Phát biểu của nhà thơ Kim Chuông tại buổi ra mắt tác phẩm Duyên

Phát biểu của nhà thơ Kim Chuông tại buổi ra mắt tác phẩm Duyên
Văn học nghệ thuật có quy luật riêng của nó. Quy luật thuộc về những tài năng đơn nhất. Bởi vậy, trước lịch sử xa dài, trước bao nhiêu quốc gia, dân tộc. Trước bao nhiêu biến thiên của cái Thời và Đời. Không thiếu gì những tháng năm đầy gió giông, xoáy lốc.


(Ảnh: Nhà thơ Kim Chuông tại buổi lễ ra mắt tập "Duyên - Ảnh: Trần Bảo Toàn)


PHÁT BIỂU CỦA NHÀ THƠ KIM CHUÔNG TRONG LỄ RA MẮT TẬP “DUYÊN”
- TẬP THƠ 
& VĂN XUÔI CỦA CÁC NHÀ VĂN NHÓM BÚP 



Kính thưa các vị Đại biểu, Quý khách!


Thưa Các Văn - Thi sĩ trong Đội ngũ Các “Nhà văn mang tên Nhóm Búp” yêu quý của chúng ta!


Vào giữa phút giây này, khi trở lại Thái Bình, đứng trên mảnh đất, nơi gần 40 năm, tôi từng sống, gắn bó, thật không khỏi cảm rung, bồi hồi, nhớ về những ngày Hè đầu tiên của “bốn - mươi - sáu - năm” về trước. 


Buổi ấy, bên cửa lớn của Hội VHNT- Thái Bình, dưới cây vối xanh trùm, tỏa bóng, Tôi, Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, Nhà thơ Lê Bính ... vui mừng, đứng chờ và chào đón các em từ khắp nẻo đường của quê lúa Thái Bình, lục tục kéo về “Ngôi đền thiêng văn chương” của Hội, làm cuộc “nấu Sử, sôi Kinh.” Làm con tằm rút ruột,  trao gửi cuộc đời, những tâm tình từ khoảng trống hồn mình, những mong, sự vọng vang có được nào đó, khi khoảng trống hồn mình thấm loang vào ai đấy. Thì, ai đấy, họ lại phải tự lấp đầy cái khoảng trống trong họ. Trong ý nghĩa văn chương cũng giống như tấm gương, ai soi vào đó cũng gặp bóng hình mình.  


Và. Năm 1976, khóa đầu tiên, mang tên “Lớp Đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học ở Thái Bình.” Với 21 “Nhà văn nhí.” Các em đều đang tuổi chín, mười. Mười một, Mười hai. Có một, đôi em, ở tuổi 13, 14. 


Đây là cuộc tụ nghĩa mà Ông Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch tỉnh lúc bấy giờ với Nhà văn Bút Ngữ đã có công dựng lên lá cờ khởi xướng, mang ý nghĩa, Thái Bình là tỉnh đầu tiên trên cả nước, mở ra “Cửa Khổng Sân Trình” chiêu tập những “minh tinh Khuê văn” để khơi nguồn, khai sáng. 
 

Và. Đấy chính là Nhân. Là nguyên nhân trong mối quan hệ Nhân Quả. Là “Nhân Duyên” trong chuỗi dài tiếp nối ở quá trình vận động sau này. 
 

Từ “Lò luyện thi ca” qua 15 năm đào tạo, qua 46 năm dài thử thách. Qua  200 gương mặt đi qua ngưỡng cửa văn chương rồi tỏa về khắp nẻo đường đời. Qua 30 tập sách đã lần lượt ra đời trước công chúng rộng lớn của các nhà văn nhóm Búp. Qua hai tác giả đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn VN. Thành Nhà văn của đất Việt. Qua nhiều cây bút trở thành Hội viên Hội VHNT của các tỉnh thành trên cả nước. Qua những tập sách đứng tên riêng. Mà, có tác giả (như Trần Huyền Tâm) đã có tới 10 đầu sách trình làng. Từ sáng tác thơ, văn, dịch thuật. Từ Biên khảo đến Lý luận Phê bình. Rồi, qua 6 tập sách in chung. Gồm “Búp và Hoa,” sách dầy hơn 500 trang của 23 tác giả. Rồi, Gửi miền thương nhớ. “Khung trời yêu thương.” “Chùa Keo.” “Điệp khúc Sen.” Rồi, bây giờ, là tập “Duyên” cũng khá đồ sộ ở trang in. Ở cả sức nặng của tâm hồn, trí tuệ.


Đấy, chính là “Duyên do” để hôm nay, lại có cuộc hội ngộ có từ lớp viết văn thuở ấy. 

Thật đáng vui mừng, nâng niu, trân trọng và biết ơn Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Ngọc Trìu, khi ông đang là Chủ tịch tỉnh Thái Bình. Biết ơn Nhà văn Bút Ngữ. Biết ơn các Nhà văn Tô Hoài, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Võ Quảng, Định Hải, Phong Thu. Biết ơn Các Nhà văn Thái Bình. Biết ơn Các Nhà văn Nhóm Búp đã tâm huyết, bền bỉ với văn chương, bền bỉ với công cuộc đãi cát, tìm vàng. Biết ơn các tác giả là những cây bút, bạn bầu thân thiết của Nhà Búp, nhiều năm qua đã quần tụ trên trang Báo mạng: “Nhabup.VN.” Quần tụ trên trang Thơ và Văn xuôi, mang tên “Duyên”… Để hôm nay, cuộc trùng phùng đầy ý nghĩa cao đẹp này, giống như “Vườn hoa Xuân” được tụ hội và khai sáng trên mảnh đất Thái Bình cũng đang tiết đương Xuân, thật ngạt ngào, hương sắc.   

Thưa Hội nghị … 


Năm 1495, Nhà Vua Lê Thánh Tông lập “tao đàn nhị thập bát tú.” Năm 1936 – Nhóm thơ Quy Nhơn - Bình Định gồm Quách Tấn – Hàn Mặc Tử - Yến Lan, Chế Lan Viên… ra đời.

        

Trước đó hai năm. Năm 1934, nhóm “Tự lực văn đoàn” của Khái Hưng – Nhất Linh – Thạch Lam, Tú Mỡ  ... Tất cả tổ chức ấy, đều chỉ là một “nhóm Văn bút” ... họ đã ghi vào lịch sử một trường phái, một giọng điệu văn chương, với một phía đóng góp trong tiến trình phát triển lịch sử văn học nước nhà. 

        

Năm 1976, tổ chức “Văn chương của Nhóm Búp” của Hội VHNT - Thái Bình khởi xướng, trong ý nghĩa lịch sử, thành tựu văn chương của nhóm Búp đang có với hơn ba chục đầu sách. Với hàng trăm bài viết của nhiều cây bút đã in trên các báo chí. Với rất nhiều giải thưởng ở các cuộc thi trong nước và Quốc tế ... Thành tựu này, so với các nhóm Văn Bút, trước nó, ai dám bảo, rằng nhỏ? Ai dám bảo, nó dễ mất bóng trước lịch sử văn học nước nhà? Khi gương mặt này, tác phẩm ấy. Khi Văn bia hôm rày, chúng ta đã và đang gửi tới mai sau …


(Nhà thơ Kim Chuông cùng nhóm Nhà Búp tại buổi lễ ra mắt tác phẩm "Duyên")

             

Văn học nghệ thuật có quy luật riêng của nó. Quy luật thuộc về những tài năng đơn nhất. Bởi vậy, trước lịch sử xa dài, trước bao nhiêu quốc gia, dân tộc. Trước bao nhiêu biến thiên của cái Thời và Đời. Không thiếu gì những tháng năm đầy gió giông, xoáy lốc. Vậy mà, có không ít quốc gia ấy, dân tộc ấy. Có Thời và Đời ấy, nhưng văn chương lại mất bóng, lặng câm. Lý do vì sao vậy? Xin thưa rằng. Bởi, tháng năm, thiếu vắng những tài năng đơn nhất, mà thôi. Bởi vậy, Thi sĩ Chế Lan Viên từng kêu lên rằng: “Thế kỷ XX, nếu chúng ta không có một Nguyễn Du, không có một Truyện Kiều, thì dân tộc này tay trắng.” 

            

Và, tôi tin rằng, bầu trời của văn chương nhóm Búp, tia nắng khiêm nhường này sẽ lung linh trên miền trời xa thẳm của lịch sử văn chương nước Việt.

             

 Thưa Hội nghị!                                                           

  

Trước những sáng tác của các nhà văn Nhóm Búp. Tôi đã viết khá kỹ. Bắt mạch khá trúng. Bình phẩm khá sâu về Trần Huyền Tâm, Bùi Thị Biên Linh, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Toán, Bùi Thanh Huyền, Phạm Minh Châu,  Nguyễn Diệu Liên … và 23 tác giả trong tập “Búp và Hoa.” 

Ở tập “Duyên” - Tập thơ và Văn xuôi vừa xuất bản này. Với 59 tác giả (Nửa phần là Nhà văn Nhóm Búp với nửa phần là Bạn bầu thân yêu của nhóm Búp) Tập sách đã chọn in gần 200 bài. Với 165 bài thơ, 25 bài văn xuôi, trong đó có Truyện ngắn, Bút ký, Tùy bút, Tản văn và những bài Giới thiệu, Phẩm bình văn học. 

Với gần 200 bài viết được chọn tuyển. Đây là cuộc Hội ngộ đông vui của các gương mặt thi ca. Là sự ríu ran của tiếng nói đa thanh, đa sắc, đa tuyến, đa tầng.

Mỗi bài viết bộc lộ khá nhiều lát cắt. Nhiều tâm tình. Nhiều sự quan tâm, suy nghĩ, tạo nên sự đa dạng trong mảnh vườn văn chương đa sắc màu, đa vị. 

Với nhiều đề tài được khai thác. Có thể nói, tập thơ văn mang tên “Duyên” là khoảng sáng của những gương mặt sáng trong, ngọt lành, đượm nồng nơi tâm hồn người viết.  Với lối khai thác, là bám chặt ngoại giới, bám chặt hiện thực cuộc đời, làm phát lộ những khoảng sáng của chính hồn mình trong nét đẹp của cảm xúc, nét đẹp của cái nghĩ. Nét đẹp của cái gốc là hướng về Chân – Thiện – Mỹ. Hướng về giá trị nhân văn.  

Ba giá trị: - Giá trị Phản ánh – Giá trị Phát hiện – Giá trị hữu ích – Là cái đáng nói – đã làm nên những hạt phù sa kết tụ của dòng suối chan vào tâm hồn người đọc sự mát tươi, tỉnh thức, với sự mở mắt nhìn đời.

Có thể nói, mỗi thành công ở mỗi khía cạnh được bộc lộ ở từng bài viết của mỗi tác giả đã làm nên sự hoàn chỉnh và cái Đẹp chung của văn chương, trong tổng thể soi nhìn.

Với các nhà văn nhóm Búp, cái nhìn rõ ở quá trình sáng tác của họ. Đấy là, bước chuyển tiếp, bước phá cách, bước nổi loạn, bước xoay chiều từ thơ trực giác. “thơ hướng ngoại” để quay về ngụp lặn nơi tâm tưởng của thế giới hồn mình. 

Đấy là, điều tất nhiên ở hành trình, đổi khác. Khi “các nhà văn nhí” tuổi đời đã bước vào cái ngưỡng “tri thiên mệnh.”. Khi vốn liếng tháng năm tích lũy đã qua nhiều trải nghiệm. Những câu thơ với nét trội, nghiêng về đại giác đã lặn đi, đã nhập hòa trong sức bùng nổ của ngôn ngữ. Để, chất trữ tình thi sĩ với chất đằm sâu ở một tầng chìm, luôn là đôi cánh đan xuyên, tựa vào nhau, gọi nhau, khơi sâu nhau, ngân vọng.

Với Thơ, người đọc yêu quý Nguyễn Ánh Tuyết, Phạm Hồng Oanh, Trần Huyền Tâm, Bùi Đại Dũng, Hà Trí Dũng, Bùi Thanh Huyền, Nguyễn Thị Toán, Nguyễn Quốc Văn, Bùi Lan  Anh, Chu Xuân Giao, Lê Quang Tuệ ở hai chiều, nơi tâm hồn cảm rung và chiều sâu trí tuệ.

Rồi, sự mát lành, sự phồn sinh, phồn khí của Bùi Biên Linh, Nguyễn Minh Hương, Phạm Lan Anh, Trần Thị Vân Hương, Trần Minh Hạnh, Đỗ Thị Huệ, Bùi Thái Phúc, Phạm Minh Yến, Bùi Yến, Thái Văn Sinh, Dương Chính Thức, Phan Đăng Dương, Nguyễn Trường Giang v.v. 

Rồi, cái vía hồn người viết mang không ít ám ảnh, qua thi ảnh, thi liệu trong thơ :  Lê Hải Hà, Trần Thị Thu Hà, Nguyễn Hạnh, Minh Hiền, Vũ Thanh Huyền, Nguyễn Hoàng Lâm, Lương Duyên Thắng, Tống Ngọc Trung, Nguyễn Đình Bầu, Trần Kim Phú, Phạm Thị Quyên, Nguyễn Ngọc Thạch, Thúy Trần, Nguyễn Như Thạnh  …Thơ của các anh, chị thực sự mang được sức quyến rũ ở cảm xúc mạnh. Ở cái ấn tượng khép lại mang vệt loang từ gốc lớn “Tâm thi.” Thơ đượm nồng và sâu xa, nơi ý tưởng, nơi tâm tình, ký thác.

Có thể nói, những câu thơ dẫu chưa đạt tới cái tuyệt vời ở thần cú, thần tự, nhưng từ hình ảnh đời sống khi bước vào hình ảnh thơ ca đã có được một sức đẩy khá dài, để “cái như thế nào, không còn là như thế ấy nữa.” Mà, nó đã hóa thành “cái động, cái lung linh. “Cái như thế nào rồi.” 

Quả tình, mỗi Thi sĩ ở đây đã mỗi người một vẻ trong cái khác nhau nơi đốt cháy cảm xúc, nơi liên tưởng văng xa, nơi đảo lật những trật tự ngôn từ, với cái gốc của hồn thơ trong thăng hoa, kết đọng … 

Là những người cầm bút, chúng ta đều hiểu rằng, những bài thơ Hay, câu thơ Hay, khi bước vào trang thơ dù là tả gió mây, hay gì gì đi nữa ... Nhưng khi đọc lên, nó phải không còn là Nó. Không còn là hình ảnh thô mộc của bóng dáng ngoại giới bên ngoài  ... Mà, nó phải là Đời. Là Nỗi Đời. Thân phận. Là Cái Động tìm được ở cái Tĩnh. Là cái Phi lý trong cái có lý. Đấy mới là Thơ. Đấy mới là sự cất cánh, sự vượt thoát của Thơ, trong cái vệt loang. Cái lung linh. Cái diệu kỳ biến ảo.  

 Ví như : viết về “Ve sầu” Thi sĩ Xuân Đam có câu :”Kêu chi, kêu đến hao gầy/  Mấy lần lột xác không thay được hồn.” Hay, khi nói tình yêu, nhà thơ Đồng Đức Bốn từng viết : “Đừng buông giọt mắt  xuống sông/  Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm.” 


Hay, với Trần Mạnh Hảo, thì  “Tim mình trong ngực người ta/ Tim  người ta đập rung da thịt mình.” 


Đấy, mấy câu thơ trên, “Ve sầu” đâu còn là Ve sầu nữa. Đấy chính là thân phận, kiếp người.” Rồi, chả có 1 từ nào nói về tình yêu. Nhưng, ánh mắt người con gái, trái tim người yêu thương mới ghê gớm. Tình yêu mới ghê gớm làm sao.


Hay, “Đêm nay chỉ có mình ta/  Mà sao vẫn thấy thừa ra một người.” Ở đây, nỗi cô đơn cũng thật kinh khủng.  Khi, Một mình ta, có lúc, ta thấy ta, chông chênh, ta trơ ra, ta chẳng dính vào đâu, trong nỗi đơn côi nào đó ...” 

 Mỗi nhà thơ cần có những câu thơ găm sâu nơi trí nhớ người đọc. Thơ tìm được “cái Tứ” lạ lùng, sâu sắc đã khó. Nhưng, cái khó hơn là sự sáng tạo được những hình ảnh, hình tượng từ “cụ thể hóa” đến “trừu tượng hóa,” “khái quát hóa,” rồi lại phải trở về cái thật “cá thể hóa.”   


Thưa Hội nghị


Ở tập “Duyên,” một mảng lớn của tập sách đã làm nên vế cân xứng là phần thơ của 26 tác giả là bạn bầu thân yêu của “Nhà Búp.” Đây là,  “một miền trời tỏa rạng” của 26 ánh sao. 26 gương mặt. 26 dáng vẻ. 26 mạch đi. 26 tiếng vang, đã làm nên sự phong phú, đa dạng, sự bổ sung, đắp dầy từ “26 cái “Duyên” trong bản hòa ca lớn. 

 Bên cạnh trang thơ là Truyện ngắn, Bút ký, Tùy bút, Tản văn của Vũ Huy Thông, Trần Thu Huê, Bùi Thị Biên Linh, Bùi Đại Dũng, Nguyễn Nga, Bùi Thị Ngọ, Bùi Yến, Tuấn Khanh, Nguyễn Chi Thành, Đặng Thế Truyền, Bùi Trung Hiếu, Dương Chính Thức …Đây là những trang viết giàu chất văn. Giàu cảm rung, suy nghĩ. Giàu chi tiết. Với lối tự sự có duyên. Lối mô tả mà các sự kiện điển hình, cảnh huống điển hình, hấp dẫn qua khả năng “tái tạo và sáng tạo”, đã đem lại giá trị phản ánh, giá trị hữu ích. Giá trị của thông điệp có từ thông tin mà nhà văn muốn ký thác, muốn gửi tới cuộc đời…  


Góp vào tập sách, phần khá sinh động nữa, đó là những trang “Lý luận - Phê bình” của Lã Bắc Lý, Đào Thanh Bình, Trần Thu Hường, Nguyễn Chi Thành với  những bài viết về Thơ và Nhạc. 

Bốn Nhà nghiên cứu này với bốn cách soi nhìn, bình phẩm, các bài viết ở đây đều có được sự cảm nhận sâu sắc trong hòa đồng. Trong mổ xẻ. Trong cái đặt ra những vấn đề mang lý luận ở nội dung, thi pháp. Ở hình ảnh, hình tượng, kết cấu. Ở sở trường, sở đoản. Ở hướng mở mang thế mạnh, giúp người viết tự nâng cao mình trong tự thức, và ý thức sáng tạo ….        

Với tập “DUYÊN” bao gồm các thể loại Thơ, Văn xuôi và Lý luận - Phê bình. Với hơn 200 bài viết của gần 60 tác giả. Thực tình, “Người phẩm bình” không thể trích dẫn hết những câu thơ Hay, nhất là, không thể lược tóm đầy đủ 26 Bút ký, Tản Văn, Truyện ngắn của từng nhà văn trong một bài viết nhỏ. Đây là điều thật mong, lòng cảm thông, sự lượng thứ của các Văn thi sĩ có tên trong tập sách này.        

Cái Hay, cái Đẹp với sự đủ đầy, chỉ có thể nói hết được chăng ? Khi mỗi chúng ta nâng niu, trân trọng và đọc “DUYÊN” với bài viết mà tôi lấy làm LỜI TỰA, khơi lên đôi điều suy ngẫm, in trên trang đầu tập sách, mang tên: “Duyên - Những trang Văn khai sáng từ cội nguồn lứa Văn chương mang tên “Nhóm Búp”.  Xin chúng ta cùng đọc và suy ngẫm.      

Điều khẳng định, “Duyên” là tập sách Hay. Là sản phẩm không dễ gì có được ở một miền đất, hay một miền văn chương nào đó, đã góp một mạch nguồn, hương sắc vào “Mâm cỗ lớn Văn chương” đất Việt. 

         

 Xin Chúc mừng tất cả chúng ta.

 

Xin được kết thúc bài viết ở đây. 


Xin kính chúc tất cả các Quý vị, Các bạn luôn mạnh khỏe, an vui, may mắn và thành công. 


           K.C