Quan tư đồ Trần Nguyên Đán (Phần III)

Quan tư đồ Trần Nguyên Đán (Phần III)
Trần Nguyên Đán cáo lão năm 1385 lúc vừa ngoài sáu mươi tuổi. Khép lại thời kỳ nhập thế bất đắc chí là bài thơ sau: Ban ngày lên trời dễ Giúp vua Nghiêu Thuấn khó Sáu chục năm quay về Thấy mũ vàng xấu hổ.

 


Nhà Búp xin gửi tới quý độc giả bài viết của tác giả Anh Vũ về một nhân vật lịch sử ấn tượng: đại thần, nho sĩ, nhà thiên văn kiêm đạo gia Trần Nguyên Đán (1325 – 1390). Trần Nguyên Đán hiệu Băng Hồ, là tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Làm quan tới Tư đồ dưới thời các vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và Trần Phế Đế, tước Chương Túc quốc thượng hầu. 


Trần Nguyên Đán cáo lão năm 1385 lúc vừa ngoài sáu mươi tuổi. Khép lại thời kỳ nhập thế bất đắc chí là bài thơ sau:

題玄天觀

(1)白日升天易, 

(2)致君堯舜難。 

(3)塵埃六十載, 

(4)回首愧黃冠。


Phiên âm: Đề Huyền Thiên quán

(1) Bạch nhật thăng thiên dị, 

(2) Trí quân Nghiêu Thuấn nan. 

(3) Trần ai lục thập tải, 

(4) Hồi thủ quí hoàng quan.


Dịch nghĩa: Đề quán Huyền Thiên

(1) Ban ngày bay lên trời còn dễ, 

(2) Giúp vua để vua được như Nghiêu, Thuấn mới khó. 

(3) Sáu mươi năm sống trong cõi trần, 

(4) Ngoảnh lại luống thẹn với người đội mũ vàng.

(Bản dịch của Thơ văn Lý Trần, III, 1978)

# Dịch thơ (Đỗ Đình Tuân dịch):

Ban ngày lên trời dễ 

Giúp vua Nghiêu Thuấn khó 

Sáu chục năm quay về 

Thấy mũ vàng xấu hổ. 


Theo Toàn Thư, năm 1368, Trần Dụ tông mời đạo sĩ Huyền Vân ở Chí Linh đến để hỏi cách tu luyện. Nhân dịp, vua ban tên “động Huyền Thiên” cho khu đất đạo sĩ đang ẩn cư. "Huyền Thiên quán" có thể là một kiến trúc trong khu động này.

Nhan đề của bài tứ tuyệt này nói về một địa  danh rất cụ thể. Đó là "Huyền Thiên quán". Nó ở động Huyền Thiên, thuộc xã Kiệt Đặc, Chí Linh, Hải Dương.

Chữ QUÁN ở đây nếu không quan sát chữ Hán, rất có thể chúng ta nhầm với từ "quán" thuần Việt. Ta có thể hiểu là "quán Huyền Thiên ".

Vương Chi Hoán thời Đường có bài thơ: "Đăng Quán Tước lâu". Người ta đã dịch: "Lên lầu Quán Tước".

Thực ra, chữ này thường đọc là "quan" trong "quan sát, kỳ quan". Những khi đọc âm "quán" thì nó lại là: "Miếu đền của đạo sĩ." Liêu trai chí dị (聊齋志異)  có câu: "Nhất nhật, tự song trung kiến nữ lang, tố y yểm ánh hoa gian. Tâm nghi quán trung yên đắc thử".[ 一日, 自窗中見女郎, 素衣掩映花間. 心疑觀中焉得此] (Hương Ngọc 香玉) ~ Một hôm, từ trong cửa sổ thấy một người con gái, áo trắng thấp thoáng trong hoa. Bụng lấy làm lạ sao ở trong đền đạo sĩ lại có người này.

Như vậy, cụ Trần đã đề thơ vào một Đạo Quán có ẩn sỹ tu hành.

Ba bài thơ mà người ta thường dùng để tìm hiểu tư tưởng Đạo của cụ Tư Đồ là: "Đề Huyền Thiên quán", "Đề Sùng Hư lão túc" và "Đề Nguyệt Giản Đạo lục Thái cực chi Quan Diệu đường". Cả ba bài đều có viết chữ HUYỀN. Người  ta nhiều lúc gọi Đạo Giáo là Đạo Huyền. Nghĩa của nó là "Áo diệu, sâu xa". ◎Như: huyền diệu (玄妙). Trong "Đạo Đức Kinh"( 道德經) chương 1 có viết : "Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn"( 玄之又玄, 眾妙之門 ). Có thể hiểu là: "(Cái) tối ư huyền nhiệm ấy chính là cửa phát sinh ra mọi điều huyền diệu."

Khi đặt tên cho bài thơ như vậy, cụ Trần đã tự đặt mình vào một tâm thế của người theo Đạo, tu luyện Đạo. 

Câu khai đề :

(1) 白日升天易, 

[(1) Bạch nhật thăng thiên dị,]

"Bạch nhật thăng thiên" là một thành ngữ nói về sự viên mãn của những người tu Tiên.

Khi thân thể đã chuyển hóa hoàn toàn thành các chủng vật chất cao năng lượng gom chọn từ các không gian khác; khi thân không còn là vật chất trong Tam Giới này nữa thì giữa ban ngày mặt trời sáng tỏ, thường thì trong các chốn cùng sơn tuyệt cốc, các Đạo Sỹ sẽ bay lên. 

Số người tu luyện Đạo Giáo là vô cùng ít, người "bạch nhật phi thăng" lại càng ít hơn. Nếu như đây là có thật thì người chốn nhân gian mình rất ít có cơ hội để bắt gặp hiện tượng này. Đây là lý do chúng ta phủ nhận, coi chuyện này là bịa đặt, coi đó là Thần thoại, cổ tích. 

Cũng cần lưu ý, các pháp môn tu luyện đều có hình thức Viên Mãn khác nhau. Chẳng hạn, trong Lạt Ma giáo Tây Tạng, người ta giảng về "hồng hóa" tức là người tu luyện biến thành ánh sáng màu đỏ rời thế gian. Trong Đạo Gia, những người nào viên mãn mà còn lưu lại thế gian những nguyện niệm chưa thành thì họ không "bạch nhật phi thăng" mà ly khai thế gian bằng biện pháp "thi giải". Họ dùng "chướng nhãn pháp" che mắt người; biến một cây chổi, một chiếc giày… thành hình tướng giống mình để người ta đưa đi chôn..

Nói  tới "bạch nhật", ta dễ liên tưởng tới bài thơ của Vương Chi Hoán:

Đăng Quán Tước lâu 

"Bạch nhật y sơn tận, 

Hoàng Hà nhập hải lưu. 

Dục cùng thiên lý mục, 

Cánh thướng nhất tằng lâu."


Theo tôi, ngoài rất nhiều cách hiểu thú vị thì ở đây nhà thơ nhìn "bạch nhật" mà ao ước lúc mình "phi thăng" viên mãn. Không thể dựa vào bất cứ ai, bất cứ ngoại cảnh nào. Người Đạo Gia này, xác định mình phải dũng mãnh tinh tấn, phải đề cao tầng thứ của mình thì mới thành công. 

Câu Thừa đề:

(2) 致君堯舜難。

[(2) Giúp vua để vua được như Nghiêu, Thuấn mới khó. ]

Chữ TRÍ này được dùng thường xuyên trong ngôn ngữ của Nho Gia. Bởi nó xác lập chữ Trung trong mối quan hệ vua tôi. Nó có nghĩa là: "Hết lòng, hết sức, tận tâm, tận lực". Sâu xa hơn người ta thường dùng với nghĩa là: "Đạt tới". Ví dụ như: "trí quân Nghiêu Thuấn" (致君堯舜) nghĩa là: làm cho vua đạt tới bực giỏi như vua Nghiêu vua Thuấn; "trí thân thanh vân" (致身青雲) nghĩa là: làm cho mình đạt tới bậc cao xa.

Đặng Dung sau này đã để lại câu thơ bi phẫn mà bất hủ trong bài "Cảm  hoài":

致主有懷扶地軸 ( Trí chủ hữu hoài phù địa trục ~ Giúp chúa có lòng đỡ trục trái đất)

 Lý tưởng của Nho gia là "trí quân trạch dân". Đọc những bài thơ thời hăm hở ra tham chính của cụ Trần, ta thấy Cụ hết lời đề cao những nhà Nho quyết đem hết tài năng đức độ để phò vua an dân. Tư tưởng của cụ chưa bao giờ đối lập, tách rời giữa lý tưởng “trí quân” và “trạch dân”. Với ông hai mục tiêu ấy tuy hai mà một, cái này là điều kiện của cái kia, hỗ trợ cho cái kia. Là người học rộng, Cụ Trần có một cái nhìn quán thông kim cổ để nhận xét thời thế, hiểu rõ quốc sự, dân tình. Thế những, cuối đời mình, vận hạn của triều đình nhà Trần không thể cứu vãn, cụ Trần lựa chọn con đường theo Đạo như bao nhiêu hiền nhân trước ông đã qui ẩn..

Nghiêu, Thuấn là hai bậc vua hiền thời cổ đại Trung Quốc. Đây là hình mẫu lý tưởng mà các đấng minh quân, các bậc tôi hiền thường mơ ước. 

Có sự đối lập của 2 động từ ở cuối 2 dòng. Đó là DỊ và NAN.

Ai cũng biết từ người thường đủ hỷ, nộ, ái, ố; đủ thứ THAM, thứ DỤC mà thành Tiên để bay đi khó đến thế nào. Vậy mà, tận tâm tận lực giúp vua đạt tới một triều đại thái bình, thịnh trị thì quá khó. Khó hơn cả viên mãn của người tu Tiên. 

Họ Trần có lẽ không nói ngoa dụ. Với tất cả những gì mà ông chứng kiến; với những hiền thần như Chu Văn An ông kính trọng, ông hy vọng nhưng họ đành thúc thủ trước một cơ đồ đang ngày càng hủ bại... Nhiều người trách cụ Trần. Nhưng ai chống được luật nhân quả và sự vận hành của nó?

Cái khó của tu Đạo là vô vàn các Đại quan, tiểu quan nhưng mà dễ. Bởi cá nhân có ý chí, có trí huệ sẽ đi về phía trước. 

Cái dễ của một ông quan trong triều đình là hành xử như người thường. Nhưng khi ông muốn "trí quân" để xoay lại trục trái đất đã nghiêng thì lại là điều không thể. 

Một cá nhân ông tu thành, ông bay lên. Nhưng một triều đình mục ruỗng, ông không tu thay cho họ được! Quả là "Thiên nan vấn"!

Hai dòng cuối ("chuyển "và "hợp"):

(3) 塵埃六十載, 

(4) 回首愧黃冠。

[(3) Trần ai lục thập tải, 

(4) Hồi thủ quí hoàng quan.]


Rời chính sự ở tuổi 60 với người xưa, không phải là sớm. Đỗ Phủ nói: "Người thọ 70 xưa nay hiếm". Đến 69 là đã sống trọn một THẾ, trọn một đời người. Cụ Trần không nói: "Trần ai lục thập TUẾ /TỰ /NIÊN " mà dùng chữ TẢI. Đây là đơn vị thời gian bằng một năm được dùng phổ biến thời nhà Đường. Chẳng hạn như: "thiên tải nan phùng" (千載難逢); nghĩa là: "nghìn năm một thuở". 

Trong "Hoàng Hạc lâu", Thôi Hiệu cũng dùng chữ TẢI: "Bạch vân thiên TẢI không du du". Như vậy, chữ "tải" giành cho những sự vật, những sinh mệnh có tuổi Thọ rất cao.

Cụ Trần muốn nói: Rời khỏi đời thường lúc tuổi 60 chỉ là một phần thời gian đầu của sinh mệnh. Phần sau, tu Đạo thì sinh mệnh ắt sẽ có những giá trị khác thay cho chốn bụi bặm.  

Chữ QUÝ ở đây là: "Lấy làm thẹn, lấy làm xấu hổ". Chẳng hạn như: "vấn tâm vô quý" (問心無愧) nghĩa là: "không thẹn với lương tâm."

Mũ vàng (hoàng quan) ở đây là mũ các đạo sĩ thường đội. 

Câu kết là cảm nhận nuối tiếc vì mình rời quan trường quá trễ. Đến 60 rồi, ngoảnh đầu lại mới thấy thẹn với những người theo Đạo. 

Nếu tinh ý ta thấy chữ THỦ (首) ở đây ẩn ngầm của chữ ĐẠO [道].

Khi ta vừa ngoảnh đầu thì ta đã gặp con đường theo Đạo mà ta lựa chọn! 

Kết thúc bài thơ với chữ QUAN nghĩa là "mũ". Nó là từ đồng âm với chữ  "quan/quán" (Huyền Thiên quán/quan). Có một sự hòa âm của tư tưởng Đạo Gia bàng bạc khắp bài thơ 20 chữ. 

Trong bài: "Trần Nguyên Đán (1325 – 1390) đại thần, nho sĩ, nhà thiên văn kiêm đạo gia" Lê Tư có nhận xét về bài thơ này như sau:

"Rời việc quan, Nguyên Đán đắm mình trong Đạo giáo. Tuy nhiên, Ông cho rằng việc thành tiên vẫn dễ hơn làm một đại thần trung thành, giúp hoàng đế rũ áo cai trị thiên hạ. Đây là cách nói cay đắng rất khéo léo, thực ý chê vua u tối, không cách nào trở thành minh quân được. Ông thẹn với Huyền Vân vì đạo sĩ được vua mời đến nghe chuyện, còn bản thân ở ngay tòa Trung thư mà chỉ “dựa cột” qua thời. Ông gắn liền thất bại cá nhân với lầm lạc của triều đại."

Về  đề tài tu luyện Đạo Gia, quan Tư Đồ có bài thơ kỷ niệm về người dẫn dắt mình đến với chữ Vô. (Phật Gia giảng KHÔNG và Đạo Gia giảng VÔ. Không chấp trước và "Vô cầu nhi tự đắc "). Đây là tác phẩm chuyên chở nhiều nhận thức của người Ngộ Đạo:

題崇虛老宿

暫解塵纓世外拋, 

芒鞋藜杖與君交。 

檻前雲氣蓬萊遠, 

枕畔泉聲碧漢高。 

寸斷玄關飛劫石, 

側生海宇入秋毫。 

清虛羽屬相逢晚, 

一豁虛公老眼蒿。


Phiên âm: Đề Sùng Hư lão túc

Tạm giải trần anh thế ngoại phao, 

Mang hài lê trượng dữ quân giao. 

Hạm tiền vân khí Bồng Lai viễn, 

Chẩm bạn tuyền thanh bích hán cao. 

Thốn đoạn huyền quan phi kiếp thạch, 

Trắc sinh hải vũ nhập thu hào. 

Thanh hư vũ thuộc tương phùng vãn, 

Nhất khoát Hư công lão nhãn hao.


Dịch nghĩa: Đề chỗ ở cũ của Sùng Hư

Vừa cởi sợi dây trói buộc của cõi trần, xuất hiện ngoài thế cuộc. 

Đi giày cỏ, chống gậy lê để giao du với ông. 

Sắc mây trước hiên ánh tới Bồng Lai xa thẳm, 

Tiếng suối bên gối vọng đến trời xanh cao vời. 

Tạm cắt cửa huyền, bay qua thời gian vô tận, 

Sống hờ bên biển, chỉ để hòa nhập vào hư không. 

Kẻ thanh người tục, gặp nhau muộn màng!

Từ lúc cách lìa Hư công, mắt già luôn trông vợi…

Dịch thơ: Đề chỗ ở cũ của Sùng Hư

Cởi mũ trần ai rũ bụi hồng 

Gậy lê hài cỏ bạn cùng ông 

Trước hiên mây họp xa Bồng đảo 

Bên gối đàn khe cách cửu trùng 

Tạm đóng cửa huyền vào cõi tận

Sống nhờ "nhà biển" ghé "hư không" 

Người thanh kẻ tục quen nhau muộn 

Cặp mắt lờ mờ đã thoáng trong. 

(Đỗ Đình Tuân dịch)


“Huyền quan”, có thể hiểu là các giác quan như chương 52 ở "Đạo Đức Kinh" gợi ý “tắc kỳ đoài, bế kỳ môn, chung thân bất cần” (塞其兌,閉其門,終身不勤). Nghĩa là: Ngăn hết các lối (tai, mắt, mũi, miệng), đóng hết các cửa (tức đừng để cho cảm quan gây dục vọng, cứ giữ lòng hư tĩnh) thì suốt đời không lo lắng; mở các đường lối, giúp cho dục vọng phát sinh, thì suốt đời không cứu được. 

Vì thế "huyền quan" xưa nay có thể hiểu là huyệt đan điền, nơi luyện và sinh nội đan. 

Đây là cách hiểu nông cạn nhất. Các sách xưa không ai nói rõ ràng cả. Bởi đó là Thiên Cơ không dễ tiết lộ. Vả lại muốn biết về nó thì phải là người đã tu luyện rất cao tầng mới có thể thấy. 

Nếu ai muốn tìm hiểu điều này thấu đáo thì hãy đọc cuốn "Chuyển Pháp Luân" của Đại Sư Lý Hồng Chí. Trong phần giảng về Huyền Quan Thiết Vị, tác giả đã vén bức màn bí mật hàng ngàn năm của Đạo Gia. Không nghi ngờ gì nữa, con người tu luyện có thể vượt thoát ra khỏi thế giới Mê của mình để thành một sinh mệnh phi thường. Hiển nhiên, họ có những năng lực phi thường! Đúng như Lão Tử nói: "道 可 道 非 常 道. 名 可 名 非 常 名. Đạo, khả Đạo, phi thường Đạo; Danh, khả danh, phi thường danh. Nghĩa là: "Đạo (mà) có thể gọi được, không phải là Đạo thường (hằng cửu). Tên mà có thể gọi được, không (còn) phải là tên thường (hằng cửu)."

“Kiếp thạch”, từ Phật giáo, chỉ khối đá vuông vức với chiều dài mỗi cạnh 40 dặm ta. Nếu mỗi thế kỷ, dùng chiếc áo mỏng phất lên khối đá một lần, thời gian bào mòn khiến khối đá đó đến tiêu tan gọi là một Kiếp. “Kiếp thạch” tượng trưng thời gian trường cửu.

“Thu hào” nghĩa là "lông mùa thu". Sang thu, chim thú thay lông, những sợi lông tơ li ti nhỏ bé gọi là thu hào. "Thu hào" tượng trưng vật vô cùng nhỏ, không gì có thể len vào. Trong thiên "Lương Huệ Vương", Mạnh Tử có câu: "Minh túc dĩ sát thu hào chi mạt" có nghĩa là: "Sáng suốt để quan sát ngọn lông mùa thu".

Cảm hứng của  dòng thơ thứ 6 đến từ chương 43 "Đạo Đức Kinh" với ý “Vô hữu nhập vô gian” (無有入無間). Nghĩa là: Cái ‘không’ có thể nhập vào cái ‘không có chỗ’. Ở đây, chỉ vị Đạo Sĩ đã đạt đến Hư Tâm.

Cặp luận đồng nhất cái chết của Sùng Hư với việc Ông trở về bản thể, tức đắc đạo. Câu 5 diễn ý bằng thời gian, thời gian cực đại. Câu 6 miêu tả bằng không gian, không gian cực tiểu. Cụ Trần mường tượng Sùng Hư đang ở nơi hai trục thời gian-không gian giao cắt. 

Anh Vũ