Ngân lên từ cội nguồn bến mở
- Thứ hai - 12/08/2024 15:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
NGÂN LÊN TỪ CỘI NGUỒN BẾN MỞ
(Trần Huyền Tâm)
Cầm trên tay tập thơ “Cội” của Trương Minh Hiếu, tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Một miền ký ức xa xôi tưởng chừng đã rơi vào quên lãng bỗng vụt sáng lên, nhắc tôi nhớ lại những ngày xưa yêu dấu, được chung lớp chung thầy với Hiếu ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình cách đây gần nửa thế kỷ. Thuở ấy, chúng tôi, những đứa trẻ chân lấm tay bùn, đầu tóc khét nắng, được “triệu” về dự lớp bồi dưỡng sáng tác văn thơ thiếu nhi do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức vào các mùa hè từ năm 1976-1990. Bao gương mặt “tinh hoa” của miền quê lúa Thái Bình đã đi qua những mùa hè rực rỡ ấy, đi qua cái “lò luyện văn chương” ấy, đã để lại những kỷ niệm thật khó phai mờ. Những câu thơ ngây ngô, những lời văn vụng dại mà hồn nhiên, trong sáng của các “nhà văn, nhà thơ nhí” thuở ấy còn được Hội Văn học nghệ thuật cho đăng trong một tập san riêng có tên là “Búp trên cành”. Sau này, cái tên “Búp trên cành” đã đi vào lịch sử của ngôi đền văn chương miền quê lúa Thái Bình, theo các Búp chúng tôi đi suốt những dặm dài năm tháng, dọc ngang mọi miền đất nước, và trở thành một đặc danh có một không hai trong cuộc nhân sinh này. Một đặc danh để nhận biết, để nhớ ghi, để sum vầy, để tụ hợp. Để gắn kết, để nâng niu, để sẻ chia. Để cùng làm nên một nhóm Văn Búp, với những gương mặt thơ văn rất riêng, rất thơ. Và rồi tụ lại, sum họp trong một “ngôi nhà văn chương” vô cùng đầm ấm và thiêng liêng mang tên “Nhà Búp” (nhabup.vn).
Trương Minh Hiếu sinh ra và lớn lên tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Nhà Hiếu cách nhà tôi có lẽ chỉ là “một con sông và mấy cánh đồng”. Hưng Hà quê Hiếu là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi có đền thờ bà Bát nạn Đại tướng quân Vũ Thị Thục, nơi phát tích sáng nghiệp đế vương Triều Trần, quê hương của nhà thơ, nhà bác học đại tài Lê Quý Đôn. Hiếu vào học “lớp Búp” sau tôi khoảng một, hai năm gì đó. Tôi nhớ lúc ấy, Hiếu là một cậu bé thông minh, học giỏi, làm thơ hay, hiền lành và rất ít nói. Tại cuộc thi “Em yêu đồng ruộng quê em” do báo Thiếu niên tiền phong tổ chức vào những năm 80 của thế kỷ trước, Hiếu đoạt giải B với bài thơ “Giờ nghỉ trưa của bố”, còn tôi được giải A với chùm thơ 3 bài Hương Cau, Ngõ nhỏ ngày mùa và Trên trang sổ của mẹ.
Mãi đến đầu năm 2024, trong một lần đi công tác tại Hà Nội, Hiếu mới ghé thăm tôi. Sau 45 năm “mất tích” với lý do “bươn chải cuộc sống”, Trương Minh Hiếu, một cậu bé làng quê nghèo khó năm xưa giờ đã là một “ông giám đốc” khí chất ngời ngời của vùng đất cảng. Vẫn gương mặt thông minh. Vẫn nụ cười hồn hậu. Vẫn giọng nói trầm ấm. Nhưng nhìn em bây giờ hoạt bát, trưởng thành và cứng cỏi hơn hẳn. Buổi chiều hôm đó, hai chị em chúng tôi hàn huyên đủ chuyện. Nhưng chiếm nhiều thời gian nhất vẫn là chuyện nhóm Búp và thơ ca. Hiếu khoe với tôi là trong suốt mấy chục năm qua, mặc dù gặp nhiều biến cố trong cuộc sống, Hiếu vẫn giữ trong mình một ngọn lửa nhiệt huyết, một tâm hồn thi phú đã từng được các thầy “văn chương” năm xưa ở Hội khai nguồn, nuôi dưỡng và đắp đầy. Tuy nhiên, do nhiều lý do mà vốn liếng thơ ca của Hiếu hiện chỉ còn giữ lại được hơn 2 chục bài. Với sự động viên, khích lệ của thầy Kim Chuông, chỉ sau chưa đầy 5 tháng, Hiếu đã hoàn thành tập thơ đầu tay với tiêu đề “Cội”. Là Trưởng ban Biên tập của Nhà Búp, tôi may mắn là một trong số ít người được thưởng thơ của Hiếu nhiều nhất, sớm nhất.
Tập thơ “Cội” của Hiếu, với 58 bài thơ, thực sự là tiếng lòng của một “người thơ” ngân lên từ cội nguồn bến mở, từ miền quê nghèo ven sông Hồng, nơi có những con đường vòng vèo ngút ngát cỏ may, nơi có những mái nhà tranh mòn dần theo năm tháng, nơi có cha mẹ và những người thân, bạn bè, những “người nhà quê” chân chất một đời chịu thương chịu khó. Từ cội nguồn bến mở đi qua cái nôi của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, thơ Hiếu mang đậm chất “Búp”, bám rễ vào những trải nghiệm của cuộc đời để rồi lặng lẽ phát ánh quang huy, để rồi neo đậu vào tâm hồn người đọc, để rồi lặng lẽ gửi trao những tình cảm dạt dào, nồng hậu và diết da. Thơ, với anh, thực sự là một mối duyên tiền định vậy.
Nói là “duyên tiền định” bởi với anh, viết thơ không phải là làm nghề mà là “bị cái nghiệp nó quấn”. Khi còn là sinh viên ở Đại học Bách khoa, Hiếu đã là Chủ tịch một câu lạc bộ thơ của trường. Tốt nghiệp đại học, anh kỹ sư ngành Hàn và công nghệ kim loại này đã từng bươn chải, thử sức ở nhiều nghề, nhiều nơi rồi cuối cùng neo đậu ở quê vợ là miền đất cảng Hải Phòng. Đọc tập thơ đầu tay của Hiếu, tôi thấy chỉ có 23 bài là được viết trước năm 2023, còn lại chủ yếu là mới viết mấy tháng nay. 58 bài thơ của “Cội” là hơn cả 58 nỗi niềm tâm sự đa chiều của một tâm hồn thi sĩ luôn dạt dào tình yêu thương da diết đối với quê hương, gia đình, bè bạn. Nó gắn với cánh đồng, con đường, mảnh vườn quê gió ngát hương trăng, gắn với những miền ký ức luôn xanh thắm ước mơ. Nó là nghĩ suy của anh trước những cảm quan về cuộc sống hiện thực đã và đang trải dài trước mắt. Có gian khổ nhọc nhằn, có chật vật xót xa, có vui sướng yêu thương, có hạnh phúc tròn đầy…
Là một người con phải mưu sinh nơi đất khách quê người, quê nhà và người quê trong thơ anh luôn là nỗi niềm đau đáu nhớ thương, cảm thông và chia sẻ. Có thể rất dễ tìm thấy những vần thơ hay nhất trong “Cội” là những vần thơ anh viết về quê hương của mình, về nơi có bãi ngô non, vồng nhãn đang hoa, về ruộng đay, ruộng lúa xen canh gối vụ, về củ khoai, hạt gạo nuôi anh lớn lên:
Ngơ ngẩn làng, thấp thoáng bãi ngô non
Mùa hoa nhãn ong theo bầy tìm mật
Mít nưng nức cành cây, thì thầm hương bưởi ngọt
Trẻ tung tăng tan lớp đỏ khăn quàng
(Chiều về thăm quê)
Và:
Ngâu vào mùa vàng rực lối ven đê
Trắng ngời ngợi nguyệt quế đằm mật ngọt
Vườn thược dược gọi mưa rào bất chợt
Trắng, đỏ, vàng, cam, trẩy hội sắc màu
(Gió làng hoa)
Phải yêu quê lắm, nặng lòng lắm, thật lòng lắm thì mới bật ra những câu thơ chân thực về những gian khổ long đong vất vả đến “đổ mồ hôi sôi nước mắt” của người dân quê với những mùa cây trái như thế này:
Mấy năm rồi vẫn đồng đất ấy thôi
Cây lúa gặt đi, hạt đay gieo xuống
Mương máng loi thoi xanh rì rau muống
Con cò bay xao xác lũy tre làng
(Quê tôi)
Và:
Quen chẳng thể đã bao mùa nắng hạ
Mây có ngát xanh cũng không vợi nao lòng
Ngờm ngợp nóng, nhớ co ro trốn rét
Giữa bừng bừng, thương giá lạnh ngày đông
(Thương ngày giá lạnh)
Những câu thơ đầy suy tư, cảm thông. Những cái giật mình của một đứa con xa quê bất chợt nhớ về:
Mấy năm rồi tôi là đứa con xa
Mênh mông nhớ. Mênh mông ngày trở lại
Cha mẹ vẫn nghèo. Tôi giật mình sợ hãi
Đay, lúa muôn đời xanh trên tóc người đi
(Quê tôi)
Và mối lo ngại trở trăn, thương quê, thương người dân quê mỗi khi mùa lũ về, nước dâng ngập đường, trắng ruộng:
Nước thượng nguồn vẫn cuồn cuộn về xa
Mặt sông Hồng mênh mông sóng lớn
Ngàu ngàu đỏ nhấn chìm đường ra bến
Con đê làng nín thở giữa mưa dông
Điếm canh đê đêm dài thức chong chong
Người lớn nhìn trẻ con nơm nớp ngủ
Lo đê vỡ, làng trắng tay nhà cửa
Gom góp bao năm hóa bùn đất hoang tàn
(Mùa lũ)
Ở “Chiều về thăm quê”, thơ anh lại lắng về miền ký ức nơi mà cảnh quê còn đó nhưng người xưa giờ ở nơi nao. Những ngõ nhỏ, những đêm trăng, con đê vắng có vạt cỏ may mòn lối. Và lũ bạn thân thuở ấy, với những mung lung ước mơ ra đi hay ở lại. Với cơm áo gạo tiền truân chuyên nhọc nhằn hay phú quý vinh hoa. Những câu thơ bật lên sao da diết, bồi hồi:
Ngõ nhỏ cuối làng đêm trăng ngập ngừng sang
Lời vụng dại tuổi vừa qua mười sáu
Triền đê vắng, cỏ may đan khắp lối
Lũ bạn thân líu ríu tiễn xa làng
Mơ ước chòng chành, cơm áo đa mang
Ở lại quê, bạn nhọc nhằn duyên sớm
Đứa đi xa, nghiệp truân chuyên gửi tạm
Phú quý, vinh hoa, mấy bạn đã danh thành
(Chiều về thăm quê)
Hãy nghe anh trải lòng khi được ngắm nhìn quê hương từ trên từng cao, để thấy được nỗi lòng của một người con xa quê, khi được về quê, đứng trước cảnh quan quê hương đổi thay mà thấy lòng mình bừng dậy bao nỗi niềm:
Chưa bao giờ ta bừng dậy yêu thương
Từ buổi đi xa, với quê mình đến thế
Trên từng cao thấy hình hài nhỏ bé
Khi trở về ta bé nhỏ trước quê hương
(Quê hương mình ta thấy từ từng cao)
Đọc “Cội’, tôi như đang được đọc cuốn nhật ký cuộc đời của anh, được đọc những dòng tâm sự của anh về gia đình mình, về bè bạn. Và hay nhất vẫn là những dòng thơ anh viết về cha mẹ, về vợ con mình, về những người anh yêu thương nhất. Hình ảnh người cha nông dân của Hiếu được khắc họa thật đẹp, thật thân thương trong những câu thơ viết khi anh 14 tuổi:
Nón chao làm cái quạt
Chùm lá thay chiếu ngồi
Khói thuốc lào vờn tóc
Thoáng nụ cười trên môi
Bữa cơm bình dị thôi
Tép đồng kho mắm cáy
Cơm thơm hương gạo mới
Đĩa rau dầm tương chua”
(Giờ nghỉ trưa của bố)
Khi cha anh đã viên mãn theo mây trắng về trời, đứng trước ngôi nhà mình, ngắm nhìn mảnh vườn ngày xưa, anh tâm sự với ngọn gió vườn nhà:
Ta ngồi vào chỗ cha ngồi
Bàn chân hằn vết mồ hôi đẫm mùi
Cha nay mệnh đã yên rồi
Gió đi tức tưởi gọi lời hoang vu
(Ngọn gió vườn nhà)
Là phụ nữ, tôi rất dễ xúc động và thật lòng cảm mến những câu thơ Hiếu viết về mẹ, về chị gái và về vợ anh. Những câu thơ thật đẹp, giàu hình ảnh và tình thương nhân ái.
Trước hết, là trải lòng của anh về người mẹ đã gần 100 tuổi của mình. Thực sự là những lời gan ruột nặng sâu ân nghĩa sinh thành của một người con có hiếu:
Mẹ như quả chín cành xa
Như câu hát cuối bài ca cõi người
Chờ khi mẹ ốm nằm rồi
Mới về thăm mẹ bao lời như không
(Nhớ về thăm mẹ)
Hay như trong bài “Hương bồ kết”, hình ảnh người mẹ trong thơ anh thật đẹp, thật gần gũi, yêu thương và xúc động. Đọc thơ, tôi như tưởng Hiếu đang tả người mẹ của tôi khi bà ngồi hong tóc trước hiên nhà thuở nào:
“Mẹ ngồi dưới bóng cây trưa
Rung rinh hoa nắng lưa thưa rụng đầy
Tóc mềm như gió như mây
Nước thơm mẹ gội, bàn tay chải đều”
Và rồi mẹ lại hiện về lung linh nơi góc vườn kia, nhẹ nhàng chao cái nón quạt cho say gió no tròn những giấc mơ của con. Thấy rất rõ, là con, dù đã lớn khôn, nhưng trước mẹ, vẫn luôn là một đứa trẻ ngây thơ bỏng dại:
Hè về rồi lại sang thu
Góc vườn dáng nón hình như vẫn còn
Là của mẹ những hao mòn
Quạt say gió ngủ cho tròn giấc mơ
(Ngọn gió vườn nhà)
Ở bài “Lời con” viết khi anh 14 tuổi, ta lại thấy anh là một người chững chạc, hiếu thuận và hiểu biết. Cái già dặn của một người con lớn trước tuổi thực của mình:
Mẹ ơi giữa sáng hôm nay
Con như giọt nước mang đầy phù sa
Giữa bao la biển mặn mà
Con làm hạt muối mẹ hòa hôm nao
…..Giữa vòng tay của mẹ ơi
Con xin làm cánh hoa ngời dâng hương
Ở bài “Bố Vợ”, chàng trai quê lúa làm rể đất cảng lại mộc mạc mà rất tinh tế với những lời thơ chân thành, biết ơn:
Hơn ba chục năm rồi như mật mới trút ra
Niềm thương dành cho tôi với ông là có thật
Lúc khách khí vẽ bày khi thật thà như đất
Sau mưa cả gió ngàn thì rể mãi là con
(Bố vợ)
Và đây là những câu thơ anh viết về người chị gái của mình:
Chị thì phận gái hề chi
Đêm nâng ngày đỡ đến đi vuông tròn
Vẫn chồng, vẫn cháu, vẫn con
Vẫn chăm bẵm mẹ vẹn tròn đó đây
Ai mơ trời rộng đất dày
Chị mong thương trọn tháng ngày mẹ tôi
(Chị tôi)
Hiếu viết khá nhiều về người vợ yêu thương, giỏi giang, nhất mực thủy chung của mình. Tôi có thể hình dung về người bạn đời của Hiếu qua những lời tâm sự của anh, qua các bài thơ anh viết về chị. Câu nào cũng nặng tình nghĩa tào khang, cũng đậm đầy yêu thương, hạnh phúc:
Em giờ này tròn giấc, chắc là chưa
Một người vắng là thiếu đi tất cả
Ngày đến bữa, đồ ăn dư một nửa
Một bát, một thìa, đũa cũng chỉ một đôi
…
Mưa về rồi, nắng mới cũng đi qua
Căn nhà nhỏ, phố bình yên muôn thuở
Chùm hoa giấy đong đưa, con mèo ngoan đợi cửa
Bàn tay em vẫn hạnh phúc gieo mùa
(Những ngày xa thành phố)
Hay như:
Cuối đông rồi phố còn lạnh không em
Mưa có rơi trắng tóc người đi lẻ
Gió còn thổi ngã ba mình quen rẽ
Vườn hoa vắng người thêm một khoảng lặng yên
(Viết cuối mùa đông)
Và:
Quả tim đập tiếng ngập ngừng
Nửa lo giữ lại, nửa mừng chia hai
Hững hờ tay chợt buông tay
Ốc về với biển thôi ngày không em
(Ngày không em)
Khi nói về công việc của vợ ở tòa án, sự nhìn nhận của anh cũng rất đặc biệt: rất nhân ái, rất công tâm,rất tự hào, trân trọng chứ không gượng ép, khô khan như người đời vẫn thường nghĩ về cái nghề này:
Pháp luật công bằng và pháp luật nhân văn
Như khoảng trời đón mây từ khắp ngả
Giúp kẻ lạc đường tìm về sau vấp ngã
Là quả, là hoa em góp nhặt cho đời
(Những âm thanh im lặng)
Và đây là những câu thơ anh nói với con về quê nội, về nguồn cội, những câu thơ gửi gắm cả hồn cốt, tình cảm với quê hương:
Chiều nhạt nắng bên âm thầm bia đá
Cha bên con, bên xa vắng hồn nằm
Lời tiên tổ gốc rễ từ sâu thẳm
Hương cội nguồn theo ước nguyện bay lên
(Quê nội)
Tôi đã rất xúc động khi đọc những lời thơ Hiếu viết về con gái khi cháu tròn 5 tuổi. Thật dễ dàng mà cảm nhận được niềm hạnh phúc vô biên “chật căng nhà” của một người cha hạnh phúc:
Cha áp ngực vào đêm vẫn nguyên vẹn bồi hồi
Ngày mai đấy, đang chạm về nao nức
Con năm tuổi, chật căng nhà hạnh phúc
Cha lại lặng thầm thêm một nỗi lo toan
(Khi con 5 tuổi)
Và tôi còn xúc động hơn nữa khi được chứng kiến những phút giây hạnh phúc của vợ chồng Hiếu trong tiệc cưới cô con gái, được nghe những lời dặn dò chân tình ấm áp của anh đối với cô con gái “riệu” trước giờ phút con anh ướm gót chân son vào lối rẽ cuộc đời:
Con bây giờ có thêm một miền quê
Thêm mẹ, thêm cha, thêm anh em, bầu bạn
Bài hát cuộc đời thêm thăng trầm nốt nhạc
Mỗi vui buồn xuôi ngược gấp làm hai
(Nói với con ngày cưới)
Ở một khía cạnh khác, thơ Hiếu có cái nhìn đầy triết lý, tự tin, điềm tĩnh trước cảnh vật, hiện tượng mà anh gặp, nhìn, thấy và biết. Như thể anh đang an nhiên làm chủ cuộc chơi, đang nhân ái nắm trong tay cái lý cái tình, để mà phân minh, để mà tường giải, để mà an ủi, để mà vỗ về:
Có lời nào giục giã vội vàng đâu
Mà cứ nở như không còn được nở
Màu đỏ ngỡ chẳng nồng nàn hơn nữa
Phố xá bừng bừng lửa phượng thắp hè sang
(Cháy lên mùa hoa phượng nở)
Và:
Bay lên tận cùng níu giữ chơi vơi
Xanh rời rợi nảy bung mầm nhức nhối
Rưng rức lời ve giã từ bài ca cuối
Hạ buông tay cho ngăn ngắt thu về
(Bay lên miền mong chờ)
Hoặc:
Ai đã về, còn ai vẫn là chưa
Sông lặng lẽ mặc bên bồi bên lở
Bến cũ mãi viên mãn miền nhung nhớ
Thương người về biền biệt những mùa xa
(Bến cũ)
Khi nhắc tới lời thề xưa với một màu hoa tháng Ba gây thương nhớ, anh viết:
Hoa rực cháy một vòm trời đang hạ
Đỏ như ai mong đợi bước ai về
Cơn gió ngược dập dìu rơi rất nhẹ
Mấy đài hoa lỡ cạn nửa câu thề
(Lỡ hẹn mùa hoa gạo)
Và đây là tâm sự tưởng chừng vu vơ nhưng lại rất chí tình với một loài hoa dại, luôn thủy chung khoác một màu đón đợi mùa sang:
Thôi chẳng cần thật nữa để làm chi
Mà cứ dại như hoa là tên gọi
Nếu có lỡ mùa sang, có trót màu đón đợi
Vu vơ miền hoa dại để mà buông
(Hoa dại)
Trong bài “Nước biển”, Hiếu thản nhiên lý giải về cái màu xanh của nước biển. Đúng là nước biển chưa bao giờ xanh cả. Cái sắc màu mà ta thường nói ấy thực ra là màu của thẳm sâu đáy nước. Là màu xanh của sắc trời hòa với chút gió thanh. Một lý giải rất có lý mà trước giờ tôi và nhiều người không hề để ý để tâm:
Rồi một ngày em sẽ hiểu ra
Nước biển không xanh như ta từng biết
Thăm thẳm xanh là độ sâu từ đáy nước
Là sắc trời in mây với gió thanh bình
Nhà bác học đại tài Lê Quý Đôn từng nói: “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi non kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được”. Hiếu đi nhiều, biết nhiều và cảm xúc nhiều. Nên những câu thơ anh viết ra hẳn là đều từ những cảm quan thiên nhiên “núi non kỳ lạ”, từ vốn sống trong bụng có “ba vạn quyển sách” mà anh đã tích cóp, trải nghiệm. Những cái nhìn, cái thấy, cái ngộ, cái biết ấy đã giúp anh sở hữu một kho chữ mênh mang như nước sông, bao la như khí trời. Để rồi, với cảm xúc luôn trào dâng trong lòng trước cảm quan thiên nhiên và con người, anh đã làm nên “Cội”, làm nên những tác phẩm mà chúng ta đang được thưởng thức. Anh viết thơ dễ như người ta lấy ra một thứ gì đó đang có sẵn ở trong túi của mình. Có lần, cũng mới đây thôi, tôi có nói chuyện với Hiếu về một Hà Nội “đang mùa hè mà cứ như là đã ở trong thu”. Thế là chỉ 10 phút sau, Hiếu đã gửi cho tôi bài thơ “Thật lòng thu sang” mà anh mới viết. Những câu thơ cứ găm vào lòng người đọc cái chênh chao của phút giao mùa, nửa bình thản như nhiên, nửa rưng rưng tiếc nuối khi chứng kiến cảnh một mảnh tình thu đang sà xuống lòng hè:
Có một miền gió ngược
Thổi nồng nàn qua sông
Bóng cầu rơi đáy nước
Phù sa rưng rưng hồng
Níu những ngày cuối hạ
Nhạt thếch màu thủy chung
Bằng lăng thương chân vạc
Lội bãi sông tìm chồng
Tương tự là sự ra đời “nhanh như chớp” của bài thơ “Quê nội”: Hiếu gửi cho tôi bài thơ này ngay sau khi hai chị em đàm luận về cội nguồn, về quê hương và tiêu đề của tập thơ. Những câu thơ thật mộc mạc, giản đơn mà mang một ý nghĩa nhân sinh sâu sắc:
Nghe tiếng gáy gà trưa miền quê lạ
Tiếng đò ơi sông vắng muộn đêm hè
Thênh thênh gió hoa súng rung cánh nhẹ
Là thì thầm đâu đó nhớ quê cha
Chiều nhạt nắng bên âm thầm bia đá
Cha bên con, bên xa vắng hồn nằm
Lời tiên tổ gốc rễ từ sâu thẳm
Hương cội nguồn theo ước nguyện bay lên
(Quê nội)
Chỉ trong vòng có mấy tháng mà Hiếu đã viết được mấy chục bài thơ (có ngày anh viết đến 2,3 bài), đủ thấy anh là một người cầm bút có năng lực sáng tạo nghệ thuật cần mẫn và nghiêm túc đến nhường nào. Người làm thơ nhanh và hay như thế, trong Nhà Búp, chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay (ví như Kim Chuông, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Hoàng Lâm, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Phương Thủy).
Một nhà phê bình văn học Nga từng nói: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Sống trên đời, ai mà chẳng phải tất bật lo toan, vất vả ngược xuôi, mê mải với đồng tiền, bát cơm, manh áo. Nhất là đối với người cầm bút khi cơm áo “không đùa với khách thơ”. Nhưng một khi đã lắng tiếng lòng mình để chắt lọc ngôn từ, để cảm xúc thật lòng cất lên tiếng hát, thì bất kỳ một thi sĩ nào cũng mong được cống hiến cho đời những bông hoa nghệ thuật đẹp nhất, thơm nhất. “Cội” và Hiếu không phải là một ngoại lệ. Tôi thích “Cội”, dễ đồng cảm với “Cội”, bởi tôi không chỉ là một “người nhà quê” chính hiệu mà còn là người cùng học lớp “Búp” với Hiếu. Bởi “Cội” chứa các giai điệu và tình cảm ngọt ngào của một miền quê lúa Thái Bình. Bởi “Cội” mộc mạc, giản dị, dễ hiểu như Quê. Bởi “Cội” là một bức tranh quê đầy cảm xúc được tạo nên bởi nhạc, họa, ngôn và tình. Tất nhiên, “Cội” còn có nhiều bài thơ hay khác, nói về những chủ đề khác nữa. Nhưng đậm nét nhất, hay nhất và trân quý nhất vẫn là những bài thơ nói về quê, về cái cội nguồn bến mở của đời người. “Cội” mang dấu ấn sáng tạo nghệ thuật nhưng không quá nặng về thủ pháp nghệ thuật. Nó không “gồng mình” lên với những “đao to búa lớn” của cuộc đời. Nó không gằn hắt, bụi bặm, lắt léo. “Cội” chỉ khơi dậy cho người đọc xúc cảm bình yên, ấm áp, thân thuộc, mộc mạc, chân tình. Người đọc cảm nhận được hương vị cuộc đời tác giả ủ kín ở bên trong, như cái duyên thầm, dịu dàng tỏa hương, dịu dàng dâng hiến mà chỉ khi những ai hữu duyên thực ý mới có thể nhận ra. Với “Cội”, Hiếu như là một con ong cần mẫn bay lượn trong khu vườn cuộc đời, chăm chỉ góp nhặt, chăm chỉ lượm hái, miệt mài chưng cất những tinh túy nhất dâng tặng lại cuộc đời và quê hương của mình.
Nhà thơ Kim Chuông có lần đã tự hào khoe rằng nhóm “Văn Búp” chúng tôi chính là “các tác phẩm để đời vĩ đại” của ông và những “người thầy văn chương” một thời của Ngôi đền Văn học nghệ thuật Thái Bình. Tôi xin chúc mừng Hiếu, chúc mừng một “tác phẩm để đời vĩ đại” của các thầy văn chương (nhà văn Bút Ngữ, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Kim Chuông, nhà thơ Lê Bính, nhà thơ Phạm Hổ, Phong Thu…) đã cho ra mắt công chúng bạn đọc một tập thơ rất hay, rất đáng đọc.
Tin rằng, với sức sáng tạo nghệ thuật đang vào thời kỳ nở rộ và thái độ làm việc nghiêm túc, cần mẫn của mình, sau tập thơ “Cội”, Trương Minh Hiếu sẽ cho ra mắt công chúng bạn đọc tác phẩm thơ thứ 2 của mình trong một vài tháng tới.
Và điều đó sẽ giúp Hiếu hiện thực hóa “giấc mơ Búp” của mình, tri ân quê hương bản quán và những “người thầy văn chương” đã một thời làm nên những kỳ tích để đời có một không hai này./.
Hà Nội, 7/2024
Trần Huyền Tâm