Lời vô thanh của gió

Lời vô thanh của gió
Dương Cự Nguyên 楊巨源 tự Cảnh Sơn 景山, người Hà Trung, đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 5 (790) đời Đường. Ông đã cùng nhiều thi nhân xưa đóng góp cho nền văn hóa truyền thống nhiều tác phẩm hay, những kiệt tác Đường thi với “ý tại ngôn ngoại”,

(Ảnh: Trần Bảo Toàn)


LỜI VÔ THANH CỦA GIÓ

(Tác giả: Anh Vũ)


Dương Cự Nguyên 楊巨源 tự Cảnh Sơn 景山, người Hà Trung, đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 5 (790) đời Đường. Ông đã cùng nhiều thi nhân xưa đóng góp cho nền văn hóa truyền thống nhiều tác phẩm hay, những kiệt tác Đường thi với “ý tại ngôn ngoại”, luôn được người đời sau cho rằng chúng được sáng tác từ những người xưa có trí tuệ, cảnh giới rất cao, rất từ bi với vạn sự vạn vật...


Dưới đây xin giới thiệu một trong những cánh hoa sen tuyệt diệu của bông hoa sen quý mà Dương Cự Nguyên đã tặng cho nhân loại từ thế kỷ thứ VIII – Chiết Dương Liễu – một bài thơ với trí tuệ cảnh giới cao của người xưa.


Chiết dương liễu 

(Dương Cự Nguyên) 


Thuỷ biên dương liễu lục yên ty, 

Lập mã phiền quân chiết nhất chi. 

Duy hữu xuân phong tối tương tích, 

Ân cần cánh hướng thủ trung xuy.

 

Dịch nghĩa 


Cây dương liễu ven bờ buông tơ như khói xanh 

Dừng ngựa lại, nhờ anh bẻ cho một cành. 

Chỉ có ngọn gió xuân vô cùng tiếc nhớ nhau 

Thương mến trân trọng thổi lồng vào tay.


Bản dịch của Điệp Luyến Hoa


Bên bờ dương liễu óng như tơ 

Dừng bẻ một cành, thiếp muốn nhờ 

Chỉ ngọn gió xuân là luyến tiếc 

Ân cần thổi lộng ống tay thơ.


Bản dịch TRẦN TRỌNG KIM:


Bên sông cành liễu tơ xanh, 

Dừng yên cậy bẻ một cành cho ta. 

Gió xuân dường ý thiết tha, 

Đến nay, còn thổi, tỏ ra ân cần.


Bản dịch của Lương Bảo:


Bờ sông liễu rủ tơ mành,

Dừng chân nhờ hái một nhành, chàng ơi.

Mỗi gió xuân hiểu tình người,

Ân cần ve vuốt nhánh rời trong tay.


Bài thơ “Chiết dương liễu” còn có tên  là HỌA LUYỆN TÚ TÀI DƯƠNG LIỄU 

 

Câu đầu có dị bản: THỦY BIÊN DƯƠNG LIỄU Khúc Trần TY 


Các văn bản trên được lấy trong Thi Viện. Có lẽ là kho tàng mở nên còn nhiều chỗ cần bổ sung thêm. Tôi vẫn chưa hiểu nghĩa của 2 chữ Khúc Trần. Khúc là "men rượu"; còn "trần" là "bụi đất". Có lẽ "Khúc" đây là chữ [髷]: búi tóc. Và Trần ở đây là chỉ "Đơn vị đo lường cực nhỏ". Câu thơ dễ tiếp cận hơn là:


Bên bờ nước rặng dương liễu xõa búi tóc, từng sợi, từng sợi nhỏ.


Trước đây, đọc tựa đề "Họa luyện tú tài... "; lại có bản dịch của cụ Trần, tôi cứ tưởng 2 người bạn trai họa vịnh cùng nhau. Giờ đọc lại mới biết nhà thơ đã ẩn mình trong nhân vật trữ tình là một nàng tuổi còn xuân, nói hộ cho người con gái tuổi măng tơ ấy.


Cái cách ví von, liễu rủ bên bờ như tóc xõa; cái cách cưỡi ngựa là đứng yên một chỗ  (lập mã) chứ không phải là vừa dừng cương ngựa để nghỉ ngơi (đình mã), cho ta hình dung một khung cảnh hẹn hò rất lãng mạn, thanh khiết của ngày xưa … Nàng và chàng đang tự tình bên bờ nước có hàng dương liễu mướt xanh đầy sức sống của xuân. Thấy rõ được cái tình xuân, lời xuân đang như dâng đầy, như ngất ngây. 


Ngựa đứng yên, trong tầm tay với, Nàng hoàn toàn có thể "chiết liễu", bẻ cành liễu xuân. Nhưng Nàng lại không tự mình làm, mà là nhờ Quân (chàng trai đáng kính) bẻ cho nhành liễu ấy. Tất cả là thường tình. Nhưng có vẻ như khi có được cành liễu trong tay, Nàng cảm nhận được cái sinh mệnh vừa lìa xuân ấy, thật bâng khuâng, thật da diết, một nỗi buồn, bối rối không nguôi.


Duy nhất chỉ có ngọn gió Xuân biểu lộ nỗi nhớ thương đau đớn, thấm thía muôn vàn. Nó không muốn rời cành liễu xuân vừa đoản mệnh. Nó "ân cần" thổi vào trong bàn tay của Thiếp. Nó không muốn buông rời một cành liễu đang xuân bị dứt bỏ khỏi xuân... Liễu hay mình? Lời vô thanh của gió hay chính lòng mình? 


Được sống trong môi trường tu luyện, người xưa luôn dùng tâm từ bi để nhìn vạn vật hữu linh. Họ trân quý sinh mệnh. Bẻ một cành liễu, họ cũng nhột nhạt bởi ý nghĩ sát sinh. Vì thế mà khung cảnh xuân ngời đang chan chứa tình xuân ấy chợt như lắng lại, như xáo động, như thương tiếc vô vàn trước sự ra đi của một sinh mệnh.


Tương thông cùng vạn vật để viên dung, để mài mòn tâm tự tư, ích kỉ cũng là cách người xưa tiếp xúc với thiên nhiên, với bốn mùa…


Chợt nhớ bài thơ "Xuân Tứ" nổi tiếng của Thi Tiên Lý Bạch, qua bản dịch của Tản Đà:


"Cỏ non xanh biếc vùng Yên 

Cành dâu xanh ngả ở bên đất Tần 

Lòng em đau đớn muôn phần 

Phải chăng là lúc phu quân nhớ nhà 

Gió xuân quen biết chi mà 

Cớ chi lọt bức màn là tới ai."


Ngọn gió xuân đong đưa lơi lả không lay động được tấm lòng kiên trinh son sắt với chồng ngoài biên ải xa xôi. Cỏ xanh, dâu cũng xanh đến sum suê trễ xuống gần mặt đất... Đó là Xuân đang mãn của đất trời. 


Xuân ấy đánh thức người chinh phụ về tuổi xuân của người con gái đâu được bao lăm mà phải chờ trong vô vọng. Bao nhiêu người đi không trở về:


"Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi? "


Bao nhiêu người ra đi tuổi đôi mươi để rồi 80 mới phờ phạc trở về: 


"Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về? "


Cô gái ngồi trên lưng ngựa bất động nhìn liễu xanh, nhìn bờ nước ấy đã bất chợt hối hận làm phiền chàng trai bẻ cho mình nhánh liễu tươi non mườn mượt Xuân. Không phải là băn khoăn vì "làm phiền" mà cảm nhận thật khó nói nên lời khi biết rằng ngọn gió xuân mình đang nắm trong tay là người bạn duy nhất của cành liễu Xuân bạc mệnh... 


Thật khó nói những điều thầm kín trong lòng cô gái. 


Thơ Đường vốn "ý tại ngôn ngoại ".


Thôi, thì mỗi người hãy tự đồng sáng tạo cùng tác giả, đồng tâm sự với cô gái ấy, nhành liễu này, gió Xuân kia vậy...