Phát biểu của TS Bùi Đại Dũng tại Lễ kỷ niệm Nhà Búp tròn 5 tuổi và ra mắt 12 tác phẩm mới

Phát biểu của TS Bùi Đại Dũng tại Lễ kỷ niệm Nhà Búp tròn 5 tuổi và ra mắt 12 tác phẩm mới
Trong Kinh A Di Đà, Đức Thích Ca nói về cõi nước Cực Lạc: “Không thể dùng chút ít thiện căn phúc đức mà sinh sang được nước kia đâu… Được cùng với các bậc thượng thiện như thế hội tụ một nơi”. Cõi Cực Lạc là nơi mà các cá nhân phù hợp hội tụ, tăng trưởng thiện tâm

(Ảnh: Tam Tran)



 

PHÁT BIỂU CỦA TS BÙI ĐẠI DŨNG TẠI LỄ KỶ NIỆM 5 NĂM NHÀ BÚP VÀ RA MẮT 12 TÁC PHẨM MỚI

(Hải Phòng ngày 8/12/2024)


Kính thưa các vị khách quý, 

Kính thưa thầy Kim Chuông,

Thưa các anh chị và các bạn Nhóm Búp,


Hôm nay chúng ta gặp nhau trong buổi kỷ niệm Nhà Búp lên 5 tuổi và ra mắt 12 tác phẩm mới (tổ chức ngày 8/12/2024 tại Hải Phòng). Sự kiện long trọng này, tôi xin phép bày tỏ thêm cảm xúc của mình trong hai khía cạnh:


1. Nhà Búp: cú huých cho sự sáng tạo


Trong Kinh A Di Đà, Đức Thích Ca nói về cõi nước Cực Lạc: “Không thể dùng chút ít thiện căn phúc đức mà sinh sang được nước kia đâu… Được cùng với các bậc thượng thiện như thế hội tụ một nơi”. Cõi Cực Lạc là nơi mà các cá nhân phù hợp hội tụ, tăng trưởng thiện tâm, trở thành phương tiện và động lực tiếp tục thúc đẩy thiện tâm trong chúng sinh ở mọi cõi giới.


Phương Tây thì có truyền thuyết nói về Cú huých để trái đất quay () ngụ ý vai trò quyết định mang tính khởi thuỷ của sự tác động dẫn đến thay đổi. Lớp năng khiếu Thái Bình cách đây nửa Thế kỷ, Trang web và các hoạt động của nhóm Nhà Búp là những cơ duyên có vai trò cú huých như vậy. Mỗi chúng ta đã nỗ lực làm tốt những công việc và nghĩa vụ của mình trong cuộc đời này, lại có thể đồng thời thực hiện một chức trách vô cùng thiêng liêng là tìm hiểu rõ thêm về bản thân trong bầu trời sáng tạo. Nhà Búp tới giờ đã có được lưng vốn khá đậm đà và gần đây nhất là 12 tác phẩm được trình làng hôm nay, chắc hẳn là minh chứng cho thành công trong bước đường sáng tạo của mỗi tác giả, đồng thời cũng là tấm gương để mỗi chúng ta tự soi vào để tự biết mình. Nếu chúng ta không làm, và rất nhiều người đã không làm thì chắc là không biết mình có thể làm được những điều tốt đẹp ấy.


Như vậy, cơ duyên gì mà mỗi cá nhân chúng ta có thể gặp nhau ở đây, trong khung khổ một hoạt động rất ý nghĩa của Nhà Búp? Tôi không dám so sánh điều kiện hiện tại của chúng ta với cõi của các bậc Thượng Thiện, nhưng chắc hẳn chúng ta đã có được những cơ duyên tốt lành để có được “Cú huých” diệu kỳ, để yêu quý và gắn bó với thơ ca, văn học; rồi tự mình tìm thấy mình trên con đường sáng tạo, được gặp nhau trong bầu khí quyển sáng tạo, thân thiện, “đồng khí tương cầu” lúc này. Chắc hẳn có cú huých kỳ diệu từ những khóa Búp Trên Cành gần nửa TK trước đây và sinh hoạt chuyên môn của Nhóm Búp hiện nay.


Chữ “Duyên” mà Tâm và các bạn Nhà Búp dùng để đặt tên cho những tập sách chung của thành viên Nhà Búp quả là phù hợp cho tinh thần này. Mỗi chúng ta cần mau lên, nỗ lực, gấp gáp và nghiêm cẩn hơn nữa lên… để có thêm những sáng tạo cho xã hội, và điều đặc biệt quan trọng hơn là để tự khám phá thêm về bản thân mình. Đức Phật Thích Ca giảng về Duyên có nói tới tứ Duyên gồm: Nhân duyên, Đẳng vô gián duyên, Thứ đệ duyên, và Duyên Duyên. Tóm lại, có thể hiểu “Duyên” là các điều kiện (cần và đủ) dẫn đến một sự vật/hiện tượng cụ thể xảy ra hoặc xuất hiện. Các điều kiện ấy không hoàn toàn khách quan bên ngoài, mà bắt nguồn từ những mong muốn, nỗ lực của chính mỗi chúng ta để biến mong muốn trở thành hiện thực.


2. Sự viết (trong sáng tạo nghệ thuật) là gì?


Đức Chúa nói: TRỞ NÊN TAY ĐÁNH LƯỚI NGƯỜI. Trong Ma-thi-ơ đoạn 4:19, “Ngài phán rằng: Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người”. Khi viết ra được câu chữ nào đó, khiến rung động được tâm hồn một con người nào, bạn đã tung lên một tấm lưới vô hình neo giữ tâm hồn một con người vào đó.


Jigme Khyentse Rinpoche (vị lạt ma Tây Tạng danh tiếng sinh năm 1949 là người tiên phong đưa Phật giáo Tây Tạng đến với văn hoá Phương Tây): “Tất cả chúng ta đều có một thứ gì đó run rẩy sâu thẳm trong chúng ta mỗi khi một từ rung lên không khí”. Vật lý học hiện đại cho rằng mọi thứ trong vũ trụ đều là biểu hiện của tần số rung động (Vibration frequency): Bạn chỉ là rung động, là tần số vui, buồn, mà không có cá nhân bạn trong vũ trụ này.


Lão tử Đạo Đức Kinh cũng nói trong Chương 13: Vinh/nhục đều là xao động, sang/ hèn đều là cảm xúc. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có viết: “491. Lựa chi những bậc tiêu tao/ 492. Dột lòng mình cũng nao nao lòng người”. 


Như vậy, bản chất của sáng tạo nghệ thuật để có thể chạm tới tâm hồn người đọc chắc hẳn phải xuất phát từ sự rung động của tác giả, rồi qua các phương tiện chuyển tải để người thụ cảm cũng được nhận truyền cảm xúc như vậy. Thơ chắc rằng cũng là một phương tiện chuyển tải như thế.


Lục độ Ba la Mật của Phật đạo có nhắc tới 6 chữ: “thí, tấn, nhẫn, giới, định, tuệ”, trong đó “bố thí” (ở cấp độ nhận thức đơn giản nhất) là “cho đi”. Tuy nhiên, điều tiên quyết của “bố thí” là người cho phải có cái để cho, cái ấy có thể là vật chất, có thể là tinh thần. Vậy thì điều kiện tiên quyết của “viết” là người viết có thực sự rung động hay không? Nếu có thì chỉ còn việc thứ 2 là chuyển tải cho người đọc điều mà mình cảm nhận đó thôi. Phải chăng, đó là bản chất của sự “viết” mà mỗi nhà văn, nhà thơ đã không ít lần trăn trở.


Xin kính chúc Quý khách, các anh chị và các bạn nhiều sức khoẻ, nhiều sáng tạo hơn nữa. Chúc Nhà Búp tiếp tục là một “Cơ Duyên” tốt lành để thúc đẩy nhiều tác phẩm quý giá xuất hiện. Mong và chúc mô hình “Lớp Đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học” như  “Búp trên cành-Thái Bình 1976-1990” có thể được tái lập và nhân rộng trong bối cảnh mới của đất nước ta.


Bùi Đại Dũng