

“Bây giờ tay lại trắng tay

Lang thang thành kẻ ăn mày hư không

Cúi đầu tạ giữa mênh mông

Xin làm một sắc cầu vồng sau mưa”

(Vô đề)


Đọc Hằng, đọc những dòng văn thơ mượt mà ngọt dịu như thế, khó có thể tưởng tượng được rằng trên thực tế, cô gái xinh đẹp này, người khách thơ tài hoa này, lại phải bươn chải với cuộc sống chật vật, “cơm áo không đùa với khách thơ” như vậy. Phải chăng, những trải nghiệm của năm tháng đời người đã lặn sâu, đã dồn nén vào cô gái thôn quê này, lắng gạn mình trong đó, rồi được tâm hồn trong trẻo, trí tuệ thiện lành, bao dung của cô nâng niu, tắm táp, làm mới, rồi từ đó, những yêu thương từ bi mới bật lên, những mát lành, dịu ngọt mới thánh khiết, đẹp tươi, như là “Mưa đền cây” sau những ngày giông gió:


“Em là mưa đền cây

Tưới mát lòng anh sau ngày bão tố

Xoa dịu tim anh sau bao đau khổ

Anh tìm đến nơi em để hồi sinh.


Rất hiếm gặp ở thơ Hằng những lời mỉa mai, cay độc. Ngay cả khi nói về nỗi niềm bị người ta thất hẹn, để “một mình với diêu bông nổi chìm”, thì thơ Hằng cũng vẫn da diết, dịu dàng. Vẫn Nhẹ mà Sâu:

 

“Thôi rồi lời hứa mong manh
Một chiều hôm bỗng hóa thành hư không
Người theo nắng vãn bên sông
Để mình anh với diêu bông nổi chìm.

Ba nghìn chín vạn niềm tin
Anh đem đổi lấy một đêm gió lùa.”

(Ru hời diêu bông)

Nhà thơ Kim Chuông từng nhận xét: “Thơ Thúy Hằng ngọt lành, đằm thắm. Thơ không đao to, búa lớn. Không lạ lẫm, tân kỳ. Thơ Thúy Hằng đi vững trên nền truyền thống. Thơ đề cao cảm xúc thi nhân…. Với sự ngắm nhìn, bắt nhập trước cuộc thế trăm năm, thơ Thúy Hằng luôn bật lên mầm xanh từ những góc khuất hồn mình, đôi khi rất thầm nhẹ mà sâu”,


Người ta bảo: Thơ cũng là người, mà người cũng là thơ. Với Thúy Hằng thì đúng là như vậy. Tôi yêu cái dịu ngọt thanh trong của thơ Thúy Hằng. Yêu cái mượt mà mà sâu lắng của văn Thúy Hằng. Yêu cái Đẹp trong con người và tâm hồn nữ Văn nhân Nhà Búp đến từ đất lúa này. Nét đẹp trỗi lên và bừng sáng từ vầng trăng giữa trời cao viên mãn này, từ Hương Sắc Phù Sa của làng vườn Thuận Vy này. Tin rằng, bất cứ ai, sau khi đọc Hằng, cũng sẽ thấy rằng mình là một phần trong những bài viết của Hằng, những bài viết Đẹp và Thiện. Và rồi từ đó, họ sẽ cùng Hằng cất lên tiếng hát ngợi ca cái Đẹp Thiện lành, Thanh trong của cuộc đời này. Một cái Đẹp của Định mệnh, Kiêu hãnh và Vĩnh hằng…


Sài Gòn, ngày 21/9/2024
Trần Huyền Tâm