Cần lắm một tấm lòng

Cần lắm một tấm lòng
Giá không có chiến tranh. Một đám cưới đã thành Một gia đình đầm ấm Trẻ ra đời rõ nhanh... Tạm chưa làm đám cưới. Hai người thành chiến binh Bắn máy bay Mỹ đến Cả hai cùng hi sinh!



CẦN LẮM MỘT TẤM LÒNG

(Ánh Tuyết)



Đám cưới hai liệt sĩ


Giá không có chiến tranh.

Một đám cưới đã thành 

Một gia đình đầm ấm

Trẻ ra đời rõ nhanh...


Tạm chưa làm đám cưới.

Hai người thành chiến binh

Bắn máy bay Mỹ đến

Cả hai cùng hi sinh!


Rồi một ngày hai họ

Làm đám cưới linh đình

Hai bát hương hai chốn

Giờ về chung một bình...


Sống chưa là chồng vợ

Đều gái trẻ trai thanh

Chết mới nên gia thất

Thành ma... có gia đình...

(In trong tập “Niềm tự trọng của những đóa hoa” - thơ Ánh Tuyết).


Tôi viết bài thơ trên khi được biết qua truyền thông chính thống và không chính thống đưa tin về một đám cưới hết sức đặc biệt ở Quảng Ninh. Hai họ và hai gia đình tổ chức đám cưới cho hai liệt sĩ với lễ rước dâu là hai bình chân hương của hai liệt sĩ.


Cứ mỗi lần đọc bài thơ tôi lại ngậm ngùi. Thương cho hoàn cảnh của hai liệt sĩ. Vào những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, đôi trai gái yêu nhau, đã tính chuyện làm đám cưới.

Có thể chiếc gối đôi thêu tên hai người lồng vào nhau cùng đôi chim chạm mỏ âu yếm đã thêu xong. Những tút thuốc lá,Tam Đảo, Trường Sơn, gói trà Hồng Đào đã sẵn sàng cho một đám cưới thời chiến.


Thế nhưng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đã xảy ra hết sức ác liệt ở Miền Bắc XHCN. Bất kể nơi đâu, trường học, bệnh viện khu phố đông dân cũng là mục tiêu oanh tạc điên cuồng của Không quân Mỹ. 


Đôi trẻ tạm gác hạnh phúc riêng để tham gia lực lượng vũ trang. Họ được phiên vào đơn vị pháo binh,bảo vệ vùng trời quê hương.


Hai người cùng hy sinh khi đang bắn máy bay Mỹ. Những chiếc máy bay Mỹ họ bắn hạ còn cắm đầu xuống đất khói bốc mù mịt


Hai liệt sĩ đã yên nghỉ ở nghĩa trang quê hương… họ vẫn là những thanh niên còn trinh trắng…


Nhưng mà mừng, mừng đến rơi nước mắt, đến nghẹt thở vì cái kết nhân văn, có hậu tuyệt vời của câu chuyện.


 Sau nhiều năm, hai dòng họ, hai gia đình nhân đức, nhân từ đã làm đám cưới cho hai người liệt sĩ.


Đám cưới được tổ chức trang trọng, tuân theo mọi nghi lễ của một đám cưới bình thường.


Chỉ một sự khác biệt, đặc biệt là trong đoàn xe hoa đón cô dâu, bình hương chú rể đến đón rước bình hương cô dâu. Sau khi hoàn tất lễ nghi xin dâu, bình hương cô dâu theo bình hương chú rể về nhà chồng.

Hai họ lại hoàn thành nghi thức thành thân cho hai bình hương.

Trước sự chứng kiến của hai dòng họ, toàn thể quan khách, nghi thức thiêng liêng cuối cùng diễn ra: hai bình hương được nhập vào chung một bình, rồi được thành kính dâng lên ngự trên bàn thờ gia tiên của gia tộc nhà trai.


Hai họ đều hân hoan như vừa hoàn thành một tâm nguyện với người đã khuất. Từ nay, hai họ chính thức thêm dâu, thêm rể, gia đình thêm con, thêm cháu dù con dâu, con rể đều đã là liệt sỹ từ nhiều năm trước.


 Điều đặc biệt thiêng liêng khiến không ai có thể cầm lòng mừng mừng tủi tủi: Từ nay, hai liệt sĩ chính thức thành ma... có vợ, có chồng...cuộc đoàn tụ có một không hai trên trái đất này.


Rất nhiều người đọc bài thơ đều chung một cảm nhận: gai hết cả người! Cái giá của chiến tranh quá lớn, bi kịch của con người quá khủng khiếp.

May thay, vài chục năm sau lại có một đám cưới đặc biệt cho hai linh hồn liệt sĩ được hợp pháp đàng hoàng về với nhau.


Vô cùng biết ơn những tấm lòng nhân văn, nhân đạo, không thể thấy ở đâu trên thế giới của hai dòng họ. Hai linh hồn liệt sĩ đã về bên nhau (Sống chưa là chồng vợ/ Đều gái trẻ trai thanh/Chết mới nên gia thất/Thành ma có gia đình).


Thế là kiếp sau họ không còn phải xa nhau.


Tôi ngậm ngùi mừng tủi nghĩ rằng: Ở đời cần lắm một tấm lòng!