Phổ cập hiểu biết nâng cánh tâm hồn

Phổ cập hiểu biết nâng cánh tâm hồn
Nhà văn Lê Bính vừa sáng tác thơ vừa viết tiểu luận phê bình từ nhiều thập niên cuối thế kỷ XX. Anh còn là người tham gia, đào tạo, bồi dưỡng các mầm non văn học ở Thái Bình. Anh cũng thường đi bình thơ, nói chuyện văn chương ở nhiều trường học, nhiều lớp chuyên văn và các trại sáng tác dành cho thiếu nhi.



(Bài viết của Nhà thơ Định Hải giới thiệu tác phẩm "Trò chuyện với các em yêu văn" của Nhà văn Lê Bính)


Nhà văn Lê Bính vừa sáng tác thơ vừa viết tiểu luận phê bình từ nhiều thập niên cuối thế kỷ XX. Anh còn là người tham gia, đào tạo, bồi dưỡng các mầm non văn học ở Thái Bình. Anh cũng thường đi bình thơ, nói chuyện văn chương ở nhiều trường học, nhiều lớp chuyên văn và các trại sáng tác dành cho thiếu nhi. Những bài giảng của anh có ảnh hưởng sâu sắc đến đông đảo các thế hệ học sinh, giúp các em khám phá nhiều điều mới lạ trong các tác phẩm văn học, khơi gợi hứng thú học văn, chỉ dắt cho các em cách cảm thụ và sáng tác văn học.


Tập sách mà các bạn đang cầm trên tay được trích một phần trong số các bài giảng của nhà văn Lê Bính ở các trại sáng tác và các lớp chuyên văn. Ở đây anh chỉ tập trung vào thể loại thơ với khá nhiều khía cạnh “bếp núc” xung quanh thể loại này.


Lâu nay cũng có một số ít tác phẩm lý luận về thơ, nhưng thường đi vào những khái niệm chung và chủ yếu phục vụ cho người lớn. Dường như đã từ lâu người ta thường đi theo một lối mòn là viết lý luận về thơ một cách khuôn phép, mang nặng tính thuyết lý, khô cằn thiếu chất sống.


Có lẽ đây là lần đầu tiên ở nước ta có một tác phẩm đặc chuyên về thể loại thơ - và mở rộng ra cả những thể loại văn học nghệ thuật khác - cho đối tượng học sinh phổ thông và sinh viên cao đẳng, đại học. Thông qua phương thức liên tưởng, tập sách có thể giúp ích cho các em ở nhiều lĩnh vực khác và ngay trong cuộc sống đời thường.


Ở tác phẩm này, tôi đặc biệt thích thú với cách trò chuyện của tác giả, cách dẫn dắt nhẹ nhàng và cụ thể, vừa gần gũi thân tình vừa dí dỏm, duyên dáng. Có những vấn đề khá tinh tế, trừu tượng, cao siêu nhưng anh đã tìm được cách diễn giải thật giản dị và sinh động, khiến cho các em cảm thấy như mình cũng có thể làm thơ một cách thoải mái hồn nhiên, không hề gò ép, khiên cưỡng.


Quả là có một thực trạng đáng buồn từ nhiều năm nay, ở tất cả các cấp học, các em học sinh thường ít hứng thú môn văn, thậm chí xem thường và còn ngờ vực về ý nghĩa, mục đích tác dụng của nó. Các em quên rằng, chính vì dị ứng với môn văn nên các em đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề và lâu dài trong học tập, rèn luyện và hình thành nhân cách. Có thể khẳng định chắc chắn rằng nếu các em hiểu được đúng ý nghĩa của việc học văn thì không những các em sẽ yêu thích môn văn mà còn giúp các em học tốt tất cả các môn khác, để rồi sẽ làm tốt tất cả các việc khác. Bởi hệ thống ngôn ngữ dân tộc muôn màu muôn vẻ như chiếc kính vạn hoa luôn là người bạn đồng hành của mỗi chúng ta trong suốt đời người, ở mọi lúc mọi nơi, cả khi ăn khi ngủ, ngay cả lúc cô đơn mình thủ thỉ với mình.

Nhà văn Lê Bính và nhóm Văn Búp Thái Bình tháng 8/2015

Tất cả những điều liên quan đến thể loại thơ, cảm thụ thơ và sáng tác thơ đều được nhà văn Lê Bính truyền đạt cặn kẽ, thấu đáo và đầy sức thuyết phục.


Các em học sinh đọc những bài viết trong tập sách này, chắc chắn sẽ yêu thích môn văn hơn, say mê học văn hơn. Riêng với những em có năng khiếu sáng tác thơ ca (và văn học nghệ thuật nói chung) thì đây là cuốn sách cẩm nang, có thể ví như đôi cánh rộng lớn mải miết nâng tâm hồn các em bay cao, bay xa.


Nhà thơ Định Hải

Hà Nội, ngày 20/11/2002