Thương về miền sương khói

Thương về miền sương khói
Đang là mùa xuân, một mùa xuân căng mọng tràn đầy sức thanh tân, bất ngờ nhận được tập tản văn của Trần Huyền Tâm “Tản mạn miền sương khói”, tôi lập tức bị cuốn hút bởi tò mò muốn biết Trần Huyền Tâm viết gì qua tập tản văn này.

                            

(Nhân đọc tập tản văn của Trần Huyền Tâm)

        

Đang là mùa xuân, một mùa xuân căng mọng tràn đầy sức thanh tân, bất ngờ nhận được tập tản văn của Trần Huyền Tâm “Tản mạn miền sương khói”, tôi lập tức bị cuốn hút bởi tò mò muốn biết Trần Huyền Tâm viết gì qua tập tản văn này. Thuở thiếu thời, cô Tấm vùng quê lúa Tiên Hưng Thái Bình, lại là con gái của một liệt sỹ chống Mỹ, đã được những con mắt xanh của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình phát hiện và mời về dự lớp bồi dưỡng viết văn thơ thiếu nhi “Búp trên cành do Hội tổ chức. Mấy chục năm qua, Trần Huyền Tâm đã trưởng thành trên mọi phương diện. Chị đang đảm nhiệm trọng trách của một cán bộ ngành ngoại giao. Không theo con đường văn chương, nhưng với tài năng văn chương thiên phú, được sự chắp cánh khơi nguồn từ lớp Búp trên cành của hội Văn học nghệ thuật Thái Bình và các Văn nghệ sỹ đàn anh đã ít nhiều tác động đến nguồn cảm hứng văn chương của chị. Quan trọng hơn, niềm đam mê mãnh liệt với văn chương và sự từng trải, lao động khổ luyện hết mình đã cho chị những đáp đền xứng đáng. Một cơ duyên quan trọng, may mắn nhất, Trần Huyền Tâm đã tìm hiểu và được đọc về Phật Pháp và hành trình tu tâm sửa tính đạt được đến như chị đang có được, sự “Ngộ” ở chị đã được thể hiện rất rõ nét và đã làm nên tư tưởng chính của tập tản văn này.

 

Tôi đã đọc và thực sự yêu giọng thơ của Trần Huyền Tâm qua tập thơ “Giọt nắng vô thường”. Thơ chị đánh thức những cảm xúc rất trong trẻo thuần khiết nơi sâu thẳm trong tâm hồn con người, là những trải nghiệm của chị trên hành trình làm người tốt để đến với những lẽ huyền vi sâu xa không phải ai cũng vươn tới được. Ấn tượng của tôi đã gặp được sự đồng cảm của nhiều người. Tập thơ của chị nhanh chóng có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

 

Không thể ngờ, Trần Huyền Tâm còn viết tản văn. Những bài tản văn của chị thật hấp dẫn, cuốn hút bằng một giọng rất riêng, một lối viết rất tài hoa: bình dị, nhẹ nhàng, mặn nồng, da diết và sâu sắc. Tản văn của chị tươi mới, dào dạt như cuộc sống, giàu sức liên tưởng, tưởng tượng, sức khái quát của một vốn sống, đi nhiều, biết nhiều, tâm hồn phiêu du bay bổng, mềm yếu dịu dàng mà sâu lắng. Tản văn của Trần Huyền Tâm mang điệu tâm hồn của chị. Là yêu đời, yêu người tha thiết. Mảng còn lại là trí huệ của người luôn biết chắt lọc những điều “đã thấy”, “đã nghe” trên hành trình của đời người, một tâm hồn đã đạt tới sự “Ngộ” trong con đường tìm đến chân lý cuộc đời.

 

Thật khó cưỡng nổi sự thích thú khi đọc bài Trần Huyền Tâm viết về sự bình yên, một niềm hạnh phúc giản đơn của con người. Một bình yên thật bình dị trong những cảm nhận của cảm giác, cảm xúc về cuộc sống đời thường quanh ta, mà chỉ khi biết yêu thương, trân quý mới có được sự bình yên ấy: “Ngồi một mình. Đằm sâu trong chiều bình yên. Bâng khuâng trước ướt đẫm mùi hoa dại, chợt thấy thương quá cái cảm giác ngu ngơ khi bàn tay giơ ra khẽ khàng hứng một giọt nước rơi, thấy cái man mác lành lạnh của chiều thu đã chắp duyên qua khung cửa sổ. Thấy yêu quá cái dịu dàng thanh thoát khi khẽ chạm vào giọt nắng hồn nhiên đến từ hoàng hôn. Thấy nhớ lắm tiếng anh cười khe khẽ ở phía sau lưng, trong khung trời bình yên sau cơn mưa giông bất chợt”.

 

Còn sự bình yên nào hơn thế này không? Sự bình yên chẳng phải kiếm tìm ở đâu xa, ai cũng có thể chạm tay là có được nếu ta biết yêu cuộc đời này.

 

Trần Huyền Tâm hồn nhiên bộc bạch “Hoá ra bình yên là cảm giác được sống thật với cảm xúc của mình. Cảm giác của một đứa trẻ thích cười thì cười, thích khóc thì khóc, yêu ai, ghét ai không vừa ý ai thì nói toạc ra chẳng phải ý tứ trông trước nhìn sau làm gì”.

 

 Đọc bài “Đất trời tấu khúc hoan ca” của Trần Huyền Tâm thật không thể không ngăn lòng đang xao lên những nôn nao vì “khúc hoan ca” tấu lên nhiều lôi cuốn hấp dẫn quá. Nào là: “Thoạt tiên là gió … gió hồn nhiên ngây thơ. Gió tinh khôi mới mẻ. Gió trẻ trung và dễ chịu… Nó mướt mát như tiếng hát ru ngọt ngào đang cất lên chào đón giấc ngủ đẹp. Nó tinh nghịch luồn ngón tay xinh xinh nhỏ bé của mình, nhẹ nhàng tách vỏ cây ra để cho từ cái lách tách nhỏ xíu ấy chợt nhô lên các chồi lá non nớt…”. Rồi là mưa xuân trong cảm nhận của chị: “Nó nhẹ quá, nhẹ hơn là hơi thở. Nó cứ như là rơi không. Nó thoáng vương lên mái tóc, trên những mảng tơ nhện chiều hôm trước… nó chỉ đủ mướt mát lớp lá bên ngoài các vòm cây. Nó chỉ đủ chạm vào giọt sương long lanh…”. Cứ thế, những âm thanh của màu xuân thật kì diệu với muôn nốt nhạc như thể từ một nơi huyền diệu rót xuống: “Tiếng nhạc có thể từ không trung rót xuống, từ xa xăm vọng đến....Tiếng nhạc vang vang hòa trong không trung, ngân nga giữa bầu trời mênh mông và mặt đất bao la Tiếng chim khe khẽ hót theo tiếng nhạc, lúc đầu thì khe khẽ như mơ hồ, như vô định. Nhưng sau đó tiếng chim dần vang rộng và lan xa như mời gọi, như thức tỉnh. Tiếng chim trong trẻo và vui…” Những âm thanh của Khúc hoan ca đất trời ấy đã được Trần Huyền Tâm lắng nghe bằng cả tâm hồn của mình. Chị đã như một người nghệ sỹ điêu luyện lâng lâng với những giai điệu thần tiên tấu lại khúc nhạc vui ấy qua những ngôn từ thật giàu hình ảnh sống động.

 

Và đây nữa sắc màu của “Khúc hoan ca”: “Phía chân trời lúc này bừng lên một khoảng sáng dịu dàng ấm áp. Rồi khoảng sáng ấy loang dần ra bừng toả giữa những đám mây… Dường như tất cả đất trời đã thay màu áo mới. Một màu sắc rất tinh khôi dịu dàng”.

 

 Trong “Khúc hoan ca” của Trần Huyền Tâm vạn vật dường như bất ngờ bừng lên sức sống: “Hoa bừng nở. Bừng nở rực rỡ. Bừng nở bạt ngàn… hoa ngào ngạt bung hương, hoa đang tấu khúc hương ca”. Hồn xuân ùa về tươi tắn non tơ, phơi phới sức sống qua cảm nhận từ hồn tác giả: “Những chồi non chợt ùa lên, lách tách xôn xao. Xanh miên man… Những con mắt lá đột nhiên cứ long lanh, cứ mơn man, cứ ngời ngời sức sống…”. Sắc xuân cũng trở lên huyền diệu vi thường, tưởng như chỉ có ở thế giới thần tiên: “Thoắt cái cả đất trời thay đổi. Xanh, trắng, đỏ, vàng, tím, hồng. Cả một khúc sắc ca được tấu lên”.

 

Có cảm giác rằng chúng ta đang sống ở một thiên đường ngào ngạt hương hoa, tràn ngập sắc màu, âm thanh và ánh sáng qua trang tản văn của Trần Huyền Tâm. Và chị đang giữa sự vi diệu ấy mà tấu lên khúc hoan ca của đất trời. Rồi từ những con chữ đầy sức sống của Trần Huyền Tâm lại truyền đến mỗi người đọc một sức xuân… Không thể đừng lòng không cùng xôn xao tấu lên khúc ca của lòng mình. Viết được những trang văn thế này hẳn rằng có cơ duyên xui mách từ chốn linh thiêng nào đấy?!

 

Trần Huyền Tâm viết về nụ cười mới đáng yêu làm sao: “Nụ cười là tia nắng rạng rỡ tinh khôi nghiêng nghiêng chảy xuống mặt hồ lảng bảng sương. Nụ cười là tiếng chim hót lảnh lót rót những giọt âm thanh kì diệu xuống đồng cỏ mềm non tơ. Nụ cười là cơn gió thơm dịu dàng quấn quýt những vườn hoa chanh, hoa bưởi, hoa hồng. Nụ cười là cây bút thần kỳ vẽ lên những bức tranh đẹp xinh sống đồng. Nụ cười chính là ngôn ngữ tuyệt mỹ nhất thế giới gắn kết những trái tim ấm nồng của mọi người trên thế gian… Nụ cười làm giàu cho những ai nhận được mà không làm hao mòn đối với người cho… Mỗi nụ cười là một đóa hoa hạnh phúc” - “Chìa khoá của cuộc sống hạnh phúc”. Vậy thì ai chẳng muốn luôn nở nụ cười thật tươi trên môi để tặng cho đời, cho mọi người và cho chính mình. Trần Huyền Tâm nói tới sự lạc quan vui vẻ trong triết lý sống thông qua những cảm nhận về nụ cười. Phải có tâm thế an nhiên như thế nào mới có được những ẩn dụ lạc quan như vậy. Viết những dòng này tôi cứ thấy lấp loáng nụ cười của chị: Hồn nhiên, chân tình, nồng hậu và thật dễ gần. Tôi thầm phục tài quan sát miêu tả và khả năng vận dụng ngôn từ hết sức sinh động của Trần Huyền Tâm. Tất cả đều sôi động, cuốn hút ta bằng tai nghe, mắt thấy, bằng cảm giác, sự rộn ràng thôi thúc từ tâm hồn.  

 

Với những bài tản văn xinh xắn, hấp dẫn, Trần Huyền Tâm ríu ran dắt ta đi từ sự ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, không thể không đọc tiếp, nghe tiếp xem chị lại có món quà gì mới tặng mình đây! Đây rồi, một mùa hoa Loa Kèn nhắc nhớ tháng Tư về. Hoa Loa kèn – Hoa Bách hợp hay hoa Huệ Tây là hình tượng của nữ thần Hera - nàng Hera có đôi mắt bò cái xinh đẹp, vợ của Thần Zeus chúa tể muôn loài. Hoa Loa Kèn là biểu tượng của sự thuần khiết trắng trong và sung túc. Chị còn kể ta nghe một câu chuyện dân gian rất  xúc động về một tình yêu bất tử của một đôi trai gái và bi kịch về sự thuỷ chung của họ, về nguồn gốc một loài hoa Loa Kèn hay Bách Hợp, biểu tượng của sự trong trắng lòng chung thuỷ và cao thượng. Đoá hoa Loa Kèn với người phương tây là cả những câu chuyện lãng mạn huyền bí, nhưng trong mắt chị thì loại hoa này đẹp một cách dân giã, bình dị, gần gũi, trong trắng như người thiếu nữ Việt Nam: “Loa Kèn nghe thì sao ồn ã mà sao sắc hoa lại tinh khôi thế, hương thơm lại tinh khiết thế. Hoa cứ dịu dàng, trắng trong, lặng lẽ đến độ như vô thanh vô sắc. …Màu sắc trắng trong vô vi thuần khiết của loa kèn sao mà linh thiêng, mà riêng biệt. Cũng giống như sắc trắng trong suốt như pha lê của hoa Ưu đàm bà la, Loa Kèn cũng làm nên một sự khác biệt” và lòng chị trào dâng niềm dạt dào với Tháng Tư hát khúc thương về.

 

Tôi rất yêu cái cách chị gọi mùa Thu: Mùa chín. Hay và gợi vô cùng. “Có một mùa luôn được nhân thế yêu chiều. Có một mùa đã lấy đi của những người yêu nó không biết bao nhiêu thời gian cảm xúc. Có một mùa luôn đậm đầy nồng say, đắm đuối với cả nụ cười nước mắt. Có một mùa luôn chìm đắm tâm tình yêu thương hờn ghen tủi hận trong những vần thơ, giai điệu, ca từ. Có một mùa đang hiện hữu trong từng hơi thở của đất trời … Là cảm giác yêu thương tràn đầy khi lùa ngón tay vào mái tóc đã luống bạc, đã mỏng manh như sương khói của người yêu… Thu đang chín trên mái tóc yêu thương ấy…” Yêu thích vì “Thu chín” của chị mang tâm hồn của người phụ nữ nhân hậu đằm thắm dịu dàng. Chẳng biết “Thu” và “người”, ai đang làm ta xao xuyến đây?

 

Tôi lặng đọc những câu Trần Huyền Tâm viết về hạnh phúc. Trải nghiệm của chị từ những năm tháng mặn nhạt, cay đắng, chua ngọt của cuộc đời đã cho chị một cách nhìn thật đúng đắn về điều mà con người ai cũng muốn có được, thậm chí đã có nó trong tay mà vẫn chẳng hiểu nó ra sao! “Người không biết thế nào là đủ thì sống bất an… người biết thế nào là đủ thì sẽ luôn có một cuộc sống sung túc, họ có được tất cả… Người sống luỵ vào tình lúc nào cũng lấy tình yêu làm trung tâm thì sẽ không còn được hưởng những thú vui an nhàn mà đáng ra họ có thể được hưởng… Người không biết tha thứ sẽ mãi mãi đau khổ, lúc nào cũng cảm thấy bất an vì cứ phải ôm thù hận trong lòng… Người biết thế nào là liêm sẽ luôn giữ cho mình được thanh khiết như bông hoa sen mọc dưới đầm lầy… Người biết thế nào là hạnh phúc sẽ biết cách quên đi cái khổ đau đang phải chịu…”. Cứ cái giọng thầm thì như đang kể chuyện, mà bao nhiêu triết lý sống được bộc bạch, càng ngẫm càng thấy chị có lý. Mấy sàng khôn của con người, dường như Trần Huyền Tâm có cả. Chị nhắc lại một triết lý về việc cấy lúa mà người xưa đã đúc kết khiến ta giật mình: “Trên thực tế người nông dân phải nhìn xuống mặt bùn rồi bước lùi lại để cấy lúa. Vậy triết lý sâu xa của thực tế này là thành công có được từ việc Cúi đầu xuống và lùi lại, hay suy rộng ra thì “Lùi lại thật sự là tiến tới” mà chị đã ngộ được khi đọc các bài giảng về Phật Pháp.

 

Trần Huyền Tâm cũng hay bàn về sự “Ngộ”. Đó là một khái niệm hoàn toàn không dễ hiểu. Chị là người may mắn đã đọc được nhiều điều về trạng thái cảnh giới tinh thần cao mà Nhà Phật đã giảng: “Ngộ thâm sâu lắm. Theo Nhà Phật thì “Ngộ” được dùng chỉ trạng thái của một người tu luyện đã đạt tới cảnh giới tinh thần cao, hoà nhập vào trí huệ to lớn của vũ trụ, đi kèm là trạng thái kết nối và tràn ngập từ bi sâu thẳm bên trong… Người đã ngộ là người hiểu được mục đích sống của họ trên thế gian này là gì”- “Ngộ”.

 

Ở một bài khác, Trần Huyền Tâm bàn về Đức – “Để Mỹ Đức mãi nở hoa”. Trong bài này Trần Huyền Tâm tập trung nói về sự nhẫn nhịn của con người. Có thể thấy rằng khi viết những dòng này, chính chị đã vượt qua những thử thách để có được sự hiểu sâu về mục đích sống của con người, về chân lý của cuộc đời và cho ta những lời khuyên thật gan ruột về “nhẫn nhịn” - một trong những tiêu chuẩn mà người tu tâm dưỡng tính cần phải thực hành để hướng tới những giá trị tốt đẹp nhất của vũ trụ: “Người thực hành chữ “nhẫn” là người có dũng khí, có thể độ lượng bao dung với cả những việc người thường không thể chịu đựng được… Chỉ những người có ý chí, khát vọng vô cùng lớn, chí hướng cao xa phi thường, biết lễ nghĩa, biết đạo lý thì mới có thể kiềm chế bản thân, ước thúc lời nói và hành vi của mình khiến cho lời nói và hành vi đều phù hợp với yêu cầu của Đạo đức”.

 

Từ những trải nghiệm của đời mình, từ tâm hồn thương yêu rất thanh cao, Trần Huyền Tâm thủ thỉ với mọi người một điều bình dị mà rất có lý: Hãy tin vào chính mình mà sống. Có cảm giác bàn tay ấm nóng của chị đang nắm tay ta, nụ cười trìu mến thân thương hân hoan vẫy gọi động viên ta can đảm bước đi. Sức mạnh của văn chương là ở đây chứ ở đâu nữa? “Trong cuộc sống muôn màu này, xin nhớ rằng chẳng ai hiểu bạn bằng bạn cả. Hãy tin tưởng vào bản thân mình, thay đổi cách nhìn và luôn tâm niệm “Tốt xấu tự một niệm” bạn sẽ thấy thay đổi đến mức không ngờ.” Hay như: “Con đường đẹp nhất, hạnh phúc nhất là con đường do chính bạn đã lựa chọn. Hãy giang tay đón nó, chính là bạn đã tin tưởng và trân quý sự lựa chọn của mình” (Đường đi dưới chân ta).

 

“Hãy nhìn lại mình – nhìn sâu vào bên trong để hiểu mình, tự điều chỉnh mình … Hãy đối đãi với bản thân mình bằng tâm nhẫn nhịn và đối đãi với người xung quanh bằng tâm bao dung…”. Trạng thái tâm tĩnh thân an, một cảnh giới tinh thần cao thâm, mỹ diệu trên con đường tu tâm sửa tính mà Trần Huyền Tâm đã đắc được rồi chia sẻ những điều tuyệt diệu đó cho mọi người để cùng “Ngộ”, cùng trở thành người tốt, một người thực tu. Tản văn của Trần Huyền Tâm đã đạt tới những giá trị nhân văn cứu đời, cứu người hết sức cao quý.

 

Với đôi mắt đầy yêu thương nhân ái an hoà, tập “Tản mạn miền sương khói” cho ta thấy một Trần Huyền Tâm có trái tim yêu thật thánh thiện, bao dung và đằm thắm. Chị yêu hết lòng cuộc sống này, từ bông hoa, ngọn gió, từ sắc tím, sắc vàng, hay sắc trắng tinh khôi của hoa, cả đến bông hoa lục bình mà người miền Bắc gọi là hoa bèo tây trôi lênh đênh trên sông nước chị cũng dành cho em một niềm xao động ưu ái rất dễ thương. Những chị, những em trong nhóm “Búp trên cành” của chị, chị yêu tất thảy họ. Chị trân quý, nâng niu, yêu và tin họ thật lòng. Tình cảm này được thể hiện trên những trang viết của chị về:  Bùi Thanh Huyền, Phạm Hồng Oanh, Bùi Thị Biên Linh, Nguyễn Thị Thuý Hằng, Bùi Lan Anh, Lam Châu … Mỗi người một vẻ đẹp khó phai mờ. Chị đã nhắc đến những câu thơ hay nhất của Bùi Thanh Huyền, câu thơ khái quát điệu hồn của người đàn bà yêu với “Bao nhiêu là bao dung, thông cảm, xót xa tức tưởi của người yêu lắm, thương lắm trước mùa thu kiếm tìm ấy”:

 

“Em chạy dọc mùa thu tìm anh

Chạy tức tưởi, chạy âm thầm lá rụng

Cả yêu thương cả tủi hờn căm giận

Em ùa vào, em trút xuống mùa thu”

(Bùi Thanh Huyền).

        

Chị nhiều lần nhắc tới Phạm Hồng Oanh, nữ sỹ có biệt danh”Muối Dưa” với bài thơ “Muối dưa” nổi tiếng, sau còn lại một từ đọng rất nhiều yêu mến trong nhóm Búp: “Cô Muối”. Chị hay trích thơ Phạm Hồng Oanh trong những bài viết của mình như tìm một minh chứng đồng cảm sẻ chia:

 

“Lời vu vơ viết cho người

Hoá ra ám ảnh chính đời mình thôi

Tặng người hết thảy lời vui

Thẳm sâu tự hái đơn côi tặng mình”.

(Phạm Hồng Oanh)

 

Những khi ấy, Trần Huyền Tâm vừa ngẫm ngợi những câu thơ của Oanh, vừa hiển hiện trong đầu một hình ảnh thương yêu trân quý. Trần Huyền Tâm đồng cảm với Thuý Hằng - cô gái “lành và nhẫn nhịn, niềm yêu thương tròn đầy” qua bài “Phút cuối cùng với mùa thu”. Chị yêu Lan Anh “người viết thơ tình từ khi lên 10 tuổi” với những câu thơ đầy sức gợi về tình yêu của Lan Anh:

 

Anh ngồi ngắm hết em chưa

Những môi, những mắt như vừa mới quen”

 

rồi chị viết: “Nhìn Lan Anh lúc nào mà chả xuân, hình như nó không có mùa nữa… nó như là đám cháy lúc nào cũng cần cứu hoả”.

 

Thơ, văn của Lam Châu, Biên Linh trong trang viết của chị cũng dạt dào tình yêu, niềm đồng cảm ngợi ca như vậy.

 

Trần Huyền Tâm không giấu những tình cảm riêng tư của mình. Trong cõi thiêng của chị, có hình bóng một người đàn ông đã được cách điệu thành hình tượng núi vững chãi, chắc chắn, thô nhám, gồ ghề nhưng vô cùng cần thiết che chở cho giọt Mưa mềm yếu. Chọn hình tượng đó là một tinh tế, một sự lựa chọn hình ảnh nghệ thuật rất thành công và độc đáo của người cầm bút.

 

Bài thơ “Mòn đêm chờ đợi” thật giàu chất nữ tính, mang vẻ đẹp của người vợ Việt Nam đoan trang, nhân hậu thuỷ chung:

 

Đợi anh đêm còn em thôi

Ngoài kia sương đầm mái lá

Giọt sương lăn dài trên má

Giọt sương ướt gối em rồi…

Anh ơi anh về đi thôi…”


Có một người vợ yêu ta đến thế này, bảo sao người đàn ông có thể không yên tâm với mái ấm và tình yêu của mình. Hạnh phúc của chị thật bình dị, chẳng khó kiếm tìm, nhưng chẳng dễ nếu như ta không hiểu hết chân giá trị của hạnh phúc: “Thích hơn cả là những chiều được cùng tình yêu của mình ngắm mưa, nghe tiếng thu rơi với những khúc điệu rất riêng, mưa như buông từ mái hiên, lãng đãng trôi trên cửa kính. Nhìn ai cũng vui hơn khi thấy mưa, ta luôn có cảm giác bình yên giống như khi được ngắm tình yêu của mình thảnh thơi bên ly cà phê vậy”.



Đọc “Tản mạn miền sương khói”, ta bị mê hoặc bởi tâm hồn trong trẻo, phiêu du, lãng mạn của Trần Huyền Tâm. Câu chữ, hình ảnh nghệ thuật trong từng trang viết đã chứng tỏ một tài năng văn chương đang ở vào độ chín,  khẳng định đẳng cấp của một cây bút rất vững vàng.


Ta ngỡ ngàng vì sự từng trải, chín chắn của Trần Huyền Tâm, ta cũng khâm phục bởi sự trưởng thành của chị, lòng quyết tâm trong quá trình đi tìm Đạo, mong muốn đi tới tận cùng cái “biết” của chị. Các trang viết dường như cho ta thấy chị đang vững chắc bước lên những bậc thang của cảnh giới tinh thần ở tầng cao, vững chắc đi trên con đường trở về với chính mình, về với cội nguồn của chân lý. Những tư tưởng tuyệt đỉnh, vĩ đại nhất của đạo đức vũ trụ như ánh vàng loé sáng mỗi câu chữ của chị. Và nó đang tỏa lan ánh sáng kì diệu đẹp đẽ đó tới tất cả chúng ta, thức tỉnh lay động mỗi chúng ta khi đọc những trang viết của chị. Cám ơn Trần Huyền Tâm đã tặng cho bạn đọc nơi Miền sương khói một cánh đồng chữ an lành, tặng nụ cười hạnh phúc vi diệu nhất cho cuộc đời này, đúng lúc ta đang rất cần đến nó.


Thái Bình, Mùa hoa Loa Kèn năm 2019

Nhà thơ Ánh Tuyết