Tượng đài Trần Hưng Đạo - Một công trình văn hóa lớn
- Thứ tư - 18/03/2020 15:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 8-10-1998, trên nhịp thứ hai núi An Phụ ở Kinh Môn, Hải Dương vừa khánh thành quần thể tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - một danh tướng đời Trần từng đại phá quân Nguyên, người được nhân dân ta tôn vinh là Đức Thánh Trần. Trên đỉnh núi này có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Quốc Tuấn.
Nơi dựng tượng đài thật trắc địa, hợp tình, hợp cảnh, hợp lý. Đền thờ Vương cha ở trên, Đài kỷ niệm Hưng Đạo Vương bên dưới trong thế "y sơn vọng thủy" nhìn về hướng Đông, gợi nhớ trận thủy chiến vô cùng hào hùng năm 1288, đánh tan mộng Nam tiến của nhà Nguyên tài bạo.
Đây là tượng đài Đức Thánh Trần bề thế nhất trong không gian hoành tráng nhất của nước ta. Xin ghi nhận những cố gắng, nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hải Dương cùng các tác giả (công ty mỹ thuật nội ngoại thất với các nhà điêu khắc Khúc Quốc Ân, Hà Trí Dũng, Vũ Ngọc Thành, họa sĩ Hoàng Nhãn, KTS Nguyễn Tiến Thuận) đã dành nhiều công sức, tiền của để tạo dựng một quần thể tượng đài độc đáo bằng các chất liệu tự nhiên (đá, đất nung) ròng rã trong suốt 3 năm trời (1995 - 1998).
Tượng đài Trần Hưng Đạo được tạc bằng đá xanh núi Nhồi (Thanh Hóa). Phần tượng cao 9,7m ghép bằng 65 viên, chia thành 8 thớt, gia cố bằng lõi bê tông, cốt thép. Tượng được đặt trên bệ cao 3 mét. Tượng ở thế đứng, tay trái tỳ đốc kiếm, thể hiện ý chí bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc; tay phải cầm cuốn thư thể hiện tầm nhìn chiến lược và tấm lòng đại nhân, đại nghĩa của người làm tướng. Tượng đài được đặt đúng vị trí mà hôm Lễ khởi công Đại tướng Võ Nguyên Giáp được mời đặt phiến đá đầu tiên (20-8 năm Quý Dậu).
Phía trái Tượng đài là một bức phù điêu hoành tráng bằng đất nung do các nghệ nhân làng Cậy đúc và nung. Phù điêu có chiều dài 45m, cao trung bình 2,5m gồm 526 mảnh ghép lại thành một bức tranh truyện lịch sử khổng lồ, kể về Hịch tướng sỹ của Hưng Đạo Vương, về Hội nghị Diên Hồng, về toàn dân vùng Đông Bắc Tổ quốc đóng thuyền, đẽo cọc gỗ, mài gươm giáo đánh giặc, sự hy sinh dũng cảm của người Việt ở thế kỷ 13 giành chiến thắng. Bức phù điêu là một công trình nghệ thuật có ý nghĩa lớn lao, khái quát cả một quá trình tổ chức, cầm quân thao lược của anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn.
Chúng tôi leo lên sườn núi Yên Ngựa trước ngày công trình Tượng đài Trần Hưng Đạo được khánh thành, được chứng kiến những người thợ Công ty xây lắp 5 (Sở Xây dựng Hải Dương) cần mẫn hoàn tất 3 sân trước Tượng đài rộng 1.400m2 lát bằng gạch nung màu đỏ rực, hoa văn phỏng chế theo mẫu thời Trần. Bao xung quanh sân và 179 bậc đá lên xuống Tượng đài, công trình này do bàn tay khéo léo của các nhóm thợ chế tác xã Phạm Mệnh (Kinh Môn), quê hương của những người thợ xứ Đông lắp ghép, tạo dáng tôn nghiêm, bề thế và bền vững của một công trình thế kỷ.
Tượng đài đặt tại khu di tích lịch sử nổi tiếng, trên một tuyến hành hương lên đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu cùng một ngôi chùa cổ kính Thiền phái Trúc Lâm, tục gọi là Chùa Cao. Tượng đài được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 698 năm ngày mất của Trần Quốc Tuấn. Đây là một công trình văn hóa lớn cuối thế kỷ 20 của đất nước.
QUANG MINH