Kim Chuông - một hồn thơ khát khao, mê đắm

Kim Chuông - một hồn thơ khát khao, mê đắm
Tôi biết, từ những năm mười hai, mười ba tuổi, Kim Chuông đã có thơ in trên báo của tỉnh Kiến An cũ. Kim Chuông người làng Thắng, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ Đồ Vọng, thân sinh nhà thơ, một Nhà Nho từng bốn mươi năm mở trường, dạy học ở đất làng, giáo huấn thi thư cho nhiều lứa học trò.

 


Ảnh: Nhà thơ Kim Chuông

 

Tôi biết, từ những năm mười hai, mười ba tuổi, Kim Chuông đã có thơ in trên báo của tỉnh Kiến An cũ. Kim Chuông người làng Thắng, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ Đồ Vọng, thân sinh nhà thơ, một Nhà Nho từng bốn mươi năm mở trường, dạy học ở đất làng, giáo huấn thi thư cho nhiều lứa học trò.


 

Với năng khiếu bẩm sinh cùng cái nền được sinh ra và lớn lên ở gia đình mà hai bên nội ngoại đều là bậc nho học khả kính. Khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, Kim Chuông đã mê say văn chương và nổi tiếng về những bài thơ in báo, những vở chèo ngắn được các đội văn nghệ dàn dựng.

 

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Kim Chuông sớm trở thành người lính khi tuổi đời còn rất trẻ. Kim Chuông được quân đội lấy vào đội quân thường trực để rèn luyện và hoạt động công tác văn nghệ trong đơn vị. Nhà văn Lê Lựu, người anh kết nghĩa, người dìu dắt Kim Chuông trở thành phóng viên của tờ báo Quân khu Tả Ngạn rồi giới thiệu Kim Chuông về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, để từ đó, qua cuộc hành trình "mình đi tìm chính mình"  bằng nội lực với tháng năm trải nghiệm, bằng tài năng phát lộ qua lao động sáng tạo nghệ thuật của mình, Kim Chuông đã trở thành  nhà văn hàng đầu trong đội ngũ những nhà văn đang sống và làm việc ở một vùng đất.

 

Kim Chuông kể, có lẽ bắt đầu từ người cha mê đọc Kinh Thi, mê đọc truyện Kiều và sáng tác thơ Đường, ngay từ nhỏ được tiếp cận với thơ cổ và những trang Kinh Phật, Kim Chuông đã có hàng trăm bài thơ đẻ ra từ ngẫu hứng. Bằng cách đọc sách và thuộc sách của những người từng học chữ Thánh hiền với lối kể chuyện hấp dẫn, có duyên, người nghe từng bị cuốn hút khi Kim Chuông nói về "tứ đề, bốn pháp ấn" những vô tạo giả, vô ngã, vô thường… của Đạo Phật. Những "Nhân - nghĩa - lễ - trí - tín" của Đạo Khổng. Những lục nghĩa "phong, nhã, tụng và phú, tỷ, hứng" của Kinh Thi. Những thể cách, phẩm cách, những duy cảm, duy linh, duy lý của thi pháp thơ Đường.

Kim Chuông có gương mặt đẹp. Nét miệng rộng, nụ cười hiền và ánh mắt mơ mộng. Vẻ thi sĩ toát lên ở anh từ mái tóc, dáng đi, cái nhìn, giọng nói, nhất là giọng đọc thơ dễ mê đắm lòng người. Sinh ra từ gia đình Nho giáo, Kim Chuông ham học và có kiến thức sâu. Anh luôn giữ gìn và đề cao đạo đức truyền thống. Kim Chuông có hiếu với bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Có nghĩa có tình với anh em, bầu bạn. Là bạn lính, người "đồng thanh tương khí" với Kim Chuông, tôi mê và thuộc khá nhiều thơ Kim Chuông. Nhiều lúc tôi thường ngân lên câu thơ anh viết làm khúc hát lòng mình.

 

Tôi biết, gia đình Kim Chuông rất nho nhã, lịch thiệp. Người chị cả của Kim Chuông đã ngoại tám chục tuổi đầu, nhiều lần nói với tôi rằng: Cậu ấy (tức Kim Chuông) thật hiền lành, đạo đức. Quả tình, không phải chỉ anh em ruột thịt, Kim Chuông sống chân thành, hết lòng với bạn. Anh có những bạn trai không khác gì những "người tình say đắm". Kim Chuông sống khiêm nhường, ít nói. Trong trò chuyện, giao tiếp, Kim Chuông có tài đốt lửa truyền sang người khác cái men say từ những điều tâm huyết của lòng mình. Nhìn anh mịn màng, trong sáng, bạn bè thường gần gũi, trân trọng và quý mến anh nhiều.

 

Vào đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, Kim Chuông thường xuyên xuất hiện trên mục "Thơ bộ đội". Bài thơ "Đêm chiến trường chính trị viên viết bài thơ chiến sĩ" in 1/2 trang báo Nhân Dân khổ lớn được nhà thơ Hoàng Trung Thông viết lời bình về chất trí tuệ và khả năng khái quát của hình ảnh, cấu tứ. Rồi bài thơ "Ta mang đi những điều ta gửi lại" hoặc "Rất nhiều cuộc đời đã sống cho tôi" hoặc "Khi mà tôi đã khác". Những bài thơ này, ở chặng đường đầu sáng tác cũng như nhiều tác giả, thơ Kim Chuông ôm chứa không gian rộng. Cái ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống bên ngoài làm nên nét trội. Nhưng không dừng lại ở việc mô tả, phản ánh bề mặt, Kim Chuông đã tìm cho thơ mình một cách nói riêng, cách nhìn nhận, cắt nghĩa sự vật mang chiều sâu của trí tuệ.

 

Có lẽ, từ những trang Nho học, chất triết lý đã thấm nhiễm vào anh, để rồi những câu thơ hơi nghiêng về phần lý cứ bước ra trong dạng thức của tâm cảm, của ngôn thi và hình thi như ta gặp thế này:

 

Tôi là nét trong cái riêng như thế

Trong cái riêng tôi mới chỉ là tôi

Bỗng một sớm có một dòng sông chảy

Một dòng sông tôi biết khác tôi rồi

                                  (Khi mà tôi đã khác)

 

Hoặc: 

Chẳng có gì trong tôi lại chẳng là cái khác

Lại chẳng là cái khác có trong tôi  -  

(Về những cuộc hành trình)

 

Hoặc, vẫn là lối liên tưởng thuộc về độc thoại của Kim Chuông ở năng lực tư duy:

 

Tôi như nét cắt ngang của thớ gỗ này

Rừng triệu năm cũng hiện về nét ấy

Tôi là cái mới hoàn toàn

Lại là điểm của hai đầu tiếp nối

Chẳng có gì đứng ngoài dáng tôi đây.

(Vốn liếng tôi tìm trong suốt chặng đường lên)

 

Hoặc:

 

Mọi tồn tại đều đi qua hai phía

Nơi chính mình và nơi phía không ta

(Tồn tại)

 

Nằm trong mạch tìm này, ở hàng chục tập thơ đã được xuất bản như: Hoa nở ngày em đến, Mặt trăng em, Câu hát người đang yêu, Mặt trời ba cửa sông, Một phương trời gió, Phương trời ngôi sao thức ..v.v.. thơ Kim Chuông vẫn đi theo nguồn mở ấy. Dường như, ở thơ anh, cái có trước đều bắt đầu từ một ý niệm. Kim Chuông ép tìm trong vạn vật qua đối thoại để có được cái lấp lánh của tia sáng nhận biết. Từ cái bên trong, cái nhu cầu của nội lực này, đòi hỏi người viết phải khai thác những gì, bám tựa vào đâu, biểu đạt thế nào để làm bật dậy và vang lên ý tưởng người viết?

 

Để thao tác, giải mã những ký thác của chính lòng mình, có lúc thơ Kim Chuông tựa vào ngoại giới:

 

Em gái bỗng nhòe đi trong chớp giật

Em trẻ măng có thể hoá người già

Trăng còn đó có thể trăng mất bóng

Cánh lá tàn có thể ngỡ là hoa

Có thể xoáy lẫn nhoà đi tất cả

Mô đất còn, ngôi nhà cao lại đổ…

(Bão táp)

 

Hoặc ở phía khác, điểm tựa của nhà thơ lại là sự khơi sâu từ giữa chính lòng mình:

 

Tia nắng ban mai. Tia nắng dọi đầu cành

Sao giữa hồn tôi sáng lên tia nắng ấy

Ý nghĩ nào trong tôi chìm khuất vậy

Thì sớm nay cái nắng cũng ùa vào

(Sớm mai này)

 

Hoặc:

 

Những cuộc hành trình mình đi tìm mình đấy

Tôi sẽ là gì đối với chính tôi?

 

Phải nói, cái vươn tới chiều sâu của thơ Kim Chuông hình thành rõ ý thức mà nhà thơ luôn quan tâm qua ngẫm suy và phát hiện khi đi giữa năm tháng, cõi người. Kim Chuông thường lắng dừng trước những góc nhìn, những mối liên hệ hàm chứa sức vang động của vạn vật.

Ví như, nghĩ về thời gian, anh cảm nhận:

 

Em bé lần tay trên bậc thềm kia

Trong em bé có ông già trong đó

 

Hoặc:

 

Biết bao là cái Có cứ hiện lên

Có cái quả khi Không là hoa nữa

 

Hoặc đây là thuyết tương đối khi bắt gặp con đường hành trình trong ý nghĩa nào đó:

 

Lúc ta đi, bên  này đường là PHẢI

Quay lại ư, phía ấy hoá TRÁI rồi

(Thơ hai câu)




 

Cái chiều sâu mang sức mở trong thơ Kim Chuông nằm ở tứ thơ, biểu hiện thái độ, tư tưởng, tình cảm của thi sĩ. Những bài: "Khi biết được còn chút tôi như thế, Chẳng có gì là riêng, ý nghĩ thuộc về người khác, Vô lý, Nhân tố rời tất cả, Khi mà tôi đã khác…" là những minh chứng ấy. Hoặc nhiều khi người đọc nhận ra cái chớp sáng này ở ý thơ, ở thi ảnh, thi liệu cụ thể:

 

Cánh buồm con mang biển vào bờ rộng

Biển tự đẩy thuyền lên cao hơn sóng

Đẩy thuyền lên biển không tự nhỏ mờ

(Phẩm cách)

 

Hoặc:

 

Nẻo đường đời xuôi ngược

Cùng trên một mặt bằng

Một con thuyền ra biển

Mưa vùi, còn sóng nâng

(Tự cảm)

 

Hoặc:

 

Hình như cái đẹp dễ buồn

Dễ cô đơn đến ngọn nguồn hồn ta

(Viết ở Thuận Vi)

 

Nói đến thơ Kim Chuông, điều gốc rễ phải kể đến là hồn thơ mê đắm. Có lẽ, trời phú cho nhà thơ này cái sức rung với men say trong cái cảm, trong vía hồn câu chữ. Thơ Kim Chuông đi từ ý niệm. Từ vô thức đến ý thức để rồi, từ ý thức ấy lại tiếp tục mở ra vô thức. Kim Chuông tránh được cái khô cứng, luận đề nhờ ở tâm hồn dễ ngân rung, tha thiết này chăng?

 

Nhà thơ tự bạch rằng:

 

Bởi tôi đa tình cho đêm ấy trăng nghiêng

Cho trăng hoá thuyền ai lênh đênh không bờ bến

Lung linh quá tôi sợ niềm sâu kín

Sợ dào lên tiếng sóng ngả nghiêng thuyền.

 

Nhà thơ đa tình bởi sẵn mang trong mình một trái tim đa cảm, để rồi:

 

Tôi tự mình góp lửa, tự nhóm nhen

Để làm khổ ngọn gió chiều cuối phố

Để trời lặng tôi vẫn còn giông tố

Còn gió bay, cát bụi mịt mù đường

 

Rồi, bởi đây nữa:

 

Nỗi buồn trong mắt người ta

Tôi dong bão tố phong ba về mình

 

Thế đấy, chỉ một giọt nước rơi vào hồn thi sỹ đã hoá thành trận bão mịt mùng. Anh xót xa trước bóng dáng vầng trăng:

 

Em như một mảnh trăng chìm

Cầm lên thì mất, đứng nhìn thì đau

 

Anh dấn mình trong niềm say, trong vu vơ khát vọng:

 

Em như tăm cá lững lờ

Tôi quăng lưới vớt dọc bờ sông trôi

 

Anh ngậm ngùi trước nỗi đời, thân phận:

 

Tôi không khóc nỗi mất còn

Mà tôi khóc tháng năm tròn chắp se

 

Anh tự thức trước trái tim mình không thể nào khác được:

 

Ta còn là nắng héo hon

Để rồi hai đứa ta còn là mưa

 

Kim Chuông, một nhà thơ "hào hoa và đào hoa" như Nguyễn Trọng Tạo từng viết. Kim Chuông đi giữa cuộc đời với niềm mê say và tha thiết như vậy. Kim Chuông có một mảng "Thơ tình" khá hay, nó như một "đặc sản" chỉ có ở Kim Chuông. Nó giàu thân phận, tình đời. Nó bồng bềnh du dương, quặn thắt. Nó cao đẹp, uẩn súc ở ngôn từ. Nó "rất cá thể" ở hình ảnh, hình tượng. Nó bất ngờ và rất thần ở thi hứng và cú tự. Nó găm vào nơi con tim người đọc cái chân trời của con người thơ ấy, cái trong xanh, cái mê đắm, nổi chìm của nhà thơ lãng tử.

 

Đã bao lần nhà thơ kêu lên:

 

Đùng đùng tôi bỏ nhà đi

Thầy u cứ ngỡ việc gì lớn lao

 

Hoặc:

 

Tôi đi đã hết mùa thu

Mà lòng tôi cứ tưởng như vẫn còn

 

Hoặc:

Cửa ngoài hai cánh lá bay

Biết mùa thu đã đến đây tìm mình

 

Kim Chuông cứ hồn nhiên, vu vơ là thế. Nhà thơ hăm hở bước giữa năm tháng, đời người và ngước trông nhân thế:

 

Người ta khép chặt cửa phòng

Sợ cơn gió lạnh lùa trong áo mềm

Còn tôi ra tận cửa thềm

Cởi khuy áo, thả hồn lên cành đào

 

Gian lao và có thể chua chát là vậy. Nhưng biết làm thế nào khi Kim Chuông tự vấn về mình, về bạn:

 

Đời còn đâu lắm Thúy Kiều

Nên ta đã gặp là theo đến cùng

 

Hoặc:

 

Ba ta ăn thật ở hiền

Thương nhau lội bão giông tìm về nhau

 

Hoặc:

 

Ba ta như cánh lá hiền

Nắng lên là biếc, gió tìm là xanh

 

Tình bạn, tình yêu, tình đời trong cảm thương đắp đổi là nền móng mà Kim Chuông gây dựng, bởi anh đã nghiệm rằng:

 

Bạc tiền giây lát qua thôi

Ai đeo giàu nặng tình đời thì tin

 

Bởi sự đời đôi lúc là thế, nhưng:

Nhiều khi trót lỡ lầm rồi

Ta trong xanh, khác hẳn hồi trong xanh

 

Và Kim Chuông, chàng thi sĩ mộng mơ trên hai bờ nổi chìm đã bao phen đeo đẳng bên mình tâm trạng và nhìn rõ chính mình trong thao thức cảm thương:

 

Đêm nay bong bóng một mình

Một mình ta gọi cho thành ba ta

Nhớ em, nhớ bạn, nhớ nhà

Bạn ơi, ta sống được là có nhau

 

Ở  đời, Kim Chuông có những người bạn chí thân. Với Kim Chuông, những người bạn trai này như hình với bóng. Bởi chân thành, tâm huyết, những chùm thơ tặng bạn của Kim Chuông đều cảm động, hay và thật hiếm những nhà thơ có được cái "gia tài thơ" đáng quý, đáng nâng niu trân trọng ấy. Kim Chuông khắc hoạ chân dung bạn bè bằng những câu lục bát, bằng lối tự sự, có duyên.

 

Lục bát của Kim Chuông mượt, nhuyễn. Lời cao trong, lay động. Ngôn ngữ bùng nổ, nhịp điệu đột biến. Hình ảnh, hình tượng bất ngờ. Tôi thường hình dung ra Kim Chuông với giọng đọc rút lòng và hồn thơ khát khao, mê đắm để sống với những giây phút trôi dạt, ngỡ như mình đang bị chàng thi sĩ ấy bỏ bùa.

 

Quả tình, Kim Chuông có nhiều câu thơ hay, ám ảnh. Tôi rất thích những câu:

 

Tơ non đến thế là cùng

Bên em núi đá xem chừng cũng non

 

Hoặc:

 

Đêm nay hai đứa lặng thầm

Nghe tim bạn đập nhịp nhầm tim ta

 

Hoặc:

 

Bây giờ cầm được câu ca

Lại rơi giữa chính tay ta nâng cầm

 

Hoặc:

 

Đời tôi là của núi sông

Nên tôi có cả mà không có gì

 

Hoặc:

 

Chiều nay trong lặng im chiều

Có hai người lớn làm điều trẻ con

 

Có thể nói, Kim Chuông là người đa tài. Với sự xuất hiện khá sớm, với hơn 17 tập thơ đã xuất bản, Kim Chuông là nhà thơ đầu đàn của miền đất Thái Bình. Anh có một vùng công chúng với không ít bạn đọc ngưỡng mộ và tâm đắc thơ anh.

 

Ở một mảng văn xuôi, truyện ngắn "Dưới đám mây xa", “Trong bóng ngày đi,”"Nẻo khuất,” rồi Cậu Quýnh lấy vợ"… với những nhân vật được khắc họa khá điển hình.Vấn đề của truyện được nhìn nhận, khơi dậy khá sâu. Với những trang viết mà đặc biệt là ngôn ngữ của nhà thơ thật hàm súc, giàu gợi mở, cuốn hút. Tôi nghĩ, tài văn và tài thơ đều có ở Kim Chuông, một nét riêng ở một phía đóng góp.

 

Đầu năm 2005, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cho ra mắt cuốn tiểu thuyết "Nửa khuất mặt người". Thật bất ngờ ở đây, Kim Chuông đã khẳng định năng lực, phẩm chất của một tiểu thuyết gia.

 

Ở "Nửa khuất mặt người", nhà thơ "hào hoa và đào hoa" này đã gây được sự cuốn hút ở sự móc nối, xâu chuỗi các tình  tiết, sự kiện, ở các nhân vật được khắc họa khá góc cạnh, ở quá trình vận động, ở chất thơ trong văn, ở tư tưởng tình cảm của nhà văn, ở cái nhìn từ một lát cắt, mang ý nghĩa dài rộng của thiên thu.

 

Cùng với sáng tác thơ và văn xuôi, gần đây Kim Chuông đã cho ra mắt tập tiểu luận: “Nhìn từ áng văn chương,” bao gồm những bài viết bình phẩm về cái hay cái đẹp của văn chương cùng những bài nghiên cứu, giới thiệu, phê bình những áng văn kim cổ … Ở phía nhìn này, người đọc lại bắt gặp một Kim Chuông tinh tế ở cảm nhận, sâu sắc ở những phát hiện, riêng rẽ cuốn hút ở một cách nhìn, cách nghĩ, cách dẫn dắt, lý giải vấn đề …

 

Kim Chuông thường vui và lấy làm tự hào ở tháng năm, miền đất, anh là người đến với thơ nhiều nhất ở các diễn đàn văn học, ở nhiều buổi trò chuyện trước đông đảo công chúng.

 

Cùng với tài năng trời đã phú cho anh, Kim Chuông lại có đức cần cù, say mê trong lao động và sáng tạo nghệ thuật. Những ai đã từng sống và làm việc cùng Kim Chuông, tôi tin rằng không ai không đem lòng yêu và trân trọng anh ở con người chân thành, ấm áp, ở cái "hào hoa và đào hoa" mang nét riêng ở những trang văn hay và đáng quý này./.

 

Quê Trạng Trình - Vĩnh Bảo, 5/2005

Bùi Việt Vương