Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
- Thứ ba - 09/05/2023 10:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Xuân Nguyễn)
MẠN ĐÀM VỀ CHỮ "BẦN": TA DẠI TA TÌM NƠI VẮNG VẺ, NGƯỜI KHÔN NGƯỜI ĐẾN CHỖ LAO XAO
Người xưa dạy rằng “Quân tử thực vô cầu bão”, tức là người quân tử chăm lo đạo lý, không lấy chuyện ăn ngon mặc đẹp làm điều chú trọng. Kẻ tiểu nhân cùng quẫn thì làm bậy, nhưng người quân tử lại vui đạo quên nghèo. Đối với người quân tử, chữ “bần” không có chỗ đứng, bởi họ biết “làm điều nhân thì không giàu”.
Đây là chữ BẦN 貧 (bần hàn, bần cùng). Trong chữ Bần, có ba phần: trên là chữ bát 八 (bát là tám), kế đến là chữ đao 刀 (đao là dao dùng để cắt chặt ra); hai chữ bát đao này họp lại thành chữ phân 分 (phân là chia, phân loại, phân tích, phân tán...), dưới cùng là chữ bối 貝 (bối là đồng tiền, nghĩa là của cải, tiền bạc, vật chất). Trong nghĩa gốc, chữ Phân là dùng dao để bổ sự vật ra. Chữ BÁT, rất giống với chữ Nhân (người) được tách ra. Vì thế, PHÂN ở đây gần nghĩa với từ ghép PHÂN THÂN: chia tách mình ra để hy sinh, để dâng hiến.
Chữ BẦN 貧 (bần hàn), có ba phần: trên là chữ bát 八 (bát là tám), kế đến là chữ đao 刀 (đao là cắt chặt ra); hai chữ bát đao này họp lại thành chữ phân 分 (phân là chia), dưới cùng là chữ bối 貝 (bối là đồng tiền)
Chữ BẦN nhìn bề ngoài thì có nghĩa là của cải bị phân tán. Giản đơn hơn, dùng quy luật Hình - Thanh trong cấu trúc chữ Hán thì "Phân" lấy âm (thanh), không có nghĩa. "Bối" lấy nghĩa. Kết hợp lại, nó có nghĩa là: nghèo khổ, không có của cải.
Cũng cần lưu ý chữ BẦN sẽ đọc là PHẬN (trong từ Số phận). Bởi vậy Nguyễn Công Trứ mới liên tưởng:
"Khó bởi tại Trời,
Giàu là cái Số".
Tiện đây, cũng lưu ý chữ "khó" trong tục ngữ:
Con không chê cha mẹ khó
Chó không chê chủ nhà nghèo.
Thời nay có những đứa con bất hiếu chửi cha mắng mẹ bởi cha mẹ chúng dẫu tần tảo suốt đời ky cóp nhưng không đủ sức để cho chúng hưởng thụ những tiêu chuẩn như con nhà giàu. Có một ông giáo ăn bờ ngủ bụi dạy dân lập, kiếm được cái nhà tàng rồi bị bệnh nặng. Qua khỏi bệnh, ông không làm ra tiền nữa. Gia đình khá chật vật. Đứa con học năm thứ 4 Đại học suốt ngày chơi game không ra trường được, cứ nguyền rủa cha mẹ nó, trách cha nó sao không cho nó đi nước ngoài học trường này lớp nọ…
Quan niệm “LẠC ĐẠO VONG BẦN, VI NHÂN BẤT PHÚ” ngày nay chỉ để cho mọi người lớn tiếng cười chê, nhất là những đứa thanh niên lêu têu, thực dụng...
Tuy nhiên, nếu quan niệm, chữ xưa là ngôn ngữ Bán Thần (Thần cùng người đồng sáng tạo) thì nó luôn hàm chứa những quan niệm Đạo Đức.
Những người nghèo, có cuộc sống thanh sơ giản dị (có thể là vua Lý Nhân Tông; Khang Hy hoàng đế, La Sơn Phu Tử...) là họ không màng vật chất ; họ thấy cuộc sống này là giả tạm, là trả nợ, chứ không phải ăn chơi, hưởng lạc. Họ có của cải để mà phân chia cho người khác. Có để cho chứ không phải vơ vét để mà có. Họ nghèo ở kiếp này để có bao nhiều Phúc Đức cho kiếp sau. Họ nghèo trong nhân thế với sự xem thường vật chất để mai sau họ gia nhập vào thế giới Thánh Hiền, Thần Phật ở cao tầng.
Chữ BẦN đứng ở cao tầng nhìn con đường dằng dặc của Sinh Mệnh nó tốt hơn nhiều với chữ Phú. Đặc biệt là những kẻ Trọc phú "ăn không chừa một cái gì "...
Thực ra hiểu chữ Bần như thế này thì Bần không có nghĩa là Nghèo, mà luôn luôn sẵn lòng san sẻ. Bill Gates có thể coi là Bần. Những tỷ phú của Mỹ khi đang sống đã Bần rồi. Bởi họ sẽ sang thế giới bên kia tay trắng nhưng nhẹ Tài mà nặng Đức... Quả báo công minh. Ngay cả Phật Thích Ca Mâu Ni cũng thở dài nhìn dòng họ nhà mình bị tận diệt.
Thôi, cứ bần hàn: ĐÓI CHO SẠCH, RÁCH CHO THƠM.
Nghèo như chị Dậu, có thể là trả nợ.
Nghèo như Khổng Minh ở lều cỏ thấy hết mọi ba đào thế sự để rồi theo Thiên Cơ mà hành sự lại là điều khác.
Người ta chê cụ Trạng Trình. Nhưng hãy nhâm nhi bài thơ NHÀN (Ở ẩn) kiệt tác của cụ, để thấy cụ là người thuộc cảnh giới nào mà đã ngộ ra rằng phú quí ở đời chỉ là giả tạm, chỉ là chiêm bao:
"Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chỗ lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao"
Và nữa là tác phẩm “Hàn Nho Phong Vị Phú” của cụ Nguyễn Công Trứ (Thơ văn Nguyễn Công Trứ, nxb. Văn học, VN, 1983):
Chém cha cái khó!
Chém cha cái khó!
Khôn khéo mấy ai?
Xấu xa một nó!
Lục cực bày hàng sáu, rành rành kinh huấn chẳng sai,
Vạn tội lấy làm đầu, ấy ấy ngạn ngôn hẳn có.
Kìa ai:
Bốn vách tường mo,
Ba gian nhà cỏ.
Đầu kèo mọt đục vẽ sao,
Trước cửa nhện giăng màn gió .
Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng,
Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ.
Đầu giường tre, mối dũi quanh co,
Góc tường đất, giun đùn lố nhố.
Bóng nắng dọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô,
Hạt mưa soi hang chuột trong nhà , con mèo ngấp ngó .
Trong cũi, lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu,
Đầu giàn, chuột cậy khua niêu, buồn thôi lại bỏ.
Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,
Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.
Ấm trà góp lá bàng lá vối, pha mùi chát chát chua chua,
Miếng trầu têm vỏ mận vỏ dà, buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ.
Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu,
Khăn lau giắt đỏ lòm, giải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú.
Đỡ mồ hôi, võng lác, quạt mo,
Chống hơi đất, dép da, guốc gỗ.
Miếng ăn sẵn cà non mướp luộc, ngon khéo là ngon,
Đồ chơi nhiều quạt sậy điếu tre, của đâu những của.
Đồ chuyên trà, ấm đất sứt vòi,
Cuộc uống rượu, be sành chắp cổ.
Đồ cổ khí bức tranh treo trên vách, khói bay lem luốc, mầu thủy mạc lờ mờ,
Của tiểu đồng pho sách gác đầu giàn, gián nhấm lăm nhăm, dấu thổ châu đo đỏ.
Cỗ bài lá, ba đời cửa tướng, hàng văn sách mập mờ,
Bàn cờ săng, bảy kiếp nhà ma, chữ nhật chữ điền xiêu xó.
Lộc nhĩ điền lúa chất đầy rương,
Phương tịch cốc khoai vừa một rỏ.
Tiêu dụng lấy chi mà phao phóng, thường giữ ba cọc ba đồng,
Mùa màng dành để có bao nhiêu, chừng độ một chiêng một bó,
Mỏng lưng xem cũng không giầu,
Nhiều miệng lấy chi cho đủ .
Đến bữa chưa sẵn bữa, con trẻ khóc dường ong,
Quá kỳ lại hẹn kỳ, nhà nợ kêu như ó.
Thuốc men rắp bòn chài gỡ bữa, song nghĩ câu ý dã, thế nào cho đáng giá lương y,
Thầy bà mong dối trá kiếm ăn, lại nghĩ chữ dũng như, phép chi được nổi danh pháp chủ.
Quẻ dã hạc toan nhờ lộc thánh, trút muối đổ biển, ta chẳng bõ bèn,
Huyệt chân long toan bán đất trời, ngôi mả táng cha, tìm còn chửa chỗ.
Buôn bán rắp theo nghề đỏ, song lạ mặt, chúng hòng rước gánh,mập mờ nên hàng chẳng có lời,
Bạc cờ toan gỡ con đen, chưa sẵn lưng, làng lại dành nơi, hỏi gạn mãi giạm không ra thổ.
Gâp khúc lươn, nên ít kẻ yêu vì,
Gương mắt ếch, biết vào đâu mượn mõ.
Đến lúc niên chung nguyệt qúy, lấy chi tiêu đồng nợ đồng công?
Gặp khi đường sẩy chân cùng, nên phải tới cửa này cửa nọ.
Thân thỉ to to nhỏ nhỏ, ta đã mỏi cẳng ngồi trì,
Dần dà nọ nọ kia kia, nó những vuốt râu làm bộ.
Thầy tớ sợ men tìm đến cửa, ngoảnh mặt cúi đầu,
Chị em e vất lấm vào lưng, chìa môi nhọn mỏ.
Láng giềng ít kẻ tới nhà,
Thân thích chẳng ai nhìn họ.
Mất việc toan dở nghề cơ tắc, tủi con nhà mà hổ mặt anh em,
Túng đường mong quyết chí cùng tư, e phép nước chưa nên gan sừng sỏ.
Cùng con cháu thuở nói năng chuyện cũ, dường ngâm câu lạc đạo vong bần,
Gặp anh em khi bàn bạc sự đời, lại đọc chữ vi nhân bất phú.
Tất do thiên, âu phận ấy là thường,
Hữu kỳ đức, ắt trời kia chẳng phụ.
Tiếc tài cả phải phạn ngưu bản trúc, dấu xưa ông Phó ông Hề,
Cần nghiệp kho khi tạc bích tụ huỳnh, thuở trước chàng Khuông chàng Vũ.
Nơi thành hạ đeo cần câu cá, kìa kìa người quốc sĩ Hoài âm,
Chốn lý trung xách thớt chia phần, nọ nọ đấng mưu thần Dương võ.
Khó ai bằng Mãi Thần Mông Chính, cũng có khi ngựa cưỡi dù che,
Giàu ai bằng Vương Khải Thạch Sùng, cũng có hội tường xiêu ngói đổ .
Mới biết:
Khó bởi tại trời,
Giàu là cái số.
Dầu ai ruộng sâu trâu nái, đụn lúa kho tiền,
Cũng bất quá thủ tài chi lỗ.
Người xưa dạy rằng “Quân tử thực vô cầu bão”, tức là người quân tử chăm lo đạo lý, không lấy chuyện ăn ngon mặc đẹp làm điều chú trọng. Kẻ tiểu nhân cùng quẫn thì làm bậy, nhưng người quân tử lại vui đạo quên nghèo. Đối với người quân tử, chữ “bần” không có chỗ đứng, bởi họ biết “làm điều nhân thì không giàu”.
Nghèo nhưng luôn giữ được Đức, giữ mình trong sạch thì tiếng thơm lưu truyền ngàn đời, ví như: Quốc sĩ Hoài Âm Hàn Tín, lúc nghèo khổ thường câu cá ở dưới thành đem ra bán ở chợ, không đủ nuôi thân, phải xin cơm ăn, bị người ngoài chợ làm nhục mà vẫn chịu nhịn, về sau làm đại tướng giúp Bái công (Lưu Bang) dựng cơ nghiệp nhà Hán; như mưu thần Dương Võ Trần Bình, lúc nghèo làm mõ chia phần làng, về sau làm mưu thần cho Bái công; như Chu Mãi Thần, người đời Hán, nhà nghèo mà ham học, về sau làm nên giàu sang. Họ đã được hưởng phúc báo: “có đức mặc sức an vui”...
Giàu có mà như Vương Khải, Thạch Sùng rồi đến khi Đức cạn, nhà tan cửa nát, chết hóa thành con mối cứ nghiến răng vì tiếc của, chắc chẳng bao giờ có được chữ an nhàn.
La Vinh