Bà tôi
- Thứ sáu - 25/10/2019 22:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lần đầu tiên tôi nghe Phạm Công - Cúc Hoa và Truyện Kiều là khi tôi học lớp 4, mà không phải chỉ nghe đọc vèo vèo vậy đâu, vừa nghe vừa được giảng và cắt nghĩa hẳn hoi, được hiểu về thế nào là Tình, thế nào là Nghĩa, thế nào là Đức, thế nào là Hiếu, thế nào là Thiện, thế nào là Ác.
Người kể chuyện xưa đó cho tôi chính là Bà nội tôi, một phụ nữ mà một đời chỉ ở quanh lũy tre làng, chuyên tâm chăm chồng, chăm con và chăm cháu. Bà tôi không biết chữ, chỉ biết viết tên của mình, những nét nguệch ngoạc. Bốn năm rời bố mẹ, về quê sống với ông bà khi đó là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa, quý giá đối với tôi.
Bà hồi xưa đẹp lắm, Ông nội bảo thế. Đã đẹp lại hiền, lại tảo tần vô cùng. Nghe Ông và Bố kể lại, thời kháng chiến hoạt động cách mạng bí mật, nhà nghèo lắm, cả năm chả được vài bữa có cơm ăn. Ông đi hoạt động, thi thoảng lại đưa đồng chí về làng, khách đến cửa trước, Bà ra cửa sau, lẳng lặng cầm rá đi vay gạo, vay trứng về đãi khách, để rồi, sau đó là hàng tháng đi làm lấy công trả nợ. Quá trình đó lại chẳng phải chỉ một, hai lần.
Ông nội nghiêm lắm. Đích tôn thật nhưng tôi sai là ông đánh, Bà toàn đứng ra nhận lỗi thay cháu vì thương nó bé, lại xa bố mẹ, đâm ra Bà toàn bị mắng oan. Đêm hè oi ả, tôi vẫn ngủ ngon, mát rượi dưới làn gió mát từ quạt nan của Bà phe phẩy suốt đêm.
Năm tôi học lớp 7, tôi rời quê lên Hà Nội, đoàn tụ với bố mẹ và em. Nhớ Bà kinh khủng, cảm giác y chang như nhớ bố mẹ khi rời bố mẹ về quê năm nào.
Bà ngày một còng, dù vậy, cái dáng còng như dấu hỏi của Bà vẫn thoăn thoắt, lúc trong nhà, khi ngoài sân. Mỗi lần tôi về quê, cái dáng còng ấy lại hồ hởi, móm mém cười tươi, lao ra giữa sân, ôm lưng, quờ mặt, vuốt đầu thằng cháu. Biết là Bà ngóng lắm. Rồi đến khi Bà không còn đứng được nữa, mỗi lần về, tôi lại dụi đầu vào lòng Bà để Bà xoa đầu. Như từ xưa vẫn vậy, tôi lại nghiền trầu cho Bà, xoa tấm lưng vừa còng, vừa đen, vừa sần sùi của Bà. Hạnh phúc mỗi lần về chỉ đơn giản vậy thôi. Với tôi, Bà nội như bà tiên vậy.
Giờ thì bà tiên đó đã rời xa cõi trần cũng đã mươi năm. Mấy ngày nữa đã lại là giỗ Bà. Tôi giờ tóc cũng muối tiêu, vậy mà mỗi lần thăm mộ, vẫn cứ ngẩn ngơ nhớ những chuyện cũ.
Làng giờ thay đổi nhiều, bóng cũ không còn, chỉ có dòng Cửu An là vẫn thế, con sông nơi đã có lần tôi ra tắm, mải chơi, không về làm bà cứ vừa khóc, vừa chạy bên bờ gọi tên cháu vì tưởng cháu đã bị hà bá bắt mất.
Giờ về nhìn làng, nhìn sông, tìm mãi vẫn chẳng tìm thấy dáng xưa đâu...Thôi đành mượn tranh ai đó, họa lại hình xưa.
"Nhớ... Bà tôi, một trăm năm rồi ngọn cỏ hóa mây trời..."
Dương Chính Chức
Người kể chuyện xưa đó cho tôi chính là Bà nội tôi, một phụ nữ mà một đời chỉ ở quanh lũy tre làng, chuyên tâm chăm chồng, chăm con và chăm cháu. Bà tôi không biết chữ, chỉ biết viết tên của mình, những nét nguệch ngoạc. Bốn năm rời bố mẹ, về quê sống với ông bà khi đó là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa, quý giá đối với tôi.
Bà hồi xưa đẹp lắm, Ông nội bảo thế. Đã đẹp lại hiền, lại tảo tần vô cùng. Nghe Ông và Bố kể lại, thời kháng chiến hoạt động cách mạng bí mật, nhà nghèo lắm, cả năm chả được vài bữa có cơm ăn. Ông đi hoạt động, thi thoảng lại đưa đồng chí về làng, khách đến cửa trước, Bà ra cửa sau, lẳng lặng cầm rá đi vay gạo, vay trứng về đãi khách, để rồi, sau đó là hàng tháng đi làm lấy công trả nợ. Quá trình đó lại chẳng phải chỉ một, hai lần.
Ông nội nghiêm lắm. Đích tôn thật nhưng tôi sai là ông đánh, Bà toàn đứng ra nhận lỗi thay cháu vì thương nó bé, lại xa bố mẹ, đâm ra Bà toàn bị mắng oan. Đêm hè oi ả, tôi vẫn ngủ ngon, mát rượi dưới làn gió mát từ quạt nan của Bà phe phẩy suốt đêm.
Năm tôi học lớp 7, tôi rời quê lên Hà Nội, đoàn tụ với bố mẹ và em. Nhớ Bà kinh khủng, cảm giác y chang như nhớ bố mẹ khi rời bố mẹ về quê năm nào.
Bà ngày một còng, dù vậy, cái dáng còng như dấu hỏi của Bà vẫn thoăn thoắt, lúc trong nhà, khi ngoài sân. Mỗi lần tôi về quê, cái dáng còng ấy lại hồ hởi, móm mém cười tươi, lao ra giữa sân, ôm lưng, quờ mặt, vuốt đầu thằng cháu. Biết là Bà ngóng lắm. Rồi đến khi Bà không còn đứng được nữa, mỗi lần về, tôi lại dụi đầu vào lòng Bà để Bà xoa đầu. Như từ xưa vẫn vậy, tôi lại nghiền trầu cho Bà, xoa tấm lưng vừa còng, vừa đen, vừa sần sùi của Bà. Hạnh phúc mỗi lần về chỉ đơn giản vậy thôi. Với tôi, Bà nội như bà tiên vậy.
Giờ thì bà tiên đó đã rời xa cõi trần cũng đã mươi năm. Mấy ngày nữa đã lại là giỗ Bà. Tôi giờ tóc cũng muối tiêu, vậy mà mỗi lần thăm mộ, vẫn cứ ngẩn ngơ nhớ những chuyện cũ.
Làng giờ thay đổi nhiều, bóng cũ không còn, chỉ có dòng Cửu An là vẫn thế, con sông nơi đã có lần tôi ra tắm, mải chơi, không về làm bà cứ vừa khóc, vừa chạy bên bờ gọi tên cháu vì tưởng cháu đã bị hà bá bắt mất.
Giờ về nhìn làng, nhìn sông, tìm mãi vẫn chẳng tìm thấy dáng xưa đâu...Thôi đành mượn tranh ai đó, họa lại hình xưa.
"Nhớ... Bà tôi, một trăm năm rồi ngọn cỏ hóa mây trời..."
Dương Chính Chức