Lời của hoa đồng nội
- Thứ hai - 06/01/2020 13:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ai chưa từng hưởng thú dạo chợ hoa xuân, thật khó mà tưởng tượng được vẻ đẹp lộng lẫy và không khí Tết nhộn nhịp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng tôi, mỗi khi xuống phố ngắm người, thưởng hoa, tôi thường nghe trong gió thoảng những tiếng thầm thì của cây lá quê nhà gợi nhắc...
Thuở tóc trái đào, tôi là một đứa trẻ trâu ở một vùng quê nghèo ven sông Đào, nhà mái tranh vách đất. Vượt qua cái cổng làng có hai cánh cửa bằng gỗ lim già dày cả tấc nằm lọt thỏm giữa điệp trùng tre trúc ken kín mít, tầm mắt những đứa trẻ chăn trâu mới được mở. Khoảng trời xanh lồng lộng mây trắng in hình đàn chim trời dàn hàng dọc giang cánh bay về phương nam. Tôi chỉ lờ mờ nghe nói phía ấy là các làng Trại Vĩnh, Đồng Quỹ, Nam Hưng...
Thả trâu gặm cỏ trên cồn Rùa, lũ trẻ chúng tôi thả sức nô đùa. Chán chơi âm, chơi u, chơi trận giả thì ngồi bệt xuống đất mà chọi cỏ gà. Đây là thứ cỏ lá nhỏ, dài, vị ngọt đắng. Hoa cỏ gà chính là những lớp bẹ cỏ xếp chồng lên nhau, hao hao cái đầu gà nhỏ, mào gà là những búp cỏ xanh chụm lại. Người chơi chọi cỏ gà cầm phần cuống hoa quất mạnh vào “đầu gà” đối phương. Hoa bên nào rụng thì bên ấy thua. Đứa ăn gian cầm sát “cổ gà”, bên kia quất cách nào cũng không thắng nổi. Cãi nhau om cả đồng vắng, rồi lại bỏ qua, chuyển sang trò đám cưới, những đám cưới trẻ con phỏng theo những đám cưới thật gần nhất trong làng. Trò chơi này tốn nhiều công, nhưng mà vui. Vì cần rất nhiều hoa cho cô dâu trang điểm. Một cái áo cài đầy hoa sài đất, thứ cúc đồng nội vàng như không thể vàng hơn. Một vòng nguyệt quế tím màu tím của hoa rau muống dại, hoa súng, hoa rau ngổ... Rồi thì lấy đất sét nặn một cái lục bình, cắm vào bao nhiêu là hoa ké vàng, ké xanh. Lại phải có một bó hoa cho chú rể. Và đồng quê lại phải góp hoa dứa hoặc hoa loa kèn dại thơm đến nao lòng... Tôi không nhớ bao nhiêu lần mình được đóng vai chú rể hay phù rể; nhưng gương mặt chúng bạn trẻ con, dù là trai hay gái, dù còn hay đã khuất, giờ tóc đã bạc, mắt nhìn đã kém tỏ, tôi vẫn nhớ như in. Tuổi thơ và hoa đồng nội luôn hiện lên trong tâm tưởng, nhắc nhở tôi đừng bao giờ quên những ngày gian khó nhưng cũng rất đẹp đẽ của một đời người. Tôi hiểu ra rằng, mình yêu đồng không chỉ vì thương lúa mà còn vì gần gũi với các loài hoa cỏ, gắn bó với những đứa trẻ thơ dại, nhờ sắn khoai mộc mạc mà lớn lên...
Rồi cũng như hàng triệu đứa trẻ nhà quê khác, tôi may mắn được dọc ngang trên những nẻo đường tổ quốc, được gặp rất nhiều hoa. Hoa ban Tây Bắc trắng. Hoa đào Nhật Tân thắm. Hoa lay-ơn Đà Lạt đỏ. Và mai, vàng như nắng Sài Gòn.
Sống ở thành phố Hồ Chí Minh, vào những ngày giáp tết, chỉ cần nhìn nắng dâng đầy mọi nẻo đường thành phố, rắc vàng lấp lánh cả mặt sông Sài Gòn tháng Chạp, tôi đã biết chợ hoa xuân sắp nhóm họp. Nhiều năm nay, có năm chợ mở trước bữa ông Táo về trời, lại có năm chậm mất một ngày. Trong ba ngày 27, 28, 29 tết, việc nhà, việc cơ quan đã vãn, lòng thơ thới, tôi thường rủ vợ con hoặc bạn bè đi ngắm hoa xuân từ khắp mọi miền đất nước gửi về làm đẹp cho thành phố. Cho bõ một năm tất bật cùng công việc, bù cho những lần trắng đêm thao thức, trăn trở bên những trang văn mỗi khi viết xong lại thấy mình nhạt nhẽo. Và để cùng người, cùng đủ mọi loài hoa lá giã từ một năm cũ, dự liệu một hướng đi cho những ngày sau...
Đi dọc những đường hoa, không ít lần đã ngẩn ngơ trước những giò phong lan ngũ sắc. Vẫn chưa nguôi nỗi nhớ rừng già và thời trai trẻ. Nhìn những dây phong lan, tôi cả nghĩ tay ai vẫn ngoắc tay mình, kéo mình vượt qua những con suối mùa lũ thuở chiến tranh. Lá lan dài như mắt ai sắc lẹm. Lan không biết vẫy, chỉ có hoa lan khẽ nhẹ rung trong gió xuân thị thành. Lan bao giờ cũng vì người. Làm vui mắt những người lính mở thao láo sau cơn sốt rét rừng sâu. Và bây giờ, khi họ cởi áo xanh về phố, lan lặng thầm làm đẹp một khung cửa sổ. Phong lan đưa gió ngàn về làm mát lòng ai, như nhắc một quá khứ không bao giờ phai nhạt. Và hồng, loài hoa dành cho ngày gặp mặt tưởng như chỉ có trong những giấc mơ. Hoa của tình yêu và hạnh phúc. Đỏ như một làn môi ấm! Còn nhớ tay nắm tay người, tôi lạc giữa bạt ngàn hồng gần một khách sạn lớn trong thành phố. Ngất ngây vì người, vì những gương mặt tươi hồng trong gió xuân...
Nhớ rét đến nôn nao, tôi thường đi tìm đào hỏi chuyện xuân. Hình như tôi ít gặp may, chỉ gặp một thứ đào phai, nụ hoa đã xòe hết, cánh hoa đã nhạt. Thứ đào ấy báo không có cái rét của gió bấc sương muối. Cái rét tê da, tái thịt nhưng biết bù cho mắt người những nụ xuân chúm chím. Cái rét khiến cho cải bắp, sà lách cuộn tròn, rau diếp trong vườn, rau cần dưới ao non búng, mượt như thoa mỡ. Cái rét lẩn vào nồi thịt đông, khi dùng bữa tưởng như có thể nhai nuốt được. Và cái rét là bàn tay vô hình kéo người ta lại gần nhau. Ông bà muốn ôm lấy cháu tỏ lòng thương quý, đôi lứa khát khao được sưởi ấm bằng lửa thương yêu. Cái nhìn tình tứ của người vợ sắc như rét nhưng ấm áp hơn cả lửa nồng. Cái nhìn khiến người chồng thôi chất củi vào bếp, lấy cớ đã khuya mà nhẹ nhàng mời mọi người đi nghỉ. May mà cũng có lần gặp cố tri, mua được một cành đào Nhật Tân chính hiệu. Không phải do người khiến được hoa tươi, mà là do trời đất bảo hoa tươi. Nghe các cụ già sống ở Sài Gòn nhiều năm kháo nhau, thì năm ấy rơi vào chu kì 24 năm một lần vùng Bến Nghé có gió heo may. Đào chúm chím cười, người mở lòng khui chai rượu tết. Xuân ấy tôi say cả ba ngày; nhưng không phải say rượu, mà say vì rượu rót xuống gốc đào. Cành đào chuếnh choáng men, đỏ thắm cả gian phòng...
Đi chợ hoa, ngoài việc chiêm ngưỡng những tòa nhà chọc trời mới mọc, ngắm những gương mặt tươi cười, những kiểu quần áo đẹp, tôi chú mục nhiều nhất tới mai. Ngắm đến thuộc lòng cả dáng cây, dáng hoa. Tôi còn biết mai dễ tính như người Nam bộ, cắm xuống đất là bén rễ, bật chồi, nảy lộc. Dù là mai tứ quý hay hoàng mai, thân mai đều nâu sẫm, mốc thếch dấu vết của thứ cây rừng được những người đi mở đất đưa về trồng ở vườn nhà. Mai tứ quý nở bốn mùa, nhiều nhất là hoa màu vàng và màu đỏ sậm. Còn hoàng mai, sau khi được người bứt lá, mai dồn nhựa sống, bung nụ. Và, cũng như tính cách người phương nam khoáng đạt, cành mai cắm trong độc bình, sau mấy ngày tết, kể cả những nụ mai bé xíu như hạt thóc cũng xòe nở hết mình....
Những lần đi chợ hoa, lẫn vào dòng người tầm xuân, tôi đi tìm cho riêng mình những nét chân quê đồng điệu thấp thoáng trong lá hoa. Tôi đồ rằng, trong vô số người lịch lãm kia, hồn hoa đồng nội của nơi chôn nhau cắt rốn vẫn còn ngát thơm tâm tưởng họ. Và năm nào cũng vậy, lúc chợ đã vãn, tôi hớn hở rinh về nhà một cặp mai, đào đang nụ! Cho những ngày xuân sắc, hoa cũng được sóng đôi…
Nguyễn Quốc Văn