Bàn về việc dạy con
- Thứ năm - 23/06/2022 15:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Đặng Văn Tôn)
BÀN VỀ VIỆC DẠY CON
(Bùi Yến)
Tôi từng đọc ở đâu đó rằng: mọi đứa trẻ cần được đối xử như nhau và tôi rất thích những ông bố bà mẹ không cuống lên mắng mỏ hay so sánh con mình với những đứa trẻ khác khi con chưa giỏi, nhất là vào những dịp cuối kì hay cuối năm học.
Mỗi đứa trẻ sinh ra có một năng lực riêng. Đứa học kém sẽ có thể lực tốt và nổi trội ở các hoạt động thể chất hoặc có năng khiếu về hội họa, ca hát hoặc khéo tay hoặc giỏi xã giao, giỏi kỹ năng sống...Tại người lớn luôn đánh giá cao những đứa trẻ học giỏi còn những đứa giỏi chuyện khác lại không được coi là giỏi nên việc nhìn nhận có phần lệch lạc.Cha mẹ nào có con học giỏi thì dù nó có lóng ngóng vụng về hay lười biếng những việc khác đến đâu vẫn hãnh diện, tự hào. Đưa học kém thì dù nó ngoan ngoãn, siêng năng hay có cá tính đến đâu cha mẹ vẫn cảm thấy không được mở mày mở mặt bằng con nhà người khác. Trong trường, trong lớp thầy cô cũng hay đánh giá cao những đứa học tốt còn những đưa tốt cái khác sẽ rất mờ nhạt trong mắt thầy cô, bạn bè.
Nếu đứa trẻ nào cũng học văn hóa giỏi thì ai cũng làm thầy, làm nhà khoa học,nhà nghiên cứu, làm kỹ sư, bác sĩ rồi lấy ai lao động chân tay, ai làm ruộng để nuôi sống xã hội, ai xây nhà, làm đường, ai thu gom rác giữ cho môi trường sạch đẹp…
Người Việt Nam mình là chúa sĩ diện nên mới có câu: đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại. Ai lên Facebook cũng muốn khoe con mình ngoan, con mình giỏi chứ có ai lên fb bảo rằng con tôi hư, con tôi bỏ học, hãy chỉ giúp tôi cách để con tôi ngoan…đâu. Cả xã hội giấu diếm, che đậy cái chưa tốt, cái hạn chế nên đã hạn chế lại càng hạn chế hơn.
Cá nhân tôi thấy là nuôi dạy một đứa con có tố chất và bản chất nó là đứa trẻ ngoan vất vả một thì nuôi dạy những đứa cá tính, ngỗ ngược khó mười. Cùng sống trong một môi trường, cùng hưởng một nền giáo dục như nhau nhưng con trẻ lại rất khác nhau. Có đứa giỏi đứa dốt, đứa ngoan đứa hư… Đứa thành tiến sĩ và đứa thành lưu manh. Nguyên nhân là gì thật khó lý giải, đó có thể là do một sai lầm nào đó trong giáo dục, do số phận ,do bản tính riêng…Con hư chưa chắc đã là do cha mẹ không biết dạy. Có những đứa trẻ có cha mẹ ít học, lành hiền quá hoặc vô trách nhiệm nên chẳng bảo ban gì, vậy mà nó vẫn ok. Lại có đứa cha mẹ tử tế, dạy bảo đến nơi đến chốn nó vẫn không nghe lời. Việc nuôi dạy con không ai có thể nói tài được. Hôm nay nó thế này, ngày mai nó thế khác. Chỉ khi nào mình ở trong hoàn cảnh của những cha mẹ này mới hiểu được.
Tôi thấy phục nhất và đáng học hỏi nhất chính là những bậc phụ huynh đủ kiên nhẫn, đủ rộng lượng, đủ yêu thương và khéo léo để đưa những đứa con đi sai đường về đúng quỹ đạo của nó. Cha mẹ như vậy là vị cứu tinh. Vì có cha mẹ như thế mà cuộc đời con lại mở ra được những trang tươi sáng.
Không hắt hủi, không nhiếc móc khi con sai lầm nếu con đã biết hối hận. Trái lại hãy chia sẻ và đưa tay cho con. Bởi vì nếu ngay cả khi cha mẹ đã cố gắng đồng cảm, cố gắng giúp con, hiểu con mà con vẫn sai thì việc cha mẹ mắng mỏ hay nhiếc móc chỉ làm tình hình thêm tồi tệ.
Con cái là của trời cho, trời cho một mình cố cho nó lên hai lên ba chứ không thể cố cho nó lên bảy, lên tám. Chấp nhận và hạnh phúc với việc con không giỏi, không xuất sắc. Con chỉ cần trưởng thành, tử tế và nỗ lực trong khả năng của mình là chúng ta đã trở thành những cha mẹ thành công rồi.