Phạm Hồng Oanh và Hoa nở không mùa

Phạm Hồng Oanh và Hoa nở không mùa
Có thể nói, khi Phạm Hồng Oanh chỉ để lòng mình đối diện với chính lòng mình, “Tâm thi” của nhà thơ đã hóa thành “Thần minh chi chủ,” đã sáng dậy mọi hình hài thi tứ. Từ “Mặt trời xa lắc” đến “Hoa nở không mùa.” Với hai tập thơ còn khiêm nhường trong gia tài của đời người cầm bút. Nhưng cái quý ở thơ là, Phạm Hồng Oanh đã tìm được dáng vẻ riêng mình trong số đông những nhà văn Thái Bình đang cầm bút và viết.
 
        

PHẠM HỒNG OANH VÀ "HOA NỞ KHÔNG MÙA"

 

Mùa hè 1976, rồi đều đặn mười bảy, mười tám năm tiếp đó, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình liên tục mở lớp đào tạo, bồi dưỡng (thường thì một tháng, có năm hai tháng) cho các em học sinh có năng khiếu sáng tác văn học, thu hút các Nhà văn Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Phong Thu ... và các nhà văn trong tỉnh cùng tham gia giảng dạy.

 

Gần một phần tư thế kỷ, với hơn một trăm “Nhà văn nhí” đi qua “Cửa Khổng, sân Trình” này từ “mảnh vườn văn chương” một thời được mọi người chăm chút, các em đã lần lượt lớn lên, đã hăm hở bước vào hàng trăm lối rẽ khác nhau trong cuộc đời, trong đó có chút “lưng túi văn chương” mang theo từ cửa ngõ Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình thân thương ấy.

 

Cùng với Lã Thị Bắc Lý, Trần Huyền Tâm, Đỗ Mai Hương, Bùi Thị Biên Linh, Minh Yến, Bùi Lan Anh, Nhã Lê ... Những “hạt giống” thủy chung “trụ mình” chặt bền với văn chương, báo chí, Phạm Hồng Oanh đã làm nên tuổi tên ở những bài thơ hay. Ở những thi phẩm được in riêng thành tập. Ở những giải thưởng Văn học giành về từ các cuộc thi. Ở những bài viết thường xuyên xuất hiện trên các trang văn nghệ, báo chí ...

Cho đến bây giờ, dẫu đã về sống ở Hải Phòng, quê mẹ, sau gần bốn mươi năm gắn bó “Đời Văn” với Thái Bình, đất lúa, tôi vẫn không thể quên hình ảnh nữ “Thi sĩ Phạm Hồng Oanh” buổi ấy. Oanh được Nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo phát hiện, từ học sinh giỏi của một trường tiểu học với chùm thơ Oanh ngẫu hứng viết ra.

 

Nhìn Oanh nhập lớp, tôi im lặng thốt lên. “Ồ. Lạ quá. Thương quá.” Cô bé nhà quê dép “chân đực, chân cái,” da sạm cháy, vẻ mặc cảm, rụt rè ... Mới hơn chục tuổi đầu mà thơ Oanh “đã thế này a?” Tôi đọc thơ Oanh mà chợt se lòng. Chợt ngùi ngùi, thương cho “tuổi Oanh”, thương cho cái điều Oanh nghĩ:

 

“Khẽ cúi xuống nhìn mình lặng lẽ

Ta sợ bóng ta

Ta sợ chính mình...”

 

Đấy là bài thơ Oanh viết “Tặng Oanh”. Oanh viết về “cái Tôi” trước tháng năm, dự cảm. “Trời !” Mới hơn chục tuổi đầu, chắc chắn Oanh chưa học Phật. Chưa hiểu “Tứ đề bốn pháp ấn”. Chưa hiểu thế giới quan, bản thể luận của Phật. Chưa đọc “Bát khổ”. Vậy mà, sau “Sinh, lão, bệnh, tử”, “Ái thụ biệt ly”, “Oán tăng sở khổ”, “Sở cầu bất đắc,” là “Ngũ thủ uẩn khổ” đấy. Cái nỗi khổ thứ tám này, là căn nguyên, gốc rễ đời người mà Oanh cảm được. Bởi “Ngũ thủ uẩn” là năm yếu tố làm nên kết cấu con người. Bởi, cái đầu tiên của “Ngũ thủ uẩn” là “Sắc”. “Sắc là Có”. Than ơi, vì “có Ta” với bao nhiêu dục vọng trên đời kia mà Ta khổ vậy”.

 

Trước bao nhiêu trang viết của bạn bè thuở ấy, với tuổi thơ là những cảm hứng từ cái nhìn thật tươi non, hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Vậy mà, Phạm Hồng Oanh đã nghĩ, đã chợt thấm cái nỗi niềm thân phận kia sao? Oanh đã tư duy, thấm trải? Hay, mọi nhận biết, khái quát của triết học đều được đúc kết, được đẻ ra từ hiện thực tươi xanh của cuộc đời rộng lớn ? …

 

Tôi ngắm nhìn Oanh và ngầm dõi theo Oanh trên những trang viết sau này.

 

Vào đầu những năm 1990, sau hai lần được giải thưởng Cuộc thi “Thơ Tuổi xanh” của Báo Tiền Phong. Rồi, Giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn của Tạp chí “Tài Hoa Trẻ” và “Tạp chí Văn nghệ Thái Bình”, bài thơ “Muối dưa” của Phạm Hồng Oanh ra đời đã làm nên tiếng vang, ghi nhận dấu mốc về một sáng tác hay của một gương mặt nữ-thơ-trẻ, đáng yêu và vị nể ở miền đất Thái Bình.

 

Khi ấy, đang là Tổng Biên tập của một tờ Tạp chí, tôi vui mừng nhận được nhiều hồi âm ngợi ca thơ Phạm Hồng Oanh. Rồi, liền đó là điện, cùng với lá thư dài của Nhà thơ Quang Huy cùng nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi: xin được chọn hai bài” “Muối dưa” của Hồng Oanh, “Tôi và em” của Kim Chuông để đưa in vào Tuyển tập Thơ Lục bát Việt Nam, xuất bản năm 1994.

 

Bài “Lục bát” “Muối dưa” của Hồng Oanh đã được nhiều báo chí đăng tải cùng nhiều bài bình của bạn đọc bạn viết.

 

“Tươi cái mất héo cái còn

Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa”...

 

“Trời!”. Với Phạm Hồng Oanh. Lần thứ hai lại làm tôi thốt lên như thế . Nhưng lần ngạc nhiên này, khi Oanh đã đang là một sinh viên Khoa Văn. Oanh đang viết nhiều. Đang đi trên mạch nối dài từ “cái linh” Oanh dẫn dắt tự xưa.

Vâng, “Tươi cái mất héo cái còn..” đâu chỉ còn là cái nghĩ trụi trần,khô cứng .Với nghệ thuật thơ, ở đây Oanh đã đạt tới, sự bùng nổ của ngôn ngữ trước sức rung cảm lớn.

 

Ở đời là thế. Giống như “muối dưa” kia. Cái tươi xanh biến mất, cái còn lại chỉ là “cái héo.” “Cái héo” của kỷ niệm đã hóa thành đớn đau, xa xót, sao cứ còn lưu mãi, tươi xanh mãi trong ta ? Để rồi, “Gỡ xong ngày tháng vô tình/ Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua...”

 

Ôi, Thật thương cảm, mà đau. Mà sâu, trong cảm nhận. Đúng là, Phạm Hồng Oanh vẫn bơi trên “con thuyền thơ” ấy, bến mở ấy, từ buổi ấu thơ, buổi Oanh vừa cầm bút làm thơ.

 

Thực tình, cuộc đời cô giáo Oanh., cuộc đời cô gái quê Phạm Hồng Oanh có giông gió chi đâu? Oanh đi trong tươi xanh, bình lặng. Với thơ, Oanh cũng không lên gân cốt, không tự tố lên những sầu đong, muộn phiền, bi thảm để “trang điểm. Cái đau, cái sâu ở thơ Oanh có từ cái “biết mở mắt nhìn đời” cái thi pháp “nhất quán” ở sở trường, giọng điệu ! Và, Oanh đã có riêng “gương mặt thơ tiêu biểu” trong đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, những người cầm bút lao động và sáng tạo nghệ thuật ở miền đất Thái Bình.

 

Là nguồn chảy, dù chưa thật dài xa, nhưng rõ ràng, thơ Phạm Hồng Oanh đi từ cái “ý niệm”. Oanh không lấy “đại giác” làm điểm tựa. Khung trời thơ Oanh là khoảng xoáy hồn mình. Oanh không ham mê tả gió, tả mây, mà bám vào góc hẹp, mờ để đào lên, để bước ra cái rộng lớn, xa sâu.

 

Thì, cứ nhìn vào các tiêu đề thơ Oanh là rõ. Từ “Vu lan nhớ mẹ”, “Lời thu”, “Ngõ vắng”, “Lời cũ với dã tràng”, hay “Bên thềm mùa giáng sinh, Quả táo sân chùa, Tự bạch” v.v..., đủ thấy. Oanh viết về mẹ nhưng không hề tả bóng dáng mẹ với màu áo, dáng đi, hàm răng, mái tóc. Viết về thu, nhưng không tả màu mây, sắc lá hay màu gió thu về. Viết về ngõ nhưng không tả dáng làng, nắng mưa, năm tháng ... Điều dễ nhận là, tất cả những gì là trực giác chỉ còn là “trực giác ở trong Oanh đã lùi xa, đã trưng cất ” ... Chỉ còn là: một cõi hồn Oanh, vang động.

 

Ví như:

Cuộc đời có nhau thì ngắn

Chỉ chia ly mãi mãi dài

(Vu lan nhớ mẹ).

Hoặc :

Lời thu sao quá mong manh

Điều chưa kịp nói đã thành hư không.

(Lời thu)

Hoặc :

Tuổi trôi trên những tháp ngà

Mà chưa thuộc được thánh ca của mình.

(Bên thềm  Giáng sinh)

Hoặc:

 

Cứ thế, Phạm Hồng Oanh đã tự mang “luận đề” làm một thách thức cho thơ. Và, Oanh đã vượt qua các “Luận đề” ngoạn mục bằng sức rung mãnh liệt, để những gì từ ngoài kia có dáng vẻ nào đó bước ra, thì, cái hiện hữu.

 

Thử đọc “Lời cũ với Dã tràng”:

 

Xót xa lắm,

Ơi dã tràng xe cát

Uẩn ức gì mà xe lại nỗi đau!

 

Rõ ràng, với Oanh, viết về Dã tràng không còn là « thơ tả». Mà, thơ đi từ ngẫm suy đến ngẫm suy tiếp nữa. Để rồi, Dã tràng xe cát kia lại gạn tìm, lại mở ra lời đáp:

 

Lẽ nào em là trò đùa cho cát

Xe cát về để cát lại vùi em.

    

Hoặc, với “Mỗi ngày” đến, khi mắt ta tỉnh thức:

 

Vừa rực rỡ thế ban mai

Giữa trưa đã nhuốm hình hài hoàng hôn

 

Hoặc:

 

Lời cho không thật ngọt ngào

Nên câu nói dối lúc nào cũng xanh!

 

Và, với những câu thơ hay có được từ lối tìm này, sau “Mỗi ngày” nơi “cái Đế” khép lại:

 

Chợt gần gũi đã xa xôi

Trái tim sống được bởi nuôi nỗi buồn!

Quả tình, khi lùi xa khách thể, lấy “độc thoại thơ” làm kiểu độc hành, thơ dễ rơi vào khô cứng, dễ tĩnh ở một lối tư duy. Song, Phạm Hồng Oanh luôn giữ vững được lưu vực dạt dào, ma mị ở ngôn từ, hình ảnh. Ở nhiều bài, nhiều đoạn, Phạm Hồng Oanh đã có những câu thơ ám ảnh, dễ làm nên chân dung, dáng vẻ “Người thơ”.

 

Tỷ như, đây là Phạm Hồng Oanh ở sự “ngơ ngác ngắm trông”:

 

Ừ nhỉ lá đã thay

Hoa đã màu hoa khác

Gió chợt xanh hơn trước

Mây cũng màu mây vui.

 

Hay, đây là, người thơ lắng trong « tự thức » trong chiều sâu chiêm nghiệm:

 

Tôi mang tuỳ hứng đèo bòng

Đi dò những khúc sông không… đợi mình.

(Tùy hứng qua cầu)

 

Hoặc đây là, “thơ và người thơ” cháy trong bao nhiêu yếu tố tổng hòa, kết đọng:

 

Ta từ trong nỗi xót xa

Đã trồng được những khóm hoa của mình

(Viết cho ngày tình nhân)

 

Hoặc :

 

Cám ơn người đã buông tay

Để ta có được kiếp này ấm êm. 

(Viết cho ngày tình nhân)

 

Hoặc :

 

Quả xanh chỉ có một thời

Mà sao chua suốt một đời làm cây! 

(Hoa dâu da)

 

Hoặc :

 

Vừa khi dò được ngọn nguồn

Người vui bến Đục, ta buồn bến Trong.

(Chùa Hương)

 

Có thể nói, khi Phạm Hồng Oanh chỉ để lòng mình va đập, đối diện với chính lòng mình, “Tâm thi” của nhà thơ đã hóa thành “Thần minh chi chủ”, đã trở thành sở trường, đã làm nên thế mạnh, sáng dậy mọi hình hài thi tứ.

 

Từ “Mặt trời xa lắc” đến “Hoa nở không mùa", với hai tập thơ còn khiêm nhường trong gia tài của đời người cầm bút. Nhưng cái quý ở thơ là, Phạm Hồng Oanh đã tìm được dáng vẻ riêng mình trong số đông những nhà văn Thái Bình đang cầm bút và viết.

 

Bên cạnh hai tập thơ đã được xuất bản, Phạm Hồng Oanh, còn có những truyện ngắn hay. Truyện của Oanh giàu có về hiện thực; hấp dẫn, cuốn hút về tình tiết; vấn đề đặt ra khá sinh động, lý thú.

 

Tôi tin Oanh và trông chờ Oanh. Từ buổi đầu, từ buổi Phạm Hồng Oanh bước vào cửa ngõ Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, được mang tên là một “Nhà văn nhí”.

 

Vĩnh Bảo, Quê Trạng Trình – Những ngày Xuân 2018

Kim Chuông