Những trang viết từ trái tim có nắng
- Thứ hai - 09/12/2024 19:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Tam Tran)
NHỮNG TRANG VIẾT TỪ TRÁI TIM CÓ NẮNG
(Bùi Thị Biên Linh)
Trong cảm nhận của tôi, cuốn sách thứ 13 của Trần Huyền Tâm “Lưng túi gió trăng” là “Những trang viết tỏa sáng của trí tuệ và thấm đẫm ân tình ấm áp của một Trái tim có nắng”. Cuốn sách tập hợp nhiều bài lý luận phê bình văn học của cô. Tôi thường nói với Tâm mỗi khi cô đề nghị tôi viết lời giới thiệu cho tập sách của một bạn văn nào đó rằng: “Chị soi vào những việc làm của em cho mọi người mà luôn cố gắng!”. Bởi với tôi, viết giới thiệu sách cho người khác là một việc vô cùng khó. Nó đòi hỏi người viết phải đủ tầm, đủ tâm để thẩm thấu tác phẩm, đủ kiên nhẫn để đọc kỹ mà tìm ra cái “Chất”, cái “Hồn riêng” của tác giả và tác phẩm, lại cần phải có trình về ngôn từ để “Khen cho Chất” và “Chê cho thấu”, sao cho “lọt vào lòng người đọc”, đặc biệt là “lọt lòng tác giả!”
Từ lâu, tôi đã rất cảm phục và ngưỡng mộ cô bạn từ thuở thơ ấu này của mình. Huyền Tâm trí tuệ, đa tài, nhiệt tâm và luôn ân tình với mọi người đặc biệt là với các Búp thân yêu (Búp là tên gọi thân thương của những nghệ sĩ nhí trong lớp học sáng tác văn học nghệ thuật thời niên thiếu đầu tiên trên cả nước do Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình tổ chức từ 1976 đến năm 1991).
Là một nhà quản lý với chức vụ Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Tâm rất bận. Nhưng cô vẫn luôn chắt chiu thời gian cho văn chương nghệ thuật và viết lời bình, lời giới thiệu sách cho các bạn. Ngoài sáng tác và xuất bản các tập sách đủ mọi thể loại thơ, tản văn, lý luận phê bình văn học (số lượng tác phẩm đứng đầu nhà Búp), Tâm còn là người chủ biên tất cả những cuốn sách chung của Nhà Búp và làm admin, tổng biên tập cho Trang văn chương nghệ thuật mang tên Nhà Búp, Fanpage Nhà Búp, kênh Youtube Nhà Búp, phục vụ cho hàng chục ngàn độc giả, hội tụ hàng trăm tác giả là những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, họa sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia có tên tuổi trên cả nước (mà nòng cốt là những thành viên nhóm Búp trên cành). Không chỉ là một Tổng Biên tập mà Tâm còn là Biên tập viên có tâm, cần mẫn sửa lỗi, nhặt sạn cho từng tác phẩm để những sáng tạo nghệ thuật được chắp cánh và lan tỏa những giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn đến độc giả gần xa.
Đáng ngưỡng mộ hơn nữa, Trần Huyền Tâm là người viết bài giới thiệu sách cho tất cả mọi thành viên Nhà Búp. Là người cũng từng viết các bài lý luận phê bình văn học, tôi thấu cảm được cái tâm của Huyền Tâm trong từng trang viết. Cô viết bằng tất cả sự trân trọng, nâng niu và cẩn trọng. Cô biết cách chọn những cái đẹp, cái tinh hoa của từng tác giả, và rồi chắp cánh cho những con chữ thăng hoa. Cô tiếp sức, cổ vũ cho bạn bầu thêm tin yêu mà tiếp tục sáng tạo. Mỗi bài viết đều là sự kết tinh của ân tình và trí tuệ của nhà ngoại giao tài hoa đam mê sáng tạo nghệ thuật này. Chẳng quản thời gian, chẳng nề công sức, Huyền Tâm đã làm một công việc rất khó là “sáng tạo của sáng tạo” để làm nên món quà tinh thần quý giá tặng cho những bạn bầu cùng “Lưng túi gió trăng” - Những người cô ngưỡng mộ và yêu mến. Mỗi bài viết - mỗi tác phẩm - trong tập sách đều là chân dung nghệ sĩ của người cầm bút. Họ là thầy, là bạn, là chị, là em, là những người dù công tác ở những lĩnh vực khác nhau, sinh sống ở những vùng miền khác nhau nhưng đều có chung niềm say mê, nhiệt huyết sáng tạo, nhằm dâng tặng cho cuộc sống này những “Khúc vi diệu mê say”, làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp.
Mỗi trang viết đều đem đến cho người đọc cảm nhận mới mẻ sâu sắc về chân dung cuộc đời, chân dung tâm hồn của từng tác giả qua những tác phẩm của họ. Và chính sự hòa quyện giữa cuộc đời thực và cuộc đời trong tác phẩm đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt trong “Lưng túi gió trăng”. Bởi vậy nên tất cả các chân dung nhà văn nhà thơ bạn bầu văn chương như Ánh Tuyết, Biên Linh, Lan Anh, Thanh Huyền, Toán, Diệu Liên, Thu Huệ, Trương Minh Hiếu.. đều hiện lên trên từng trang viết của cô với một vẻ đẹp hoàn mỹ, rất đỗi cao sang và rất đỗi thân thương.
Với cách viết nhẹ nhàng nhân nha như kể chuyện, Tâm dẫn dắt người đọc đi từ những nét riêng nổi bật của người thơ, người văn rồi mới “kể” về những gì họ viết. Đây là cách viết gần gũi, giản dị khiến người đọc dễ hiểu, dễ đón nhận tác phẩm. Một cách viết mộc mạc, dễ chinh phục lòng người. Thông thường, khi giảng dạy về tác phẩm, tôi cũng thường cố gắng tìm và cung cấp cho học sinh những thông tin quý về cuộc đời, quan điểm nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm, mục đích của tác giả, sau đó mới khám phá tác phẩm. Hiệu quả rất như mong đợi. Trần Huyền Tâm đã dùng thủ pháp này để tạo nên những trang viết lôi cuốn, hấp dẫn. Đương nhiên nó rất công phu.
Viết về nhà thơ Kim Chuông trong bài “Tôi đã có người thầy như thế” Tâm đã nhắc về những kỷ niệm thân thương từ buổi ban đầu được gặp thầy và cả hành trình gắn bó với nghệ thuật đã khắc nên tình cảm đặc biệt của người thầy tài hoa, nhân hậu của nhóm “Búp Trên Cành”. Với những dòng thông tin đầy ấn tượng “Tra cứu trên Google với cụm từ tìm kiếm ‘nhà thơ Kim Chuông’ có thể tìm thấy 2700.000 kết quả trong vòng 0,28 giây mới thấy ông thực sự nổi tiếng cỡ nào”, người đọc như nghe được tiếng reo đầy tự hào của cô trò xưa khi được “khoe” về thầy mình như thế. Những tâm sự đằm sâu, nao lòng xen lẫn với bao điều thấu cảm, rưng rưng khi nhà thơ Kim Chuông gọi điện bảo: “Chú buồn lắm Tâm ạ, bây giờ chú không còn viết được nhiều, được hay như trước nữa đâu. À mà nói dại, nhỡ chú có mệnh hệ gì… thì chú không còn cơ hội được thực hiện ước mơ viết bài giới thiệu cho tác phẩm của các Búp”. Kính trọng biết bao người thầy nhân hậu hết lòng vì các trò xưa, hết lòng vì nghệ thuật mà cống hiến. Đọc Tâm mà thấy yêu hơn những tranh sách của thầy, bởi “Dưới góc nhìn của chúng tôi, lục bát Kim chuông hay đến lạ kỳ. Nó không chỉ là cảnh, là cảm, là tình mà còn là hình là tượng, là thanh. Là trong xanh đến vô biên của vũ trụ. Là mê đắm đến nổi chìm của biển cả trào dâng. Là tinh tế ở tâm thi. Là trí tuệ ở tứ thi. Là miên man dạt dào sau thẳm ở thi hứng”.
Viết về nhà thơ Ánh Tuyết và tác phẩm “Phượng thu” Tâm lại thủ thỉ “kể” rằng: “thơ văn của chị đằm thắm dịu dàng đầy yêu thương như con người chị vậy… Sau hình ảnh của một người đàn bà đi qua những đêm dài nhọc nhằn buồn tủi tôi luôn tìm thấy một tấm lòng nhẫn nhịn bao dung”. Và “Xôn xao một sắc hoa trái mùa không ồn ào rực rỡ. Sắc đỏ ấy đang lặng lẽ cháy giữa trảng màu miên man xanh lá. Nó giống như vết son nhẹ nhàng mà ngọn gió tinh nghịch nào đó khi chạy qua đường thu đã cố ý cài lên “để rồi, dưới con mắt của nhà thơ, sắc hoa trái mùa đó như là một cái chạm nhẹ thuần khiết tinh không của mùa hè bỏng cháy để lại trong thu một nốt nhạc giao mùa”.
Có thể thấy sự thấu cảm, sự tinh tế và những ngôn từ phê bình văn học của Trần Huyền Tâm thấm đẫm chất thơ và mối cơ duyên gặp nhau từ thuở 11, 12 tuổi cùng tình bạn hơn 40 năm qua với Biên Linh là những gì Trần Huyền Tâm chia sẻ: Tôi thích thơ của chị, yêu con người chị bởi ngoài đời hay trong thơ, tôi luôn gặp một Bùi Thị Biên Linh dịu dàng đằm thắm, sâu lắng và tin yêu. Bởi, nói chuyện với chị, gặp chị là có thể nghe, có thể nhìn, có thể cảm, có thể thấu một tâm hồn tươi xanh trong trẻo đang nhẹ nhàng cất lên tiếng hát dịu lành đầy cảm mến của một người đến từ “Khoảng xanh miền nắng”.
Có thể thấy giữa họ một sự gắn bó tâm hồn qua kết nối của văn chương. Văn chương càng làm cho tình bạn thêm ấm áp: “Tôi thường tìm đến thơ văn của Biên Linh trong lúc tâm mình bung biêng nhất, xáo động nhất để cảm và để ngẫm để tĩnh lại mình. Bởi văn thơ chị luôn hiền dịu, chân thành, mộc mạc mà sâu. Nó cho tôi cảm giác như vừa đi qua những ngày nóng nôi oi bức được tắm táp gột rửa trong những giọt mưa mát lành… Bất cứ bài viết nào của chị cũng đem đến cho tôi cảm giác dịu lành như thế.”
Đó còn là những trân trọng thấu cảm về lẽ sống, cách sống cùng hướng về Chân –Thiện – Nhẫn. Hơn cả thơ văn, họ đang cùng nhau cố gắng mỗi ngày để cuộc đời thêm niềm tin yêu: Tôi nhớ đến lời tâm tình của chị “Sống mà không có niềm tin yêu thì khổ lắm.... Chị cảm ơn Tâm vì nhờ có em mà chị có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống, biết được thế nào là bình an là an nhiên, là tha thứ, là tu sửa bản thân mình”
Với người Đẹp - Tài hoa của Nhà Búp Bùi Thanh Huyền, Trần Huyền Tâm đã có những dòng văn ngưỡng mộ và thấu cảm: “Nhìn chị thật xinh xắn với cặp mắt to đen, rạng ngời và nụ cười hiền dịu luôn theo cùng giọng nói êm đềm và hay đến mê hoặc”...
“Tôi đã đọc Bùi Thanh Huyền theo thời gian, theo những tháng ngày cùng tuế nguyệt vơi đầy .., tôi cũng dõi theo những bước chân của chị .... cùng “Chạy dọc Mùa Thu” để lắng nghe, để đồng cảm, để lý giải về tiếng tức tưởi nghẹn ngào của “Một cánh sẻ nâu”, để cùng chị lắng tiếng tâm tình của “Một khúc thu vàng...”. Và Tâm đã sẻ chia tâm tình với tiếng lòng của người đàn bà đa mang kiêu hãnh ấy khi cảm nhận về bài thơ Trái tim thức: “Lần này là với niềm tâm sự của trái tim yêu đang đau. Một trái tim thủ thủ những nỗi niềm. Một trái tim yêu thương thiện lành. Một trái tim bé bỏng, vô vọng. Một trái tim đang lần lần tìm đường thoát khỏi cảnh đau đớn mà trong cuộc đời nhân thế này, nó vô tình vấp phải”
Với Trần Huyền Tâm, Nguyễn Thị Toán (hiệu trưởng trường PTTH Trần Nhân Tông ở Đắk Lắk) là một người bạn, người em gắn bó với bao kỉ niệm đẹp. Cô bé “mắt đen có cái nhìn thông minh cương nghị” với những bài thơ “như quả núi đè trên lên vóc hình nhỏ nhoi mảnh dẻ của Toán”
Trong cảm nhận sắc sảo của nhà ngoại giao Trần Huyền Tâm “Văn thơ Toán không chỉ biểu hiện ở cách viết chắc tay, sự tư duy già dặn về cuộc đời, sự sáng tạo về ngôn từ của người cầm bút mà còn phản ánh vẻ đẹp đằm thắm nghĩa tình...”
Tâm gọi Tập thơ “Nơi thao thiết những vòm xanh” của Nguyễn Thị Toán là “một miền xanh không tuổi, một cái nhìn xanh tràn đầy lạc quan yêu đời”. Hay “Đọc những câu thơ dịu dàng mà cương quyết, tinh tế mà sâu lắng rất “nghề nghiệp” này, ta như thấy cô giáo Toán đang thủ thỉ với các trò của mình và trước mắt ta một miền xanh hiện lên dìu dặt mà thân thương đến lạ”. Hoặc “Cho dù đó là mùa xuân, mùa Hạ, mùa Đông hay mùa Thu ... thì màu xanh ấy, dòng xanh ấy, niem xanh ấy vẫn luôn hát trong thơ Toán một màu rất riêng, một màu sắc luôn thao thiết, luôn vỗ về, luôn mãi thắm tươi”.
Dễ thấy Trần Huyền Tâm rất khéo léo và say mê khi chọn cách viết sử dụng liên tục phép điệp kiểu câu, điệp cấu trúc để tạo nên một dòng chảy tha thiết và sôi nổi tràn đầy cảm hứng cho mỗi trang viết của mình. Cách viết này cũng tạo nên giọng điệu riêng đầy say mê lôi cuốn. Tâm đối với bạn bầu luôn quan tâm, sâu sát, tiếp lửa và truyền lửa cho bạn bầu qua nhiều hoạt động của Nhà Búp.
Trong các cuộc tụ họp văn chương, khi ở Vườn Vua Phú Thọ, khi về quê lúa Thái Bình, khi lại giữa Hà Nội hào hoa .... Trần Huyền Tâm luôn là người “khởi xướng” đầy thuyết phục. Những lần ra mắt sách trang trọng và sang trọng, những khi tụ họp dung dăng dung dẻ trên những con phố, những cánh đồng quê rực rỡ sắc hoa hay về lại chốn quê xưa với bao ân tình thương nhớ. Những giây phút bên nhau ấy đã khiến Tâm có dịp gần gũi hơn với các bạn các em nhóm Búp, hiểu và thấu cảm hơn bầu bạn của mình. Viết về các Búp, Trần Huyền Tâm chỉ cần vài dòng thôi đã khắc nên chân dung, “hồn vía” của từng người. Tinh tế mà sâu nặng!
Ví như khi viết về Bùi Lan Anh - Búp Bơ, một nhà báo xinh đẹp, tài năng và luôn bừng bừng sức trẻ. “Em rất nghịch ngợm, lém lỉnh. Hình như ở em, cái gì cũng là sẽ hơi quá một chút, chứ nó không hẳn bình thường như những đứa trẻ ở tuổi lên 10. Nhìn lại những bức ảnh chụp tại Trại viết Búp trên cành năm ấy, tôi không thấy có em. Hỏi thì em bảo chắc lúc đó em đang ngồi vắt vẻo trên cành cây táo trong cái vườn nho nhỏ của Hội Văn nghệ. Khi ấy, em vừa thoát khỏi tuổi “nhi đồng thối tai” thôi. Thế mà sau này, trong một lần cả nhóm tụ họp, em hùng hồn tuyên bố là lúc đó, vào lúc em 10 tuổi ấy, em đã viết thơ tình rồi.” Chúng tôi hay gọi Lan Anh là “Nhà thơ tình của tuổi lên 10” bởi những câu nói thật đáng yêu ấy. Cái con bé xinh xắn dám tuyên bố “Vào lúc em 10 tuổi em đã viết thơ tình” làm lũ chúng tôi ngày ấy tròn mắt dẹt nhìn nhau. Để rồi lớn lên, vẫn là em với những vần thơ tình làm người ta tan chảy:
“Thôi ta uống nốt giọt này
Nghe đi cho hết những bài hát xưa
Anh ngồi ngắm hết em chưa
Những môi, những mắt như vừa mới quen
Giọt này uống nốt đi em
Nắng chiều vàng thế ai đem đi rồi
Chuyện xưa - xưa lắm một thời
Còn đâu quán vắng với người tôi yêu”
Và Trần Huyền Tâm đã cảm nhận về Lan Anh và những vần thơ da diết ấy. “Đúng là từ ngữ thì không lạ lẫm gì, nhưng mà cái men này thì say lắm khó mà tả được. Người ta bảo chỉ có hai thứ say không giấu được: Một là say tình, hai là say rượu... Rõ đa tình. Rõ chân tình. Rõ phiêu linh...” Hoặc “Em bảo làm báo là phải lạnh lùng tỉnh táo. Ai mà dám tin... Cái lạnh lùng tỉnh táo của em đã tạo thêm nhiều cơ hội cho tôi tu chữ Nhẫn... Em luôn mang lại cho tôi những cái nhìn mới mẻ độc lạ trong cảm nhận suy tư trong cảm nhận, văng xa và ngân vọng - Những cái nhìn đầy nội lực của một nhà báo nhà thơ có nghề có tâm, đa tài. Lan Anh viết không nhiều nhưng bài nào em viết ra cũng hay, ngắn và chất”.
Người em út của Nhóm Búp chúng tôi là cô giáo dạy Toán Nguyễn Diệu Liên đa tài, xinh đẹp. Thơ Liên xinh xắn như em vậy. Vừa dịu dàng vừa trong sáng nhưng không ít bài lắng sâu da diết. Trong nỗi nhớ nghiêng Diệu Liên đã đem đến cho Trần Huyền Tâm niềm cảm hứng được ghi nhận lại “Là cô giáo dạy toán, là con út trong gia đình và là người giỏi về nhạc họa nên thơ Liên có sắc màu riêng. Nó vừa đủ ngắn gọn, vừa đủ lãng đãng, mơ mộng, vừa đủ nũng nịu, yêu kiều, vừa đủ bao dung, thanh thoát. Những câu từ được sử dụng trong thơ em luôn gợi cảm, giàu hình tượng, âm thanh”.
Đoạn khác Huyền Tâm viết “Chất nhạc, chất họa ấy,... những vần thơ dịu dàng của Liên theo cánh diều bay lên bay lên thật cao. Để bình yên thêm một lần nữa đưa ta về một miền xanh thẳm nơi đó có những ngọt lành yêu thương luôn chờ sẵn”. Người đọc thấy rõ tấm lòng yêu thương, trân trọng của Tâm dành cho cô út tài hoa “Trước mắt tôi không chỉ là một thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ mà đích thực là một đóa sen trắng, một nàng tiên áo trắng tinh khôi Diệu Liên”.
Với văn chương, Huyền Tâm luôn gắn bó và đốt lửa cho bè bạn. Trương Minh Hiếu có lần nói với tôi rằng: “Em in tập thơ này là vì chị Tâm Trần tạo động lực cho em đấy! Chị ấy luôn cổ vũ và biên tập thơ cho em”. Tâm đã viết về Hiếu với những dòng thấu cảm như viết cho chính mình và những người con rời xa quê sinh sống nơi đất khách “Là một người em phải mưu sinh nơi đất khách quê người, quê nhà và người quê trong thơ anh luôn là nỗi niềm đau đáu nhớ thương, cảm thông và chia sẻ...” hay “Ở chiều về thăm quê” thơ anh lại lắng về miền ký ức nơi mà cảnh quê còn đó nhưng người xưa giờ ở nơi nao. Những ngõ nhỏ, những đêm trăng, con đê vạt cỏ lối mòn... Những câu thơ bật lên sao da diết bồi hồi…” Huyền Tâm đã dành cho tập thơ “Cội” của Trương Minh Hiếu những đồng cảm đầy trân trọng “Những câu thơ đầy suy tư, cảm thông. Những cái giật mình của một đứa con xa quê bất chợt nhớ về và mối lo ngại trở trăn thương quê, thương người dân quê mỗi khi mùa lũ về nước dâng ngập đường trắng ruộng”. Cô phát hiện ra “Thơ Hiếu có cái nhìn đầy triết lý, tự tin, điềm tĩnh trước cảnh vật hiện tượng mà anh gặp, nhìn thấy và biết. Như thể anh đang an nhiên làm chủ cuộc chơi, đang nhân ái nắm tay cái lý cái tình để mà phân minh, tường giải, để mà an ủi vỗ về”. Bởi vì “Cội” của Trương Minh Hiếu trong cảm nhận của Tâm đã “Khơi dậy cho người đọc cảm xúc bình yên ấm áp thân thuộc, mộc mạc chân tình, Người đọc cảm nhận được hương vị cuộc đời tác giả ủ kén bên trong như cái duyên thấm dịu dàng tỏa hương dịu dàng dâng hiến.”
Nhóm Búp chúng tôi có một người con gái mang cả hương đồng gió nội vùng đồng bằng Bắc Bộ vào Đồng Tháp Mười, mênh mông mà gắn bó, quyện hòa. Cô đã thành công, thành danh trên vùng đất của hương sen bát ngát. Đó là Trần Thu Huê. Huê đã sống và viết nhiều về cảnh sắc miền Tây. Đọc bài viết của Trần Huyền Tâm, người đọc biết thêm nhiều thú vị.
“Cảm ơn Sen. Cảm ơn một loài hoa đã cho tôi ngộ ra nhiều điều. Cảm ơn Sen đã làm cho Huê thấy yêu thương gắn bó với Đồng Tháp Mười. Mảnh đất được coi là quê hương thứ hai của cô. Cảm ơn Sen đã khiến Huê từng bước khẳng định mình, từng bước xứng với cái tên rất đẹp mà các bạn Búp ưu ái đặt cho cô... một đóa hoa Sen thơm ngát đẹp tươi đang lặng lẽ giữa đất trời mà tỏa hương vươn sắc”.
Trong cảm nhận của người đọc, cô bé giỏi văn từ cấp I, cấp II, Trần Thu Huê không chỉ có những bài viết thật súc tích, sinh động thời thơ ấu mà còn là chủ nhân của “những con chữ ngạt ngào, thanh mát” để đem lại “cảm giác như được nhìn thấy em trong muôn vàn đóa Sen Đồng Tháp, những vần Sen đang trân quý từng thốn thời gian mà chất lọc tinh hoa của đất trời, mà trải ra muôn phương tình yêu thương lành dịu, mà đem hương sắc phù sa dâng hiến cho đời... Những con chữ của Huê như dìu tôi trong mênh mang hương sắc ấy...”
Thiết nghĩ phải là người yêu bạn và yêu Sen lắm, phải lắng lòng thưởng thức từng con chữ đồng điệu trong từng nhịp rung của mỗi tiếng tơ lòng trước vẻ đẹp thanh tao của Sen - loài hoa được cả dân tộc Việt Nam tôn thờ, Trần Huyền Tâm mới có những dòng văn mượt mà sâu lắng và thanh tao như thế!
Đang say cùng Huyền Tâm trong những tác phẩm của Hoa Sen Đồng Tháp thì cuộc gọi líu lo từ Thành phố Hoa Phượng đỏ: “Chị Sóng ơi! Chị Tâm đang biên tập Dấu yêu gửi lại cho em! Dưng mà! Em viết toàn lỗi thôi. Chuyến này chị Tâm chết dở khi sửa cho em đấy nhỉ. Cái trình công nghệ của em sao mà chán thế”. Tôi rộn ràng vì vớ được đồng minh. “Tâm đâu chỉ khổ vì mình em đâu. Nàng ấy nhặt sạn cho gần như tất tần tật chúng ta đấy chứ! Nàng ấy còn khổ với chị hơn!”
Với sự tận tụy hết mình của Trần Huyền Tâm, “Dấu yêu gửi lại” của Phạm Minh Châu đã chính thức ra đời trong sự hân hoan đón chờ của người đọc. Hãy nghe Tâm cảm nhận “Châu thực sự là một bông hoa đẹp thơm, sắc hương hài hòa. Châu có gương mặt khả ái, ưa nhìn, nụ cười rạng rỡ, ảnh mắt ngời sáng của cô gái vừa tài hoa, vừa hiền thục này đã làm nên vẻ đẹp lấp lánh của “viên ngọc quý“ đúng như tên gọi của cô... Dường như cả bốn mùa hương sắc đều đủ đầy hội tụ ở con người ấy, ở tâm hồn ấy”
Quả là “yêu người bao nhiêu” yêu văn người bấy nhiêu khi mà “Tập thơ văn gan ruột này của cô cũng đẹp, cũng trong, cũng thanh tao và quyến rũ hệt như tâm hồn của cô vậy”.
Có lẽ Trần Huyền Tâm đã dành cho “Dấu yêu gửi lại” những cảm nhận đồng điệu và thấu cảm chan chứa nhất “Tôi không sao kìm nén được cảm xúc hào hứng, ngạc nhiên, thích thú say mê” Bởi nhiều trang viết của Phạm Minh Châu đã cho cô cảm giác “như được trở về lại miền quê yêu dấu nơi đã cất giữ tuổi thơ của mình. Như được sống lại một thời ở cõi tiên an lành xa xưa nào đó...”. Theo Tâm “đó là cuốn nhật ký cuộc đời của Minh Châu mà người viết đã gói gọn cả thân, thần mình trong đó”.
Những dòng cảm nhận về Nguyễn Phương Thủy và thơ văn của Thủy là những tâm tình mộc mạc, sẻ chia: “Đọc ‘Ngân lên từ nỗi nhớ’ của Thủy tôi thêm phần nể phục cô bởi tôi không có nhiều bài thơ hay viết tặng các con như Thủy” hoặc “Thủy sinh ra và lớn lên trong một gia đình 4 thế hệ làm nghề dạy học, bản thân cũng là người đi gieo những con chữ trên cánh đồng văn hóa nên cũng dễ hiểu vì sao tâm hồn cô lúc nào cũng ấm áp như vậy”. Hay “Chiếm một dung lượng không nhỏ trong tập thơ của Thủy là những bài viết tặng bạn bè thời thơ ấu, từ cái thuở còn là Búp trên cành. Những câu thơ được viết ra từ những nỗi nhớ trong vía hồn của một người xa quê...”.... “và nhiều nhất vẫn là những bài thơ tình cô viết tặng người bạn đời của mình, một người đã không cùng cô đi hết năm tháng đời người của kiếp nhân sinh này. Những câu thơ yêu thương đến cạn lòng, yêu đến nhức nhối tâm can của một người đàn bà yêu hết mình, đắm đuối hết mình về những mối duyên nợ có từ kiếp trước, nay trả lại cho người”.
Tôi nhận ra rằng: Trần Huyền Tâm đã thực sự trên cơ sở những sáng tạo nghệ thuật của các thành viên Nhà Búp mà dựng lên chân dung của họ một cách đầy trân trọng, yêu thương. Đó là những bức chân dung đa diện nhiều chiều, đầy yêu thương, đầy trân quý và ngưỡng mộ. Cô đã thật sự sáng tạo cho mình và mọi người những tác phẩm thật mới mẻ, thật hay và ý nghĩa.
Có thể coi “Lưng túi gió trăng” là những khúc ân tình sang trọng tha thiết, đầy ắp ký ức, kỷ niệm thân thương về một thuở Búp Trên Cành của Trần Huyền Tâm và thầy cô bầu bạn.
Hiếm có cuốn sách nào độc đáo và trân quý như thế về tình thầy trò, chị em bạn bầu như thế trên thế gian này. Xin mượn lời của Trần Huyền Tân thay cho lời kết.
“Tôi mượn câu Kiều “Lưng túi gió trăng” để làm tiêu đề cho những dòng cảm nhận dành tặng những người đã cùng tôi đã qua năm tháng cuộc đời, có chung mối duyên thiên định với văn chương chung tâm hồn đồng điệu trong cảm nhận và đam mê sáng tác văn học”… “để mối thiên duyên phong vật kỳ ảo này sẽ mãi ngân nga những giai điệu vi diệu kết nối lan tỏa những yêu thương nồng cháy,, chắp cánh cho những con chữ chu thiên thường hằng tỏa lan hương sắc phù sa đem lại cho tôi, cho bạn niềm tin yêu và sức mạnh vô biên vô lượng”... “để chúng tôi cùng nhau thăng hoa tỏa sáng và tiến tới viên mãn!!!”