Chuyện con sổi

Chuyện con sổi
... Đêm qua, tôi đã kể với các bạn về những ngày ở quê hương, những kỷ niệm đồng quê, chăn trâu, cắt cỏ và những công việc quê mùa khác... Nhưng nếu kể về kỷ niệm đồng quê, chăn trâu cắt cỏ, mà quên kể về con trâu -




CHUYỆN CON SỔI...(*)

(Mến tặng bạn bè chăn trâu thời thơ ấu của tôi trên quê hương)

          

 

... Đêm qua, tôi đã kể với các bạn về những ngày ở quê hương, những kỷ niệm đồng quê, chăn trâu, cắt cỏ và những công việc quê mùa khác...

      

Nhưng nếu kể về kỷ niệm đồng quê, chăn trâu cắt cỏ, mà quên kể về con trâu - người bạn thân thiết của mình những năm tháng ấy - thì thật là không phải, thì sẽ là thiếu sót.

    

Thân xác nó thì đã được người ta “thực táng” vào những cái dạ dày từ lâu rồi. Còn linh hồn nó, chẳng biết đã hết kiếp luân hồi và đã được hóa sinh thành kiếp người chưa? Hay vẫn còn luẩn quẩn trong vòng luân sinh súc vật...?!

     

Nhưng ngày ấy, nó đã là một con trâu cái rất đẹp, được mua từ trên rừng về. Nó to lớn và mập mạp, da đen bóng như quét sơn, mắt ốc nhồi sáng long lanh, loang loáng nước và cặp sừng thì tuyệt đẹp. Nhọn hoắt, cân đối, cong cong hình bán nguyệt, vênh lên đầy kiêu hãnh.

    

Đó là một con trâu đủ tiêu chuẩn; “khô chân, gân mặt" "mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn”. Nếu có cuộc thi hoa hậu trâu, nó sẽ đoạt giải quán quân là cái chắc.

   

 Nhưng có lẽ vì nó quá đẹp, nên nó sổi. Nghĩa là, nó không chịu đực bao giờ và vì vậy nó chẳng bao giờ cho ra đời một chú nghé tơ. Con đực nào ngáo ngơ, đến bên ọ ẹ là bị nó uýnh liền. Mà nó uýnh chú nào là chú ấy té. Ý chừng, nó khinh các chú không đủ tiêu chuẩn, không đáng mặt một “chàng trâu đực” và không xứng đáng để nó trao xương gửi nạc, nên nó nguyện giữ nguyên trinh bạch suốt đời.

    

Cũng có lẽ vì nó sổi, nên nó vô cùng hung dữ. Nó hung dữ đến mức, không nhà nào dám nhận nó về nuôi. Người ta phải chia nhau luân phiên, mỗi nhà nuôi một tuần. Mặc dù người ta đã nâng mức điểm cho người nào nuôi nó lên gấp hai lần những con trâu khác, nghĩa là hơn công một lao động chính làm việc cả năm.

   

Vậy mà chẳng nhà nào dám nhận. Đến phiên nhà nào phải chăn nuôi nó, thì như phải đi canh miếu thần, đối mặt với trằn tinh vậy. Người ta phải làm dây thừng thật dài, để có thể đứng từ xa mà dắt nó và để khi lâm nguy còn kịp chạy. Vậy mà tay vẫn phải lăm lăm cây gậy, canh chừng nó tấn công.

     

Đã không ít người bị nó làm cho mất vía. Nó đã từng đâm toạc cổ bác B nhà ông T, suýt chết, phải đi viện hàng tháng trời và làm bị thương không biết bao người khác. Nó lại có cái thói oái oăm, thích xúc người ta bỏ vào bờ dứa dại đầy gai. Bà Th. nhà bác T với cô L em gái út của tôi, đã từng là nạn nhân như thế, khi vô tình đi ngang qua nó. Và chính tôi, nó cũng từng làm cho khốn đốn nhiều phen, trên mình đầy vết tích, mà đến khi bố tắm cho mới biết...

    

Nói chung, nó cực kỳ hung dữ, oái oăm, nhưng nó làm việc lại rất cừ, năng suất gấp hai ba lần những con trâu khác. Đồng đất ải dẻo quắn, rắn như đá mà nó cứ đi phăng phăng. Nó đã từng vặn gẫy rất nhiều cày. Cả hợp tác xã, chỉ vài người cày được nó. Đó là những ông cứng vía, “bạo hổ bằng hà”, mà điểm đi cày với nó tất nhiên là cao gấp đôi, gấp ba cày với những con trâu khác.

     

Mỗi lần nó “đứt sẹo”, nghĩa là tuột thừng mũi, thì cả làng như có cướp. Cả cánh đồng nhốn nháo, nhà nào cũng lo giữ ruộng nhà mình, không nó giày vào thì khốn. Thanh niên trai tráng được huy động đi dồn bắt nó. Nó chạy rông khắp cánh đồng, mà chạy đến đâu thì ở đó như gặp phường giặc cướp. Chẳng mấy khi bắt được nó ngoài đồng. Phải dồn cho bằng được nó vào chuồng. Mà vào chuồng cài gióng rồi, cũng không dễ gì tóm được mũi nó. Nó cứ gằm mặt xuống, chĩa sừng lên, hai mắt thì đỏ ngầu, long sòng sọc. Đúng là đồ quỷ cái !

    

Vậy mà “đồ qủy cái” ấy đã bị tôi khuất phục. Khuất phục thật sự, khuất phục hoàn toàn, khuất phục tuyệt đối, đến mức “khẩu phục, tâm phục”. Chịu cho tôi cưỡi lên lưng, mà cưỡi từ đầu. Nghĩa là ngoan ngoãn cúi đầu xuống cho tôi trèo lên, rồi ngẩng cổ từ từ đưa tôi lên lưng ngự tọa. Tôi còn ưu ái đứng vào trong vòng sừng của nó, lấy mảnh chai chuốt cho đôi sừng thêm nhọn hoắt. Mọi người đi qua trông thấy mà lắc đầu ngán ngẩm...

    

Nhưng có sao đâu? bây giờ nó đã là con trâu cái hiền lành. Biết mình là trâu, dù là trâu cái sổi, thì vẫn phải chịu sự cai trị của con người. Vì con người là chúa tể muôn loài. Ngoan ngoãn là hơn cả. Nhưng để nó biết và ý thức ra điều đó, không đơn giản chút nào.

    

Sau những lần đối đầu quyết liệt, tôi nhận ra rằng: Nó chỉ dám hung hăng, khi biết mình sợ nó. Khi nó chủ động tấn công, còn ta thụ động đối phó và hoảng loạn. Nhất là lại... bỏ chạy, thì “cô nàng” lại càng “ lên nước” dữ.

    

Vậy thì, hãy làm ngược lại: Chủ động tấn công, chủ động trấn áp, tích cực trừng phạt. Tỏ cho nó biết uy quyền và sức mạnh của mình. Dù hung dữ, mày cũng chỉ là... trâu.

   

Thế là, tôi chuẩn bị một cây gậy tre thật chắc, một cái roi tre thật dẻo. Kiểm tra thừng chão thật kỹ càng, chắc chắn. Dắt con sổi ra giữa bãi tha ma. Đóng một cái cọc tre thật chắc, có mấu quặp lại xuống đất, ràng con sổi.

   

Vừa ngồi xuống cột thừng, con sổi liền xông lại tấn công ngay. Tôi đứng phắt dậy, giang thẳng cánh quật gậy vào mặt. Quyết không lùi. Tấn công tới tấp, dồn dập, liên hồi. Bị tấn công quyết liệt, con sổi dừng lại. Tiếp tục bị quật gậy vào mặt túi bụi, con sổi lùi lại rồi... chạy trốn.

   

Không trốn chạy đi đâu được. Bố mày đã ràng chắc rồi, chỉ còn chạy vòng tròn quanh cọc tre này thôi. Và tiếp tục trừng phạt, tiếp tục tấn công, hết bằng gậy lại bằng roi, không ngừng, không nghỉ. Kiên quyết bắt con sổi khuất phục.

    

Trẻ chăn trâu xúm lại hò hét inh ỏi trợ lực, nhưng vẫn lo con sổi tuột rợ mõm thì khốn. Nhưng không! Thừng cực tốt và cột rất chắc chắn. Mấy lần bị truy bức cùng đường, con sổi liều mạng húc lại, nhưng tôi kịp thời né được, vì phạm vi hoạt động của nó không ngoài bán kính dây thừng. Đó là vòng “kim cô bát quái”, càng chống cự, càng bị trừng trị đích đáng. Bọt mép sùi ra, mắt đỏ ngầu, nhưng bất lực. Và vẫn không ngừng bị tấn công. Mà tấn công còn quyết liệt hơn.

    

Bọn trẻ thì vừa reo hò trợ lực, vừa ném gạch cục vào đầu, vào mặt con sổi. Còn tôi vẫn lăm lăm cây gậy, tiếp tục phang, không cho ngừng cho nghỉ, không cho ăn cho uống.

   

Đánh suốt từ sáng đến trưa, cả người và vật đều mệt nhoài. Trời lại nắng gay gắt. Tôi tiếp tục rút thừng ngắn lại dần. Vòng “Kim cô” ngày càng thu hẹp.

    

Quất cho con sổi một chập nữa, tôi nghỉ về ăn cơm. Còn mày, cứ nằm đấy, chiều tao tính tiếp...

    

Trời mùa hè, nắng chang chang, nóng như đổ lửa, mà trâu thì chịu nắng kém hơn bò. Mọi ngày, thích ngụp lặn không ai giữ được, cứ tự do lội ào xuống ao, mương, lôi cả người chăn theo. Còn buổi trưa, thì ung dung nằm dưới bóng cây râm mát, bỏm bẻm nhai trầu.

   

Nhưng hôm nay thì, không có đâu. Đợi đấy!

    

Ăn uống xong, nghỉ trưa một lát. Chiều, tôi lại xách gậy, cầm roi ra, mang theo một ôm cỏ tươi cắp nách.

    

Vừa thấy tôi, con sổi đang nằm uể oải, bọt mép sùi ra, thở phì phò mệt mỏi, chợt vùng đứng dậy lao lại. Chừng thèm ăn hơn là thù hận. Nhưng đợi đấy đã!

    

Đặt bó cỏ xa ngoài vòng chiến lược, tôi xách gậy đứng nhìn trừng trừng. Con vật cũng trừng trừng nhìn lại, đầy tức tối. Biết không được ăn, mắt lại vằn lên đỏ ngầu.

 

Và, bỗng “phì” lên một tiếng.

    

- Này thì... “ Phì ”!

 
C
hiến cuộc lại diễn ra, lần này thì quyết liệt hơn. Không dùng gậy nữa, roi tre nhẹ, dẻo quắn, vừa dễ sử dụng, vừa rát đòn hơn. Tôi tiếp tục quật cho chí tử, dồn dập, quyết liệt, liên hồi kỳ trận. Không cho kịp thở.

   

Bây giờ thì không có sự chống cự nào cả. Chỉ có người tấn công và kẻ trốn chạy...

    

Nhưng chạy đi đâu? Cứ thế, một thằng người, một con vật, quần nhau hết trọn buổi chiều. Tôi quyết tâm khuất phục bằng được con vật hung dữ này. Không ăn uống, không nghỉ ngơi, không cho đứng lại thở...

    

Đến chiều, thì con sổi hoàn toàn kiệt quệ, không chạy được nữa, đứng ỳ lại. Tiếp tục bị quật tơi bời, không đứng được nữa, con vật nằm ệch xuống, thở hồng hộc, mắt dại đi... Không còn cái vẻ hung hăng, mắt đỏ ngầu vằn lên như trước nữa.

   

Tôi vẫn tiếp tục nện cho một chập nữa mới thôi.

    

Biết con vật đã bị khuất phục rồi, tôi mang nắm cỏ lại nhử. Nắm cỏ tươi bây giờ đã khô quắt lại như rơm, con sổi uể oải quơ lưỡi ra, nhưng không còn cái vẻ ham hố, hăng hái hàng ngày nữa. Uể oải nhai trệu trạo, bọt mép sùi vãi cả ra, mắt lờ đờ.

   

Tôi vứt nốt cả đám cỏ vào. Con sổi vẫn nằm im, thở hổn hển phì phò, không buồn ăn nữa...

    

Đám trẻ con đánh trâu bò về. Trời đã mát lại sau một ngày nắng lửa...

    

Ngồi nghỉ một lúc lâu, tôi đứng dậy cởi thừng, lôi mũi một lúc, con sổi mới uể oải đứng dậy được, rồi quệnh quạng bước đi.

   

Bây giờ thì, chẳng còn đâu cái vẻ hung hăng, ngang ngược, dữ tợn hàng ngày nữa. Con sổi chậm rãi, lặng lẽ đi theo tôi...

    

Tôi dắt nó xuống ao dược mạ gần đấy, cho uống nước.

     

Vừa thấy nước, con sổi hoạt bát hẳn lên. Xăm xăm tiến lại, vục đầu xuống uống. Uống nấy uống để, hùng hục uống, đúng là “đồ ngưu ẩm”, uống như ... trâu ! Cái bụng lép kẹp hõm xuống, đã hơi phồng lên một chút. Uống xong, ngoan ngoãn theo tôi ra về...

    

Rồi còn vài lần nữa, con sổi đứt sẹo chạy rông, quậy phá ngoài đồng, bị tôi trừng trị cho thích đáng, mới trở nên thuần thục hoàn toàn...

     

Và con trâu ấy, đã trở thành con tuấn mã của tôi suốt hai năm, với bao kỷ niệm vui buồn thời thơ ấu...

    

Sau đó, tôi giao nó lại cho người khác. Giã từ những năm tháng ấu thơ ngang tàng, nghịch ngợm, phiêu lưu, ngông cuồng và dại dột. Để bắt đầu cuộc đời một chàng trai thời đất nước chiến tranh, mà mọi công dân đều phải chung tay góp sức...

 

Matxcơva - 3.2005

Hà My - 27.7.2018

Lê Quang Tuệ

—----

(*) Trích trong tự truyện "CHUYỆN TRONG NHÀ" viết cho các con khi ở Mockba.