Thuyền rời bến

Thuyền rời bến
“Thuyền rời bến” – Đấy là phút khởi hành, mang dấu mốc hành trình tìm về “Bờ Bến”mới. Để rồi, “Bến bờ rời xa ấy” lại hóa thành “Bến cũ”, Thành “Quá khứ” đắp đầy. Thành “cái Nhìn, cho ta, khi ta ngoái lại”. Thành cặp phạm trù “Nhân Quả” – “Nhân duyên”. Thành “Bến mở” nối dài cho bao nhiêu khát khao, mong chờ trước vận động dặc dài, trước mặt …

(Ảnh: Nhà thơ Bùi Đại Dũng)


“THUYỀN RỜI BẾN”

TRONG HÀNH TRÌNH MỚI 

CỦA CHẶNG ĐƯỜNG CHUYỂN TIẾP

                                      (Đọc “Thuyền rời Bến” – Tập thơ của Bùi Đại Dũng –

                                      NXB – Hội Nhà văn Việt Nam, Quý III/2023)   

                                                                     Nhà thơ:  KIM CHUÔNG



Thuyền rời bến” – Đấy là phút khởi hành, mang dấu mốc hành trình tìm về  “Bờ Bến”mới. Để rồi, “Bến bờ rời xa ấy” lại hóa thành “Bến cũ”, Thành “Quá khứ” đắp đầy. Thành “cái Nhìn, cho ta, khi ta ngoái lại”. Thành cặp phạm trù “Nhân Quả” – “Nhân duyên”. Thành “Bến mở” nối dài cho bao nhiêu khát khao, mong chờ trước vận động dặc dài, trước mặt …


Tôi đọc, ngẫm. Và, “đồ” vậy, trước ý nghĩ riêng mình về những gì có từ thông điệp, từ tập thơ “Thuyền rời Bến” mà người viết muốn tâm tình, ký thác. Bởi, Bùi Đại Dũng, một Nhà giáo – Người thầy từng nhiều năm giảng dạy ở một Trường Đại học Quốc gia. Một thi sĩ giàu cảm rung, suy tưởng. Một năng lực kiến văn rộng dài, mẫn tiệp. Người từng có một gia sản khiêm nhường với những tập thơ đẻ ra từ thăng hoa, ngẫu hứng. 


Rồi, dăm ba tập đứng tên Dịch giả Bùi Đại Dũng, gồm Văn xuôi, Thơ, qua nguyên bản Anh văn, Trung văn, Pháp, Nga văn ...


Đặc biệt, với “Lão Tử” – Một tác phẩm với văn bản dịch thuật mới nhất, khá công phu, vừa xuất bản, khẳng định một cái tầm, một chiều sâu của “cái Biết” qua chú thích, luận giải từ nhiều phía mà tác giả soi nhìn …    


Cùng với thành tựu của phần lớn đời mình gắn sự nghiệp giáo dục, ở một phía đóng góp khác, Bùi Đại Dũng còn là một Nghệ sĩ sáng tạo, trong công cuộc lao động tâm huyết của một người cầm bút đa tài. Tôi từng dành sự quý yêu, nể trọng này, viết về Bùi Đại Dũng, về một mảng thi ca, trước các tập thơ “Nhớ tìm tôi nhé”, “Đuốc và Mặt trời”, “Giấc mộng trong cơn mê” (Thơ Dịch)  … Và. Điều dễ thấy, ở Bùi Đại Dũng. “Ở Thơ” – Đó là, sức Rung. Là vía hồn Thi sĩ. Là, Thơ dễ đẻ ra từ sức cháy. Thơ tự nó hát lên, từ giông bão tim mình …(1)   


Phải nói, bên cạnh chất trữ tình, khẳng định, Ông Trời đã “phú” cho người thơ này, một trái tim thi sĩ. Bùi Đại Dũng có một mảng khác nữa, trong kiếm tìm mà anh đang say sưa nối dài và đắp bồi cao rộng hơn, đấy “là Thơ” của một vệt khơi đào, xới lật mà ngỡ như, mọi cái “Có trước” lại bắt đầu có từ “Ý niệm”.  Từ “Ý thức” mở ra “Vô thức”. Rồi, từ “Vô thức” nào đó, lại có được cái “Ý thức” gọi về … 


… Thơ được đánh thức và khai sáng từ nét trội vượt của sự trải nghiệm. Ở “đại mộng” mà hiện về “đại giác”. Ở cái  “Ta mang hồn ta, ra làm một thế giới … nhiều hơn”.  


Đọc “Thuyền rời Bến” càng thấy sự phát lộ này luôn là “sự chiếm ngự”. “Là Trục”. Là sức cuộn xoáy của những gì là tiếp cận, là suy tưởng, là sự nung nấu không yên bình của cõi lòng Thi sĩ, đang đòi, được ra đời. Được vượt thoát. Được lấp đầy cái khoảng lốc xoáy, day trở, quặn se trong những bài thơ, câu thơ, không kiêng nể, không né tránh những xương xẩu, gai góc, những góc khuất đời thường.


Nằm trong dòng chảy của “Thuyền rời bến”, có thể dẫn, bài thơ “Đa và Lim” là tiêu biểu, cho nguồn mạch, lối mở, với sức cuốn, sức tải ấy cùng rất nhiều bài thơ tiếp nối khác của Bùi Đại Dũng, được đốt lên như thế. Thơ với năng lượng được nén dồn từ trực giác đã tích lũy, dồn đọng mà phát ra trong chiều sâu ánh sáng thế này:   

       

Đa một đời bền bỉ/ Biếu bóng mát, quả ngon/ Cho bao loài nương tựa/ Che chở mọi linh hồn/ Đa chết thân mau nát/ Trả về đất thảnh thơi/ Chẳng nhớ gì công quả/ Như đương nhiên cuộc đời.”  … 

“Là cây, nhưng Lim khác/ Cần mẫn nén lõi lòng/ Thâm sâu và cứng chắc/ Oai hùng trước bão dông/…”

“Lim chết còn kiên cố/ Làm rường cột gác son/ Thể xác còn trì giữ/ Dằm sắc độc kinh hồn …”


Để rồi, điều ta biết được:  “Đa và Lim thế đấy/ Cũng là một đời cây/ Một loại mình trên hết/ Một loại chẳng ai hay …”


Vâng. “Đa và Lim” là thực vật, là cây trồng. Với “Đào phai” cũng thế. Nhưng, viết về “Đa, hay Lim? Hay Đào phai? ”. Với tất cả những gì thuộc về ngoại giới, khi bước vào thơ. Nó cần có một sức đẩy nào đó, để nó không còn là nó với nguyên nghĩa “là Nó” nữa. Mà, qua liên tưởng, ví von, qua con mắt thi nhân, nó đã hóa “thành Đời”. Thành thân phận, nỗi niềm, chứa đựng bao nhiêu ý nghĩa sâu xa của thế giới nhân sinh. Bởi vậy, với “Đào phai” qua tâm thi của người viết, thơ đã động lên, đã khác đi qua những câu tự vấn:         


Đỏ thắm đã phai, hay chẳng đỏ,

Cứ Đào là đỏ, khác chẳng Đào?

Mai có trắng vàng hồng tứ quý,

Đào không hồng, đỏ thực phai sao?


Cuốn trong mạch đi này, Bùi Đại Dũng viết nhiều về Cây, Về Mùa xuân. Về “Cái ghế nguyên là cối đá”. Về cái xe hỏng”. Về “Ngựa và Người”. Về những sự vật hiện tượng qua những đối thoại, diện kiến… Với lối thơ dẫn dắt, qua mô tả, tái tạo, và sáng tạo, thơ Bùi Đại Dũng luôn bám chặt, hướng tới cái đích mà cái “Kết” thường làm nên “cái Đế” tạo được sức vọng vang, qua phát hiện, kiến giải.. 


Ví như: 

Nguyên cối xưa, nay biến ghế ngồi,

Là hai nhưng một chức năng thôi.

Đỡ chầy là việc không mới cũ,

Khác chăng một giã, một... thôi rồi.


Hoặc:
Lại xôi, lại bánh - lại gạo thôi,

Ngũ trược quẩn quanh - ngã chẳng rời.

Những tưởng chín rồi thì chín hẳn,

Mới hay ngũ cốc cũng luân hồi.

(Lại Gạo)


Đọc mảng thơ này trong “Thuyền rời bến” của Bùi Đại Dũng, tôi bỗng trông về cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - “Vầng mặt trời thi ca” của đất Việt, đất Vĩnh Bảo quê hương tôi. Tôi đã từng ngưỡng mộ ông, viết về ông, bái vọng ông. Một thi nhân, Nhà Giáo dục, Nhà chiêm tinh học. Một triết gia luôn ắp đầy tư tưởng. Luôn mượn vạn vật quanh mình mà gửi vào đó bao nhiêu phát kiến, lý giải với bao nhiêu tri thức cao thâm.  Thơ ông là “Thơ Thánh, thơ Triết”. Thơ làm cho ai đó trong đời phải mở to đôi mắt. Bởi vậy, nhà thơ đã vịnh sự vật nhiều đến nỗi, chưa có tác giả thơ nào trong lịch sử thi ca Việt Nam lại “ngâm vịnh” nhiều đến thế. Ngắm Trời, ông vịnh: Nhật, Nguyệt, tinh, phong, lôi, vũ... Nhìn Đất, ông vịnh: Sơn, thủy, hải, hà... Gặp thời tiết ông vịnh: Xuân, hạ, thu, đông, hàn, thử... Gặp cầm thú ông vịnh: Phượng, hạc, oanh, yến, trâu, bò, ngựa chó... Gặp cây cối, ông vịnh: mai cúc, trúc lan...


Nhìn chung, Thơ thế sự. Thơ nhật trình, thù tạc. Thơ ngâm vịnh, xướng họa … Hay bất cứ hình thức, thể loại thơ nào, tự cổ chí kim, không có hình thức thể loại nào, tồi. Không có thơ mới, thơ cũ. Cái cuối cùng còn lại, ta nhìn thấy, ta có được, chỉ có thể là “Thơ hay” hoặc “Thơ dở” mà thôi.


Bởi vậy, với “Thuyền rời Bến” với cách tìm, thơ Bùi Đại Dũng, cũng là thơ kiểu ngâm vịnh kia chăng? Bởi, thi nhân này cũng là dạng đa suy tư, đa ngẫm suy, đa hoài nghi cái “thế giới khói sương vô biên độ”. Sự ắp đầy cái nghĩ, cái phát kiến, cái tư tưởng cần được gửi gắm, giải thoát trong mình, ở đây, Bùi Đại Dũng bộc lộ sự tinh nhạy trong cái nhìn, cái nghe, cái ngôn từ luôn muốn ngân lên trong thẳm sâu “ngâm vịnh”.  Nhưng, cái “ngâm vịnh” ở “Thuyền rời Bến” đã được Bùi Đại Dũng làm mờ đi, Đã biến ảo, đã mở rộng sức “văng”, sức tung tẩy ở cảm xúc. Ở thi ảnh, thi liệu. Ở sức cuốn, sức vận động, đặng đưa được ý thơ tới đích cái Bến bờ neo đậu ...   


Tỷ như, khi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gặp “Lôi,” ông đã mượn “Sấm” mà “vịnh” rằng: 


Cổ vật công thành uy tễ liễu 

Cửu Châu, tứ hải, áng nhan khai... 

Nghĩa: 

Đem cái công oai phong dẹp xuống 

Chín châu, bốn bể được rạng rỡ mặt mày 


Hoặc, khi quan sát “ngũ hành sinh khắc”: Ông viết: 


Cơ ngẫu tòng lai doanh cánh hư

Âm dương tiêu trưởng nghiệm thừa trừ

Nghĩa:

Chẵn lẻ xưa nay đầy lại vơi

Âm dương tiêu trưởng thấy rõ lẽ thừa trừ …


Kiểu “ngâm vịnh” ở thơ “Thuyền rời Bến” của Bùi Đại Dũng lại nghiêng về thi pháp, anh ít đi trên cự ly ngắn. Ít trượt trên trục “đoản” để “trực dẫn” tới cái “trường”, cái vang của “Ý thơ, Tứ thơ”. Mà, thơ ở đây đã lấy cái phong lưu, cái bộn bề, cái sức vóc, cái đôi khi ngỡ như lạc đề để “trúng đề”. Để rồi, “cái đích” thơ vẫn về trong sức dội vang có được của nó.   


Thử đọc:   

Thương thay tài phép Cao Biền,

Càn Khôn hòng đổi hoạ liền dậy non.

Gớm thay cháu chắt Biền con,

Mong manh kiếp trược vẫn còn giương vây.

(Cao Biền) 


Hoặc: 

Anh vẫn còn buồn ư

Vì đã trót ngỏ lời

Vào một bên tai điếc.

Đến bây giờ chưa biết

Cả hai tai… không lành...

(Vô đề)


Những bài thơ trên nằm trong dạng “bắn tỉa”.  “Đơn thanh”. Thơ một tiếng nổ. Thơ, mà cái “Mở” đã liền kề, trong yêu cầu đòi hỏi “Cái “Khép lại” phải có từ chính cái “Mở” kia ấy. 


Ở “Thuyền rời Bến,” Bùi Đại Dũng ý thức cho mình, một nghệ thuật khai thác. Khi thì, tìm lấy cảm xúc để tựa, làm cho thơ tươi xanh, bớt đi cái cứng khô của lý, của sự, trong vỏ bọc “cái Tình.” .


Ví như:

Loa Kèn Trắng ơi, thương lạ!

Bờ đầm, cánh vươn, hương tỏa,

Long lanh đọng ánh trăng ngà …

(Loa kèn trắng)

Hoặc: 

Gió lạnh đầu đông… 

Nhớ tấm áo phong phanh, 

hơi thở thành làn khói.

Hấp tấp bước chân… đâu vội… 

(Tháng Mười Hai)


Hoặc, từ cảm xúc, người viết tìm được cái mang lại nhiều gợi ý cho sự liên tưởng, sự lóe lên những “Tứ thơ” khác nữa trong ý thơ, khổ thơ … Với  ngôn thi. Với thi ảnh, thi liệu, khá ngổn ngang đời thực:


Ví như: 

… Tôi thấy 

mình đi trong cõi mộng,

Xung quanh mờ ảo 

mọi bóng hình.

Chỉ sáng lên 

lưng áo thầy gầy guộc,

tự tại, vững vàng

bến ấy…

dắt con sang.

(Dáng Thầy)


Hoặc:

Con nợ mẹ rất nhiều

Đêm quê khuya im vắng

Lấy áo con gối đầu


Con ngốc dại đến đâu

Mẹ xoè tay nâng đỡ


Con biết thương mẹ khó

Mẹ vờ không bằng lòng


Còn có ai nữa không

Ngoài mẹ ta, hỡi bạn?

(Mẹ)


Hoặc, từ cái Cảm, cái Nghĩ, cái đan xuyên, hòa nhập giữa các yếu tố cấu thành trong kết cấu thi ca cùng đồng hiện, cùng một lúc tạo nên hiệu ứng, để cái “trục lớn” của Ý tưởng nhà văn có được cái ấn tượng, cái ám ảnh lắng đọng hơn trong câu thơ mở khép. 


Ví như:    

Giấc mơ tuổi thơ báo hiệu

Cơ duyên gặp gỡ an hòa

Thông điệp Người trao ngày ấy

Đến giờ con mới hiểu ra.

(Núi Đá Bia)


Hoặc:

Kỳ quái thay nguồn cội

Lòng tin hệ nhị phân

Chỉ có không hay một

Chậm nhanh luật Quả - Nhân

(Lòng tin)

Hoặc:
Ghế công ngồi buôn tư chuyện,

Coi thường dân nước khắp miền.

Cái khuôn vuông hay méo nhỉ,

Đúc ra thứ lệch cuồng điên?

(Khuôn đúc)


Hoặc: 

Xuân còn đâu nữa mấy ngày.

Đất trời chuyển tiết nồm nay hết hàn.

Đào lê cánh mỏng rụng tàn,

Nhưng kìa trái nõn hé làn mi tơ.

(Cuối Xuân)


Hoặc: 


Mười năm lợi ích – trồng cây,

Trăm năm lợi ích, dở hay - trồng người.

Rõ cây lành độc - nhanh thôi,

Biết người lành ác – trải đời trăm năm

(Mười năm – Trăm năm)

 … vân vân & v.v … 


Đọc “Thuyền rời Bến,” còn có thể trích dẫn nhiều hơn nữa, làm sáng lên một Bùi Đại Dũng với cái quý ở Nhà giáo, Nhà thơ này là con đường kiếm tìm, đổi khác. Ở năng lực trải mình, bộc lộ mình, khi hướng thơ nghiêng về triết luận. Khi “cái Có” trong anh đang là sự đắp đầy, sự nén dồn, đốt cháy, muốn gửi vào thơ, vào hôm nay, vào mai xa, một giá trị hữu ích nào chăng?


Cùng với những tập sách khá dày dặn, là thi phẩm đã xuất bản trước đó. Cùng với mảng thơ có duyên, giàu chất trữ tình, nồng đượm, tôi thêm quý yêu Thi sĩ Bùi Đại Dũng ở “Thuyền rời Bến”. Ở cuộc hành trình mới. Ở hướng tìm. Ở Thơ. Ở Người viết, dường như không phút giây ngơi nghỉ và yên dừng trước chân trời mộng mơ, khát vọng. 


Hải Phòng, Tháng Trọng Thu, 2023

 K.C

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Nguyên PCT Hội VHNT – Thái Bình

 Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình)                                               

     



—------

  1. – Kim Chuông – Trích đọc “nhớ tìm tôi nhé –

Thơ Bùi Đại Dũng – NXB Hội Nhà văn, 2021