Quan tư đồ Trần Nguyên Đán (Phần I)

Quan tư đồ Trần Nguyên Đán (Phần I)
Trần Nguyên Đán (1325 – 1390) hiệu Băng Hồ, là tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Làm quan tới Tư đồ dưới thời các vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và Trần Phế Đế, tước Chương Túc quốc thượng hầu.

 


Nhà Búp xin hân hạnh giới thiệu với quý độc giả bài viết của tác giả Anh Vũ về một nhân vật lịch sử ấn tượng: đại thần, nho sĩ, nhà thiên văn kiêm đạo gia Trần Nguyên Đán (1325 – 1390). Trần Nguyên Đán hiệu Băng Hồ, là tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Làm quan tới Tư đồ dưới thời các vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và Trần Phế Đế, tước Chương Túc quốc thượng hầu. 





Tuổi ấu thơ của tôi gắn với ông bà ngoại. Cả ngày dường như tôi ở trong hầm trú bom. Học lõm bõm được vài chữ thì trường bị trúng bom. Đi sơ tán, vừa mới cắp sách o e vài ba chữ thì cô giáo bỏ làng đi biệt. Để tránh nguy cơ thất học cho tôi, ông ngoại đã dạy chữ Nho và kể đủ thứ chuyện về các nhân vật lịch sử. Trong các nhân vật lịch sử được ông ngoại kể, tôi ấn tượng nhất là Quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán.

Cảm giác thời ấy đọc thơ Thần, đọc Hịch của Hưng Đạo Vương sao bừng bừng hào khí. Đặc biệt, bao nhiêu thứ tình cảm thăng giáng khi đọc Bình Ngô...

Ông ngoại ngâm bao nhiêu thơ Ức Trai, cảm thương cho số phận "Anh hùng di hận kỷ thiên niên". Quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, vị lương đống của Quốc gia thời Hậu Trần ấy bám riết lấy đời tôi. Có cái gì như bí hiểm, có cái gì như rõ ràng minh triết mà tôi không sao nắm bắt được... 

Thì đành chấp nhận logic của các nhà duy vật nghiên cứu về ông. 

Thời Hậu Trần suy yếu rồi suy đồi là có nguyên nhân. Sau ba lần lẫy lừng chiến thắng quân Nguyên, đất nước tan hoang, miếng ăn cũng thành nhức nhối. Những anh hào hiểu được cái giá của chiến thắng đã cố chống chèo hồi phục sức Dân nhưng họ lại qua đời khi sự nghiệp kiến quốc còn dang dở. Chỉ cần vua tôi, không tôn trọng Tiền Nhân thì triều đình sẽ trở thành cái ổ ăn chơi, suy đồi. Những kẻ cơ hội đục nước béo cò sẽ tranh hết quyền, đoạt hết vị...

Trần Nguyên Đán là chức quan to nhưng ông không thể quyết định được vận nước nổi trôi.

Bạn bè của ông là những bậc hiền tài. Thậm chí, ông đặt hy vọng họ có thể đỡ ngôi nhà quốc gia đang xiêu vẹo. Đó là Chu Văn An dâng sớ giết gian thần rồi đành thúc thủ về quê dạy học. Đó là Nguyễn Trung Ngạn đến đất Giang Nam đi sứ nhưng nhớ quê, nhớ mùa tằm chín, nhớ con cua đồng béo ngậy mà muốn về đất Việt. Đó là Phạm Sư Mạnh chinh chiến Chiêm Thành mong giữ từng tấc đất của giang sơn... 

Nhưng Thiên Tượng biến hóa; triều Hồ Quý Ly lấp ló những giông tố ba đào... 

Trần Nguyên Đán đã xin vua cho mình về khe suối, rừng thông ở Côn Sơn để múc nước khe pha trà, ngồi thảm rêu đêm khuya theo dõi hành trình của sao chổi cùng vòm tinh tú mà thấp thỏm ngậm ngùi... Ông đọc sách trời, nhìn những Thiên Cơ mà thường nhân chỉ hai tròng mắt thịt như chúng ta không nhìn thấy. 

Nhớ Ông, ta dễ liên tưởng tới Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này. Xa hơn nữa, ta gặp Khổng Minh, gặp Khương Tử Nha ngồi trong lều cỏ, thả cần câu mà lắng hết mọi ngả đường của lịch sử. 

Rõ ràng, đúng ở cơ điểm của khoa học thực chứng, lại là khoa học duy vật "không thấy không tin" để nghiên cứu những gì siêu khoa học của văn hóa phương Đông, 

Vì thế, các nhà "Tây học" một thời hào hứng, và giờ đây cũng không ít người hào hứng cổ vũ cho văn minh phương Tây. Họ coi những mẫu thức kiểu logic tam đoạn luận như mẫu mực. Hệ Ngân Hà vốn là hạt bụi tội nghiệp trong vũ trụ. Chính Nasa đã cho ta biết loài người hôm nay mới biết được 4% vật chất trong đó. 

Chúng ta phủ nhận văn hóa phương Đông, gọi nó là Phong Kiến, là Mê Tín nhưng cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ Trần Nguyên Đán, cụ Khổng Minh đang vuốt râu cười nhìn chúng ta bò loanh quanh nơi cái hàng rào với cái khung chật hẹp mà chúng ta tự đặt ra định nghĩa quan niệm để gọi là chân lý.  

Bây giờ, khi là người chứng kiến bao nhiêu điều siêu thường nơi thực tiễn mà Đạo Pháp và Phật Pháp triển hiện, tôi mới thấy rằng: Nhân loại đã bỏ đi một cuộc hành trình tìm chân lý vốn đã được Thần an định để lựa chọn một hướng an định của Quỷ Ma đưa ta về bi kịch, bế tắc và không lối thoát. Hơn bao giờ hết khoa học hôm nay được chính các nhà khoa có lương tâm cảnh cáo là đang đưa nhân loại tới tuyệt lộ.

Cứ giả định chúng ta tin có những Đấng tối cao an bài tất cả. Họ là những sinh mệnh cao cấp hơn nhân loại này thì cái nhìn về Trần Nguyên Đán sẽ khác. 

Người ta cho ông là con người cơ hội, tùy thời; là bạc nhược ích kỷ. Ông là quan to nhưng sao không chống chèo triều đình mà lại rủ áo vô trách nhiệm đến với suối khe?

Tại sao ông lại lo tính toán cho cái gia đình nhỏ hẹp của mình khi có biến? Và quả thực, con cháu nhà Trần bị Hồ Quý Ly tận diệt nhưng nội ngoại quan Tư Đồ thì không. Hai chàng rể Hán Anh và Phi Khanh cùng với cháu ngoại Nguyễn Trãi của mình đều được nhà Hồ trọng dụng... 

Chúng ta biết rằng, dù tác phẩm không còn nhưng trong sử Việt xưa, Trần Nguyên Đán là một "nhà khoa học" rất hiếm hoi. Ông đi sâu nghiên cứu thiên văn học, khí tượng học. Nói chính xác theo người xưa, là ông nghiên cứu Thiên Tượng để hiểu Thiên Ý, Thiên Cơ của vũ trụ. Điều này, các Đạo Sỹ theo Lão Tử tu luyện mới có thể làm được! Tác phẩm "Bách thế thông kỷ" (còn gọi là Bách thế thông khảo hoặc" Bách thế thông kỷ thư") của ông là một bộ lịch pháp rất giá trị. Nó khảo cứu về năm tháng, nhật thực, nguyệt thực, thời tiết, vị trí các ngôi sao... từ trước công nguyên tới thế kỷ 15. Hồ Nguyên Trừng trong "Nam Ông mộng lục" có viết về ông như sau:

“Ông thông hiểu lịch pháp, thường xem sách thông kỷ trăm đời, ngược lên khảo đến Giáp Thìn vua Nghiêu, vua Thuấn xuống đến nhà Tống, nhà Nguyên, vạch ra vận hành tiền độ của mặt trăng, mặt trời giao dung (che lấp lẫn nhau) so với thời xưa rất phù hợp...”

Tương truyền, Trần Nguyên Đán có hai tác phẩm là "Bách thế thông kỷ" và "Băng Hồ ngọc hác tập". Cả hai đã thất lạc. Hiện chỉ tìm thấy 51 bài thơ của ông chép trong các sách "Việt âm thi tập", "Toàn Việt thi lục", "Trích Diễm thi tập", "Tinh tuyển gia luật thi"... 

Chúng ta thường biết đến Khổng giáo, Phật giáo nhưng ít ai hiểu Đạo Giáo. Thậm chí, khi phân tích bình luận chúng ta cảm nhận Đạo Đức Kinh của Lão Tử là một mớ biện chứng duy tâm hỗn độn như Đạo của ông vậy. Người ta thừa nhận Nam Hoa Kinh của Trang Tử là cuốn sách không thể không nói đến khi nhắc tới văn minh xưa. Nhưng đây cũng là nhà văn với thứ triết lý hư vô, vu vơ... 

Mặc dù bị Cách Mạng Văn hóa Trung Quốc làm cho tan hoang, các Đạo Viện bị đập phá, các Đạo Sỹ bị lùa về cày ruộng, nhưng hiện nay, Đạo Giáo có khoảng 400 triệu tín đồ tập trung tại các nước Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan và cộng đồng người Hoa hải ngoại… Một con số không hề nhỏ. Hiển nhiên, nó không chỉ là một thứ giáo lý suông như chúng ta vẫn quan niệm! 

Chúng ta nhắc đến trường phái Đạo Gia là để khẳng định rằng, đây là một nguồn tư tưởng lớn đã ảnh hưởng rất nhiều trong truyền thống văn hóa Việt. lão thần Trần Nguyên Đán cần được các thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn. Nói tới núi Thái Sơn, ai cũng biết. Nhưng Trần Nguyên Đán như dãy núi Nga My không nhiều người biết. Mà có biết thì cũng thấy huyền hoặc như đọc truyện chưởng của Kim Dung.

Chúng ta cũng cần điểm qua một vài nét tiểu sử của ông:

* Trần Nguyên Đán sinh năm 1325, mất năm 1390, hiệu Băng Hồ tử (chàng trai có tấm lòng trắng trong như tuyết), quê hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). 

*Tổ bốn đời là Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, người đã "Đoạt giáo bến Chương Dương", con thứ vua Trần Thái Tông.

* Trần Nguyên Đán được bổ làm quan từ khi còn trẻ tuổi. 

 Dưới triều Trần Dụ Tông (1341 - 1369), Trần Nguyên Đán làm quan Ngự sử Đại phu, chuyên lo việc khuyến cáo, can gián những lỗi lầm của vua và đàn hặc các quan phạm tội. Bấy giờ vua không chăm lo việc nước, quyền thần có nhiều kẻ không coi trọng phép nước, Trần Nguyên Đán nhiều lần can gián nhưng vua không nghe. 

Sau khi Trần Dụ Tông mất, Hiến từ Hoàng Thái hậu cho Dương Nhật Lễ lên làm vua. Đây là kẻ hoang dâm vô độ, tính tình tàn ác nên việc nước càng trở nên tồi tệ. Trần Nguyên Đán lại dâng thư trình bày chính sự nhưng vẫn không được vua đếm xỉa đến. Sau này, Hồ Nguyên Trừng đã viết trong "Nam Ông mộng lục":

“Vào năm Chí Chính nhà Nguyên (1341 - 1367) ở Giao Chỉ (tức Việt Nam) có Trần Nguyên Đán đứng đầu hàng tông thất nhà Trần, giúp vua Dụ Tông ở chức Đại phu Ngự sử. Vua không chăm việc nước, quyền thần có nhiều kẻ không tôn trọng phép tắc, Nguyên Đán nhiều phen can gián nhà vua không nghe, đến khi vua Dụ Tông mất, cháu kế ngôi là người mê muội. Bấy giờ việc nước càng tệ, Nguyên Đán dâng thư trình bày không được vua hỏi đến, ông bèn xin cáo lỗi mà đi...”

*Năm 1370 Trần Nguyên Đán từ chức, bỏ đi giúp Cung Định Đại vương Trần Phủ (tức vua Trần Nghệ Tông) tập hợp lực lượng, dẹp được loạn Dương Nhật Lễ. Năm 1371 Trần Nguyên Đán được phong chức Tư đồ phụ chính. Ông ở ngôi Tể tướng lâu năm. Đến thời Trần Duệ Tông (1374 - 1377) ông được ban tước Chương Túc Quốc Thượng hầu, lại được giao thêm trọng trách trông coi việc quân ở trấn Quảng Oai.

Trần Nguyên Đán là viên quan trụ cột của vương triều Trần hồi cuối thế kỷ 14. Nguyễn Trãi đã viết về ông ngoại mình trong "Ức Trai di tập" như sau:

“Vững tay lái trong cơn sóng gió, chống nhà siêu giữa lúc phong ba. Chỉ trong ít năm mà trong nước bình trị. Người trong nước đều khen là hiền tướng, từ đứa trẻ thơ đến người lính tốt cũng đều biết tiếng”.

Trong dân gian còn lưu truyền, sử sách còn ghi câu chuyện về thái độ của Trần Nguyên Đán đối với hiền sĩ.

Chuyện kể rằng, Nguyễn Ứng Long (tức Nguyễn Phi Khanh) là một thanh niên nổi tiếng hay chữ, giỏi văn thơ nên dù xuất thân từ tầng lớp nhà nghèo vẫn được Trần Nguyên Đán mời về dạy con gái mình là Trần Thị Thái. Chẳng bao lâu đôi trai tài gái sắc cảm mến nhau, tình duyên nảy nở, kết quả là bà Trần Thị Thái mang thai. Đến ngày bà Trần Thị Thái sinh nở, Nguyễn Ứng Long sợ bị trọng tội liền bỏ trốn. Biết chuyện, Trần Nguyên Đán liền sai người đi tìm Nguyễn Ứng Long trở về. Anh ta sợ hãi vào gặp quan Tư đồ, trong lòng cầm chắc cái chết. Không ngờ Trần Nguyên Đán không hề bắt tội mà lại ôn tồn bảo:

“Người xưa có việc như thế, chẳng thấy Văn Quân và Tương Như đấy ư? Hay được như Tương Như, danh truyền đời sau, đấy là sở nguyện của ta”.

Cảm động trước đức độ của ông già vợ, Nguyễn Ứng Long chăm chỉ học tập, đến năm 1374 đời Trần Duệ Tông thì thi đỗ Thái học sinh. Sau này Nguyễn Ứng Long ra làm quan cho nhà Hồ tới chức Đại lý Tự khanh. Vợ chồng Nguyễn Ứng Long và Trần Thị Thái đã sinh ra Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi cũng đỗ Thái học sinh, trở thành một vĩ nhân, một anh hùng dân tộc mà tên tuổi ông gắn liền với Lê Lợi trong mười năm kháng chiến chống giặc Minh. Nguyễn Trãi mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc và nhân loại. 

Nếu không có tấm lòng bao dung nhân hậu của Trần Nguyên Đán, có lẽ dân tộc Việt Nam sẽ không có nhà văn hoá lớn, thi sĩ thiên tài, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, tác giả Bình Ngô đại cáo nổi tiếng.

Đó là nhìn ở bề ngoài, ở cái lớp vỏ của chủ nghĩa duy vật thô lậu. Thực ra, sự uyên áo của một Đạo Gia đã cho  Trần Nguyên Đán "sáng tạo" ra tác phẩm kiệt xuất của mình là người cháu ngoại lừng danh của ông: Nguyễn Trãi.

Nếu nói về lo cho nước cho dân trong hoàn cảnh Hậu Trần và chính sách diệt chủng tàn bạo của nhà Minh, thì Trần Nguyên Đán đã có một lựa chọn, một hành động lịch sử có một không hai. Chúng ta không hiểu về trí huệ Đạo Gia cho nên chúng ta cứ coi đó là ngẫu nhiên. Thực ra, những người tu luyện đến trình độ như Trần Nguyên Đán, không có gì ngẫu nhiên. Ông nắm bắt Thiên Cơ ,Thiên Ý và ông đã thành công. Một sự an bài phải chấp nhận sự không hoàn hảo phía sau. Vì dân nước mà anh hùng để hận ngàn năm.

Nhãn quan lịch sử qua các thời đại hẳn nhiên có khác nhau. Xin trích ra đây những đánh giá của người đời sau thông qua các bộ sử về Trần Nguyên Đán..

Ngô Sĩ Liên trong "Đại Việt sử ký toàn thư" cho họ Trần không có lòng Nhân, không phải người quân tử:

“Làm rõ điều nghĩa mà không mưu lợi, làm sáng đạo lớn mà không kể công, đó là tấm lòng người quân tử. Nguyên Đán là bậc đại thần cùng họ với vua, biết họ Hồ sắp cướp ngôi, cơ nghiệp nhà Trần sắp hết, thế mà không nghĩ đến việc vững vàng vượt qua gian nan, cùng vui lo với nước, lại đem con mình gửi gắm cho họ Hồ để làm kế về sau. [Thế là] mưu lợi mà không nghĩ đến nghĩa, bỏ đạo mà chỉ tính đến công, sao gọi là người hiền được? Hơn nữa, lúc ấy tai họa người Chiêm là việc cần kíp, mà lại bảo yêu Chiêm Thành như con, thờ nước Minh như cha, thì chỉ là câu nói tầm thường chung chung về đạo thờ nước lớn, yêu nước nhỏ, có bổ ích gì cho việc nước lúc đó? Tiếc rằng học vấn kiến thức của ông biết trước được mọi điều mà lòng nhân thì không giữ được.”

Đứng ở cơ điểm Thuần Nho, không quan tâm tới người Đạo Sỹ trong Trần Nguyên Đán thì nhận định vậy không có gì lạ!

"Khâm định Việt sử thông giám cương mục" nhận định:

“...đó cũng chỉ là nói suông, lo hão, mà đối với nước của dòng dõi nhà mình còn hay mất, cứ bỏ mặc, không nói qua. Thế thực là người bất trung lắm đấy..

Ở đây, họ Trần bị chê là kẻ bất Trung. Cũng là  đứng trong Đạo Tam Cương của nhà Nho nhận xét hà khắc một Đạo Sỹ. Thực ra, Thiên Tượng đã an bài. Những người "thay Trời hành Đạo” đã đâu còn như Tiền Nhân xưa....

Ngô Thì Sĩ trong sách "Việt sử tiêu án" thì nhận định:

“Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần, gặp vận nước không may, chỉ lấy sự rút lui để toàn thân là đắc sách, biết chơi thắng cảnh ở động Thanh Hư, mà không hỏi đến xã tắc ở Thiên Trường an hay nguy; chỉ mưu tính cho anh em Mộng Dữ, mà không nhìn gì đến cha con vua Nghệ Tôn được lợi hay bị hại; đến khi vua hỏi đến hậu sự, cũng không nói rõ; không biết rằng Quý Ly đã không che chở gì cho mình, thì sao còn đưa Mộng Dữ gửi nó? Vua đã mất nước, bầy tôi toàn một mình thế nào được? Lời răn dạy của cố nhân đúng lắm.”

Đứng góc độ "trí Quân trạch Dân" mà nhìn một người hiểu cơ Trời, biết được sự kết thúc tất yếu của một triều đại hư nát thì cũng khó mà nói được quyết định của họ Trần. 

Cùng là hai người có khả năng thấu rõ mệnh trời như nhau nhưng khi đứng ở góc độ thế sự để nhận định thì người ta ít chê bai Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn! 

Phải có sự hiểu biết nhất định về Đạo Gia, tránh nhầm lẫn sang lãnh địa của Nho Gia thì ta mới thấy Cơ Trời là không thể đổi thay! Người ta chỉ có nương theo mà thoát hiểm. 

Trần Nguyên Đán cố an bài cho mình một sứ mệnh với Đất Nước. Nó âm thầm nhưng vĩ đại: Người cháu ngoại của Ông, người anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nhân Loại: Nguyễn Trãi Ức Trai...

Muốn tìm hiểu thêm điều này, có thể đọc thêm: (http://m.trithucvn.net/van-hoa/biet-truoc-van-menh-cac-bac-danh-nhan-ky-tai-xua-da-lam-gi-de-thay-doi-no.html)

Trong một bài viết của Trần Hưng trên "Trithucvn" kể về chuyện người xưa khi xem thiên văn có thể biết những sự kiện sắp xảy ra như thế nào. 

["Chuyện này được ghi chép trong “Đông A di sự”, một cuốn sách cổ của chính người trong dòng tộc nhà Trần ghi chép lại, do Trần Triều Bình Chương Quốc Sư, Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán chấp bút.

Khi đại quân Mông Cổ tung hoành chinh phục khắp thế giới thì thiên tượng cho thấy sao sáng hội tụ ở phương Nam, vậy nên nơi ấy tất có Thánh nhân xuất sinh.

Nhà Tống đang phải chống lại cuộc xâm lăng từ phía Bắc của quân Mông Cổ, đây là đội quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Năm 1257 vào dịp tết Nguyên Đán tại triều đình nhà Tống, rất nhiều đại thần có mặt chúc Tết Hoàng Đế, trong số các đại thần có Hoàng Bính vốn là một vị quan đậu tiến sĩ thông tỏ thiên văn, tử vi và tướng pháp.

Sau khi chúc tết Hoàng Đế xong, Hoàng Bính liền ghé đến tòa Khâm Thiên Giám thăm bạn bè của mình, là những người giỏi tử vi. Họ cùng bàn luận tử vi của các thân vương, đại thần trong triều đình. Rồi cùng thấy một điều đặc biệt, đó là những người sẽ mất trước năm Kỷ Mão 1279 thì bình thường; nhưng nhiều người đều mất trong năm 1279, lại mất cùng một thời điểm và rất thê thảm.

Hoàng Bính xem kỹ tử vi của Hoàng Đế cùng chư Vương, Thái tử, Tam công, Cửu khanh, thì thấy vận cùng cả rồi. Từ đó Hoàng Bính đoán rằng nhà Tống có lẽ sẽ bị diệt vào năm 1279. Đêm hôm đó ông lên đài thiên văn quan sát thì thấy sát khí trùm lên các vùng thuộc đất Tống; quỷ tinh chiếu xuống vùng Mông Cổ, mạnh bất khả đương.

Trở về nhà, Hoàng Bính lo lắng không yên, thường quan sát thiên văn. Một lần ông nhìn về phương Nam thấy sao tử vi (ứng vào vua) sáng chói, các quần tinh xung quanh sáng rực rỡ, thịnh đến hơn trăm năm. Từ đó ông cho rằng Mông Cổ sẽ diệt nhà Tống, nhưng đến phương Nam sẽ bị chặn lại.

Thế là ngay trong năm 1257, Hoàng Bính đưa toàn bộ gia tộc khoảng 3.000 người xuống phía Nam đến nương thân ở Đại Việt. Thế nhưng nhà Trần lúc đó lo ngại nếu để Hoàng Bính ở lại thì có thể gây hiềm khích với nhà Tống.

 “Đông A di sự” có chép về cuộc đối thoại của vua Trần Thái Tông và Hoàng Bính như sau:

Vua Trần Thái Tông hỏi: “Khanh từng đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ, đã lĩnh chức Thị độc học sĩ triều Tống. Gần đây được ưu ái ban cho lĩnh An phủ sứ châu Tư minh. Thực là hồng ân bao la. Thế sao khanh lại chạy sang xứ thấp nhiệt của quả nhân, xin kiều ngụ?”.

Hoàng Bính đáp rằng: “Khắp gầm trời này, đâu cũng là thiên hạ cả. Đức Khổng tử không hề phân biệt cương giới. Thế thì kẻ vô tài, bất đức như hạ thần đâu dám nghĩ đến Đại Việt, Đại Tống khác nhau? Bảo Hựu hoàng đế Đại Tống trọng đãi thần, thần thực thâm cảm, nguyện kết cỏ ngậm vành. Nhưng, thiên mệnh đã an bài, toàn thể Trung-quốc phải chịu mấy trăm năm dưới ách ác quỷ; khí số nhà Đại-Tống đã hết rồi. Vì vậy, thần mới quan sát thiên văn, tìm nơi mà ác quỷ không thể tác họa, lại có thánh hiền giáng sinh mà ẩn thân.”

Rồi ông chỉ lên trời: “Trời Nam là nơi con cháu Viêm đế trị vì, linh khí ngùn ngụt, thánh nhân giáng trần, cầm gươm đuổi ác quỷ, đó là nơi có thể an thân. Vì vậy thần mới đem tông tộc sang xin bệ hạ cho núp bóng hoàng long”].

Ngày nay, cơ quan Nasa đã lập được bản đồ về sự di chuyển của các ngôi sao hàng ngàn năm trước. Những vấn đề về Thiên Tượng mà chúng ta vẫn thường cho là Mê Tín không có căn cứ đã được tường minh. Người ta đã tìm hiểu về ba lần Pháp nạn của Phật Giáo và số phận của ba ông vua ấy tại Trung Quốc xưa. Mọi điều được giải thích rất hệ thống. Hiển nhiên không đi theo hệ thống khoa học thực chứng phương Tây. 


Anh Vũ