Người kể chuyện đời bằng những bản tình ca

Người kể chuyện đời bằng những bản tình ca
Tôi tốt nghiệp phổ thông rồi vào đại học để rồi lần đầu tiên nghe bài hát Cô gái Sầm Nưa của anh. Không biết có phải là bài đầu tay của anh hay không nhưng từ đó tôi đã yêu chất lãng tử, chất đàn ông trong anh.



Tôi tốt nghiệp phổ thông rồi vào đại học để rồi lần đầu tiên nghe bài hát Cô gái Sầm Nưa của anh. Không biết có phải là bài đầu tay của anh hay không nhưng từ đó tôi đã yêu chất lãng tử, chất đàn ông trong anh. Cô gái Lào trong đêm hội lăm vông xứ Sầm Nưa tải gạo nuôi chiến sĩ đem lòng yêu chàng bộ đội tình nguyện. Từ một người kép phụ ánh sáng trong đoàn hát  từng bước từng bước một kiên trì học hỏi cùng tài năng thiên bẩm  cho tới nay anh trở thành một nhạc sĩ tên tuổi được rất nhiều người yêu nhạc ngưỡng mộ và kính trọng. 


Anh viết nhạc như người kể chuyện, từng câu chữ trong ca khúc của anh đều đơn giản, không trau chuốt cầu kì nhưng lại có tính nhân văn rất sâu sắc. Có khi vào đầu như một lời tỏ tình rất Ngô nghê “Bằng lòng đi em về với quê anh. Một cù lao xanh một dòng sông xanh”. Ngôn từ đúng tính cách của trai làng miền Tây sông nước, bạo dạn thật thà. Anh  là kẻ lãng tử đi qua xóm cù lao rồi làm mọi người yêu nó thương nó, quý mến nó. Thương chất mộc mạc nhưng rất chân tình nhưng không kém phần lãng mạn:


“Ôi đóa hoa tím trôi liu riu 

Dòng sông nước chảy liu riu 

Anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ xíu anh thương. 

Ôi những đêm ngắm sông, nhớ em buồn muốn khóc 

Mình anh ca điệu lý qua cầu“...


Rồi một ngày lang thang đâu đó ngoài phố thị gặp một cô gái lầm đường chót dại, anh lại dành tình yêu cho cô:


“Về đi em làng quê cũ

Có con sông xưa vỗ về

Về ôm vai Mẹ yêu dấu

để được khóc như đứa trẻ thơ

Để quên đi năm tháng bơ vơ

Mình em giữa phố đông không nhà

Bủa vây em nghèo đói xa hoa dối lừa

Để quên đi một phút giây lỡ làng

Đời em trong trắng như hoa

Về đi em cô gái thơ ngây của làng ta”


Âm nhạc của anh giản dị  không cao siêu lại như lời tâm sự, động viên của người anh dành cho người em gái bé bỏng. 


“Về bên dòng sông thơ ấu

Có anh trai quê vẫn chờ

Đàn vịt xiêm còn ngơ ngác nhớ

Chị Tấm xinh tươi ngày xưa

Bàn tay em duyên dáng đong đưa

Chợ sông nhớ bóng em đi về

Tình quê mái lá đơn sơ vui câu hò

Để quên đi thành phố kia xa lạ

Về vui yên ấm nơi quê nhà

Về đi em cô gái thơ ngây của làng ta”


Về đi về với ruộng vườn quê hương yêu dấu. Về để làm lại từ đầu, hạnh phúc sẽ về với em. Một lời tâm sự khuyên bảo nhẹ nhàng nhưng thấm đậm tình người mà người được nhận sẽ suốt đời chẳng thể nguôi quên. Có lẽ giá trị nhất, nhân văn nhất là ở đó. Tình yêu của anh rộng lớn bao dung. Đó chính là tình người anh người cha, người con..., kẻ lãng du xuyên thế ký, xuyên biên giới. Anh về miền Tây xót xa cho những bé gái sớm lấy chồng cơ cực viết nên nỗi niềm mình dưới bóng cây mù u, bóng cây bần cây đước :


“Lời ru buồn nghe mênh mang 

Mênh mang sau lũy tre làng 

Khiến lòng tôi xôn xao. 

Ngày lấy chồng em đi qua con đê 

Con đê mòn lối cỏ về“ 


Để rồi: 


“Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi 

Lấy chồng sớm làm gì 

Ðể lời ru thêm buồn 

Ru em thời thiếu nữ xa rồi 

Còn đâu bao đêm trong xanh“


Lời tự sự như ngôn từ thật giản dị biết bao nhưng thật nhiều cảm xúc.

(Sao em nỡ vội lấy chồng) 

Rồi anh về quê lang thang tới bờ sông tới cây cầu cũ gặp chị của mình.., (bài Chị tôi):


Thời con gái lưng ong có bao người thầm mong theo 

Mẹ giục con gái yêu lấy chồng đi 

Chị thương hai đứa em thương mẹ già con đau í a 

Chị tôi chưa lấy chồng. 

Rồi mẹ tôi khuất xa, chúng tôi không còn thơ ngây 

Chị lại lo các em chuyện chồng con 

Ngày chia tay bến sông thấy chị buồn mà thương í a 

Chị tôi chưa lấy chồng.“


Ngôn từ giản dị nhưng cũng rất lãng mạn dễ thương chân chất như dành cho người chị thân thương nhất của mình. Để rồi cuối cùng khi về thăm chị nghẹn ngào:


“Nhiều năm xa cách xa tôi trở về làng quê thăm 

Nhìn hàng cau xác xơ lá trầu khô 

Mộ chị tôi bé xinh đứng bên cầu thương nhớ mênh mông 

Chị ơi sao vẫn chưa lấy chồng.“


Cao cả thay cho tấm lòng của chị, cả đời hy sinh hạnh phúc của riêng mình lo cho mẹ cho gia đình các em để rồi ra đi lặng thinh nơi chân cầu cô quạnh.


Rồi một ngày phiêu bạt phương Nam nghe câu hát Lý ngựa ô: 


“Đêm phương Nam nằm nghe... dòng sông nước chảy Ố ồ ô, ố ồ ô 

Nghe một tiếng ầu ơ nửa đêm bão giông Ố! ô ồ ố ô 

Đêm phương nam nằm nghe đường xa vó ngựa Ố ồ ô, ố ồ ô 

Nghe từ thuở hồng hoang ngựa qua bến sông Ố! ô ồ ố ô 

Đêm phương Nam nằm nhìn lên mây bay khói tỏa 

Nhìn hòn đá lăn ..... Nghiêng !.. Nghiêng !.. 

Nghiêng nghiêng câu ca dao, nghiêng nghiêng mái chèo 

Dưới bóng cây ngô đồng, có con ngựa dừng chân 

Có hai người .. yêu nhau! “


Chả biết anh có nhìn tảng đá lăn nghiêng thật không nhưng nghiêng nghiêng mái chèo là có thật còn nghiêng nghiêng câu ca dao thì chắc chỉ tác giả mới nghĩ ra được. Thật cảm xúc và trừu tượng. Anh nói gì, viết gì cũng ra nhạc ! Cái hay của anh là ở đó. Kẻ lãng du đi tới đâu thì ở đó một bài hát mới lại ra đời. Về với cao nguyên anh có Giấc mơ Chapi:


“Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên ngọn núi cao

Có hai người, chỉ có hai người yêu nhau

Họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng mưa

Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau

Ở nơi ấy đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi

Một mái tranh nghèo

Một nhà sàn yên vui”


Anh đồng cảm với người dân đồng bào Raglay, thấy được nét đẹp yên bình thơ mộng, tình yêu âm nhạc trong cuộc sống của họ.


“Ở nơi ấy đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi

Một mái tranh nghèo

Một nhà sàn yên vui

Ở nơi ấy họ đang sống cuộc sống yên bình

Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi

Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglay

Ôi, Raglay yêu rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn Chapi

Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Chapi

Tôi yêu Chapi không còn cô đơn

Không buồn không vui

Tôi nghe Chapi chợt thấy nao lòng”


Cứ thế cứ thế anh lãng du khắp mọi miền đất nước, về với sông Hồng anh lại ngẫu hứng cho ra bài  hát Ngẫu hứng sông Hồng


Ký ức ngược về những ngày xưa cũ, với cha với mẹ, với con sáo bé bỏng và tình yêu không thành của người chị bên bờ sông đầy gió:


“Tôi ôm con sáo bé bỏng của tôi.... 

lang thang theo cha dọc bờ sông trắng xóa 

Một ngày mùa thu đưa cha qua sông 

Một ngày dòng sông đầy nắng và gió 

Con sáo sang sông bạt gió 

con xít thương ai lội sông lội sông tìm ai. 

Chị Hai thương ai ra đứng đầu đình 

Chị Hai nghèo, chị Hai buồn, chị Hai cô đơn, chị Hai khóc 

Chàng Trương Chi đi đâu bỏ lại dạ sầu cho em 

bỏ lại dòng sông đầy gió“ 


Để rồi:


“Thương nhau quấn quít lá trầu cau 

Yêu nhau hóa đá chờ nhau.

Thương cả nhịp cầu (cầu) qua sông 

Thương cả mối sầu (sầu) thương em“.


Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi như dòng sông Hồng cuộn chảy muôn đời về với biển:


“Một ngày mùa thu, 

Hồng Hà mùa thu đầy gió 

Con sáo sang sông và gió 

gió rét thương ai lội sông lội sông tìm ai 

Con sáo sang sông, con sáo sang sông.” 


Lang thang đất khách quê người, lang thang mọi miền đất nước, một ngày anh về lại Phố nghèo xưa nơi anh cùng gia đình sống những ngày thơ ấu sau bao ngày phiêu bạt: 


“Phố nghèo xưa, mái ngói nghèo xưa, 

ngoài ga cũ tiếng còi xa buồn 

Phố mờ sương, mái ngói mờ sương 

thiếu phụ buồn thương đi trong sương 

như nhân ảnh mờ 

Phố buồn nâu, mái ngói buồn nâu 

cà phê đắng rơi từng giọt nâu buồn 

phố của tôi, thơ ấu đời tôi 

chiếc lá bàng rơi trong đêm mưa những ảo ảnh xưa”


Ở nơi ấy chàng nhạc sĩ lại nhớ về:


“Ở nơi ấy tôi còn nhớ mối tình xưa 

người thiếu nữ đã gặp tôi 

ngượng ngùng khăn quàng cũ 

cuối mùa thu mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ 

Ở nơi ấy tôi còn nhớ mẹ của tôi 

bao đêm trắng nhìn về phía chân trời 

Mẹ cầu kinh ức Phật Quan Âm 

phù hộ cho con phiêu bạt trở về“


Anh nhớ đến mẹ đến những mối tình trong trắng tuổi học trò. Không phải là ngôn từ vĩ đại cao siêu mà mộc mạc chất phác chân tình như bản chất bao dung độ lượng của anh. 


“Ở nơi ấy tôi còn nhớ bạn bè xưa 

dòng máu sĩ bao người đi không về. 

Tháp Rùa ơi có nhớ bạn tôi 

hồn tha phương vẫn quanh quẩn phố phường.

Ở nơi ấy Hà Nội nhớ thương mờ xa 

là câu hát là bài ca nghẹn ngào 

Nói gì đâu có nói được đâu 

mà sao khoe tóc ngả hai màu“


Quê hương, dẫu phải cất bước ra đi, tóc đã nhuộm màu sương khói vẫn là những gì sâu thẳm là nỗi niềm đau đáu của anh, với mẹ già, với bạn bè với cả những cây bàng thuở còn thơ ấu. Tất cả chỉ còn là Hoài niệm là khói sương như ảo ảnh anh mang theo suốt cuộc đời.


Sẽ là thiếu sót nếu không viết về bài Quê nhà tôi ơi của anh. Lại một lần nữa anh đưa chúng ta về Ba Vì, với xứ Đoài thơ mộng


“Quê nhà tôi ơi xứ Đoài xa vắng

Khói chiều mênh mông sông Đà buông nắng

Nhớ thương làng quê lũy tre bờ đê

Ước mơ trở về nghe mẹ hiền ru bên thềm đá cũ.

Quê nhà tôi ơi con đường qua ngõ

Bóng mẹ liêu xiêu trong chiều buông gió

Nhớ thương đàn con biết phương trời nao

Áo nâu mùa Đông thương mình lận đận đêm buồn mẹ ru...”


Anh đưa ta về với sân đình làng đêm hội chèo với Thị Kính, Thị Màu, với ca dao đồng bằng Bắc Bộ:

 

“À ơi hoa bay lên trời cây chi ở lại

À ơi hoa cải lên trời rau răm ở lại chịu lời đắng cay

À ơi em đi lấy chồng anh vẫn một mình

À ơi táo rụng sân đình thương anh một mình, một mình nhớ em.” 


Lại là bóng dáng một cô gái tóc dài da nâu mắt đen nào đó: 


“Quê nhà tôi ơi quê người con gái

Tóc dài, da nâu giấu tình yêu dấu

Mắt đen về đâu, mắt đen của tôi

Mắt đen chờ ai, tháng ngày mỏi mòn, mối tình long đong.” 


Nhưng cũng như những mối tình thuở học trò nó cũng đã không thành bay đi cùng hoa cải:

 

“À ơi hoa cải lên trời rau răm ở lại chịu lời đắng cay

À ơi em đi lấy chồng anh vẫn một mình

À ơi táo rụng sân đình thương anh một mình, một mình nhớ em.

À ơi hoa bay lên trời cây chi ở lại

À ơi hoa cải lên trời rau răm ở lại chịu lời đắng cay

À ơi em đi lấy chồng anh vẫn một mình

À ơi táo rụng sân đình thương anh một mình, một mình nhớ em.”


Cả cuộc đời du ca mọi miền đất nước cùng cách kể chuyện tình bằng âm nhạc của anh là những trăn trở về tình  yêu thương cùng lòng nhân hậu trong anh đã tạo nên một sắc màu đặc sắc cho riêng anh - người nhạc sĩ kể chuyện cuộc đời bằng những bản tình ca


Lương Duyên Thắng