Những khúc ân tình

Những khúc ân tình
Tôi muốn viết về Châu La Việt với tất cả lòng kính trọng và ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ về tài năng, nhưng hơn hết là kính trọng, cảm phục tấm lòng cao đẹp của anh dành cho cuộc đời, cho gia đình, đồng chí, bầu bạn. Những ký sự chân dung nghệ sĩ trong “Giai điệu mùa đông” và“ Vầng mây trắng vẫn bay về”

(Đọc ký sự nghệ thuật của Châu La Việt)



 

 

Tôi muốn viết về Châu La Việt với tất cả lòng kính trọng và ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ về tài năng, nhưng hơn hết là kính trọng, cảm phục tấm lòng cao đẹp của anh dành cho cuộc đời, cho gia đình, đồng chí, bầu bạn. Những ký sự chân dung nghệ sĩ trong “Giai điệu mùa đông” và“ Vầng mây trắng vẫn bay về” của anh do Nhà xuất bản Văn học ấn hành là những giai điệu, những khúc ca thấm đẫm ân tình mà Châu La Việt tặng cho người thân, bầu bạn, đồng chí.

 

Cuốn Giai điệu mùa đông gần 200 trang, tập hợp 26 ký sự, 26 chân dung nghệ sĩ. Họ là những người có nhiều đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật của nước nhà trên nhiều lĩnh vực: Từ thơ ca, âm nhạc, văn xuôi đến điện ảnh… Tất cả những tài năng ấy đã góp phần làm nên diện mạo của nền nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn lịch sử “Khổ nhục nhưng vĩ đại của dân tộc” (Phạm Văn Đồng).Tập ký sự cuốn hút người đọc không chỉ ở sự nổi tiếng của tác giả, sự nổi tiếng của các nhân vật trong cuốn sách mà nó còn cuốn hút ở cách viết giản dị, chân thành, dạt dào cảm xúc, rất chân thực nhưng không kém phần vừa sâu sắc vừa bay bổng. Châu La Việt từng nói về các tác phẩm của mình “Tôi không sáng tác văn chương, tôi viết bằng cuộc đời của mình, viết về cuộc đời những người tôi yêu quý”.

 

Đúng vậy, tập sách có nhiều trang sâu nặng viết cho hai người cha của anh: Một người là cha đẻ – nhạc sĩ rất nổi tiếng Hoàng Thi Thơ. Một người là người cha – người đã “cúi xuống nỗi đau khổ của mẹ anh và dìu bà đứng dậy bằng đôi bàn tay và trái tim nhân ái của mình”, đã yêu thương và lấy họ của mình đặt cho anh là Lê Khánh Hoài. Người cha ấy là nhà báo cũng vô cùng nổi tiếng Lê Khánh Căn. Có cả bài Châu La Việt viết về mẹ anh: Nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân – người ….. có cả thanh lẫn sắc”, khắc ghi tên tuổi vào nền âm nhạc Việt Nam với ca khúc “Xa khơi” da diết lòng người của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Viết về cha mẹ, xưa nay đã nhiều nhưng điểm đặc biệt ở “Giai điệu mùa đông” chính là ở chân dung những nghệ sĩ là những người đồng chí, người bạn thân thiết của anh. Họ tuy hoạt động trên các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, nhưng đều là những người rất thành công, rất nổi tiếng.

 

Tôi biết Châu La Việt làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, biên kịch… đều hay, nhưng cuốn sách này anh viết theo thể ký (Ký sự chân dung nghệ sĩ). Đây cũng là thể loại văn học tôi thích đọc nhất. Bởi nếu truyện ngắn, tiểu thuyết cho phép người viết được sáng tạo, được hư cấu thì thể ký lại luôn là những trang viết chân thực nhất về đời sống. Cuốn ký sự này là những trang viết ngồn ngộn chất liệu sống động, chân thực về cuộc đời của các nhân vật, trong bối cảnh chân thực về hiện thực chiến tranh, đói khổ của đất nước những năm tháng qua. Hiện thực bình dị đôi khi trần trụi, không màu mè tô vẽ vẫn đủ sức làm thổn thức trái tim người đọc, đủ sức làm rơi nước mắt – những giọt nước mắt đồng cảm, chân thành nhất.

 

Nếu chức năng đầu tiên và quan trọng nhất của văn học nghệ thuật là: Phản ánh hiện thực cuộc sống… thì thể ký (bao gồm ký sự, bút ký…) là sự thể hiện trọn vẹn và sinh động nhất chức năng này.

 

 

Mở từng trang ký sự của Châu La Việt, người đọc có thể cảm nhận được tấm lòng thơm thảo của Anh dành tặng cho những người anh yêu quý. Những thông tin về những nghệ sĩ tên tuổi này không khó để tìm thấy trên mạng. Tuy nhiên chỉ đến khi đọc về họ trong cuốn sách này của Châu La Việt với những dòng văn ngập tràn cảm xúc, mới thực sự cảm nhận được những cuộc đời, có vinh quang nhưng cũng lắm khổ đau, bất hạnh. Nhưng trên hết, vẫn tỏa sáng những lý tưởng, những khát vọng sống cao đẹp. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng: Tác phẩm chỉ thể hiện những gì thầm kín chủ quan cá thể. Tuy viết về những con người có thật bằng xương bằng thịt với số phận riêng,nhưng ở đây, trong “Giai điệu mùa đông”, trong bản thân mỗi chân dung nghệ sĩ đều là sự quyện hòa của tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, tổ quốc, con người, tình yêu nghệ thuật.

 

Chân dung người nghệ sĩ chúng ta gặp đầu tiên là nhà thơ Phạm Tiến Duật – Nhà thơ từng viết rất hay về giai đoạn “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” với những tác phẩm lừng danh “Lửa đèn”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”… Châu La Việt đã viết rằng: “Anh sớm trở thành thần tượng của những người lính trẻ chúng tôi. Và sau này thực sự anh trở thành một thần tượng thơ ca cho cả một thế hệ trẻ miền Bắc”.

 

Hoặc “Phạm Tiến Duật bao giờ cũng là niềm tự hào của mỗi chúng ta. Anh là một đỉnh cao của thơ ca chống Mỹ, là một con đại bàng hùng vĩ của Trường Sơn mà nơi ấy mỗi đỉnh núi cao, mỗi cánh rừng sâu như vẫn còn tạc trên vách đá vẫn còn vọng trong tiếng gió rừng những bài thơ bất hủ của anh”.(Anh Duật)

 

Châu La Việt lớn lên giữa những ngày chiến tranh, đất nước còn bộn bề gian khổ. Anh gắn bó với khu tập thể Bộ Tài chính ở số I Lê Phụng Hiểu – Hà Nội. Anh yêu nơi ấy, yêu những con người nơi ấy bằng một tình yêu thân thương như tình yêu anh dành cho Hà Nội cho những mùa đông giá lạnh với vẻ đẹp rất riêng. Trong một lần nghe ca sĩ Ngọc Tân hát bài “Nỗi nhớ mùa đông” của nhạc sĩ Phú Quang lời thơ Thảo Phương bí danh của Chị Mai Hương – người đã cùng gắn bó với khu nhà số I Lê Phụng Hiểu. Châu La Việt đã đồng cảm thốt lên “Nỗi nhớ mùa đông” mãi mãi là một gương mặt trong tâm hồn khu nhà chúng tôi, trong tâm hồn người yêu thơ Hà Nội. Bởi chị có trong thơ mình trái tim người thiếu phụ khao khát mà không thể trở về mùa đông Hà Nội, trở về những mối tình những hạnh phúc như nhịp cầu gãy đổ, chỉ có thể lặng thầm xót xa lau nước mắt, tiếc nuối hạnh phúc như một tiếng chuông chiều bay xa: Làm sao về được mùa đông!?!

 

Có lẽ Châu La Việt là một người có số phận trải qua nhiều đau khổ nhưng rất vinh quang và kiêu hãnh. Tôi ngưỡng mộ cảm phục anh vì điều đó. Theo tôi, niềm vinh quang và kiêu hãnh nhất của một con người không hoàn toàn thể hiện ở những thành tích mà người ấy đạt được, mà là ở chỗ họ có bên mình những người bạn tài năng, tốt bụng và cao đẹp. Hơn hết, bản thân người ấy cũng là một người như thế trong tình cảm yêu thương và cảm mến của bạn bầu. Châu La Việt là một người như thế. Bạn của anh đều là những tài năng lớn, hết mình cho nghệ thuật. Anh yêu quý, trân trọng họ và anh cũng được họ vô cùng cảm mến tin yêu. Một trong số đó là đạo diễn – Nghệ sĩ Đặng Tất Bình. Tên tuổi Đặng Tất Bình không chỉ gắn với những vai diễn nổi tiếng mà còn gắn với những bộ phim nổi tiếng do ông đạo diễn như: “Những người sống bên tôi”, “Thái sư Trần Thủ độ”… Châu La Việt đã dành cho nghệ sĩ này những dòng chân thành nhất “Như những nghệ sĩ khác như Thế Anh trong điện ảnh, Ngọc Tân trong âm nhạc… các anh là những gương mặt nghệ thuật hào hoa tôi chưa từng thấy xuất hiện lần thứ hai trong đời”. (Nghệ sĩ – Đạo diễn Đặng Tất Bình) Với Trương Nhuận – một người mà anh gọi là “Kẻ thông minh vốn sẵn tính trời” và “Anh hoa phát tiết” sớm, Châu La Việt coi Trương Nhuận như người em cùng họ Trương, hằng đánh giá cao Nhuận cả về tài năng, ý chí và sự khôn ngoan. “Có những người trong đời cũng gặp nghịch cảnh như anh em mình nhưng rồi họ đã “vịn” câu thơ mà đứng dậy. Em cũng đã một lần bằng những trang văn mà vượt nghịch cảnh vươn lên, tạo lập một cuộc sống vững vàng, một sự nghiệp có thể nói là thành đạt rực rỡ…”

 

Khi biết tin Trương Nhuận mắc bệnh hiểm nghèo, Châu La Việt rất xót xa thương cảm, anh tìm mọi cách giúp đỡ không chỉ dừng ở những lời động viên: “Bây giờ trong cuộc chiến đấu mới này, em hãy bằng những trang sách mà vững vàng đứng lên em nhé…”. Anh đã lao vào viết sách với một sự miệt mài và tốc độ phi thường. Tiền bán sách là để giúp bạn có tiền chữa bệnh. Thậm chí, một họa sĩ tặng anh bức tranh đẹp “Phiên chợ vùng cao” anh cũng đành bán đi với giá vài chục triệu để giúp bạn, giúp đồng đội nghèo có tiền chữa bệnh. Người hết lòng với bạn bầu như thế, trong xã hội nay thử hỏi có được mấy người?

 

Người bạn mà Châu La Việt dành cho nhiều lời ngợi ca và xót thương khác, đó là ca sĩ Ngọc Tân – người hát hay nhất về Hà Nội. Tôi biết ca sĩ Ngọc Tân qua những ca khúc tuyệt hay trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng phải đến tháng 2/1988 mới gặp người ca sĩ này khi anh vào Sông Bé. Khi ấy, tôi đang là sinh viên thì nhận được lời mời làm MC cho chương trình “Hội thi Tiếng hát công nhân ngành cao su”. Tôi nhận lời và chỉ có một mình, tôi phải dẫn suốt ba đêm công diễn liên tục. Năm ấy, ngành Cao su có mời hai ca sĩ từ Hà Nội vào: Ngọc Tân và Thái Bảo. Sau đêm công diễn thứ 2, tôi được anh Nguyễn Thanh Cao Chủ tịch Công đoàn ngành mời đến cùng ca sĩ Ngọc Tân. Chúng tôi trò chuyện về âm nhạc. Ngọc Tân khen tôi dẫn chương trình “Trang trọng lịch thiệp và sâu sắc”. Tôi rất vui. Khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng tôi vẫn nhớ về người ca sĩ hào hoa ấy mặc dù không biết gì về những vinh quang và cay đắng mà ngọc Tân đã trải qua. Chỉ đến khi đọc “Nhớ Ngọc Tân” của Châu La Việt tôi mới tỏ tường. Tôi xúc động trào nước mắt trước tình bạn thiết tha của họ. Châu La Việt kể rằng: Khi đột ngột nghe tin Ngọc Tân vượt biên (qua lời rỉ tai của nhạc sĩ Trần Tiến). Anh đã vô cùng sửng sốt và những câu thơ được viết ra từ nước mắt.“Bạn ra đi, tôi đã mất bạn rồi…” Khi hay tin Tân bị bắt, Châu La Việt đã đau đớn muốn được nhận về mình mọi nghiệt ngã để bạn được bình yên:

 

“Cho sóng hãy bình yên

Cho gió hãy bình yên

Xin bão tố dồn vào tim tôi hết”

 

Và cuối cùng là những lời thơ thấm thía:

 

“Một kẻ nghèo hát những lời lửa cháy

Để giàu hơn những điệp khúc tình yêu”

 

Giận bạn trong phút giây nông nổi đã lặng lẽ bỏ Tổ quốc ra đi, nhưng trên hết vẫn là tình yêu, sự xót thương vô bờ dành cho bạn.

 

“Có gì xót đau, có gì hờn giận

Nhưng trên tất cả là thương bạn Tân ơi!”

 

Anh thấu hiểu và đồng cảm với Ngọc Tân khi mới ngoài 30 tuổi, Ngọc Tân phải nếm trải đủ mùi cay đắng: Nào là nhà cháy, nào là mất trộm, nào là vẫy vùng giành giật sự sống giữa muôn trùng sóng nước, vợ mất, con thơ. Rồi lao tù, và thất nghiệp trắng tay trong sống cảnh “gà trống nuôi con”. Đỉnh cao danh vọng cũng là Tân mà tận đáy cuộc đời cũng là anh. “Tân kể, buổi đầu vào tù, bị ngay đại bàng đánh phủ đầu khi có người nhận ra Ngọc Tân, chúng tha không đánh nhưng bắt hát. Hát suốt đêm. Vợ mới chết, con bơ vơ, thân tù tội. Thế mà cứ phải hát “Một chiều mùa hè gặp nhau trên bến cảng”. Hát mà ứa nước mắt.

 

Châu La Việt đã dành cho Ngọc Tân – “Người hát bằng trái tim” thi sĩ (Lời của nghệ sĩ Quang Hưng) bao tình cảm ưu ái, xót thương bằng sự đồng cảm chân thành.

 

Tôi ngưỡng mộ, kính trọng Châu La Việt không chỉ ở tài năng đa dạng trên nhiều lĩnh vực, ở sự nổi tiếng của anh mà trước hết là ở tấm lòng đầy ân tình thiết tha anh dành cho bầu bạn. Giữa thời buổi mà nhiều giá trị đạo đức cao đẹp bị bào mòn, bị cuốn trôi, giữa những tháng năm nghiệt ngã của “Thời mạt Pháp” (theo quan niệm của nhà Phật) hay như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từng viết trong bài thơ Thói đời:

 

“Thế gian biến cải vũng nên đồi

Mặn, nhạt, chua, cay lẫn ngọt bùi

Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử

Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”.

 

Thì Châu La Việt và tình bạn trong sáng sâu nặng của anh càng trở lên hiếm hoi, quý giá vô ngần!

 

Tôi đã nghẹn lòng khi đọc “Chim én của anh bay đi, bay mãi đi”. Đây là tác phẩm viết về sự ra đi của nghệ sĩ ưu tú Quang Lý – một khuôn mặt nghệ sĩ hiền từ và giọng hát ngọt ngào tha thiết. Bài viết đong đầy cảm xúc trân trọng xót thương. Bởi: “Quang Lý là ca sĩ luôn biết đặt chữ tình cao hơn tất cả, sống rất tình người, tình bạn bè đồng nghiệp”. “Giọng Lý cất lên như sương bay, hình như Lý không hát chỉ hé môi cho sương khói bay ra như những cánh nhạc bay” (Châu La Việt). Sự ra đi của Quang Lý khiến cho Châu La Việt và nhạc sĩ Trần Tiến “Muốn khóc mà không thể khóc nổi nữa”. Giây phút ấy, anh đã viết cho người em, người nghệ sĩ mà mình yêu mến. “Cái chết là chuyện nhỏ không có gì phải bận tâm. Sống mới khó, sống làm người lại còn khó gấp trăm. Lý của anh là nhất, em đã sống đích thực và ra đi để lại tiếng chim thiêng. Chim én của anh bay đi, bay mãi đi, tạm biệt… tạm biệt chim én”. Đây là đoạn đọc của Châu La Việt trên nền tiếng hát của Quang Lý. “Em như chim bay xa… em như chim bay xa…” (Lời bài ca Tạm biệt chim én của nhạc sĩ Trần Tiến).

 

Với Châu La Việt “Lý đã sống trọn những năm tháng ngọt ngào những năm tháng đắng cay của người nghệ sĩ trên cuộc đời này”. Ngọt ngào trữ tình là thế nhưng khi lý giải những vấn đề có tính lý luận, giọng văn của Châu La Việt rất khúc triết, trí tuệ và sâu sắc. Về những hiện tượng tâm lý của con người (nhất là những người nghệ sĩ. Hãy nghe anh viết về mối tương giao tri kỉ của hai người tài năng “Phạm Tiến Duật và Trần Tiến”: “Tôi biết hai anh này gặp là mê nhau ngay, cái giống người tài vốn vậy, họ nhận ra nhau nhanh lắm, chỉ một buổi là thành tri kỷ”. Mối duyên tình tri kỷ của hai người tài ấy đã tạo nên một tác phẩm thơ – nhạc lừng danh suốt thời chống Mỹ “Din ba cầu”. Viết về nhạc sĩ Trần Tiến, Châu La Việt đã gửi vào đó rất nhiều niềm trân trọng “Con người nghệ sĩ Trần Tiến là một thực thể âm nhạc hoàn chỉnh, vừa là nhà thơ tạo nên những ca từ, vừa là nhạc sĩ hát lên những dòng thơ ấy bằng nhịp phách, bằng giai điệu rồi lại chính bằng vòm ngực và cổ họng của mình – người ca sĩ hát lên để chuyển tải nó đến rừng với suối với non cao biển rộng và với những trái tim con người”. (Người viết bài ca chim én)

 

Đọc: “Giai điệu mùa đông” còn gặp cả câu chuyện vô cùng xúc động về nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhà thơ chiến sĩ Bùi Văn Dung. Mối giao hòa tư tưởng, tình cảm lớn giữa họ đã làm nên những ca khúc bất hủ như: “Gửi nắng cho em”, “Con kênh ta đào”, “Giá em đừng yêu anh”… Cao hơn sự tri kỷ của hai trái tim, của nhạc và thơ, giữa người nhạc sĩ tài danh và nhà thơ chiến sĩ là trách nhiệm là niềm tin, là khát vọng nghệ thuật của người nghệ sĩ chân chính.

 

“Ông mang lá thư ấy lên lãnh đạo của Đài “Thưa anh, các anh có thể kỷ luật tôi và bài hát. Nhưng đây là nguyện vọng của những người chiến sĩ nơi chiến hào đang chiến đấu. Xin hãy vì những chiến sĩ ấy…”

 

 

Và còn nữa, ta còn gặp một nhà thơ, một người chiến sĩ, một người bạn mà Châu La Việt dành trọn cho những trân quý, yêu thương với tên gọi “Con ngựa hoang, cánh Đại bàng của núi”. Đó là nhà thơ Y Phương. Y Phương chính là Hứa Vĩnh Sước – tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng đậm chất núi rừng sông suối. Trong đó có bài thơ “Nói với con” được chọn in trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9.

 

Đọc cuốn sách này, người đọc sẽ có bao tư liệu quý để cảm nhận sâu sắc hơn các tác phẩm của Y Phương. Tình bạn giữa hai người chiến sĩ Lê Khánh Hoài (Châu La Việt) và Hứa Vĩnh Sước (Y Phương) gắn bó giữa chiến tranh. Qua người mẹ của Khánh Hoài – ca sĩ tài sắc nổi danh Tân Nhân, qua lời giới thiệu về các nhà văn, nhà thơ của bạn, Hứa Vĩnh Sước đã được thắp lên khát vọng trở thành nhà thơ. Ngày chia tay lên đường vào Nam chiến đấu, Khánh Hoài hứa sẽ đến thăm quê hương Cao Bằng. Nhưng phải đến nhiều năm sau lời hứa khi xưa mới được thực hiện. Tìm về thăm bạn, anh thật bất ngờ khi nghe bạn phân bua qua điện thoại đầy ân hận: “Tao đang ở Hà Nội – Tết này tao ăn tết ở Hà Nội mày ạ. Bây giờ cả gia đình tao chuyển về ở hẳn Hà Nội rồi”.

“Giời ơi!” Tôi gầm lên trong máy “Quê mày đẹp thế này mà sao mày bỏ mà đi hả Sước… Mày phải ở đây, mày phải là con ngựa hoang, mày phải là cánh đại bàng trên đỉnh núi này, mày phải là gió ngàn là thác nước gầm vang hiểu chưa hả Sước!” – Bao nhớ mong, nuối tiếc, bao kỳ vọng vụn vỡ trong cái tiếng “gầm lên trong máy” khi nghe tin bạn đã bỏ núi rừng về nơi phố thị. Nhưng rồi “Đầu dây đằng kia một tiếng nấc rồi òa lên tiếng khóc. Tiếng khóc như không thể kìm nén, tiếng khóc của một người lính tuổi đã ngoài 60 mà nức nở như một đứa trẻ thơ” và “Nói thật, nghe nó khóc tôi hãi hùng quá, không thể nói và cũng không thể nghe được nữa. Tôi tắt vội máy rồi ngồi chết lặng chỉ còn nhịp tim đập hổn hển…” Cuối cùng, Châu La Việt đã hiểu được vì sao “Con ngựa hoang, con đại bàng của núi” lại chịu rời xa núi rừng, chịu sống giam mình giữa phố phường chật hẹp. Đó là vì “Cá chuối đắm đuối vì con”. Nhưng anh vẫn mong “20 năm nữa… 30 năm hay 50 năm nữa… các cháu hãy trả bố về lại núi rừng sông suối.(Con ngựa hoang cánh đại bàng của núi)

 

Trải qua bao thăng trầm của kiếp người, bao biến ải của dòng đời, Châu La Việt vẫn dành cho bạn mình những tình cảm thân thương nhất. Biết mẹ rất quý Vĩnh Sước anh đã mua một quyển thơ của Y Phương (Vĩnh Sước) về tặng mẹ. Nhưng khi đọc bài giới thiệu về cuộc đời đầy gian khổ của Y Phương, anh lại giấu đi, không nỡ đưa mẹ đọc, sợ rằng trái tim nhân ái của bà sẽ không chịu nổi Châu La Việt chỉ thầm nói với mẹ anh rằng: “Thơ của nhà thơ Y Phương tức thằng Hứa Vĩnh Sước đây mẹ ạ. Giờ đây đôi chân nó đã yếu lắm rồi nhưng đôi tay nó vẫn giang rộng như đôi cánh đại bàng vẫy vùng giữa bầu trời xanh. Thơ của nó mãi mãi là tiếng hát của một con đại bàng mẹ ạ”.

 

Bao ân tình Châu La Việt trao gửi cho những người anh rất mực quý yêu. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ – người đã có những tác phẩm gắn liền với tên tuổi và sự thành công của mẹ anh. Đặc biệt là bài hát “Xa khơi”. Nói đến Tân Nhân là nói đến “xa khơi” và “xa khơi” chỉ trở nên hoàn hảo nhất, tuyệt vời da diết nhất qua tiếng hát như rút ra từ nỗi niềm, từ trái tim diết da thương nhớ của Tân Nhân. Đó còn là nghệ sĩ nhân dân Lê Dung với “Lê Dung ơi Tháng Sáu nhớ bạn”, là niềm yêu kính dành cho nhạc sĩ Huy Du trong “Hoàng hôn cháy”. Là sự ngưỡng mộ dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong “Cơn mưa rào trên vai”. Là tình cảm thân thương gắn liền bao kỉ niệm với nhà văn thuộc lớp đàn anh Phạm Trung Nhân trong “Nhà văn của binh trạm”… Nhớ về một thời lửa cháy, Châu La Việt đã có những trang văn vô cùng tha thiết: “Ai còn, ai mất? Bao sự tích hào hùng những năm tháng ấy, bao vẻ đẹp cao quý của người lính những năm tháng ấy lẽ nào theo con suối kia, theo con gió cánh rừng kia một đi không trở lại? Không, không và không! Nước có thể trôi gió có thể bay nhưng những chiến sĩ và cuộc đời của các anh – những cán bộ chiến sĩ của binh trạm 13 của chúng ta sẽ phải còn lại mãi, đọng lại mãi, không một cái gì có thể làm mất hay phai mờ.”

(Nhà văn của binh trạm)

 

Tôi đã đọc nhiều bài viết về nữ sĩ Xuân Quỳnh nhưng bài viết của Châu La Việt vẫn là bài tôi thích nhất. Bài viết của anh rất sâu sắc, rất riêng. Có lẽ một phần là do mối quan hệ thân tình của anh với vợ chồng Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ. Nếu bài viết của các tác giả khác thường khai thác ở tác phẩm thì Châu La Việt lại viết về những điều gần gũi, chân thực trong cuộc sống đời thường của người nữ sĩ tài hoa ấy.

 

Hãy đọc những dòng “Chị luôn chinh phục được bao người, không chỉ bởi vẻ đẹp nền nã mà còn bởi một tâm hồn mơ mộng, tinh tế, xao xuyến… Nhất là cùng vẻ đẹp của thi ca, còn là một vẻ đẹp của nghệ sĩ múa: được cả dáng, được cả hồn “Làn thu thủy nét xuân sơn hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Dù tài sắc nổi danh là thế nhưng Xuân Quỳnh vẫn “Chấp nhận làm một dòng sông nhỏ dồn tất cả cuộc đời để nuôi lớn cho biển khơi Lưu Quang Vũ. Chị nhận ra vẻ đẹp tâm hồn và tài năng lớn của anh. Chỉ có sự thông minh sắc sảo và một tâm hồn, rộng lớn mới có thể chấp nhận hy sinh cho nhau như thế”… Không thể không nói là: “Trong gia tài văn chương nghệ thuật chẳng mấy ai thời ấy đã có như anh không có một nửa là tâm hồn và sự hy sinh của Xuân Quỳnh lặn vào để làm nên…” Thương cảm biết bao trái tim chị Xuân Quỳnh những ngày đau trên giường bệnh, trái tim máu thịt có thể ngừng đập nhưng lại đau đáu mong ước “Biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Biết yêu anh cả khi chết đi rồi)

 

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết: “Một tác phẩm hay không bao giờ ta đọc một lần mà bỏ xuống được”.

 

 

Giai điệu mùa đông” thực sự là một tác phẩm hay, không thể chỉ đọc một lần mà muốn đọc và suy ngẫm mãi về những câu văn, đoạn văn sâu sắc, thấm đẫm ân tình. Tác phẩm này của Châu La Việt vừa là sự kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người ngọn lửa ấm áp mà nghệ sĩ mang trong lòng. Trong tuyển tập III của Nguyễn Đình Thi xuất bản năm 1997, ông đã viết: “Nghệ thuật giải phóng được cho con người khỏi biên giới của chính mình, nghệ thuật xây dựng con người, xây dựng đời sống tâm hồn cho xã hội”.

 

Tôi thiết nghĩ, đó cũng là ý nghĩa thực sự của “Giai điệu mùa đông” – Đó là khúc tâm tình nồng ấm mà Châu La Việt đã thắp lên và lan tỏa sự kì diệu của khúc ân tình như câu thơ anh viết.

 

Một kẻ nghèo hát những lời lửa cháy

Để giàu hơn điệp khúc tình yêu”

 

Châu La Việt đã viết “Giai điệu mùa đông” như lời nhà văn Đỗ Chu dặn dò, sâu sắc như một tuyên ngôn. “Việt ạ, suốt đời chú nhớ nhé, viết gì thì mặc chú nhưng đã viết thì hãy viết như mẹ ta từng hát. Ngậm từng chữ, nhả từng câu, đau như lòng tằm và quý phái như tấm lụa tơ tằm, say mê tột cùng và thương nhớ tột cùng”. (Chuyện về nhà văn Đỗ Chu) Còn đối với riêng tôi, tôi thầm nghĩ: sẽ thật hạnh phúc và may mắn cho những người đã đang và sẽ được là bạn bầu của Châu La Việt – một con người tài năng vinh quang và kiêu hãnh với trái tim nồng ấm, ân tình.

 

Bùi Thị Biên Linh