Mùa hè rực rỡ
- Thứ năm - 09/07/2020 14:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau bao ngày đắn đo, tôi quyết định thu xếp việc trường, việc lớp, việc gia đình để trở về Hà Nội theo học khóa bồi dưỡng viết Văn do hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Lần đi học này, tôi mang theo cả trách nhiệm và niềm tin mà lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước giao phó. Bởi tôi đã từng được học tập, đào tạo để trở thành người nghệ sĩ sáng tác văn học nghệ thuật từ năm 11 tuổi dưới sự hướng dẫn của những nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam, bản thân tôi đã từng giành nhiều giải thưởng về sáng tác của Trung ương và địa phương. Nhưng do công việc giảng dạy, việc gia đình quá bận mải, tôi bị cuốn đi và hầu như không có thời gian dành cho những sinh hoạt nghệ thuật như trước, suốt hai mươi năm qua. Tháng 9/2016, theo lời thúc dục của thầy, của bạn (đặc biệt là lời trăng trối trước lúc đi xa của Nhà văn Lê Bính - người thầy dạy tôi từ thuở ấu thơ) trước lúc lâm chung, chú gọi điện nhắc tôi: nhất định phải quay về với sáng tác văn chương, chú căn dặn tôi phải giữ nguyên cách viết: giản dị, chân thành, giàu cảm xúc vốn có của tôi, không được vay mượn hay bắt chước.
Nghe lời thầy, tôi đã làm đơn xin được sinh hoạt ở Hội văn học Nghệ thuật Bình Phước. Tuy bản thân tôi chưa kịp cống hiến nhiều nhưng các đồng chí lãnh đạo Hội đã sớm đánh giá được năng lực và trao cho tôi niềm tin. Họ thường xuyên động viên, nhắc nhở tôi nên dành thời gian cho sáng tác. Tôi biết ơn tất cả và tự nhủ “Mình phải cố gắng”.
Chuyến ra Bắc lần này đã đem đến cho tôi bao ý nghĩa lớn lao. Đây là cuộc hành hương của đứa con xa quê được trở về với mảnh đất thân yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi được sống lại những giây phút hồn nhiên đầy yêu thương bên thầy xưa bạn xưa cùng với bao kỉ niệm đẹp như cổ tích. Trước khi nhập học, tôi được nhà thơ Kim Chuông cùng bạn bè và gia đình ông đưa đi thăm thành phố cảng, thành phố hoa phượng đỏ, thăm cây cầu vượt biển mới khánh thành ở Hải Phòng có cái tên đầy sức gợi “cây cầu đi về phía mặt trời”. Đứng trước biển dập dồn, mênh mông sóng vỗ, nhìn những đoàn tàu thuyền tấp nập, những cần cẩu kiêu hãnh vươn dài, ngắm cây cầu huyền thoại, mới thấy sự vĩ đại của đất nước của nhân dân; thấy trào dâng trong lòng tình yêu Tổ quốc thật máu thịt rưng rưng.
Rồi, tôi lại được về quê cũ, được tung tăng cùng bạn bè trên những con đường tuyệt đẹp đầy sắc hoa và hít thở không khí như được ướp hương hoa ở Thuận Vy. Nơi đây, vài chục năm trước, tôi đã được nhà văn Tô Hoài và các bác, các chú nghệ sĩ Thái Bình đưa đến. Chúng tôi từng được uống mùi quả chín trĩu cành và ngợp mình trong ánh trăng non tơ màu lá. Một bạn tôi đã viết:
“Buổi sáng ở Thuận Vy
Sao hôm nay lạ quá!
Màu trời và sắc lá
Ai đem hòa với nhau”
Các bạn, các em cùng học trong nhóm “Búp trên cành” năm xưa đón tôi, dành cho tôi tất cả tình yêu thương, chăm sóc cho một người thân đi xa lâu ngày mới trở về, khiến tôi xiết bao xúc động.
Chúng tôi đến khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp ở Phú Thọ có tên gọi “Vườn vua”. Giữa mênh mông bát ngát của gần 70 mẫu đầm sen, giữa ngan ngát hương thơm của loài hoa bình dị mà cao quý, giữa lãng đãng khói mây trên núi Ba Vì thắm xanh, tôi được đắm hồn trước vẻ đẹp linh thiêng, huyền thoại của bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và bay bổng. Vườn vua là một quần thể của những lâu đài, cung điện nguy nga tráng lệ, có cả những khu gợi về phố cổ, những nhà Phú ông, nhà chị Dậu, với những cối xay, cối giã gạo gợi về cảnh làng quê xưa.
Đi đến đâu, chúng tôi cũng ríu rít, thân thương như chưa hề có khoảng thời gian hơn nửa đời người xa cách.
Ngày nhập học đã đến rồi!
Chúng tôi được Ban tổ chức sắp xếp cho nơi ăn, chốn ở thật thuận tiện, đầy đủ tiện nghi. Được học trong Hội trường sang trọng của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Lớp học có hơn 100 học viên, phần đông là các nhà giáo. Nhiều người là giáo sư tiến sĩ. Nhiều bác tuổi cao vẫn đam mê sáng tác. Có bác là bác sĩ Quân y và một số anh chị đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi đặc biệt ấn tượng khi nghe thầy chủ nhiệm giới thiệu về lớp trưởng Nguyễn Khánh Toàn sinh năm 1967 là Trung tá Công an, nhiệm vụ nặng nề nhưng vẫn dành thời gian cho nghệ thuật. Tôi đã rơi nước mắt khi nhìn thấy một người khuyết tật. Một chân anh bị teo lại nên phải chống nạng đến lớp mỗi ngày. Anh vốn là sinh viên khoa văn đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng vì bị tật nguyền nên không nơi nào nhận vào làm việc, chính Văn chương nghệ thuật đã cho anh niềm tin, nghị lực để sống và viết.
Ở đây, tôi gặp những người chiến sĩ già đi học với mong muốn viết được những bài thơ giãi bày nỗi nhớ thương với những đồng đội đã hy sinh.
Trong lớp còn có hai cha con nhà thơ Nguyễn Hưng Hải (Hội viên hội Văn học Việt Nam) con gái anh là Nguyễn Hải Yến tài năng và xinh đẹp. Người cha muốn con gái sẽ đi theo con đường nghệ thuật của cha.
Nhìn những mái đầu phơ phơ bên những mái đầu lốm đốm bạc cùng những mái tóc còn xanh, tươi ngời sức trẻ, nghĩ về những tấm gương đam mê sáng tạo, tôi thấu hiểu hơn sức mạnh chinh phục kì diệu của văn chương nghệ thuật tôi thấy mình may mắn biết bao và cũng còn nhỏ bé biết bao!
Mỗi buổi học, chúng tôi lại được nghe những giáo sư, những nhà văn nhà thơ tên tuổi của cả nước giảng bài. Các thầy trao đổi về kinh nghiệm sáng tác của bản thân. Trao đổi về những điểm được và chưa được trong các sáng tác của học viên.
Mỗi buổi học, tôi lại tiếp nhận được thêm bao điều quý giá. Mỗi thầy một cách giảng.
Nhà thơ Trần Quang Quý trẻ trung, dí dỏm, nhà thơ Trần Đăng Khoa hồn hậu mà sâu sắc, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thì chất chiến sĩ vẫn ấm nồng trong mỗi trang thơ. Nhà thơ Trần Ninh Hồ bình thản, hài hước mà thấm mà sâu. Nhưng xúc động nhất đối với tôi là bài giảng của nhà thơ Vũ Quần Phương. Ông là người tôi ngưỡng mộ từ lâu với những bài thơ tuyệt hay in trong sách giáo khoa lớp 7 và lớp 9. Ông vốn là bác sĩ nhưng lại gắn bó với nghệ thuật. Ông là bố của nhà Toán học lừng danh thế giới: Vũ Hà Văn. Dù đã ở tuổi 80 nhưng nhà thơ vẫn toát lên vẻ đẹp, hiền hậu, sang trọng của một trí thức lớn - Một nhân cách lớn. Bài dạy của ông thật thú vị và sâu sắc. Buổi chiều ngày 9/7/2018, nhà thơ trả bài và nhận xét bài làm của học viên. Thật bất ngờ bài thơ “Chiều mưa không quên” viết về bố của tôi được nhà thơ dành cho những lời nhận xét thật tuyệt vời” bài thơ chân thật, xúc động, biết gạt bỏ những chi tiết thừa, bài có hình có vóc…” Ông gọi tôi lên sân khấu đọc bài thơ. Từ xưa đến nay, tôi đọc biết bao bài thơ của người khác nhưng chưa bao giờ tôi tự đọc thơ của mình trước đông người. Bài thơ này là nỗi lòng nhớ thương day dứt, nó làm tôi nghẹn ngào xót xa vô cùng hơn khi bố tôi đã đi xa, nên dù đã cố kìm lòng, tôi vẫn đọc trong nỗi nghẹn ngào thổn thức - Nhà thơ Vũ Quần Phương đã khóc. Ông cứ lấy tay chùi nước mắt. Mái tóc ông đã bạc phơ. Nhìn nhà thơ trong giây phút ấy, tự dưng tôi thấy có bóng dáng của cha mình. Phía dưới hội trường cũng nhiều người lau nước mắt. Khi tôi trả lời những câu hỏi của nhà thơ về tác phẩm; ông khe khẽ gật đầu vẻ hài lòng khi biết tập thơ của tôi đã được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Với tôi, sự quan tâm và giọt nước mắt xúc động của nhà thơ lớn và của những đồng môn dành cho tác phẩm bé nhỏ của mình quả là một phần thưởng là bằng khen vô giá cho tôi. Tình cảm và niềm tin của mọi người đã làm cho cảm hứng sáng tạo từ lâu chỉ là ngọn lửa âm ỉ giờ đây được thổi cháy bừng lên. Tôi lại say mê viết. Trong một thời gian ngắn, tôi đã viết liên tiếp những bài cảm nhận cho các tập thơ: “Mùa đợi” của Nguyễn Thúy Hằng, “Giọt nắng vô thường” của Trần Huyền Tâm với tốc độ nhanh mà trước đây tôi chưa từng làm được. Bài viết đã nhận được rất nhiều sự đón nhận tích cực của người đọc.
Cảm ơn đồng chí Lê Văn Quang Chủ tịch cùng lãnh đạo hội Văn học Nghệ thuật Bình Phước đã trao cho tôi niềm tin và trách nhiệm. Cảm ơn những người thầy tài năng và tâm huyết. Cảm ơn những bạn bầu từ thuở ấu thơ và cả những người vừa quen biết…
Với tôi; mùa hè năm 2018 thật sự là một mùa hè rực rỡ. Rực rỡ của nhận thức, tình yêu nghệ thuật, tình yêu cuộc sống con người. Rực rỡ của khát vọng sáng tạo lại được khơi nguồn cháy sáng.
Ngày 28/6 - 19/7/2018
Bùi Thị Biên Linh