Gạch nối văn hóa giữa hai thiên niên kỷ
- Chủ nhật - 16/02/2020 18:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tôi theo anh Khúc Quốc Ân, giám đốc Công ty Mỹ thuật và Nội ngoại thất Hà Nội (AIE Co. Ltd), tới thăm công trường xây dựng tượng đài Trần Hưng Đạo (do đơn vị anh đang thi công) tại núi An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương vào một ngày giữa thu vàng rực. Từ quốc lộ 5, cách Hải Phòng chừng 20km, nhìn về bên trái, tôi đã có thể nhận ra công trình tượng đài trên núi An Phụ. Xe rẽ trái, qua phà sông Thái rồi đi vào chừng 10km nữa thì tới chân núi. Từ đây tôi đã có thể nhìn rõ tượng Trần Hưng Đạo và con đường 179 bậc đá dẫn tới chân tượng. Bên trái tượng đài là một bức phù điêu lớn, nhìn từ chân núi bức phù điêu chạy dài và có cấu trúc gợn lên hình con rồng đang lao về phía biển đông có một ngọn núi cao hơn phía sau tượng đài, trên đỉnh núi là một vệt cây lớn xanh um tùm như một nét chấm phá ngẫu hứng của tự nhiên, thấp thoáng trong bóng cây già là một mái chùa cổ kính và đền thờ An Sinh Vương (Trần Liễu) - cụ thân sinh ra Trần Hưng Đạo.
Công trình tượng đài Trần Hưng Đạo là công trình văn hóa tầm cỡ quốc gia, phù hợp với chủ trương phát triển và bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc của Đảng và Nhà nước. Vì là một công trình văn hóa đặc biệt nên đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm góp ý kiến. Năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến tận nơi xem phác thảo thiết kế tổng thể, Tổng bí thư Đỗ Mười cũng tới xem tượng mẫu bằng đất ở tỷ lệ bằng thật. Kinh phí xây dựng cũng được tỉnh Hải Dương đầu tư rất tập trung. Ba đơn vị tham gia xây dựng công trình (gồm Công ty kiến trúc HAAI - Hội kiến trúc sư Việt Nam thiết kế tổng thể. Công ty xây dựng số 5 tỉnh Hải Dương thi công sân nền, bậc đá, tường bao, cây cảnh, Công ty mỹ thuật và nội ngoại thất Hà Nội chịu trách nhiệm toàn bộ phần mỹ thuật) đều đã cố gắng hết sức mình để sau gần 4 năm khởi công, đến nay công trình nghệ thuật lịch sử này đã cơ bản được hoàn thành.
Khi chúng tôi đến công trường thì những công việc cuối cùng đang được hoàn tất, chuẩn bị cho lễ khánh thành sau 10 ngày nữa. Nghệ sỹ điêu khắc Hà Trí Dũng, hội viên Hội văn học - nghệ thuật tỉnh Thái Bình, tác giả tượng Trần Hưng Đạo, đang chỉ đạo những người thợ dỡ giàn giáo khỏi pho tượng. Tôi ngạc nhiên khi biết anh Dũng hiện còn đang là đại biểu Quốc hội. Có lẽ lần đầu tiên tôi được thấy một nghị sỹ - nghệ sỹ giữa đời thường, mà giữa cảnh công trường bề bộn, người phủ đầy bụi đá, say sưa lao động với tác phẩm của mình chẳng xá gì cảnh "màn trời chiếu đất", suốt mấy năm trời cùng các nghệ nhân đục khắc hàng trăm mét khối đá để tạo nên một tác phẩm vĩ đại nhường ấy. Công việc khai thác đá cũng thật đặc biệt, không được dùng đá lộ thiên (vì dễ nứt) mà phải đào tìm dưới lòng đất những tảng đá "mồ côi", đục sơ bộ theo mẫu rồi vận chuyển về công trường. Pho tượng rất đẹp và rất thành công bởi đã thể hiện được cái "thần" tinh tế của một vị tướng văn võ song toàn.
Hiệu quả đó có lẽ đã được tăng thêm rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của toàn bộ kiến trúc tổng thể khu vực tượng đài mang phong cách Á Đông. Đặc biệt là bức phù điêu lớn bên trái tượng đài dài gần 50m, diện tích 140m2 rất gây ấn tượng. Tác giả của bức phù điêu này là hai nghệ sỹ Vũ Ngọc Thành (điêu khắc) và Hoàng Nhân (họa sỹ). Lúc này họa sỹ Hoàng Nhân đang cùng anh em thợ lắp ghép những mảng gốm cuối cùng, để hoàn thành bức phù điêu. Đó là một bức tranh hoành tráng bằng đất nung tái hiện lại những sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến thắng lợi chống quân xâm lược Nguyên - Mông của dân tộc. Bức phù điêu có tới hơn 200 nhân vật, chưa kể ngựa, voi, xe cộ, tàu thuyền và phong cảnh khác. Ta như thấy lại một lịch sử sống động của dân tộc cách đây đã 700 năm. Bản anh hùng ca bằng đất nung này bao gồm 536 mảng gồm ghép lại, là một công việc vô cùng tỉ mỉ và kỳ công. Để bức phù điêu có màu đỏ của đất nung, người ta nhất thiết phải lấy đất sét từ Giếng Đáy - Quảng Ninh. Và để có được chất liệu gốm đẹp, bền chắc và có tuổi thọ cao, người ta lại nhất thiết phải đem mẫu về nung ở làng Cậy (Hải Dương) - nơi có bí quyết nghề gốm truyền thống từ thời nhà Trần.
Giờ đây họ đã có thể thở phào vì đã hoàn thành "sứ mệnh" của mình trước lịch sử, trước ý nguyện của toàn dân từ lâu mong mỏi có một tượng đài xứng đáng với tầm vóc của một vị anh hùng, đã trở thành huyền thoại và biểu tượng của tâm hồn Việt Nam. Họ có quyền tự hào bởi công trình nghệ thuật tượng đài Trần Hưng Đạo từ nay không những trở thành một địa chỉ văn hóa - du lịch mới của Việt Nam, mà còn trở thành một di tích văn hóa dân tộc để lại cho đời sau. Theo dự tính, tượng đài có thể tồn tại từ 800-1000 năm, như vậy nó còn là một gạch nối văn hóa giữa hai thiên niên kỷ, để lại cho hậu thế dấu ấn của một nền văn minh Việt Nam cuối thế kỷ 20.
PHƯƠNG DUNG