Lối cũ mùa đông

Lối cũ mùa đông
Tôi biết đến thơ chị Diệu Liên khi tình cờ đọc được bài “Tản mạn Tháng tư” trên trang Nhabup.vn, những vần thơ đầy chất nhạc reo vui, bừng sáng trong tiết giao mùa.

(Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Diệu Liên)


Lối cũ mùa đông


Tôi biết đến thơ chị Diệu Liên khi tình cờ đọc được bài “Tản mạn Tháng tư” trên trang Nhabup.vn, những vần thơ đầy chất nhạc reo vui, bừng sáng trong tiết giao mùa. Yêu thơ chị, tôi tìm hiểu về chị. Thật vui và cảm động, chị và tôi cùng có một niềm cảm mến với những áng thơ của thi sỹ Trần Huyền Tâm. Chính thông qua niềm cảm mến ấy, chúng tôi biết và âm thầm dõi theo nhau.
 
Hôm nay, được đọc một tác phẩm mới của chị, “Lối cũ mùa đông”, tôi như lạc vào một không gian đầy ắp những hình ảnh cô độc nhưng cũng thật đẹp đẽ.
 
Lối cũ mùa đông
 
Mùa đông cây bàng trút lá
Khẳng khiu cành đợi xuân sang
Ai đó về ngang lối cũ
Khẽ chạm nỗi buồn rơi nghiêng.
 
Mùa đông sương giăng khắp nẻo
Mây trắng ngủ quên bên trời
Ai đó về ngang lối cũ
Nhặt những nỗi buồn chơi vơi.”
 
Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh cây bàng khẳng khiu trong không gian mùa đông lạnh lẽo, những chiếc lá rụng rơi theo gió, để lại thân cây gầy guộc sậm màu. Ùa đến ngay trong ta ban đầu là cảm giác cô đơn, trống trải, trầm buồn, ấy là cảm giác đến bởi từ “trút”. Qua cái từ rất đắt ấy, ta dường như không chỉ nhìn thấy cảnh vật man mác, mà còn cảm thấy có một sự “trút bỏ” đầy tâm trạng đâu đây, một sự gột rửa đến tận đáy lòng. Và khi đọc đến câu thơ thứ hai, ta dường như hiểu hơn một chút. Tim ta như reo lên khe khẽ khi nhận thấy sự trút bỏ ấy là để đón đợi một niềm vui mới, một khởi đầu mới “khẳng khiu cành đợi xuân sang”. Phải rồi, thuận theo tự nhiên chẳng phải là cách sống dung dị mà lại là vị bản thân nhất đó sao? Mùa đông đến, cây cối rũ bỏ những chiếc lá đã héo màu, để rồi trong thân cây vẫn âm thầm một dòng nhựa chảy, ấp ủ những chồi non chờ mùa xuân đến để nảy lộc. Cảnh tượng cây bàng trơ trụi không còn một cái lá, cành như khô lại in trên bầu trời đục xám mây mù giăng phủ tưởng chừng như không còn sức sống. Nhưng quy luật của đất trời là vậy, mùa đông qua mùa xuân sẽ tới, chỉ một đêm thôi, những chồi xanh li ti tràn đầy sức sống sẽ bừng nở rực sáng cả không gian.
 
Cuộc sống với những thăng trầm, phải chăng ta cũng nên học cách gạt hết những bộn bề lo toan, lau khô nước mắt để lòng mình thanh thản đón nhận những niềm vui mới? Có thể thấy, tác giả đã xoay chuyển tình thế thật tài tình chỉ trong hai câu thơ đầu, hé lộ một cách nhìn lạc quan về cuộc sống.
 
“Ai đó về ngang lối cũ
Khẽ chạm nỗi buồn rơi nghiêng”
 
Hai câu thơ tiếp theo đã mở rộng không gian cho độc giả, khi đưa đến hình ảnh “cố nhân” về thăm lối cũ, và cái làm tôi thích thú ở đây chính là từ “về ngang”, bởi nó cho thấy sự tình cờ ghé thăm lòng không chủ đích: Chỉ là ngang qua thôi, mà không đào sâu vào những hoài niệm cũ, ta cảm nhận những bước chân thong thả có đôi chút lưu luyến mà chẳng còn giằng xé tâm can, và chính trên những bước chân thong dong ấy, nỗi buồn lại một lần nữa đến với cố nhân, nhưng dịu dàng thôi: “khẽ chạm”, và chạm rồi để lại “rơi nghiêng”. Một lần nữa, ta lại được thấy cách nhìn lạc quan của tác giả trong những từ tưởng chừng như không còn sự sống, “trút”, “rơi”, nhưng thật ra lại mang một sắc thái tích cực vô cùng mạnh mẽ. “Rơi nghiêng”, hai từ cuối không dấu làm ta như nhìn thấy sự “về ngang”, ánh nhìn buồn mà không còn thôi thúc trong lòng người ấy. Cố nhân đứng lặng lẽ, lặng im trong cái gió quạnh quẽ của mùa đông, nhưng rõ ràng trong thơ chị Diệu Liên, nỗi buồn dù có khiến lòng người chùng xuống, cũng không ngăn nổi ta có những mơ ước về một tương lai tươi sáng, bởi đông qua, xuân sẽ về.
 
Bằng những câu thơ giàu hình ảnh, tác giả đã vẽ lên một bức tranh với những màu sắc trầm và sâu lắng, lạnh lẽo nhưng cũng rất đỗi mềm mại và thấm đầy tâm trạng. 
 
Một chút không khí se lạnh cùng một chút sương mong manh của mùa đông cũng đủ khiến cố nhân chạnh lòng lạc về một miền ký ức xa xăm nào đó tình cờ được gợi nhớ. 
 
Tôi nhớ những mùa đông khi phố đã rớt nắng, ai đó hối hả chạy theo gánh hàng rong chỉ để kịp mua bó cúc họa mi cuối mùa, loài hoa luôn mang đến sự êm ái, tĩnh lặng trong tâm hồn.
 
Tôi nhớ mỗi sáng đầu đông, chỉ mới chớm lạnh nhưng cảm giác được hít hà lấy khí trời sương giăng bảng lảng cũng khiến cho những đôi bàn tay co ro siết chặt lấy nhau đầy ấm áp. 
 
Đông đến, lối cũ dường như đang uống trọn cái lạnh vào mình, nằm thu lu một góc gặm nhấm nỗi buồn người đi qua để lại. Và chính trên lối cũ ấy, ai đó đánh rơi tiếng thở dài, đánh rơi nỗi nhớ vụng dại trên phố, và bước chân ấy lướt qua cảm xúc đã đánh rơi ngày ấy, hờ hững, mà khoan thai… Ta dường như nghe thấy tiếng thở dài của người ấy, bởi những chiều đông lạnh giá đang tình cờ đưa những nỗi buồn tưởng đã trôi đi từ bao giờ, khe khẽ trở lại, khe khẽ tim đau…
 
Tác giả không tả chiếc lá bàng chao nghiêng rời cành, nhưng đọc đến câu “Khẽ chạm nỗi buồn rơi nghiêng”, tôi như cảm nhận được thanh âm khẽ khàng chạm đất của chiếc lá bàng ấy, một âm thanh trầm nhẹ, như một tiếng thở dài, tựa như nỗi buồn của thi sỹ trong một ngày đông sương giăng lạnh giá, khẽ chạm nhẹ vào tâm can.
 
Mùa đông đến, cây bàng đỏ rực một màu. Rồi những chiếc lá đỏ ấy lần lượt xa cành. Nhìn sự thay đổi sắc màu dần dần ấy mà ta thấy bùi ngùi khó tả. Lúc thân cây trơ trụi, vươn những cánh tay khẳng khiu lên bầu trời xám xịt màu chì, sương giăng sương, gió đan gió, cây bàng vẫn cô độc đứng đó lại làm ta thêm xao lòng, se sắt. Rồi thật bất ngờ, cây bung những nụ chồi xanh non biêng biếc, một màu xanh non tơ, tràn đầy sức sống – báo hiệu mùa xuân. Chỉ bằng hình ảnh một cây bàng cô độc, mà trong ý thơ của tác giả, tôi lại có thể nhìn thấy những màu xanh biếc ấy. Nó cho tôi biết bao niềm tin yêu và hy vọng vào cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn không ngừng, cho dù có nhiều đổi thay hay thất vọng, cho dù ta có thực sự đã “chạm vào nỗi buồn rơi nghiêng”.
 
“Mùa đông sương giăng khắp nẻo
Mây trắng ngủ quên bên trời”
 
Đây rồi cái sắc trời trắng bàng bạc của mây, của sương những ngày đông lạnh giá. Đọc đến câu này, tôi tự hỏi, phải chăng những ngày qua, cố nhân đã ru lòng mình ngủ, mà nỗi buồn vẫn còn đấy, cũng ngủ quên “bên trời”, mà nỗi lòng vẫn đầy vơi…
 
Và rồi hai cuối thơ kết bài, đem đến cho ta một cảm giác như lòng người dù vẫn còn man mác, mà dường như bừng tỉnh:
 
“Ai đó về ngang lối cũ
Nhặt những nỗi buồn chơi vơi” 
 
Ừ đấy, người ấy đã lại dạo bước vào trong miền ký ức xa xăm của mình. Tác giả một lần nữa lặp lại ý thơ “về ngang lối cũ” làm ta không khỏi liên tưởng đến những bước chân không ngừng đi về nơi ấy, nhưng thật ra là một cảm giác bình yên và không còn nhiều xao động, mà tự tin và dịu dàng với chính bản thân mình. Câu thơ kết bài lại làm tôi một lần nữa reo lên trong tâm trí với một từ kết thật đắt: “Nhặt”. “Trút” rồi, “rơi” rồi, và nay người ấy đã chủ động “nhặt những nỗi buồn chơi vơi”, phải chăng trong tâm hồn đã tìm thấy một sự an yên dịu ngọt, nên sau những thời khắc yếu lòng, gạt bỏ những buồn bã ấy, giờ có thể nhẹ nhàng gói ghém lại nỗi lòng mình, đem cất đi, để đón chờ một ngày mới, một mùa xuân với những niềm hy vọng bừng lên tươi sáng.
 
Đọc “Lối cũ mùa đông” tôi thấy chính mình đang dạo bước trên một con đường nhỏ với những cây bàng khẳng khiu hai bên đường, cô độc có, hoài niệm có, suy tư có... Trái tim như rung lên khi nỗi buồn chạm khẽ... Và chắc hẳn không dưới một lần, bạn đọc cũng như tôi, nhớ về truyện “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn người Mỹ O. Henry khi đọc những câu thơ này của chị. Một sự liên tưởng về những tàn tích sót lại cuối cùng, nhưng đều đem đến cho người đọc một cái nhìn tươi sáng về tương lai phía trước. Thông qua hình ảnh cây bàng “đợi xuân sang”, tác giả, hay chính tôi, cảm nhận được một niềm tin sâu sắc về một mùa xuân sẽ đến, những mầm xanh sẽ đâm chồi nẩy lộc trên những cành cây khẳng khiu kia, như quy luật bất biến của cuộc sống, niềm vui luôn sẽ thế chỗ cho nỗi buồn nếu ta đủ tin yêu để đón nhận, nếu ta đủ dũng cảm để mở lòng yêu thương…
 
Rơm Vàng