Người khát tìm "Mùa Đợi"

Người khát tìm "Mùa Đợi"
Với sự ngắm nhìn, bắt nhập trước cuộc thế trăm năm, thơ Thúy Hằng luôn bật lên mầm xanh từ những góc khuất hồn mình, đôi khi rất thầm nhẹ mà sâu. Đúng như nhà văn Nguyễn Tuân định nghĩa về văn chương chăng? Thơ Hằng “Là sinh sự để sự sinh.” Ví như, người thơ này đi dưới “Mưa ngâu” để rồi mưa ngâu là “cái sự,” sinh ra nỗi niềm người diết da, thương cảm thế này

Cuối Xuân đầu Hạ năm Mậu Tuất, 2018 này, tôi liên tiếp đi trong niềm vui quý hiếm 
 
Đấy là, sau hai tập thơ “Hoa nở không mùa” của Phạm Thị Hồng Oanh, “Giọt nắng vô thường” của Trần Huyền Tâm, tập thơ “Mùa đợi” của Nguyễn Thúy Hằng ra đời, đã làm nên mùa “bội thu” trên miền đất Thái Bình. Làm nên cái “gạch nối” của hai chiều “Nhân quả.” 
 
Vinh quang thay cho “Con thuyền văn chương” của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, phút giây nào đã “dong buồm mở bến.” Đã đốt lên “lò lửa” để sau bốn mươi năm nhìn về lớp “đào tạo bồi dưỡng những các em có năng khiếu sáng tác văn học” đã sáng dậy những gương mặt trẻ trung, sung sức, góp vào nền văn học đương đại Thái Bình sự ríu ran, đa thanh sắc, xứng với quê hương nhà Bác học, nhà thơ Lê Quý Đôn với câu thơ vọng vang, mãi còn truyền tụng : “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn” ... 
 
Thưa, với văn chương ! Thực tình, trên thế giới không có trường lớp nào có thể đào tạo được nhà văn. Bởi, tài năng văn chương mang đặc điểm hết sức đơn nhất. Là Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính ... Họ là những vũ trụ thi ca riêng biệt. Thi sĩ Chế Lan Viên từng viết : “Thế kỷ hai mươi, nếu chúng ta không có một Nguyễn Du, không có một Truyện Kiều, thì dân tộc này tay trắng”... 
 
Vậy cái “ngôi nhà tụ nghĩa,” cái “lò luyện văn chương” của Thái Bình. Của các thầy Tô Hoài, Phạm Hổ, Định Hải, Bút ngữ, Kim Chuông, Lê Bính ... Một thời xa kia, là gì? Phải chăng, những người thầy ở đây chỉ là người giữ vai trò khơi nguồn, thắp lửa. Người tạo nên đất đai gieo cấy. Người mang lại những va đập nào đó cho con tim, khối óc người cầm bút sáng tạo. 
 
Đấy là một phía người thầy. Còn phía Nhà văn? Họ cũng đi bằng những con đường khác nhau. Công cuộc lao động, sáng tạo nghệ thuật của họ cũng giống như công trình khai thác quặng. Có người bổ nhát cuốc đầu tiên đã gặp quặng chói sáng. Có người gặp quặng. Rồi đất đá. Rồi quặng. Cũng có người thật sự vô vọng trước năm tháng săn tìm. Mặc dù cuộc săn tìm ấy tốn không ít mồ hôi công sức. Lao động văn chương không phải là chuyện làm chơi, ăn thật. Không ít người cả đời mình mê say, trả giá đắt bằng tất cả mồ hôi, công sức, nhưng cuối cùng chỉ nhận lấy sự đắm chìm bọt bèo, vô tăm tích. 
 
Thì nhỡn tiền, với hàng thiên niên kỷ còn kia. Có quốc gia, dân tộc. Có cuộc đời với bao nhiêu thăng trầm biến cải. Nhưng, thiếu vắng những “tài năng đơn nhất,” thì lịch sử ngác ngơ trước cuộc đời mất bóng và văn chương câm lặng. 
 
Bây giờ, nhìn vào đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ Thái Bình với những hạt thơm vừa có từ hàng trăm em, từ gần hai chục năm Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình là tỉnh đầu tiên trên cả nước liên tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Chúng ta thật vui  với những cây bút đã thành danh, đã trở thành Hội viên của Hội Văn học nhiều tỉnh thành và cả nước. Vui với những tác giả đã đứng tên riêng với dăm ba, hay nhiều ấn phẩm trình làng.
 

(Nguyễn Thúy Hằng tại buổi ra mắt tập thơ "Mùa Đợi"  tại Thái Bình ngày 19/8/2019)

Tôi vui mừng được đọc và viết lời bình cho các tập thơ của Bùi Thị Biên Linh, Phạm Thị Hồng Oanh, Trần Huyền Tâm và bây giờ là Nguyễn Thúy Hằng với tập thơ “Mùa đợi.”
 
Nguyễn Thúy Hằng cũng giống như nhiều cây bút được chọn về “ngôi đền thiêng” ấy. Hằng là tác giả của tập tản văn “Trăng làng vườn” và tập thơ “Mùa đợi.” Hằng nhập vào “Làng văn” từ năm mười hai tuổi. Với thành tựu : Cô gái mười hai tuổi này vừa giành Hai Giải Nhất Văn Toàn quốc, năm lớp 5, lớp 8. Một Giải Nhất Văn toàn tỉnh Thái Bình. Một Giải Ba cuộc thi sáng tác văn học viết về 70 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. 
 
Sau tập tản văn  “Trăng làng vườn,” rồi nhiều ấn phẩm in trên các Báo chí Trung ương, địa phương. Tập  thơ “Mùa đợi”  Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa cho ra mắt bạn đọc, đã xếp Hằng vào ngôi vị một “Nữ văn thi sĩ” đáng yêu trên mảnh đất đồng bằng Thái Bình, quê lúa.     

 

Đọc “Mùa đợi” của Nguyễn Thúy Hằng, điều khẳng định trước tiên là, thơ  Thúy Hằng ngọt lành, đằm thắm. Thơ không đao to, búa lớn. Không lạ lẫm, tân kỳ. Thơ Thúy Hằng đi vững trên nền truyên thống. Thơ đề cao cảm xúc thi nhân.
 
Với sự ngắm nhìn, bắt nhập trước cuộc thế trăm năm, thơ Thúy Hằng luôn bật lên mầm xanh từ những góc khuất hồn mình, đôi khi rất thầm nhẹ mà sâu. Đúng như nhà văn Nguyễn Tuân định nghĩa về văn chương chăng? Thơ Hằng “Là sinh sự để sự sinh.”  Ví như, người thơ này đi dưới “Mưa ngâu” để rồi mưa ngâu là “cái sự,” sinh ra nỗi niềm người diết da, thương cảm thế này :
 
Mưa chừng đã ướt ngàn năm    
Vẫn không ướt nổi một lần cho nhau.
 
Hoặc, đây là góc khuất được khơi dậy từ “cái sự,” cái “Chiều cuối năm” nào đó, đã vội ập về trước mặt, để lòng người bỗng ngổn ngang, vương  bao  tơ rối :   
 
Con sẽ theo cha men dọc các luống cày
Nhặt lên những chú cua đồng ngác ngơ giương còng trong chiều giá rét
 Sẽ dúi vào áo mẹ củ khoai nướng thơm lừng, cháy khét
Thương mẹ mải mê cắm những nhánh mạ gầy run trong rét căm căm
.
 
Trên đây là những câu thơ dồn xô, phóng túng. Câu thơ, khi ánh mắt chạm mặt con “Sông” thì lời “tự vấn” bỗng vang theo  :      
 
Một dòng trôi, một dòng trôi
Bên đau lở mãi, bên bồi về đâu

 
 Rõ ràng, mọi trang viết cuả thơ Hằng được đẻ ra từ “Sự.” Cái sự không ồn ào, bỏng cháy. Cái sự ít thô, bụi. Thơ lấy cái Tình làm nên sự phì nhiêu. Thơ chắt khơi đến tận cùng mát trong, thi sĩ:   
 
Chắc chẳng riêng mình xao động trước mùa thu
Khi gió bâng khuâng con đường xao xác lá
Nắng dịu dàng hơn và trời xanh đến lạ
 Hồn ta bỗng hóa thành hạt cốm nhỏ dâng hương.

 (Tâm sự mùa thu)
         
Hoặc: 
 
Trời trong veo, nước trong veo
Lưng chiều một mảnh trăng treo mỏi mòn
 (Chiều cát Bà)
 
Hoặc, những câu thơ mà thi tứ được coi trọng ở quá trình kết cấu:
 
Có một lần mùa thu đi qua
Vô tình rớt vào ta nỗi nhớ
Ta như người mắc nợ
Loay hoay hoài
ngồi gỡ
những chênh chao…
(Có một lần)
 
Thế đấy. Thơ Hằng cứ xuyên thấm trong “cái sự” dịu mềm. Khi thì, “Cảm xúc tháng ba/ Mưa ngâu/ Sông/ Hoa vàng trên cỏ xanh/  Có một lần/ Tháng Giêng/ Phù vân... Hay, “ Mang Đà Lạt về cho em/  Ru cỏ” ... 
 
Để có được cái hoài nghi, cái cõi mộng chung chiêng. Ở bài thơ “ Khát khao cơn gió heo may trở mùa” Hằng có những câu thơ khá động và hay :
                    
Sẵn sàng chưa chuyến đò ngang
Chở người bên ấy nghé sang bên này
Hãy yêu như lũ tràn đầy
Mặc thuyền tan, cánh buồm gầy xác xao.
                
 
(Nguyễn Thúy Hằng cùng nhóm Văn Búp tại buổi ra mắt các tác phẩm văn học tại Vườn Vua (Phú Thọ) tháng 7/2019)

Hoặc: 
 
Biết rằng quả chín trái mùa
Vươn tay ngắt lấy chát chua, muộn màng
Biết rằng đã khuất đò ngang
Sao còn xuống bến lội sang một mình…
 (Phù vân)
 
 
Hoặc:
 
Chiếu chèo say hát í a
Đêm về ôm nửa gối là tình không

(Chị tôi).

Hoặc:
 
Lung linh một mảnh trăng gầy
Treo lòng em nỗi đắng cay bên trời.
(Vu vơ)

Hoặc:
 
Bây giờ tay lại trắng tay
Lang thang thành kẻ ăn mày hư không

Cúi đầu tạ giữa mênh mông
Xin làm một sắc cầu vồng sau mưa
  (Vô đề)
               
          
Với Thúy Hằng. Với “Mùa đợi.” Đấy là nỗi khát, nỗi mơ tưởng. Là ý thức, siêu  thức của Thơ.
      
Cùng với Tản văn “Trăng làng vườn,” Dẫu “Mùa đợi” còn đều, còn ít những quăng quật, và dị, ở tứ, ở câu ... Nhưng, hai tập sách đang có, để văn chương Thái Bình có một Thúy Hằng, đang làm nên áng văn mang duyên thầm, mê dụ.
                                                                 
Hải Phòng, Những ngày Hè, 2018
Kim Chuông