Nhà Điêu khắc Hà Trí Dũng

Nhà Điêu khắc Hà Trí Dũng
NHÀ ĐIÊU KHẮC HÀ TRÍ DŨNG: Nghệ sĩ phải gắn bó với dân tộc mình trong máu thịt nhưng phải có cảm quan thế giới sâu rộng
NHÀ ĐIÊU KHẮC HÀ TRÍ DŨNG:  Nghệ sĩ phải gắn bó với dân tộc mình trong máu thịt nhưng phải có cảm quan thế giới sâu rộng 

Nhà điêu khắc Hà Trí Dũng - (đại biểu QH khóa X) sinh năm 1954 tại Thái Bình. Tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp chuyên ngành điêu khắc về công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Tham gia và giành nhiều giải thưởng tại các triển lãm mỹ thuật. Năm 30 tuổi được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hiện nay đang sinh sống tại Hà Nội…
                        
1. PHÁC THẢO CHÂN DUNG
* PV: Hình như, mảng đề tài tâm đắc nhất của anh là danh nhân - anh hùng dân tộc, nói chung là đề tài lịch sử. Anh hãy lý giải, vì sao lại đặt tâm huyết của mình vào dạng đề tài này?
* NĐK Hà Trí Dũng: Những tượng đài danh nhân mang đậm tính tâm linh nhằm tri ân và tôn vinh những yếu nhân lịch sử, danh nhân của đất nước, họ là linh hồn, là biểu tượng của thời đại mà họ sống và cống hiến. Tượng đài về những sự kiện lịch sử mang tính nhân văn và chính trị sâu sắc. Tựu trung đều là những công trình văn hóa bền vững được thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật nhằm thức tỉnh người xem về quá khứ vẻ vang và hào hùng của dân tộc. Tôi tâm huyết với tất cả những tượng đài mình đã làm và chỉ có tâm huyết thì mới sáng tạo nên những tác phẩm có sức lay động, tạo nên ấn tượng tốt đẹp với công chúng. Cũng qua đó đem lại ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc cho các thế hệ sau.
* Tượng đài “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” là một trong những tác phẩm mới nhất và hoành tráng nhất trong đời nghệ sỹ của anh. Hãy giới thiệu đôi nét về công trình đặc biệt này…
* Tượng đài “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” được dựng trên đảo Lý Sơn. Tượng bằng đá cao 4,5m đặt trên bệ cao 3m, phía sau nhóm tượng là hình 3 cánh buồm bằng bê tông cao 9,5m, tổng chiều cao của công trình là 12,5m. Cụm tượng gồm 3 nhân vật “tam nhân đồng hành” tượng trưng cho Hải đội trong thế đứng chân kiềng vững chãi sừng sững giữa ngàn trùng sóng nước hướng tới Hoàng Sa. Nhân vật trung tâm là viên cai đội đứng giữa hai người dân binh. Các nhân vật toát lên khí phách oai hùng, gương mặt quả cảm tự tin khi nhận lệnh triều đình nhà Nguyễn hàng năm ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hình cánh buồm làm nền cho cụm tượng đài tượng trưng cho hậu phương đất liền, vừa chở che vừa thôi thúc hải đoàn. Mặt sau của cánh buồm lớn tạc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” - Minh Mạng thứ 17 - năm 1836" gắn bằng sành, một chất liệu thường thấy trang trí trên các công trình thờ tự dọc dải đất miền Trung; được coi như bức thư pháp bằng gốm màu lớn nhất Việt Nam tại thời điểm này.
* Nghệ sỹ thường định hình một phong cách, chọn cho mình một lối đi riêng, nhưng thời gian và công chúng thì luôn thay đổi. Anh có tin rằng, hằng trăm năm sau những tác phẩm của mình vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt?
* Nghệ sĩ luôn hướng tới định hình một phong cách nghệ thuật cho tác phẩm của mình nhưng điều này rất khó vì nó phụ thuộc vào tài năng dự báo xu hướng nghệ thuật, khả năng đúc kết hấp thụ các tinh hoa nghệ thuật đã định hình để chuyển hóa cho mình thành một lối đi riêng khi mà thời đại ngày nay con đường nghệ thuật tưởng chừng đã chật. Những người làm nghệ thuật đồng hành trên đường sáng tạo nhưng mỗi người phải tự tìm cho mình một lối mòn phù hợp với sức lực và tốc độ của mình đừng để dẫm lên lối mòn của người khác hoặc là sẽ bị đẩy ra bên lề. Với các công trình tượng đài của mình đã được dựng nên bằng các chất liệu bền vững sẽ tồn tại lâu dài theo năm tháng nhưng tính nghệ thuật và tư tưởng của tác phẩm có được “trơ gan cùng tuế nguyệt” hay không thì phải qua thử thách của thời gian và sự thẩm định của người đời! Tôi chỉ thấy rằng mình đã làm việc toàn tâm, toàn ý và các tác phẩm của mình đã được dư luận chấp nhận và đánh giá tốt.
2.QUAN ĐIỂM VỀ ĐIÊU KHẮC ĐƯƠNG ĐẠI
* Ở VN rất hiếm những công trình điêu khắc mang tính “vĩnh cửu”. Do đâu?
* Việt Nam cũng đã có những công trình điêu khắc mang tính vĩnh cửu chủ yếu gắn với tôn giáo, các công trình thờ tự nhưng thường có qui mô nhỏ. Chiến tranh liên miên cùng với khí hậu khắc nghiệt đã tàn phá nhiều công trình điêu khắc quí giá, chỉ còn sót lại rất ít những di tích nay trở thành di sản văn hóa của dân tộc như tượng Phật trong các đình chùa ở miền Bắc, nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa cùng các tháp Chàm ở miền Trung, Tây Nguyên. Nhiều công trình chỉ còn là phế tích. Thật tiếc thay!
* Với tư cách là một nhà điêu khắc, quan điểm cá nhân anh về “tượng đài”?
Tượng đài là công trình điêu khắc ngoài trời của một hoặc nhiều tác giả, hình tượng nghệ thuật cao, chất liệu bền vững, có qui mô to lớn mang tư tưởng thời đại. Nó trở thành biểu tượng của một thời hoặc của một địa phương, một đất nước. Tượng đài mở ra khả năng phát huy quyền lực của điêu khắc trong mục đích giáo dục con người toàn diện. Tượng đài phải có không gian riêng và là một bộ phận cấu thành không thể tách rời không gian đó. Có không gian tâm linh và không gian chính trị cho mỗi tượng dài. Không gian tâm linh mang tính tưởng niệm mà ở đó tượng đài để cho người xem chiêm ngưỡng thành kính nhân vật đã có công đức với dân với nước. Không gian chính trị là không gian mở mà trong đó tượng đài mang tính cổ vũ ghi lại sự kiện lịch sử của dân tộc trong quá trình đấu tranh dựng và giữ nước. Có khi hai không gian ấy hòa vào nhau trong một tổng thể kiến trúc, nghệ thuật và môi trường. Điêu khắc đã cùng kiến trúc thiết lập một môi trường thẩm mỹ phù hợp với những biến đổi về cấu trúc xã hội.
* Trong mỹ thuật Việt Nam nói chung và nghệ thuật điêu khắc nói riêng, hình như, chúng ta vẫn loay hoay với câu hỏi: Truyền thống và hiện đại? Giữ gìn bản sắc dân tộc như thế nào trong tiến trình hội nhập nhân loại?
* Truyền thống thuộc về quá khứ, nó hàm chứa cái tâm của tác giả thể hiện linh hồn của tác phẩm. Hiện đại là tư duy tiếp thu cái mới của tác giả thể hiện ra hình thức của tác phẩm. Trong nghệ thuật truyền thống cũng có đường nét hiện đại vì các tác gíả dân gian không diễn tả trực tiếp hiện thực đời sống mà ước lệ không gian, mượn nhân vật làm cái cớ để gửi gắm tâm hồn, tư tưởng của mình qua tác phẩm. Ở nghệ thuật hiện đại, các tác giả thường vay mượn các mô típ truyền thống để đưa vào tác phẩm cũng có khi nhuần nhuyễn cũng có thể kệch cỡm tùy cái tài và tầm tư duy của mỗi người. Theo tôi, trong sáng tạo nghệ thuật, đã cũ thì phải kỹ và đã mới thì phải tinh.Với “bản sắc dân tộc” thì “bản” là cái hồn cốt của dân tộc, “sắc” là cái hình thái dân tộc. Hình thái bao hàm được cái hồn cốt là tạo ra bản sắc, tạo ra cái riêng, cái độc đáo của dân tộc.  Hội nhập nhân loại là tập hợp các bản sắc hòa vào nhau trong môi trường toàn cầu nhưng là để tôn vinh nhau, tồn tại chứ không làm tan biến và mất đi. Nghệ sĩ muốn hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc thì phải là người có tài, gắn bó với dân tộc mình trong máu thịt, trong tâm hồn nhưng phải có cảm quan về thế giới sâu rộng và cởi mở, không bảo thủ nhưng cũng không lai căng, cơ hội.
* Mỹ thuật đương đại, trong đó có điêu khắc, có rất nhiều trào lưu, xu hướng. Anh chấp nhận sự thể nghiệm, đặc biệt là sự tìm tòi những cách thể hiện mới (và khác) của giới trẻ?
* Mỗi tác giả có cách thể nghiệm và tìm tòi hình thức bố cục phù hợp với “tạng”, “chất” của mình mà cái “tôi” tác giả được bộc lộ rõ nhất. Ý thức chủ quan trong ý đồ tạo hình không bị áp đặt bởi các nội dung và chủ đề, đòi hỏi tác giả phải có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng chấp nhận mọi chỉ trích cũng như tán đồng. Tuy có nhiều yếu tố cực đoan song những tìm tòi ấy đã góp phần làm phong phú thêm ngôn ngữ điêu khắc nước nhà mà những người trẻ tuổi đã đi tiên phong khám phá học hỏi từ các trào lưu nghệ thuật đương đại trên thế giới. Tôi toàn tâm ủng hộ họ.
* Lại nói về tượng đài - hình như, trong rất nhiều tác phẩm của chúng ta mới chỉ dừng lại ở góc độ mô phỏng, tả thực mà chưa vượt thoát lên đỉnh cao của sự sáng tạo? Rất nhiều tượng đài và phù điêu được dựng lên, nhưng tìm được cái riêng, dấu ấn riêng rất khó…
* Khi sáng tác tự do, nhà điêu khắc làm việc bằng cảm tính không bị ràng buộc và áp đặt bất cứ một điều kiện nào nên tác phẩm của họ là sự biểu đạt toàn bộ ý đồ nghệ thuật, xúc cảm tâm hồn của người nghệ sĩ, không phụ thuộc vào sự thành bại của tác phẩm. Khi làm tượng đài, nhà điêu khắc làm việc bằng lý trí phải tuân thủ các điều khoản trong “Quy chế quản lý và xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng” được Bộ VH-TT quyết định ban hành vào năm 2000. Tác giả chỉ là một thành viên tham gia trong dự án, tác phẩm chỉ là một hạng mục thuộc dự án. Hầu hết các nhà điêu khắc lại rất mù mờ về việc xây dựng và triển khai dự án mà đa số chỉ biết dừng ở bước mẫu tượng được phê duyệt. Tác giả là người giám sát cao nhất về nghệ thuật trong quá trình thi công tác phẩm của mình nhưng việc này vẫn chịu sự chi phối từ đơn vị trúng thầu và Ban quản lý Dự án vì tác phẩm còn liên quan đến kỹ thuật xây dựng, sức bền vật liệu, kết cấu chịu lực, từ không gian môi trường đến địa chất địa tầng... Người nghệ sĩ lúc này bị ràng buộc bởi bản hợp đồng kinh tế với hàng trăm điều khoản. Bởi vậy nhà điêu khắc không thể một mình làm được tượng đài, thành thử tác giả làm sao tạo nên tác phẩm có dấu ấn riêng được...
* Xin cảm ơn NĐK Hà Trí Dũng về cuộc trao đổi thẳng thắn và thú vị này!
UÔNG THÁI BIỂU (thực hiện)

Báo Lâm đồng – 8/2/2010
Báo Nhân dân cuối tuần 25/3/20