Giới thiệu tác phẩm mới: Nhớ tìm tôi nhé
- Thứ hai - 13/02/2023 16:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
BÙI ĐẠI DŨNG VỚI NGUỒN THƠ KHAI SÁNG
(Nhà thơ KIM CHUÔNG)
Tôi quen Tiến sĩ Bùi Đại Dũng từ cuộc ra mắt sách Văn học của ba Thi nhân nữ trong “Nhóm Văn Búp” tại Khách sạn Dream thành phố Thái Bình vào một ngày Thu, cách đây đã hơn ba năm, gì đó. Rồi tiếp sau là những cuộc gặp gỡ, tâm tình với Tiến sĩ, tại tư gia của Nữ Văn - Thi sĩ Trần Huyền Tâm ở Tây Hồ, Thủ đô Hà Nội. Rồi, ở Vườn Vua Phú Thọ, nữa...
Ấn tượng thật khó quên: “Bùi Đại Dũng, một Tiến sĩ Kinh tế - Nhà ngoại giao - Người thầy giảng dạy ở một trường Đại học quốc gia, với hai lần đóng góp vào diễn đàn “Ra mắt sách” của “Nhóm Văn Búp” bằng tham luận, với phương pháp cảm nhận, phẩm bình, mổ xẻ văn chương khá tinh tế, lý thú.”
Mới hay, trong gia tài cất dấu, cùng với các tập sách nghiên cứu đã xuất bản về các vấn đề Kinh tế, Chính trị... với Văn học, Bùi Đại Dũng còn là Dịch giả của tập Văn xuôi, tập thơ Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, Tiếng Anh, Tiếng Trung... Rồi, hàng trăm bài thơ chọn lọc từ những sáng tác mà người viết đã âm thầm đánh thức, gom nhặt và lưu giữ nơi “Lưng túi văn chương có được của hồn mình”...
Từ niềm yêu Bùi Đại Dũng, nguời trai gốc quê Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình với phẩm chất người thầy luôn đượm nồng, lịch lãm, tôi say mê đọc liền một mạch hai tập thơ: “Nhớ tìm tôi nhé” với “Đuốc và Mặt trời” của anh trong sự nâng niu, trân quý.
Đọc văn chương, tôi thường ý thức: không nhằm vào việc Khen hay Chê ai đó. Cái tôi muốn tìm là, “Người viết này có gương mặt hay không? Chân dung, dáng vẻ họ là gì? Hồn vía họ thế nào? Thơ họ đi từ nguồn nào? Lối mở của thơ là gì? Và, Thơ họ có những gì đáng nói?”...
Với Bùi Đại Dũng.
Với Thơ?
Dường như, trong một chặng đường tìm, khi đánh thức và khai sáng chính mình, Bùi Đại Dũng có một bước chuyển tiếp, hay đấy là bước ngoặt của quá trình “mình đi tìm chính mình” trên trang viết, trên ruổi rong “độc mã đăng trình” của công cuộc lao động, sáng tạo nghệ thuật.
Giống như rất nhiều cây bút thuở trẻ trung, chặng đầu của thơ Bùi Đại Dũng (mà bộc lộ khá đậm ở tập “Nhớ tìm tôi nhé” là cảm xúc thi nhân. Là sức Rung. Là Vía hồn. Là cái điều hệ trọng, mang gốc rễ, khẳng định: “Người thơ này, có thực sự là Thi sĩ hay không?”
Quả tình, Bùi Đại Dũng, được Ông Trời phú cho một trái tim Thi sĩ. Trái tim mang vệt loang chảy dài, khi bất kỳ có sự va chạm nhỏ nào, là dễ mênh mang, sóng sánh. Dễ hóa thành dạt dào biển cả. Dễ “Thơ tự nó hát lên…” Dễ, thơ đẻ ra từ sức cháy, chứ không phải thứ thơ mà ai đó từng cố tình đẽo gót, cố tình viết ra, như Xláp Iva Skêvich (Ba Lan) từng phán.
Thì đây, hãy nghe, Bùi Đại Dũng, Nhà giáo - Thi sĩ trong buổi tìm về “Trường cũ” với chút bâng khuâng, mát lành trong cảm hoài, kỷ niệm:
… Như khoảng trời xưa sau ô cửa mở.
Cỏ khô rối vương tiếng cười trẻ nhỏ,
Tháng năm nào nơi ấy bước chân ta.
Hoặc:
Lùm cây trưa lọt vài giọt nắng,
Tôi lẫn vào cây cỏ hoang sơ.
(Tháng Năm)
Hoặc:
Sân trường cũ lá rì rào,
Tôi về không phải khách nào sang sông.
(Mái trường)
Hình ảnh: “Tôi về, không phải khách nào sang sông”… Diết da, thân thương, ấm áp, làm sao!” Thi sĩ là thế. Hiện thực rộng lớn Ngoài - Ta, khi lặn vào ta, qua tiếp cận, qua cảm rung. Qua liên tuởng, ví von. Qua cụ thể hóa, trừu tượng hóa rồi trở về cái “cá thể hóa”…. Thì, hiện thực nơi trang thơ bước ra kia, đã hóa thành hiện thực của sức tưởng tượng. Hiện thực ảo. Hiện thực đã biến cái Là Nó, đã khác Nó. Đã đẩy cái như “thế nào là như thế ấy”, thành cái “như thế ấy” đã hóa thành cái “như thế nào” rồi….
Ví như, cái gió nơi nhỡn tiền ta gặp giữa thiên địa ngoài kia, là gì? Nhưng, qua thi nhân, thơ Bùi Đại Dũng, gió đã là, vậy đó.
“ Gió lùa mây về ngủ/ Để trời rộng xanh rì/ Gió cuộn hương cỏ mật/ Trải bát ngát… đồng quê...” (Quê hương).
Hoặc: Trước cảnh “Chuyển mùa” thì:
Ai đã bao giờ giấc trưa tỉnh dậy,
Thấy ngoài trời kia nắng dài biết mấy,
Cơn gió đầu Hè, phảng phất như mơ…
Vâng. Hiện thực trong thơ ở đây đã lung linh. Đã đi trong khói sương của hồn người mà có. Đã động lên. Đã hóa thành đa tầng, đa nghĩa. Đã không đứng im như Nó là Nó ngoài kia.
Có điều, ý thức tạo nên nét đậm của người viết trong vệt kiếm tìm của chặng đầu tươi trẻ, Thơ Bùi Đại Dũng là nguồn mở của cái Cảm. Nhà thơ đánh thức mình, khai sáng mình bằng sức vang chấn của con tim. Bằng sự trội vượt của chất thi vị, trữ tình. Bằng niềm đắm say, bùng nổ của cảm xúc.
Đây là những câu thơ đẹp có từ con mắt xanh, nhìn ngắm:
… Tiếng chim chiều mệt mỏi,
Tan lặng dưới sương chiều.
Con đường nhỏ vắng teo,
Trăng non đầu Thu lạnh,
Mái tranh nghèo cô quạnh
Khói bếp ngập ngừng bay.
(Sương thu)
Hoặc, đây cũng là phút khai sáng hồn mình, phút thơ được đánh thức từ những gì là hiện thực ngoài Ta, qua cái Nghe trong sâu lắng:
Anh đứng lặng đi trước ánh mai hồng,
Đời đẹp quá và trời trong trẻo quá,
Gió Hè sớm ào reo tán lá,
Bình minh em toả ngập hồn anh.
(Bình minh em)
Hoặc đây là cái Nghĩ, cái day trở, sau cái nghe, cái Thấy:
Tôi đi tìm tôi hay đi tìm ai?
Mà xác định mình giữa không gian thật khó,
Như mầm cây lần đầu gặp gió,
Choáng ngợp cuộc đời rộng lớn mênh mông
(Tôi đi tìm tôi)
Hoặc:
Đến bây giờ tôi mới hiểu ra,
Cái tôi phải tìm, không hề có trước,
Hoặc:
Đến kim cương chẳng thể nào lấp lánh,
Nếu chìm vào bóng tối cô đơn.
(Bình minh em)
Dễ nhận thấy, cái điểm sáng trong thơ Bùi Đại Dũng qua hai bài “Tôi đi tìm tôi” và “Nhớ tìm tôi, nhé.” Đây là điểm hội tụ, điểm phát lộ từ nhiều vòng đồng tâm, làm sáng lên cái lõi của điều nhận biết. Đấy, chính là ý tưởng của nhà thơ muốn ký thác, muốn gửi vào trang viết. Muốn thêm một lần giúp ai kia mở mắt, nói rằng: “Dọc hành trình từ A đến B, với mỗi ai trong chúng ta trên cõi đời này, tháng năm dài xa ấy, đều là cuộc “mình đi tìm chính mình,” đấy chứ! Người ta khác nhau chăng? Là không gian tìm mình. Là lối mở ta tìm. Là Bến bờ ta đến. Bởi vậy, những gì là hiện diện. Là cái Có, trong Thơ, cái Có trong Gương mặt Cuộc đời, đó là Tôi! Là cái Tôi tìm gặp... Và, bạn bầu ơi. Với ai, có được niềm tri kỷ, sẻ chia nào chăng, cùng tôi ? Đấy là, bạn đã tìm tôi, đã gặp tôi… Đã “Nhớ tìm tôi, nhé,” là vậy! …
Bùi Đại Dũng đã lấy bài thơ mang ý nghĩa khái quát, đặc trưng này, đặt tên cho cả tập sách của anh làm “cái Tứ” lớn cho tập thơ trong ý nghĩa như thế.
Khác hẳn với “Nhớ tìm tôi nhé,” tập thơ gối tiếp mang tên “Đuốc và Mặt trời” là dấu ấn của bước đổi khác, bước đắp dầy một giọng điệu thơ của Bùi Đại Dũng.
Nguồn đánh thức và khai sáng ở mảng thơ này là: “Thơ bước ra từ nét trội vượt của sự trải nghiệm. Là cái Nghĩ. Là Hiện thực của khoảng tối nằm sâu trong cái Biết của thi nhân.”
Đây là cuộc thăm dò mình, lật tìm mình từ cõi thâm u cái thế giới trực giác đã được tích lũy, được kết đọng mà sáng dậy những gì thuộc về độc thoại.
Ví như, khi đọc “Độc Tiểu thanh kí” nhà thơ viết:
"Đồng thanh" oan lạ tâm tài,
Đời là bể khổ lạc loài chính nhân.
Khóc Người hay khóc cõi trần,
Thơ hoang lạnh giữa nhân quần cô liêu.
Hoặc:
Nếu kiếp người vô hậu khoáng tiền,
Có thể sống không cần mai sáng.
Không thời gian ép dồn vô hạn,
Big bang chừ bùng phát từ đây.
(Big Bang)
Hoặc:
Tạo tác tích tụ hoài,
Ta nghe mà không tỏ.
Họa lớn biết bao nhiêu,
Thôi ta hành buông bỏ.
(Buông)
Rõ ràng, cứ lần theo cái nghĩ, từ tên các bài thơ: “Kịch đời , Không - Có, Điên và Thiên tài, Nhân chi sơ, Giáo trình, Ngạt, Lo sợ, Sáng tạo, Trẻ già, Tham ngu, Vàng tâm, Trượt, Nghĩ về bánh mì, Vui nhìn lên, buồn nhìn xuống” … Rồi, “Tất niên, Truyện trò với đá, Bờ bên kia, Tập tầm vông” v.v… và vân vân …
Không nghi ngờ gì nữa, ở “Đuốc và mặt trời” Bùi Đại Dũng đã xoay chiều, thử thách mình ở một thi pháp khác. Người viết đã vượt thoát, lùi xa cái thế giới rộng lớn ngoài Ta. Sự quay về cái thế giới trong Ta mà lặn ngụp, khơi sâu. Mà nguồn mở của thơ lại dường như bắt đầu từ ý niệm. Đó là, cái trong ta có trước. Cái ta Biết. Cái bây giờ, thơ phải đi tìm những minh chứng làm sáng lên trong thơ, những phát hiện, kiến giải, thế này:
Vang lên một tiếng chuông đồng,
Lặng đi chỉ thấy mênh mông xa vời.
Xôn xao thành ánh sáng ngời,
Thẳm sâu chẳng thấy đất trời nước mây.
Khởi lên ngươi đấy, ta đây,
Lặng đi chẳng khác, tròn đầy chẳng không
(Không – Có)
Hoặc, đây là cái Cảm, cái Nghĩ khi ngước trông nhân thế:
Đời người vở kịch bi hài,
Diễn đi diễn lại những bài rất quen.
Xem là diễn cảnh ngồi yên,
Diễn là thể hiện thói quen nhiều đời ...
Để rồi:
Ngậm tăm đóng một vai hề,
Sợ khen vụng diễn, sợ chê vụng lời.
Hoặc, vẫn là sự ngẫm suy, trải nghiệm ấy:
Sáu nẻo luân hồi luôn như thế,
Chết đây cùng nghĩa với sinh kia.
Già, trẻ nghĩa gì - vòng tương tục,
Đã sinh đồng nghĩa với dòng mê.
(Nhân chi sơ)
Hoặc, đây là cái tươi xanh hơn, khi cái Nghĩ hòa trong cái Cảm:
Mây ở trên ta mây dưới ta,
Mênh mông sao vũ trụ thiên hà.
Nếu tầng mây thấp che phủ mãi,
Sao biết bầu trời thẳm bao la.
(Ngắm mây núi)
Ở “Đuốc và mặt trời,” có thể, khi đi sâu vào cái lõi, cái ý nghĩa lấp lánh của sự vật, người viết đã chăm chắm lấy phần hơn ở ý, phần hơn ở điều cần lý giải, triết thuyết. Mà cái cứng, cái trụi trần, có lúc đã lấn át, cái cảm, cái rung. Nhưng, “Đuốc và mặt trời” đã lấy sự phong phú, sinh động ở cái đa dạng trong các lát cắt được phản ánh. Biểu hiện ở cái Nhìn, cái Nghĩ khi “Treo lịch.” khi gặp trò chơi “Tập tầm vông,” khi “Phát biểu,” khi “Vịnh Con Nghẽo, Con tằm”… Hay, các vấn đề thế sự khác mà thơ không né tránh cái vỉa hè, xương xẩu. Cái đụng chạm ở nhân tình, thế thái. Ở đạo lý, tình đời. Ở cái xấu, cái tiêu cực, cần câu thơ lên tiếng… Ví như, “Tứ tứ, Trượt, Truyện người già, Truyện nông thôn, Chính sách, Tham ngu… Hay, Chùa Kệ, rồi “Văn tế thập loại Ma vương”… v.v…
Hình ảnh, hình tượng thơ là hình thức cảm nhận, phản ánh, biểu hiện đời sống xã hội. Là năng lực tái tạo và sáng tạo của thi nhân. Những câu thơ hay không thể là hình ảnh minh họa đơn thuần, không phải là nét vẽ còn nguyên bóng hình của cái mộc, cái Tĩnh của đời sống thực tại. Mà, nó phải được người viết có sức đẩy thật rộng dài, thật xa, thật biến ảo, từ hình ảnh đời sống tới hình ảnh, hình tượng trên trang thơ hiện diện. Hai chiều của hình ảnh, hình tượng ấy, là khoảng giữa, là tài năng của nhà văn tỏa rạng.
Bằng vốn liếng tích lũy của người từng đi nhiều, biết nhiều. Bằng năng khiếu có từ buổi ấu thơ, khi người cha sinh ra anh đã trên trăm tuổi. Người cha tinh thông tiếng Pháp. Người cha từng nhóm nhen cho cậu học trò Bùi Đại Dũng viết những câu thơ từ thuở “Báo tường.”
Bằng kiến văn của một người từng trải, qua các ban, ngành ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, rồi trường ốc… Trầm tích ấy đã thăng hoa, kết tinh vào từng câu thơ, ý thơ của Bùi Đại Dũng, để rồi, “Thơ có từ chân trời một người đã và đang mở ra chân trời tất cả”(1) …
Tôi thích những câu thơ này của Bùi Đại Dũng trong tập “Đuốc và mặt Trời,” khi anh viết:
Đó là chưa qua dòng sông,
Nỗi niềm trong lòng bỏng rát.
Qua rồi bên kia dòng sông,
Trống trải nhớ nhung ngơ ngác.
(Bên kia bờ)
Hoặc:
Im lặng lại là đỉnh cao âm thanh,
Bảy sắc hòa đồng trở thành sáng trắng,
Con quay tít trở thành tĩnh lặng,
Nhỏ bé tột cùng chứa năng lượng vô biên.
(Sáng tạo)
Hoặc:
Nếu chẳng khép thì đâu cần mở,
Nếu chẳng sinh thì tử là gì.
(Treo lịch)
Hoặc:
Mốc thời gian quý báu,
Trung thực đến vô tình,
Chẳng ghét yêu ai cả,
Nhanh chậm bởi vô minh.
(Tất niên)
Và:
Thu đọng lại cuối tiến trình kết quả,
Cả đẹp tươi lẫn bão tố năm trời.
Một lằn chớp trong bao nhiêu biến dịch,
Vui lên nào, lại bước tiếp người ơi
(Thu)
“Đuốc và Mặt trời” - Đấy phải chăng là dịu thầm. Là khiêm nhường cái nghĩ mà Bùi Đại Dũng đã đặt tên cho tập thơ anh viết. Trước những “Cánh Rừng thi ca, Quả núi thi ca, Mặt trời thi ca”… Chấm nhỏ thơ này là “Đuốc,” là “Tia sáng.” Là “Nhành hoa” trong đại ngàn vườn hoa, riêng vị sắc hương…
Vâng. “Nhớ tìm tôi nhé,” với “Đuốc và Mặt trời” không phải Bão. Không phải gió giông, xoáy lốc. Cũng không phải tiếng bi ai, buồn thương, sầu muộn…Bùi Đại Dũng và Thơ là dòng sông êm xanh, ngọt lành và rượi mát phù sa (2)….
Quê Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Bảo, HP -Thu - 2021
K.C
-----------------------------------------
(1) - Ý của Eluy - A
(2) - Ý của Lau Treamont