Tình yêu tổ quốc trong "Khúc tráng ca biển"
- Thứ sáu - 30/12/2022 11:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
TÌNH YÊU TỔ QUỐC TRONG “KHÚC TRÁNG CA BIỂN”
(Trần Thu Hường)
Trong những ngày đất nước đang hừng hực ngọn lửa đấu tranh, lên án Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép lên lãnh hải nước ta, mỗi người dân Việt Nam thể hiện lòng yêu nước của mình theo một cách riêng. Anh lính đảo cầm súng vượt sóng gió ngoài khơi, không sợ vòi rồng, súng đạn, không ngại trên đầu máy bay Trung Quốc lượn lờ, uy hiếp. Bác ngư dân vẫn căng buồm ra khơi bám biển. Anh nông dân cắm cờ đỏ sao vàng trên bờ ruộng vẫn tự hào hát “ơi biển Việt Nam ơi sóng Việt Nam”. Công nhân, giáo viên học sinh xuống đường tuần hành, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam muôn năm”. Các nhà lãnh đạo ra sức họp bàn tìm kế sách hay chống lại âm mưu xâm lược của Trung quốc. Và đối với văn nghệ sĩ, các anh chị không trực tiếp cầm súng ra trận nhưng ngòi bút của họ hừng hực khí thế chiến đấu, khích lệ tinh thần yêu nước của mỗi người dân Việt Nam. Nhạc sĩ Vũ Thiết là một trong những văn nghệ sĩ đó. Anh có một loạt bài viết về biển đảo đang được công chúng ái mộ:
Về với Trường Sa
Biển chiều Nha Trang
Thư ngoài Trường Sa
Khúc ca lính biên phòng trên đảo
Sóng hát
Khúc tráng ca biển…
Khi tôi bắt gặp một loạt ca khúc viết về biển đảo của NS Vũ Thiết đăng tải trên Youtube và các phương tiện thông tin đại chúng khác, tôi thích nhất bài Khúc tráng ca biển của anh phổ thơ từ bài Mộ gió của nhà thơ Trịnh Công Lộc.
Nhạc sĩ Vũ Thiết tên thật là Vũ Kiến Thiết . Anh sinh ngày 5/3/1956. Quê anh ở Thái Bình. Từ nhỏ, anh đã ham mê âm nhạc. Năm anh 20 tuổi, anh đã trúng tuyển vào Đoàn Ca múa Thái Bình. Năm 1978 anh công tác tại Đoàn Ca múa Đắc Lắc, là nhạc công sáo flute. Năm 1986 anh học Đại học Sáng tác Khoa Lý luận-Sáng tác-Chỉ huy Nhạc viện Hà Nội nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tốt nghiệp năm 1990. Từ đầu năm 1991 đến nay công tác tại Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói nhân dân Việt Nam. NS Vũ Thiết có nhiều tác phẩm được giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong đó, tôi đặt biệt chú ý đến ca khúc Khúc tráng ca biển đã đạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi viết về biển đảo chủ đề “Đây biển Việt Nam” do báo Vietnam.net phối hợp với Hội nhạc sĩ, Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Điều đặc biệt nữa là bài thơ Mộ gió của nhà thơ Trịnh Công Lôc cũng đạt giải nhì trong cuộc thi này. Nguyên tác bài thơ như sau:
MỘ GIÓ…
Dâng hương những chiến binh giữ biển, đảo không về!
Mộ gió đây,
đất thành xương cốt
Cứ gọi lên là rõ hình hài
Mộ gió đây
cát vun thành da thịt
Mịn màng đi
dìu dặt bên trời…
Mộ gió đây
những phút giây biển lặng
Gió là tay ôm ấp bến bờ xa
Chạm vào gió như chạm vào da thịt
Chạm vào
nhói buốt
Hoàng Sa…
Mộ gió đấy
giăng từng hàng, từng lớp
Vẫn hùng binh giữa biển - đảo xa khơi
Là mộ gió
gió thổi hoài, thổi mãi
Thổi bùng lên
những ngọn sóng
ngang trời
Bài thơ ngắn gọn. Giọng thơ khắc khoải, có lúc đau đớn thể hiện sự hy sinh, mất mát của hàng trăm người lính biển giữ đảo mãi mãi không về nữa. Họ cống hiến tuổi thanh xuân của mình để gìn giữ mảnh đất thiêng liêng cho Tổ Quốc. Bài thơ nói về nỗi đau nỗi mất mát nhưng không bi luỵ, não nề mà ngược lại, bài thơ như một khúc hành quân thôi thúc lòng yêu nước của người lính đảo Việt Nam vượt sóng gió đạn bom của quân thù. Bài thơ thật bi tráng. Nhạc sĩ Vũ Thiết rất tinh tế trong việc đổi tên bài thơ Mộ gió thành Khúc tráng ca biển. Anh đã bắt được cái hồn của bài thơ để rồi chắp cánh cho những lời thơ bay cao bay xa hơn nữa, đến gần với bạn yêu thơ yêu nhạc. Một điều đáng chú ý trong ca khúc này là NS Vũ Thiết không phổ Mộ gió theo kiểu nhạc nhẹ hay dân gian đương đại mà anh chọn dòng thính phòng cho ca khúc của mình. Chất thính phòng làm sang trọng bài hát, làm giảm bớt cái bi thương, nỗi đau về người lính ra đi không về.
“Mộ gió đấy
giăng từng hàng, từng lớp…
Thổi bùng lên
những ngọn sóng
ngang trời…”
Khi nghe hai câu này, người đọc cảm nhận được thịt da, xương cốt của các chiến sĩ hòa cùng sóng nước, “giăng từng hàng từng lớp” để rồi “Thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời” Mặc dù bài thơ nói về sự hy sinh chết chóc của những người lính ngày đêm canh gác biển trời Tổ Quốc nhưng bài thơ không bi. Ngược lại chất tráng ca, hào hùng toát lên từng câu từng chữ, từng nốt nhạc của bài, quyện vào trong lối hòa âm tài tình của NS Trần Mạnh Hùng và cách thể hiện của ca sĩ Xuân Hảo đã tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ xoáy vào tim người nghe.
Khi phổ thơ, rất khó để các nhạc sĩ giữ nguyên lời thơ của tác giả bởi việc tiến hành giai điệu. Thế nhưng, với Mộ gió, NS Vũ Thiết dường như không thay đổi nhiều. Duy nhất anh thay đổi một từ Hoàng Sa thành “lòng ta”
“Gió là tay ôm ấp bến bờ xa
Chạm vào gió như chạm vào da thịt
Chạm vào
nhói buốt
lòng ta…”
Tôi nghĩ rằng sự thay đổi này là hợp lý cho một ca khúc, bởi khi cất tiếng hát nỗi đau như cứa vào lòng ta, tim ta…sẽ có nhiều rộng chiều sâu hơn là dùng từ Hoàng Sa. Chắc chắn khi hoàn thành ca khúc, NS Vũ Thiết và nhà thơ Trịnh Công Bình đã có sự cân nhắc, bàn bạc và quyết định cho những thay đổi này.
Khúc tráng ca biển có giai điệu đẹp, được viết nhịp 4/4, giọng la thứ, chậm, tình cảm, dạt dào chất thính phòng được ca sĩ Xuân Hảo thể hiện rất thành công. Giai điệu cứ tự nhiên tuôn chảy, thơ và nhạc quyện vào nhau, như con sóng mãi ôm bờ, không bao giờ xa cách. Trong thơ đã có nhạc, và NS Vũ Thiết đã chắp thêm cánh cho ca từ của Mộ gió vừa da diết vừa mang đậm chất anh hùng ca. Khi tôi nghe ca khúc này lần đầu, tôi thật sự xúc động bởi lòng yêu nước được ca ngợi một cách tự nhiên, chân thành. Tác giả không hề hô khẩu hiệu, không lên gân tuyên truyền mà tình yêu ấy dâng lên từ biển đảo xa xôi một cách chân thật nhất.
Ca khúc Khúc tráng ca biển được viết ngắn gọn với âm hình chủ đạo đơn giản.
Từ âm hình chủ đạo này, giai điệu cứ thế vang lên một cách tự nhiên như nó vốn có, trào dâng như sóng biển. Có lúc giai điệu như lắng lại, nghẹn ngào bởi nỗi đau như cứa vào da thịt, có lúc trào lên hiên ngang ngạo nghễ: “thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời ”.
Có thể nói đây là một tác phẩm rất ngắn gọn cả về nhạc và thơ. Lời ca giản dị mộc mạc, ngắn gọn, mà rất súc tích, vẫn diễn tả sâu ý của nhà thơ. Phần giai điệu, NS Vũ Thiết dùng dấu nhắc lại, khung thay đổi, dấu hồi tấu, co-da nhằm tạo nên một tác phẩm theo đúng khúc thức của một ca khúc mà vẫn giữ được chữ nghĩa trong bài thơ. Vì bài thơ quá ngắn, nếu không tinh ý dùng những thủ thuật này, thì ca khúc không sẽ phải thêm lời hoặc chí ít cũng phải viết thêm một đoạn ca từ nữa. Tôi muốn nói đến bút pháp phổ thơ của NS Vũ Thiết, anh đã chọn lựa một giai điệu đẹp, phù hợp với ý nghĩa của bài thơ, làm tôn thêm vẻ đẹp của bài thơ. Làm cho bài thơ đến gần với khác giả thưởng thức thơ nhạc.
Khúc tráng ca biển là tác phẩm thể hiện lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Trong thời buổi kinh tế thị trường, có những lúc chúng ta lo ngại rằng lòng yêu nước. tinh thần anh hùng cách mạng có phần lắng chìm. Nhưng rõ ràng, qua việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam chúng ta được chứng kiến lòng yêu nước của nhân dân ta rất mạnh mẽ. Các văn nghệ sĩ cũng là “một người lính trên mặt trần văn hoá “, họ là người lính thầm lặng vun đắp tình yêu đất nước, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc.
Tôi xin trích lời của NS Vũ Thiết để làm lời kết cho bài viết của mình: “Có lẽ ngắn gọn nhất là, mỗi công dân của nước Việt đều hướng về Tổ quốc. Ai cũng muốn làm một điều gì đấy, cho dù là nhỏ để thể hiện lòng yêu nước, tình cảm yêu Tổ quốc từ thẳm sâu trong tim mỗi người.”