Nơi những miền xanh luôn thao thiết thắm
- Thứ tư - 16/03/2022 21:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Nhóm Văn Búp tại Vườn Vua - Phú Thọ 2019)
NƠI NHỮNG MIỀN XANH LUÔN THAO THIẾT THẮM
(Trần Huyền Tâm)
So với rất nhiều độc giả và tác giả của Nhà Búp, tôi thuộc số ít người có duyên được đọc với những bài viết của nhà giáo, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thị Toán từ rất lâu rồi. Khoảng thời gian được gọi là “rất lâu” ấy, nay đã lên tới con số “4 thập kỷ”. Số là, vào cuối những năm 70 của thế kỷ 20, nhóm Văn Búp chúng tôi có cái “duyên” được chung thầy, chung lớp khi theo học Lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn thơ thiếu nhi của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình. Toán ít hơn tôi 2 tuổi nên vào lớp sau tôi 2 năm. Khoảng thời gian chung lớp chung thầy ngắn ngủi ấy đã cho chúng tôi nhiều kỉ niệm đẹp. Và những kỉ niệm đẹp đó luôn được xây bồi vun đắp bởi những năm tiếp sau của khóa học mùa hè ngắn ngủi đó chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau. Gần đây, dưới sự dẫn dắt của nhà thơ Kim Chuông, một trong hai thầy giáo chủ nhiệm lớp viết văn thiếu nhi ngày ấy, nhóm Văn Búp chúng tôi lại dắt díu nhau tụ về sum vầy trong ngôi nhà văn chương thiêng liêng của mình mang tên Nhà Búp (nhabup.vn).
Toán viết khá đều, viết hay và viết chắc tay. Toán cũng là một trong số ít các tác giả của Nhà Búp có bài viết ở các thể loại khác nhau: thơ, tản văn, truyện ngắn, ký và cảm luận phê bình. Tôi cũng là người may mắn có vinh hạnh được Toán viết lời bình (bằng cả thơ và văn xuôi) cho các tập văn thơ của mình. Tôi vô cùng trân quý những kỉ niệm, vô cùng trân quý mối “Duyên” đời mà chúng tôi có. Và cũng chính vì thế nên tôi không hề ngạc nhiên khi Toán đưa cho tôi xem bản thảo của tập sách riêng đầu tay của em - tập văn thơ “Nơi thao thiết những vòm xanh”. Tôi chỉ thấy hơi tiếc vì số lượng bài viết của Toán đến được với các độc giả hiện nay không nhiều. Mà chủ yếu là do việc bảo tồn, lưu trữ không tốt nên các bài viết từ thuở thiếu thời của Toán đã bị thất lạc khá nhiều. Đưa vào tập thơ này hiện chỉ là một vài bài mà bạn bè từng yêu thích nó nên ghi chép lại giúp Toán theo trí nhớ của mình mà thôi.
Một bài thơ rất bác học của một cô bé 12 tuổi
Ngay từ ngày đầu về tụ lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác, ở lứa tuổi 12, Toán đã gây ấn tượng cho lũ trẻ trâu cùng lớp chúng tôi. Không phải ở vóc hình bề ngoài mảnh dẻ, gầy gò của em. Không phải ở mái tóc thưa dính bết mồ hôi nhưng luôn được em buộc túm gọn gàng sau gáy. Cũng không phải ở sự ít nói (và nếu có nói thì câu nào cũng đầy suy tư), già dặn hơn mấy đứa bạn lau nhau cùng trang lứa trong lớp viết thời ấy. Toán gây ấn tượng cho chúng tôi bởi cặp mắt to đen có cái nhìn thông minh, cương nghị, can trường của một cô bé miền biển; bởi việc em “trình làng” một bài thơ “rất bác học” khiến cả lớp chúng tôi cùng ngỡ ngàng khâm phục. Bài thơ “lớn trước tuổi” của em có tên là “Cháu hỏi Ông”. Nguyên văn bài thơ ấy như thế này:
Ông ơi vì sao
Giọt nước biển quê mình mặn chát
Chẳng khác giọt mồ hôi và nước mắt
Của bao người đổ ra?
Ông trầm ngâm nhớ lại thuở xưa xa
Nỗi buồn hiện lên mặt ông
nếp nhăn nhiều như mắt lưới …
Cháu ơi! Chính biển nước đầy
Là biển nước mắt, mồ hôi
của những người xưa ấy
Và con sóng kia là cuộc đời của họ
Ba chìm, bảy nổi lênh đênh
Thuở bình yên chưa về với dân mình...
Ông ơi, cháu hiểu
Mảnh đất này được bồi lên
Cuộc sống hạnh phúc này được làm nên
Từ biển nước mắt, mồ hôi của những người đi trước
Mãi mãi cháu không bao giờ quên được...!
Theo Nhà thơ Kim Chuông thì bài thơ “Cháu hỏi ông” của Toán gây ấn tượng cho mọi người bởi nó “như một Quả núi đè trùm lên vóc hình nhỏ nhoi, mảnh dẻ của Toán”, khiến người ta phải “hoài nghi, giật mình, khi ngắm nhìn tác giả, với vóc hình cô gái mới hơn chục tuổi đầu, với câu hỏi ông, hay đấy cũng là câu mà “Nữ Thi sĩ” này tự vấn….Đặt ra câu hỏi, để rồi, Thi sĩ bé bỏng kia lại tự kiến giải. Bài thơ có kết cấu hoàn chỉnh, chặt chẽ ngay từ phút ra đời. Câu thơ ở đây thực sự là khả năng của cường lực xới đào cái tia sáng từ khoảng sâu vô thức hồn mình…”
Cùng với bài thơ “Buổi sáng ở Thuận Vi” của Phạm Lan Anh, Bài thơ “Cháu hỏi ông” của Nguyễn Thị Toán lúc đó đã được các thầy giáo văn chương của chúng tôi lấy làm “bài mẫu” khi dạy các học viên lớp đào tạo bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn thơ thiếu nhi của tỉnh cách quan sát hiện tượng và sự vật, cách sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ khi viết. Quả thực, không phải chỉ lúc ấy mà mãi đến bây giờ, những câu thơ giàu hình ảnh, tả thực mà rất suy tưởng của Toán về “Nỗi buồn hiện lên mặt ông/Nếp nhăn nhiều như mắt lưới…” đã ám ảnh tôi. Dưới sự dẫn dắt của các thầy Tô Hoài, Bút Ngữ, Lê Bính, Kim Chuông, Phong Thu, Phạm Hổ…, các bài viết của lũ chúng tôi đã dần dần “lớn” hơn, có “màu” hơn. Sau này, khi bước vào tuổi tri thiên mệnh, ngoảnh đầu nhìn lại, những người trong cuộc chúng tôi mới nhận ra một điều rất thú vị rằng, những dòng văn, câu thơ của lũ trẻ trâu một thời gầy gò, đen đúa, đầu trần chân đất, chạy chơi dưới nắng hè chói chang này nhờ các thầy chỉ giáo mà ngày càng trở nên có “tầm vóc” và “chín” hơn so với tuổi ấu thơ của mình.
Là hiệu trưởng của một trường phổ thông trung học suốt một đời tận tâm tận lực với cái nghề gánh cái chữ đi gieo trên mảnh đất Tây nguyên xa xôi; là bà nội của hai cháu Hugo và Sushi; là mẹ hiền của một tiến sĩ và một thạc sĩ, Toán rất bận. Có lúc em còn đối mặt với đoạn trầm về sức khỏe. Thế nhưng, với nghị lực can trường, cô gái miền duyên hải Nguyễn Thị Toán đã vượt qua những khó khăn thử thách mà cuộc sống an bài để gặt hái thành công. Điều đáng quý nhất là, cho dù phải gánh chịu bất cứ sự gian khổ nào, ở thời điểm nào, Toán vẫn dành thời gian để chăm chút cho tâm hồn mình, cho khoảng trời riêng văn hóa nghệ thuật mà mình đã được chắp duyên, khơi nguồn và đắp bồi từ thuở thiếu thời.
Những vần thơ nghĩa tình
Văn thơ của Toán không chỉ là biểu hiện của một cách viết chắc tay, sự tư duy già dặn về cuộc đời, sự sáng tạo về ngôn từ của người cầm bút, mà còn phản ánh vẻ đẹp đằm thắm, nghĩa tình của tâm hồn một người con gái miền quê duyên hải. Tôi rất yêu những dòng thơ mà em viết về những người thân thiết quanh mình. Những câu thơ, những lời tâm sự rút ruột, thương đến cháy lòng của Toán về cha mẹ, đọc lên mà thấy rưng rưng:
Con phải về thôi…
Tây Nguyên xa xôi
Nơi khát vọng một thời Cha ở đó…
Con ước gì có thể
mang đi tuổi tác
Để đôi chân Cha lại lên thác xuống ghềnh
Để đôi tay Mẹ lại vườn ruộng tảo tần
Sớm khuya không mỏi …
(Viết tặng Cha Mẹ mùa Vu Lan)
Hay những phút trải lòng trong “Cơn mưa mùa Thu”:
Bây giờ con đã đi xa
Cơn mưa dài mùa thu, cơn mưa nhanh mùa hạ
Cơn mưa chùng chình, cơn mưa vội vã
Cơn mưa nào không gợi nhớ một miền quê.
…..
Con uống tiếng mưa vào lòng như uống chất men say
Càng uống càng thấy lòng thêm khát
Cơn mưa đi, tiếng mưa thành khúc hát
Xao động hoài trong sâu thẳm hồn con.
Ở bài “Cảm ơn Người” tôi lại gặp một thi sĩ nặng lòng với những trăn trở về kiếp nhân sinh vô thường, những câu hỏi tưởng như không có lời giải:
Khi con hoang mang không biết hướng chân trời
Không biết tự nơi nào mình tới
Không biết vì sao cuộc đời có đắng cay, khổ ải
Không biết vì ai con có mặt trên đời?
Và tôi đã thật vui khi thấy ngay sau đó em đã ngộ ra quy luật của cuộc đời, đã tìm thấy lối đi cho tương lai của không chỉ riêng mình, một tương lai sáng ngời và tuyệt mỹ. Tiếp theo cái sự ngộ ấy là lời cảm tạ chân tình đối với Người đã giúp mình thấy được cái duyên đáng được thấy:
Cám ơn cơ duyên cho con được gặp Người
Cho con biết tương lai và ngộ về quá khứ
Cho con biết thế nào là đủ
Biết từ bi, độ lượng, thứ tha….
Thế giới sẽ hòa bình trong tiếng hoan ca
Không chiến tranh, không tiếng khóc mỗi nhà
Không thù hận, chỉ vòng tay nhân ái
Chỉ chân thật và trái tim nhẫn nại
Mỗi nụ cười đều lấp lánh thiện tâm
(Cảm ơn Người)
Khi chia tay một bạn trong nhóm Văn Búp rời xa quê hương ra nước ngoài lập nghiệp, em đã viết những câu thơ đậm đầy nghĩa tình của một người chị đối với một đứa em gái thân thương:
Mai em về phương hạnh phúc
Cớ sao lòng lại rưng rưng
Có gì cay cay trong mắt
Có gì nghèn nghẹn trong tim.
(Lời gửi em xa)
Rồi khi phải xa một người bạn, đứng trước biển, Toán đã có những trải lòng bằng những vần thơ thật da diết, ấm nồng:
Một mình tôi trước biển
Chiều nước lên mênh mang
Biển như một trái tim
Cứ duềnh lên thương nhớ
Sao không là con thuyền
Để quay về bến cũ
Sao mãi là ngọn gió
Bao mùa còn lang thang…?
(Trước biển)
Là một nhà giáo, Toán có nhiều bài thơ viết tặng những học trò yêu dấu của mình. Tôi đã tìm thấy trong bài “Điều mong ước của tôi” một điều ước, lời cầu mong nhỏ nhẻ, ngắn gọn của cô giáo Toán. Giản dị thôi mà khi đọc lên lại thấy sao da diết, đầy tràn niềm thương mến bao dung nhân ái đến thế:
Tôi cầu mong hoa phượng đừng nở vội
Để không có ngày phải xa các em tôi
Trống mùa thi ơi xin đừng giục giã
Để tuổi học trò còn mãi những ngày vui.
Ở tập văn thơ “Nơi thao thiết những vòm xanh”, tôi cũng tìm thấy nhiều bài thơ Toán viết về hai cháu nội của mình - bé Hugo và bé Shusi. Đọc lên mới thấy bà nội Toán yêu thương các cháu đến nhường nào. Bà Toán như dõi theo từng bước đi của cháu, vui khi thấy cháu ngày một lớn khôn, và xót xa khi thấy cháu mải mê với việc hát hò mà bị va vào ghế:
Phòng khách làm sân khấu
Shu cứ hát và đi
Mặt bỗng va vào ghế
Chao ôi là đau ghê!
Nhanh quá, sao kịp đỡ…
Shu khóc váng cả nhà
Thương em - ca sĩ nhí
Chỉ vì phiêu, thế mà…
May quá, không sao cả
Mẹ ôm em vỗ về
Lát sau Shu lại hát
Lại phiêu… bay khắp nhà.
(Shu tập làm ca sĩ)
Nơi thao thiết những miền xanh
Khi đọc thơ Toán, có cảm giác ta đang thắm mình trong một miền xanh không tuổi, một cái nhìn xanh tràn đầy lạc quan, yêu đời.
Hãy nghe cô giáo Toán nói chuyện với niềm vui và nỗi buồn:
Nỗi buồn ơi hãy theo sóng cuốn đi
Chỉ còn lại niềm vui thôi nhé!
Nỗi buồn mang màu mây, niềm vui như màu lá
Mây bay rồi trời sẽ lại xanh trong
Lá sẽ hát trong mưa, trong gió
Trong bình minh xanh và trong hoàng hôn đỏ
Lá như mắt ai cười
xanh biếc tuổi 20!
(Niềm vui và nỗi buồn)
Đọc những câu thơ dịu dàng mà cương quyết, tinh tế mà sâu lắng, rất “nghề nghiệp” này, ta như thấy cô giáo Toán đang thủ thỉ với các trò cưng của mình, và trước mắt ta, một miền xanh lại hiện lên, dìu dặt và thân thương đến lạ.
Còn đây là lời tâm tình với một thành phố mà Toán chưa từng được đặt chân tới:
Nha Trang ơi Nha Trang
Chưa một lần tôi đến
Nhưng sao thành phố biển
Thân thiết tự bao giờ
Đẹp như là câu thơ
Xanh như là khúc hát
Nha Trang biển và cát
Đã thấm vào hồn tôi
(Nha Trang)
Tháng Ba cháy đỏ những chùm hoa gạo báo hiệu mùa xuân đang chín trên cành cây, trong làn mưa bụi thật hiền. Và màu xanh trong thơ Toán lại đậm đầy trong mỗi cành cây, giàn lá:
Anh có về trẩy hội với em không
Lất phất mưa bay làm em ướt áo
Lửa đang thắp trên những chùm hoa Gạo
Lá trầu xanh ngăn ngắt đợi ai về…
(Chùa Keo)
Cũng trong cái mạch lạc quan, yêu đời giữa miền xanh thân thương ấy, nhà thơ của chúng ta lại thủ thỉ lời xin lỗi Tháng Chín của mình:
Thôi cũng đành lỗi hẹn với màu mây
Xanh thăm thẳm đến tận cùng.... Tháng Chín
Bình yên lắm như chưa hề biết đến
Có một mùa giông bão mới qua đây!
(Hẹn nắng về sưởi ấm một mùa đông)
Trong lời tâm sự với Tháng Tư ngào ngạt hương thơm từ lúa đang thì con gái trên những cánh đồng ngoại thành, những phố phường, làng mạc, dòng sông trong…., ta như thấy hiện lên trong thơ Toán một bức tranh xanh tươi, đẹp tới nao lòng:
Em có về với tháng Tư
hương
Lúa ngoại thành biếc xanh thì con gái
Gió thơm ngát những cánh đồng, bờ bãi
Những phố phường,
làng mạc,
những dòng sông …
(Em có về với tháng Tư)
Trong một bài thơ khác, cô gái của miền quê lúa Thái Bình, từ miền Tây Nguyên xa xôi trở về Hà Nội, lại cho ta thấy “những miền xanh” đang thao thiết cháy:
Ta trở về nơi trong vắt tiếng chim
Bằng Lăng tím, thêm một lần tím nữa!
Phượng hồng nhé, thêm một lần thắp lửa
Để mùa hạ nồng nàn, xanh thắm mãi… hạ ơi!
….
Em lại về nơi thao thiết những vòm xanh
Ký ức rêu phong, đền chùa cổ kính
Nơi tĩnh lặng như chưa hề biết đến
Những ồn ào phố xá ở ngoài kia.
Nơi bầu trời thẳm xanh như một giấc mơ
Nơi khói sương huyền hồ màu cổ tích
Những giá trị thiêng liêng dễ gì ta hiểu hết
Những thẳm sâu không thể cất lên lời.
(Nơi thao thiết những vòm xanh)
Viết cho cháu Hugo, thơ của Nguyễn Thị Toán lại chất chứa một miền xanh, dòng xanh thật đẹp của Tháng Mười:
Tháng Mười của em
Trời cao xanh ngắt
Sáo diều vi vu
Dòng sông say hát
(Tháng Mười)
Cho dù đó là mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Đông hay mùa Thu, là Tháng Giêng hay Tháng Mười, Tháng Tư hay Tháng Chín…. thì màu xanh ấy, dòng xanh ấy, miền xanh ấy, vẫn luôn hát trong thơ của Toán một sắc màu rất riêng, một sắc màu luôn thao thiết, luôn vỗ về, luôn mãi thắm tươi. Có lẽ đây là nguyên do mà Toán đã chọn tên của bài thơ “Nơi thao thiết những vòm xanh” để đặt tên cho tập sách văn thơ của mình.
Là một tác giả, một độc giả của Nhà Búp, tôi tự thấy mình thật vinh hạnh khi đã và đang được thắm mình trong tiếng vỗ về của những dòng xanh, vòm xanh, miền xanh, tầng xanh thao thiết như thế!
Hà Nội, 28/11/2021
Trần Huyền Tâm