Một đóa sen ngời

Một đóa sen ngời
So với các bạn bầu trong nhóm Búp thì Trần Thu Huê có lẽ là người có diễm phúc lớn lao khi được theo học “Lớp Búp Trên Cành” lâu nhất, tới những 7 mùa hè, từ lúc khóa học đầu tiên kéo dài 2 tháng hè năm 1976 tới những năm sau này chỉ còn vẻn vẹn 2 tuần.

(Ảnh: Nhà văn Trần Thu Huê tại Khu Du lịch và trải nghiệm giáo dục Phú Nghĩa  - Bình Phước)


MỘT ĐÓA SEN NGỜI

So với các bạn bầu trong nhóm Búp thì Trần Thu Huê có lẽ là người có diễm phúc lớn lao khi được theo học “Lớp Búp Trên Cành” lâu nhất, tới những 7 mùa hè, từ lúc khóa học đầu tiên kéo dài 2 tháng hè năm 1976 tới những năm sau này chỉ còn vẻn vẹn 2 tuần. Vì được dự lớp Búp trong thời gian lâu nhất nên Huê cũng là người “gặt hái” được nhiều cái “nhất” từ lớp Búp: được đi thực tế nhiều nhất, từ Hạ Long, Thuận Vy, Quỳnh Trang, Quảng Nạp, tới Diêm Điền, Chùa Keo, Tân Hòa, Đồng Châu…; có nhiều bài viết được “xuất chưởng” ngay trong lúc đi thực tế nhất, với giọng văn “cứng cỏi” nhất; có nhiều kỷ niệm nhất với các anh chị Búp, với các bạn Búp, em Búp, với các thầy văn chương một thời ở Hội Văn nghệ Thái Bình. Riêng với tôi, Huê là người duy nhất trong nhóm Búp có thời gian học cùng tôi lâu nhất ở Hội: khi tôi mới vào lớp, còn đang chập chững những bước đầu tiên trong quá trình “tập làm nhà thơ nhí” thì Huê đã có “hẳn” một năm “thâm niên trong nghề” với những bài viết được các thầy đánh giá cao; rồi sau khi tôi rời lớp Búp đi học đại học, em vẫn còn theo học ở Hội thêm một vài năm nữa. Và sau rốt, theo lời của Bùi Ngọ, thì Huê được coi là người “dậy thì thành công nhất” trong số các bạn bầu. Ngắm nhìn những bức ảnh còn được lưu giữ của các thế hệ Búp trên cành qua mỗi năm tôi mới nhận ra lời “kết” của Ngọ về Huê là chuẩn xác. “Nhà văn nhí” này, từ cái buổi lần đầu tiên tôi gặp, chỉ là một cô bé nhỏ gầy, 11 tuổi, có cặp mắt sáng ngời, nụ cười hồn nhiên, vầng trán rất ưu tư (do nổi quá nhiều mụn rôm) và mái tóc mỏng dính được cặp gọn gàng sau gáy. Thế mà chỉ sau mấy mùa hè được các anh chị Búp “nâng niu chiều chuộng”, em đã trở thành một cô nàng xinh đẹp, có chiều cao rất đáng nể. 
 
Trời phú cho Huê một tâm hồn văn chương lai láng và “biệt tài” viết nhanh, viết hay nên cô rất dễ dàng trải lòng mình bằng những con chữ tài hoa thiên định, những câu văn ngắn gọn, súc tích và có hồn. Từ khi học lớp 4, Huê đã đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi văn của tỉnh, của quốc gia. Rồi sau đó là các giải thưởng về sáng tác văn học. Nào là Giải A văn toàn tỉnh; giải nhì văn toàn miền bắc, toàn quốc, rồi giải thưởng chính thức tại các cuộc thi “Bảo vệ môi trường sống”, “Chúng em viết về biển đảo quê hương”... Tháng ngày qua đi, mối duyên phong vân kỳ ảo này lại được tiếp nối rộng dài thêm trên mỗi nẻo đường em qua. Chỉ tiếc là, cũng giống như tôi và nhiều bạn Búp khác, do việc lưu giữ không cẩn thận nên nhiều bài viết từ thời niên thiếu của Huê bị thất lạc, khiến cho “gia tài văn chương” của Huê ngày thêm mai một, khiến cho việc tìm lại để đưa chúng vào cuốn sách đầu tay của em giờ thêm phần khó khăn. 
 
Từ năm 1984, Huê rời quê lúa Thái Bình vào Đồng Tháp Mười sinh sống và chúng tôi bặt tin nhau. Trên văn đàn cũng thiếu vắng những bài viết hay, gây ấn tượng và có phần hơi “già dặn” của em. Không biết có phải do công việc của một cán bộ huyện quá bận rộn nên mối cơ duyên với văn chương của em bị bỏ bê một thời gian khá dài. Hay vì một lý do nào đó mà Huê không cho chúng tôi được thưởng thức tiếng lòng em nữa. Mãi đến hơn 40 năm sau, vào năm 2014, trong một lần Huê ra Bắc gặp các thành viên Nhóm Búp trên cành ở Thái Bình, tôi mới được đọc em, mới tỏ rõ nỗi niềm của em đối với cái duyên nợ ấy. Và sự trở lại của những bài viết mang tên Trần Thu Huê đã một lần nữa chứng minh rằng, khi đã có “duyên bút mực”, thì dù qua những năm tháng cuộc đời vui buồn thăng trầm thế nào đi chăng nữa, chỉ cần gợi lại, gặp lại, mối duyên nợ ấy sẽ lại quấn quýt vỗ về, sẽ lại chắp cánh thăng hoa. 
 
Đọc Huê, ký ức xa xưa lại đưa tôi trở về những ngày chúng tôi còn là Búp trên cành trong vườn ươm nghệ thuật của Hội Văn nghệ Thái Bình, về cái thuở mà mới học lớp 4 trường làng em đã nổi tiếng là người văn hay chữ tốt, ở tỉnh, ở tầm quốc gia. Phải công nhận là những bài viết của cô bé tài hoa 10 tuổi ấy thật xuất sắc. Tôi thích nhất là những câu chuyện đồng thoại được em kể với những lời văn thật trong sáng, hồn nhiên và tự nhiên. Ví như bài “Tâm sự của chú gà trống” - bài văn đã mang lại cho em giải nhì văn toàn quốc. Đọc lên, thấy đầy ắp những hình ảnh, âm thanh và sức tưởng tượng của một cây bút có nghề: “Sáng, tôi dậy từ lúc bác mặt trời mới nhô lên. Thấy tôi vỗ cánh, tập bài thể dục buổi sáng của họ nhà gà thì các bạn lại cười thích thú. Cậu Tuấn vung mấy con dế xuống sân gọi” “Út! Út!” là tôi chạy đến để ăn buổi sáng. Cứ vào buổi trưa, tôi lại vùng vẫy trên chiếc sân cát trước cửa nhà. Nằm sưởi nắng, tôi nhớ hôm trước các bạn học sinh gánh cát trước cửa nhà về đổ. Cậu Tuấn chả bảo: “Làm sân cho gà Út tắm nắng và phòng chữa bệnh mò” là gì. Hằng ngày tôi oai vệ bước ra vườn. Ở đó tôi gặp các bạn học sinh cũng đang chăm sóc rau. Tôi đưa đôi mắt long lanh nhìn kỹ vào từng kẽ lá để bắt sâu. Chợt có tiếng gọi: “Út! Út! Lại đây nhiều sâu lắm”. Những lúc như vậy, tôi vui hẳn lên và quên béng chuyện nhớ mẹ. Sớm sớm, tôi cất tiếng gáy lanh lảnh: “Ò ó o”.” Hay như  bài “Nỗi niềm của cây lúa” được Huê viết trong khi đi thực tế ở Quỳnh Trang năm Huê 11 tuổi. Những câu văn rất mượt, ngắn gọn, súc tích thể hiện cái nhìn tinh tế, cách quan sát tư duy rất sâu. Nói đến bài văn này, tôi lại nhớ đến chuyến đi thực tế đầu tiên của tôi về xã Quỳnh Trang, nơi tôi đã tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình em hoàn thành bài viết. Buổi chiều hôm ấy, trong lúc mọi người còn đang say mê bàn luận về các chủ đề có thể viết trong chuyến đi này thì tôi thấy Huê một mình ra ngoài sân của hội trường ủy ban xã, dõi cặp mắt sáng trong lặng lẽ quan sát cánh đồng lúa chín đang ngan ngát tỏa hương. Rồi đêm về, khi ánh trăng bắt đầu sáng hơn, cô bé Huê lại một mình ra ngoài cánh đồng. Để ngửa mặt lên trời ngắm sao. Để hít hà cái mùi hương lúa đã ngấm sâu vào tâm trí mình. Để cảm nhận cái lành lạnh man mát của những hạt sương đang dần buông xuống những bông lúa chín. Để trí tưởng tượng của mình bay xa hơn những gì mà em đã thấy, đã cảm lúc ban chiều… và cuối cùng là để nghĩ ra cái gì đó để viết. Sáng hôm sau, khi thức dậy rất sớm, tôi đã thấy em lúi húi ngồi viết. Rồi em nộp bài cho các thầy. Rất nhanh và có lẽ là sớm nhất trong số mấy Búp chúng tôi. Phải là người tài hoa lắm thì mới có thể sáng tạo ra câu chuyện đồng thoại về cây lúa trong một khoảng thời gian ngắn như thế. Tôi dám nói như vậy, bởi khi em nộp bài xong, tôi vẫn còn đang say xe lắm, còn bung biêng lắm với những bước thấp bước cao trên con đường trải đầy rạ ở xã Quỳnh Trang. Tôi đã nghĩ ra được câu thơ câu văn nào cho ra hồn đâu. Mãi đến chiều, khi nhặt được một mẩu giấy nháp ghi nguệch ngoạc 2 câu thơ “Em về thăm xã Quỳnh Trang/ Qua con đường xóm trải vàng rạ rơm” của ai đó (sau này tôi mới biết là của chị Lã Thị Bắc Lý) vứt ở ngoài sân, tôi mới nảy ra một ý thơ. Nhưng cũng phải chật vật đánh lộn mất một ngày với mấy con chữ, tôi mới làm xong bài “Qua mùa lúa” để nộp cho các thầy. Thế mới biết, cái “sự nghiệp” làm nhà văn nhà thơ này, với tôi, sao khó khăn và vất vả đến vậy. 
 
Rồi khi đến Quảng Nạp, em cũng “xuất chưởng” nhanh và dễ dàng như mở bàn tay vậy. Tôi nhớ hôm ấy trời mưa rất to. Vừa thoáng thấy em chạy theo người lớn ra đồng bắt cá rô lóc lên bờ ruộng, khi chạy còn lúc lắc cái đầu tóc mỏng dính bệt nước, thế mà thoắt cái, đã thấy em ngồi hí hoáy viết… và nộp bài cho thầy. Những câu chữ gọn tinh, đầy đủ cả hình-thanh-tượng cứ thế tuôn ra, như thể chúng đã chờ chực sẵn ở ngòi bút của em từ rất lâu rồi, chỉ đợi chủ nhân hô một tiếng là xếp hàng ngay ngắn và trật tự trên trang giấy, thật thích: “Gió thổi mạnh. Mưa nhỏ dần, nhỏ dần rồi tạnh hẳn. Bầu trời trở lại xanh trong. Trên những tấm thân xanh mốc của phi lao, nước cuộn lại, tròn tròn, nhỏ giọt xuống cát. Cây bạch đàn lung linh nghìn con mắt xanh biếc. Gió bỗng trẻ ra, xanh tươi. Các bác xã viên khoác áo mưa xanh lơ, ra đồng xem lại các bờ ruộng. Ếch nhái uôm uôm rộn rã khắp bờ ao xanh rì rau muống. Sẻ lích rích đậu xuống sân kho, mấy chiếc lông hung nâu dính bết vào nhau. Cá rô lóc lên đường khá nhiều, cứ chúi đầu xuống cát mà nhích dần từng tí tới những vũng nước…”.
 
Và đây nữa, bài “Ao cá nhà em” đã đem lại cho cô bé 13 tuổi này giải A toàn tỉnh. Cũng với giọng văn ngắn gọn, với phong cách rất “Thu Huê” trong cái nhìn, cái cảm tài tình và tinh tế (hơi là “quá” so với một đứa trẻ ở tuổi 13), chắc chỉ có thể tìm thấy ở riêng Tài Hoa này. Đọc lên có cảm giác như mình được trở về quê, được đứng trước mảnh ao nhà, trong - ngoài và tứ bề ngập tràn sự yên bình, thanh dịu: “Về tới ao, nghe con cá hớp nước lách chách, nỗi mệt nhọc của em tan biến. Đàn cá đang nhởn nhơ kiếm ăn quanh ao nhận ra "tín hiệu" quen thuộc "bộp, bộp, bộp" liền xô nhau lại. Mặt ao lao xao như đang sôi, chẳng nhìn rõ mặt nước, chỉ thấy đặc ngàu cá. Em tinh nghịch tung nắm cỏ vào đám những chú cá trắm đang thi nhau thả bong bóng làm những xoáy nước cuộn nhẹ. Đàn cá thoắt lặn xuống rồi thoắt nổi lên như chơi ú tim. Đám cỏ bị đớp tan tác, vơi dần, vài chú cá no nê từ ao phóng lên như lưỡi kiếm trắng rồi lao vút đi, vạch một đường thẳng như xé vải. Có chú nghịch ngợm túm lấy rễ cây bèo cái, lôi tuột đi, bong bóng nổi trắng xóa, một lát, cây bèo lại từ từ nổi lên mặt nước như đang biểu diễn xiếc.”
 
Tôi vốn thích những bài viết của em từ thuở là Búp Trên Cành nên rất vui khi thấy sự thích thú của mình lại được em tiếp sức bằng những bài viết sau này. Có thể kể ra rất nhiều bài viết ghi đậm dấu ấn của cây bút tài hoa này. Nào là “Những ngày tươi đẹp”, “Hoa điên điển”, “Hoa Sen Đồng Tháp Mười”,  “Về với Phú Nghĩa - Khu du lịch và trải nghiệm hương đồng gió nội”.  Rồi “Câu chuyện của biển”, “Quỳnh Hương”, “Cồn Sơn mênh mang nỗi nhớ”, “Hòn Sơn”, “Một lần đến với cánh đồng Chum”.... Tuy nhiên, tôi xin chỉ điểm đến các bài viết có liên quan đến kỷ niệm ngày xưa của nhóm Búp chúng tôi và những bài viết về Đồng Tháp Mười. Bởi, tôi muốn tìm hiểu duyên cớ ngọn nguồn nào đã khiến em, dù có đi đến phương trời nào sinh sống, thì vẫn luôn là một phần không thể thiếu của nhóm Búp chúng tôi; vì sao nhóm Búp lại gọi em là “ Sen”; và vì sao em lại yêu quê hương thứ 2 của mình đến vậy.
 
Trước hết là bài “Những ngày tươi đẹp”. Dẫu đã biết rằng, những chuyến đi thực tế, những giờ học trên lớp, được các thầy là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng dạy cho cách làm văn làm thơ và truyền cho cảm hứng sáng tác… luôn là những khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của lũ trẻ nhà quê chúng tôi. Nhưng khi gặp lại những kỷ niệm này trong bài viết của Huê, tôi đã rất xúc động. Không xúc động sao được khi một lần nữa trong đời lại được Huê đưa trở về một thời đã xa, về nơi đã cất giữ một phần tuổi thơ của mình, nơi mà chúng tôi, những “nhà văn nhà thơ nhí” đã thực hiện rất nghiêm túc “sứ mệnh lịch sử” của mình: “Khoảng thời gian nhiều nhất là tự do sáng tác. Thôi thì mạnh ai người đó tìm chỗ ngồi. Lớp thơ thì mơ màng ngắm mây, đón gió, ngậm bút ở miệng rồi cắn vỡ hồi nào, mực lem như chú hề. Lớp văn thì bò ra trên hội trường, cắm cắm cúi cúi, bản thảo rơi trắng xung quanh… Chả ai nói chuyện với ai, cứ như là lơ đãng chút, tứ thơ nó bay đi mất, hành văn trở nên lộn xộn… Đúng là sáng tác…. lăn lóc. Tới giờ ăn cơm mà chả ai chịu buông bút… ai cũng có vẻ đăm chiêu, trông già hơn tuổi… Hoàn thành một tác phẩm, chúng tôi lại đem nộp cho các chú, bác phụ trách lớp và hồi hộp chờ đợi.”. 
 
Rồi đến những tâm sự giãi bày của một người con gái xa quê đã lâu, trong bài “Hoa Điên Điển”. Đọc lên, muốn trào nước mắt vì cảm thương, vì xúc động: “Tôi xa quê hương Năm tấn đã hơn 30 năm, trải qua bao mùa nước nổi của vùng Đồng Tháp Muời, đã có thói quen về nỗi chờ mong mỗi mùa hoa điển điển nở… Và không ít lần rưng rưng nước mắt khi nâng trên tay chùm hoa vàng như màu nắng, nghe văng vẳng câu hò: “Ăn bông mà điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê. Chồng xa em khó mà về…”.  Ở bài “Cây Cà Na”, với những quan sát vô cùng tinh tế, với lời văn mộc mạc, dễ hiểu mà ngắn gọn, súc tích, Huê đã thành công diễn giải để các độc giả hiểu thêm về một đặc sản của vùng miền Tây nam bộ, ở quê hương thứ 2 của mình: “Mùa lũ gần đạt đỉnh, là lúc cà na chín rộ. Những trái cà na xanh non, căng bóng, nhìn muốn ứa nước miếng. Khi ruột trái từ từ xốp hơn, là cà na đã chín. Những trái cây căng bóng màu xanh nhạt tự buông mình rơi xuống mặt nước. Đàn cá lúc này quẩn quanh bên gốc cà na, chờ táp trái rụng, tiếng cá đớp mồi nghe chóc chóc… Đám trẻ con sau buổi chiều đang nắng chống xuồng ra đồng giăng lưới, hái bông súng, bông điên điển, giờ rủ nhau về dưới bến sông. Chiếc xuồng được cột vội vào gốc cà na, cả bọn lặn hụp, đùa giỡn trong làn nước đỏ màu phù sa. Mấy cậu con trai thoăn thoắt leo lên cây và ra sức rung, lắc. Tán lá khua xào sạt, trái cà na chín rụng rào rào, nổi dập dềnh, làm xanh cả một khoảnh nước, cả bọn hùa nhau vớt…”. 
 
Tôi đã dừng rất lâu ở bài “Hoa Sen Đồng Tháp Mười” để thẩm thật kỹ những con chữ ngọt ngào thanh mát của Huê khi nói về Hoa Sen. Có cảm giác như được nhìn thấy em trong muôn vàn đóa Sen Đồng Tháp, những vầng Sen đang trân quý từng thốn thời gian mà chắt lọc tinh hoa của đất trời, mà trải ra muôn phương tình yêu thương lành dịu, mà đem hương sắc phù sa dâng hiến cho đời. Những con chữ của Huê như dìu tôi đi trong mênh mang hương sắc ấy, tâm tình ấy, cho tôi hiểu thêm về một loài hoa mà Huê hết mực trân quý, một loài hoa đã trở thành biểu tượng của Đồng Tháp Mười, một loài hoa được cả dân tộc Việt tôn thờ: “Khi những tia nắng sớm bắt đầu le lói, nụ sen như thiếu nữ thẹn thùng, e ấp mở cánh đón ánh mặt trời... Những cánh hoa từ từ hé mở, ban đầu hồng nhạt, nhưng càng về trưa, màu hồng càng đậm hơn. Nhiều người cho rằng: khoảng thời gian từ trưa đến 3 giờ chiều là sen đẹp nhất. Trong ánh nắng vàng rực rỡ, những cánh sen hồng tươi kiêu hãnh vươn lên, lay nhè nhẹ trong gió, khoe nhuỵ hoa vàng và mùi hương cũng nồng nàn hơn... Trên nền lá xanh biếc che kín mặt nước, những cánh sen vươn cao như tô điểm sắc màu cho khung cảnh yên bình và thơ mộng, trong mênh mang của nắng gió, thoang thoảng mùi hương sen thơm ngát…”. Và đây nữa, là cảm giác vi diệu khi được ấp ủ, được hít hà cái không khí mát lành thơm ngát giữa hàng ngàn bông Sen đang tinh khiết tỏa hương: “Thú vị nhất là được bơi xuồng ra giữa đồng sen, để cảm nhận được cái bao la của đất trời, tận hưởng những phút giây thanh bình, hít thở không khí trong lành và thơm ngát hương sen, thanh thản ngắm những cô gái mặc áo bà ba chống xuồng hái gương sen thoăn thoắt hay lặng lẽ quan sát những người nông dân dầm mình bẻ ngó sen cho kịp chuyến hàng chiều…”.  Rồi Tài hoa ấy lại dẫn tôi đến với vía hồn của một tách trà Sen. Điệu nghệ và tuyệt vời đến mức khiến mắt tôi, môi tôi, lòng tay tôi cũng rung lên, ngân lên một cảm giác vi diệu. Sung sướng đến tê dại. Như được gặp tri âm tri kỷ của mình. Như đang được ngồi thưởng thức một tách trà Sen sóng sánh vàng thơm giữa mơn man ngan ngát gió đồng: “Để có được ấm trà sen đúng điệu, buổi chiều, người ta sẽ chọn những nụ hoa lớn, bỏ vào trong đó một nhúm trà ngon, buộc nhẹ những cánh hoa lại. Qua một ngày, một đêm, trải qua nắng gió và sương đêm, chắt lọc những tinh túy của trời đất, hương sen thấm vào từng cánh trà… Nước pha trà cũng không thể tùy tiện “có gì dùng nấy”, ít nhất phải là nước mưa chứa trong những lu kiệu sành, trong văn vắt và mát ngọt, được nấu sôi sùng sục... Cầu kỳ hơn, có người tranh thủ dậy sớm để hứng lấy những giọt sương sớm như những hạt ngọc long lanh đọng trên lá sen non… Pha ấm trà sen sóng sánh vàng, ngan ngát hương thơm, nhâm nhi thưởng thức tách trà nóng ấm trong mơn man gió đồng, thấy tâm hồn thư thái mà lâng lâng lạ…”. Đến mức, tôi phải thốt lên: Cảm ơn Sen! Cảm ơn một loài hoa đã cho tôi ngộ ra nhiều điều. Cảm ơn Sen đã làm cho Huê thấy yêu thương và gắn bó với Đồng Tháp Mười, mảnh đất được coi là quê hương thứ 2 của cô. Cảm ơn Sen đã khiến Huê từng bước trưởng thành, từng bước khẳng định mình, từng bước xứng với cái tên rất đẹp mà các bạn Búp đã ưu ái đặt cho cô, đúng như đoạn kết của bài viết về hoa Sen này của cô: ”Dù đã lên ngôi vị cao nhất trong các loài hoa ở Việt Nam, nhưng bao đời nay, cây sen vẫn thế, như người nông dân Nam Bộ: mộc mạc, chân chất, chịu thương chịu khó, lặng lẽ góp sức cho đời... Từ cây sen, tôi cũng học được bài học của riêng mình “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, để vượt lên những khó khăn, thử thách của những tháng ngày xa quê, từng bước trưởng thành, khẳng định mình và càng gắn bó, yêu thương hơn mảnh đất này: Đồng Tháp Mười”. Trong chúng tôi, Huê đã hóa thành Sen tự bao giờ, từ trước khi Sen trở thành “biệt danh” của cô trong Nhóm Búp. Một đóa hoa Sen thơm ngát, đẹp tươi, đang lặng lẽ giữa đất trời mà tỏa hương ươm sắc. 
 
Văn của Huê là vậy. Cứ thản nhiên đối cảnh sinh tình, sinh sự. Cứ thanh tỉnh từ cái tình mà vin vào cái sự để đi lên. Cứ tưng tửng trưng bày cả kho từ ngữ phong phú câu chữ xênh xang, cảm hứng văn chương dạt dào và con mắt quan sát tinh tường, tư duy nhạy bén. Cứ mộc mạc, chân tình, không xa hoa, cầu kỳ. Vừa đủ để ngắn gọn. Vừa đủ để thăng hoa, với các gia vị và nguyên liệu trong tự mình.... Nhìn Huê sáng tác văn học một cách nhàn hạ như vậy, chúng tôi ai cũng phát thèm, ai cũng ước ao, và thêm chút ghen tị nữa. Mà có ghen tị chút cũng đúng thôi. Bởi, trên thực tế, dễ gì có thể kiếm được một người như thế, ở vào cái tuổi “chíp hôi” như thế, mà đã “xuất” ra những bài viết hay không tưởng như thế… Từ lúc gặp em vào mùa hè năm ấy, tính đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ đời người. Nửa thế kỷ trôi qua với bao kỷ niệm buồn vui thăng trầm, bao lo toan trăn trở và hạnh phúc đắm say. Từ khi là một cô bé học sinh giỏi văn toàn quốc, đến lúc ra trường, đi làm nhân viên hành chính, rồi làm Phó Chủ tịch một huyện ở Long An, rồi làm vợ, làm mẹ, làm bà. Giữa những bộn bề vất vả của cuộc sống thường nhật, ở cơ quan, ở gia đình. Những lúc trái nắng trở giời. Những ngày chồng con ốm đau, bệnh tật. Những đêm thức trắng cùng bà con chạy lụt, chạy lũ. Rồi hỏa hoạn, thiên tai, sự cố này nọ… Bao nhiêu vất vả, đắng cay. Bao nhiêu nỗi niềm, đắm say, hạnh phúc. Đối đãi, ứng xử thế nào đây cho thỏa cái nợ với văn chương, với nhân tình thế thái. Những duyên, nợ, ân tình khó tả và khó trả ấy... Ai dám chắc rằng nói trả là có thể trả được ngay, trong một sớm một chiều. Huống nữa là cái duyên cầm bút ấy nó đã quấn vào em từ thuở thiếu thời, như một món nợ nghiệp. Tôi nghĩ, chắc em cũng đã trải qua nhiều đêm trăn trở, nghĩ suy, loay hoay tìm tòi, thả hồn vào con chữ. Viết rồi lại xé, lại bỏ. Nỗi day trở cứ bám vào nhau, vịn vào nhau, mà đứng dậy, mà da diết đắm say. Đọc Huê, tôi thấy điều đó. Thấy mừng là, trong hơn 40 năm qua, từ khi tới sống và làm việc nơi đất khách quê người này, trên quê hương thứ 2 này, em vẫn viết. Có thể không nhiều như mấy Búp chị, Búp em nhưng cũng đủ để em trải lòng với chính mình. Đủ để thỏa nỗi niềm nhớ quê hương, nhớ về những kỷ niệm ngày xưa, khi còn ở quê lúa Thái Bình, kỷ niệm về cha mẹ, người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Đủ để trả nợ cho cái duyên với bút mực đang bám dính. Đủ để tiếp sức cho mình, để được sống trong cảm giác được sáng tạo, được thăng hoa, mỗi khi bị cái “nghiệp bút nghiên” quấy nhiễu… 
 
Có lần, một Búp chị nói với tôi: “Em có thể viết ngắn gọn và dễ hiểu hơn một chút được không. Như em Huê ấy, viết rất cô đọng, súc tích, dễ hiểu”. Lúc đó, tôi đã tìm mọi cách để biện hộ cho mình. Rằng, tôi đã quen với cách viết như thế. Rằng, tôi đang học theo Thầy tôi. Tôi muốn viết được những câu văn dài, có nhiều tầng ý nghĩa như Thầy. Rằng, như thế mới đúng là tôi. Rằng, văn phong của mỗi người là khác nhau do đến từ mỗi thế giới tâm hồn riêng. Rằng, gió tầng nào thì sẽ gặp mây tầng đó. Rằng, viết dài cũng là có nguyên do, nhất là khi quá bận. Như nhà bác học xuất sắc nhất thế giới Marie Curie ấy. Chẳng phải bà đã từng rất nổi tiếng với câu vào đề một bức thư gửi cho con gái: “Hôm nay mẹ rất bận nên không thể viết ngắn cho con được”. Rằng, vân vân và vân vân. Miệng thì “cãi” chị như thế nhưng trên thực tế tôi biết rằng: viết ngắn, viết hay như Thu Huê, như Nguyễn Linh Khiếu, Phạm Hồng Oanh, Bùi Thanh Huyền… là rất khó. Tôi cũng đang cố học theo họ để có thể viết ngắn hơn, hay hơn. Vì, từ lâu tôi đã ngộ ra rằng, viết cảm nhận đối với các tác phẩm văn học được sáng tạo ra bởi những tâm hồn tài hoa mà tôi vô cùng ngưỡng mộ này, quả thực rất khó. Muốn viết được thì cần phải cố gắng nhiều. Nhưng nếu viết được tức là mình, vì rất trân quý những tinh hoa đó mà một lần nữa lại sáng tạo thêm, tiếp sức thêm cho những tác phẩm, của họ cũng như của mình, cùng bay lên, cùng tỏa sáng, thăng hoa…
 
Bất giác, tôi nhìn ra cửa sổ. Một trời mây xám xịt vần vũ. Một Vancouver sùng sũng những nước. Có lẽ đã lâu lắm rồi thành phố này mới có đợt mưa kéo dài đến mấy ngày như thế. Một trận gió rất to chợt ào tới, giật tung cả miếng vải bạt màu đen đang che cái xe đạp ngoài ban công. Gió mạnh khiến những giọt mưa đang đu mình trên cái xe đạp cũng run run rồi ngậm ngùi rớt xuống sàn gạch ướt nhẹp. Xa xa, những chiếc lá muôn sắc màu của mùa thu xứ lạnh vẫn còn bịn rịn trước lối về đông, vẫn kiên nhẫn đứng giữa trời mà viên dung từng giọt mưa buốt lạnh để níu kéo mùa thu ở lại. Nhìn những chiếc lá dầm mình trong màn mưa rét, tôi lại bâng khuâng nghĩ đến những bông hoa sen của Đồng Tháp Mười và đóa Hoa Sen hồng của Nhóm Búp chúng tôi. Những bông hoa đang lặng lẽ tỏa hương giữa mênh mông đất trời đầy nắng gió. Lại vẩn vơ tự hỏi mình rằng không biết những đóa hoa Sen ở Đồng Tháp Mười giờ này ra sao? Chúng có còn tươi thắm như cái độ nhóm Búp chúng tôi đến thăm, hay đã viên mãn kết vụ, thanh thoát gửi lại chút hương thơm để viên dung tấm tình nhân thế nơi quán trọ này? Rồi trong tâm tưởng lại ánh lên câu trả lời với một niềm tin kiêu hãnh rằng chúng vẫn đang tỏa hương trong gió, vẫn đang hằng ngày cùng Đóa Sen Hồng yêu dấu của chúng tôi, từng bước thăng hoa, từng bước đề cao tầng thứ của mình, từng bước đi đến viên mãn. Chợt nghe đâu đó vang lên lời ca về “Đóa hoa vô thường” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Từ đó hoa là em/ Một sớm kia rất hồng/ Nở hết trong hoàng hôn/Đợi gió vô thường lên/Từ đó em là sương/Rụng mát trong bình minh/Từ đó ta là đêm/Nở đóa hoa vô thường. Bỗng dưng thấy lòng mình cũng đang véo von một khúc hoan ca khi chứng kiến chút tình nhân thế ấy, đóa hoa vô thường ấy, giấc mơ vô thường ấy… đang viên thành…
 
Vancouver 17/10/2024
Trần Huyền Tâm